Đào tạo nhân lực cho lĩnh vực điện hạt nhân:

Cần thiết phải xây dựng một trung tâm quốc gia

PV.

(Tài chính) Phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định đối với thành công của chương trình điện hạt nhân. Do đó, trong tương lai, Việt Nam nên tính tới phương án xây dựng một trung tâm quốc gia, với nhiệm vụ duy nhất là đào tạo nhóm các nhà khoa học và kỹ sư phục vụ lâu dài cho chương trình điện hạt nhân.

Dự kiến, đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 4.355 người cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử; trong đó, riêng lĩnh vực hạt nhân là 2.850 người. Khi hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận bước vào giai đoạn hoàn thành thì đây là nơi thu hút hầu hết đội ngũ chuyên môn về năng lượng nguyên tử của Việt Nam. Nhằm đáp ứng đủ nhu cầu, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm nhiều ngành đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân lực về quản lý và vận hành các nhà máy.

“Nguồn nhân lực sẽ quyết định mọi thứ”, nhấn mạnh điều này, ông Lê Doãn Phác, Chuyên viên cao cấp Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho rằng, có nguồn nhân lực tốt thì dự án mới thực sự hiệu quả. Chúng ta phải chủ động được nguồn nhân lực vì thuê rất tốt kém mà cũng không khó đủ nguồn cung. Một nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi số lượng nhân viên hơn ba lần so với một nhà máy nhiệt điện sử dụng than với cùng công suất. Điện hạt nhân có hiệu suất cao nhất khi vận hành đúng cách, nhu cầu về xây dựng năng lực lớn nhất và tiềm tàng nguy cơ tạo ra thảm họa lớn nhất nếu không xử lý đúng cách…

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cho đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực điện hạt nhân của Việt Nam lại chỉ có 6 trường đại học và một viện nghiên cứu chuyên ngành được phép đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân là Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực, Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Việc đào tạo lại được chia ra nhiều nhánh. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổng thể cho phát triển nguồn nhân lực. Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân. Bộ Khoa học và Công nghệ lo đào tạo cho các chuyên gia thuộc cơ quan quản lý, cơ quan pháp quy, cơ quan hỗ trợ kỹ thuật cũng như nghiên cứu triển khai. Nếu các nhánh đào tạo không có sự phối hợp sẽ dẫn tới chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả…

Hơn nữa, khi chưa có dự án điện hạt nhân, sinh viên chuyên ngành điện hạt nhân sau khi ra trường ít có cơ hội làm đúng chuyên môn. Trong khi, chế độ, lương, thưởng, phụ cấp ưu đãi đối với người làm trong lĩnh vực điện hạt nhân hiện còn thấp, cho nên trong thực tế, rất hiếm sinh viên hào hứng với ngành học này. Theo Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành: Người làm việc thường xuyên, trực tiếp với nguồn bức xạ được hưởng mức phụ cấp 70%; mức phụ cấp 50% áp dụng đối với người làm việc hành chính, phục vụ trực tiếp tại các cơ sở có nguy cơ nhiễm xạ… Với mức lương trung bình từ 3 - 5 triệu như vậy thì sẽ rất khó thu hút nhân tài về làm việc trong lĩnh vực này.

Được biết, để chủ động nguồn nhân lực cho các dự án điện hạt nhân, từ năm 2006 - 2009, Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã gửi 30 học sinh đi học ở nước ngoài. Hiện nay đã có 9 em làm việc tại Ban quản lý dự án, số còn lại đang học ở Nga và Pháp. Từ năm 2010 - 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa 258 em vào học ngành điện hạt nhân và đã có 161 em ký cam kết làm việc với Ban quản lý cũng như làm việc trong nhà máy. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng đã cử nhiều cán bộ, chuyên gia đi học các khoá đào tạo ngắn hạn ở Nga và Nhật Bản để phục vụ cho nhà máy sau này… Tuy nhiên, những con số chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu trong phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong tương lai.

Trong hoàn cảnh vừa thiếu vừa yếu về nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân như hiện nay, việc đào tạo một chuyên gia có tri thức khoa học và am hiểu sâu sắc về lĩnh vực điện hạt nhân, có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành chuyên môn là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Chương trình điện hạt nhân của một quốc gia chỉ thực sự thành công khi có một chuyên gia với trình độ chuyên môn cao lãnh đạo, quản lý. Đây phải là người thấy được sự cần thiết của chương trình điện hạt nhân, tầm quan trọng của từng cấu phần dự án, gồm các khía cạnh khoa học, kỹ thuật, quản trị và tài chính; có tầm nhìn rộng về chính sách của đất nước trong các vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường và đặc biệt phải có ý thức cao về công tác thông tin để duy trì hình ảnh tích cực của chương trình điện hạt nhân tới công chúng.

Tuy nhiên, muốn xây dựng được đội ngũ chuyên gia giỏi, theo giới chuyên gia, Việt Nam cần phải triển khai đào tạo theo nhóm thay vì tách biệt từng cá nhân. Như vậy, có nghĩa là trong tương lai, Việt Nam nên tập trung xây dựng một trung tâm quốc gia với nhiệm vụ duy nhất là đào tạo nhóm các nhà khoa học và kỹ sư phục vụ cho chương trình điện hạt nhân. Học viên cần được học tập liên tục và thường xuyên phối hợp hoạt động, trao đổi kinh nghiệm. Theo đó, bước đầu tiên là phải tuyển các học viên để đào tạo triệt để dài hạn trong nước nhiều năm liên tục, khi đã vững về kiến thức thì việc sang học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài mới đạt hiệu quả. Trung tâm cần theo dõi sát sao tiến trình học tập của từng học viên khi học ở nước ngoài, thường xuyên tổ chức các bài giảng, hội thảo để họ có nhiều cơ hội tham gia thuyết trình, giảng dạy.

Theo lộ trình, trong năm 2015, Việt Nam sẽ bắt tay vào xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và đến năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng tổ máy đầu tiên với công suất 1.000 MW, sau đó sẽ lần lượt đưa vào sử dụng các tổ máy tiếp theo. Kinh phí đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân chiếm khoảng từ 2-5% tổng kinh phí của một dự án điện hạt nhân. Việc đầu tư kinh phí cho đào tạo nhân lực kỹ thuật hạt nhân, đặc biệt là đào tạo cơ bản là rất quan trọng.