Cần thiết đổi mới hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

Theo Hà Nội mới

Sau 20 năm hoạt động, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) phát triển và khai thác được nguồn vốn tại chỗ, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động của mô hình này hiện đang gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách như thuế, lãi suất, môi trường cạnh tranh… trong quá trình phát triển.

 Cần thiết đổi mới hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân
Người dân đến giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân Quang Trung (Hà Đông). Nguồn: Hanoimoi.com.vn
Khó vì quy định địa bàn

Ông Nguyễn Tiến Huấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, QTDND có quy mô hoạt động nhỏ, hiệu quả kinh doanh không cao, dễ bị tổn thương khi bị khách hàng rút tiền trước thời hạn với số lượng lớn.

Bên cạnh đó, giá trị các món vay nhỏ, đối tượng cho vay chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình, kỳ hạn vay hầu hết là ngắn hạn nên các tiêu chí quy định về cho vay, sử dụng vốn vay đều thấp hơn các ngân hàng thương mại. Khả năng huy động vốn của các QTDND luôn khó khăn hơn các tổ chức tín dụng do tiềm lực tài chính nhỏ, các phương thức, sản phẩm huy động đơn sơ, kém hấp dẫn.

Tại hội thảo "Hoàn thiện và phát triển QTDND" tổ chức mới đây, nhiều đại biểu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước không nên quy định tỷ lệ huy động vốn ngoài địa bàn, ngoài thành viên với QTDND hoặc nếu có quy định thì chỉ nên quy định tỷ lệ từ 20% đến 30% vốn huy động ngoài địa bàn hoạt động, không nên quy định tỷ lệ huy động vốn ngoài thành viên. QTDND đã có thời gian hoạt động tại các địa bàn mở rộng gần chục năm, đã xây dựng được mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân và thành viên trên địa bàn đó. Nếu giờ đây thực hiện xây dựng lộ trình ngừng hoạt động của QTDND trên địa bàn mở rộng liệu có gây hậu quả cho hoạt động của QTDND không? Dư luận nhân dân sẽ đặt câu hỏi như thế nào? Các thành viên vay đang dư nợ liệu có phát sinh tư tưởng chây ỳ trả nợ không?...

Giám đốc QTDND Mỹ Bình (Long Xuyên, An Giang) Huỳnh Thị Ri cho rằng: "Hiện tại, địa bàn hoạt động của hệ thống QTDND đã có nhiều tổ chức tín dụng tham gia cho vay, do vậy mức độ cạnh tranh gay gắt, thị phần tín dụng của QTDND không tăng trưởng được, thậm chí có thể bị thu hẹp". Bà Ri cho rằng, giới hạn địa bàn hoạt động của hệ thống QTDND là một thách thức đối với hoạt động của mô hình này. "Cần xóa bỏ giới hạn địa bàn hoạt động của QTDND miễn sao đáp ứng được những quy định về chỉ số an toàn vốn, khả năng chi trả, giới hạn tín dụng và phù hợp với trình độ quản lý của quỹ tín dụng cơ sở và khả năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước".

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại quy định chia cổ tức cho thành viên góp vốn. Cụ thể, lợi nhuận của QTDND sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ đúng theo quy định, phần lợi nhuận còn lại QTDND được quyết định sử dụng vào các mục tiêu cụ thể của quỹ, không nên quy định là mức chia cổ tức bằng với mức lãi suất cho vay bình quân tại QTDND như hiện nay.

Vướng về lãi suất

Theo đại diện các QTDND, hiện nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục mở chi nhánh, phòng giao dịch, phát triển quy mô, mở rộng địa bàn hoạt động, do đó, hệ thống QTDND cần có cơ chế ưu đãi của Nhà nước về chính sách lãi suất để có thể cạnh tranh tồn tại và phát triển. Theo quy định hiện nay, lãi suất huy động được phép của hệ thống QTDND dưới 12 tháng tối đa là 8%/năm, trong khi của NHTM là 7,5%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên trong đó có nông nghiệp nông thôn của hệ thống QTDND là 11%/năm và NHTM là 10%/năm.

Đại biểu các quỹ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho hệ thống QTDND được cơ chế lãi suất ưu đãi và chênh lệch biên độ rộng hơn, cụ thể là 3% thay vì 0,5% như hiện nay thì QTDND mới có điều kiện trang trải chi phí huy động và cho vay ở địa bàn nông thôn với đặc thù món vay nhỏ lẻ, nhiều rủi ro.

Đại diện các QTDND cũng kiến nghị các cơ quan pháp luật có biện pháp hỗ trợ QTDND thu hồi nợ khi khách hàng vay vi phạm hợp đồng tín dụng; chuyển đổi QTDND trung ương thành ngân hàng hợp tác xã, hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng và quy định pháp luật liên quan; mở rộng mạng lưới chi nhánh đến các địa phương có nhiều QTDND để tăng khả năng tiếp cận, hỗ trợ và chăm sóc các quỹ cơ sở.

Ngoài ra, để QTDND hoạt động hiệu quả, cần sớm ban hành các quy định cụ thể về hoạt động của QTDND trong điều kiện mới phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu hệ thống. Những vấn đề cụ thể như điều kiện thành lập, quy chế hoạt động; vấn đề sở hữu và quản trị theo nguyên tắc hợp tác xã; các tiêu chuẩn quản lý rủi ro và quản trị hoạt động; tiêu chuẩn cán bộ; vấn đề giải thể, sáp nhập các QTDND; rà soát, sửa đổi mức vốn điều lệ, mức vốn xác lập tư cách thành viên… của QTDND cần sớm được sửa đổi phù hợp với thực tiễn.