Cần tiếp tục nâng cao nhận thức của nhà đầu tư đối với các sản phẩm quỹ mới

Theo Tạp chí Chứng khoán 1+2/2017

Làm thế nào để ngành Quản lý quỹ Việt Nam ngày càng phát triển và các loại hình quỹ mới ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư? Câu hỏi này luôn là nỗi trăn trở của Lãnh đạo các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) vào mỗi dịp tổng kết chia tay năm cũ để chào đón một năm mới đang tới. Trước thềm Xuân Đinh Dậu, Tạp chí Chứng khoán xin chia sẻ ý kiến, cảm nghĩ của ông Trần Thanh Tân, Tổng Giám đốc CTQLQ Đầu tư Việt Nam (VFM) và bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng Giám đốc CTQLQ SSI (SSIAM) về những điều chưa làm được và cả những dự định trong kế hoạch hoạt động của CTQLQ trong năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Phóng viên: Ông/bà đánh giá như thế nào về hoạt động của ngành Quản lý quỹ Việt Nam trong thời gian vừa qua?

Ông Trần Thanh Tân: Trong thời gian qua, sau khi trải qua thăng trầm của giai đoạn 2012 - 2014, ngành Quản lý quỹ đã có những hoạt động khởi sắc hơn khi có thêm quỹ mới ra đời. Con số đã tăng từ 17 quỹ (năm 2012) lên 30 quỹ (năm 2016), trong đó có 2 quỹ hoán đổi danh mục (ETF), 1 quỹ bất động sản (BĐS), 18 quỹ mở, 8 quỹ thành viên và 1 quỹ đóng. Đặc biệt, năm 2016 cũng là năm đầu tiên ngành Quản lý quỹ Việt Nam có quỹ ETF nội địa (ETFVFMVN30) do VFM thành lập và quản lý được chọn làm tài sản cơ sở cho một quỹ ETF niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Hàn Quốc có tên gọi KIM KINDEX VietnamVN30 ETF, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc. Nhìn chung, tôi cho rằng ngành Quản lý quỹ trong thời gian vừa qua đã có nhiều biến chuyển rất tích cực.

Bà Lê Thị Lệ Hằng: Năm 2016, chúng tôi thấy có nhiều điểm sáng trong ngành Quản lý quỹ. Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tổng tài sản quản lý của ngành Quản lý quỹ đạt 146.000 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cuối năm 2015. Thị trường có nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư như quỹ mở, quỹ đóng, quỹ ETF, quỹ BĐS.

Năm nay, các quỹ mở tiếp tục đạt được kết quả hoạt động tốt. Tính đến cuối tháng 11/2016, có 7/12 quỹ mở cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận cao hơn VN Index (14,9%), trong đó có quỹ đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20% (quỹ SSI-SCA), tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào quỹ mở. Quy mô của các quỹ tăng trưởng đáng khích lệ. Có quỹ mở đã đạt tốc độ tăng trưởng quy mô trên 50% so với đầu năm. Kênh phân phối quỹ mở qua ngân hàng cũng có diễn biến tích cực. Nếu như năm 2015, các ngân hàng chưa tham gia phân phối thì năm 2016 đã có một vài ngân hàng kết hợp với CTQLQ để triển khai thí điểm việc phân phối sản phẩm này.

Về huy động vốn nước ngoài, một số CTQLQ nội địa (trong đó có SSIAM) đã huy động được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đầu tư vào TTCK Việt Nam, chứng tỏ nội lực mạnh mẽ của các CTQLQ nội địa trong việc cạnh tranh thu hút vốn với các CTQLQ nước ngoài.

Được biết các CTQLQ nội địa luôn gặp khó khăn trong việc huy động vốn ĐTNN. Vậy, theo ông/bà, cơ quan quản lý và bản thân các CTQLQ cần có những nỗ lực như thế nào để việc huy động vốn ĐTNN ngày càng tiến triển tốt hơn?

Ông Trần Thanh Tân: Để huy động vốn ĐTNN thành công, hay nói cách khác là làm cho thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà ĐTNN đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ phía cơ quan quản lý và chính bản thân các quỹ. Xét về mặt nội tại thị trường, chúng ta chưa đủ tính hấp dẫn ngay cả ở tầm khu vực do quy mô thị trường còn nhỏ bé về mặt thanh khoản, hàng hóa giao dịch còn hạn chế, và tính minh bạch vẫn còn là vấn đề cần cải thiện nhiều.

Trong năm 2016, tôi cũng nhận thấy cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực để tạo điều kiện cho các quỹ nội địa phát triển như: ban hành Thông tư 15/2016/TT-BTC tạo sân chơi rộng hơn cho quỹ mở, đưa chương trình bổ sung hưu trí tự nguyện vào hoạt động từ tháng 7/20162 và tổ chức nhiều hoạt động quảng bá TTCK Việt Nam ra nước ngoài. Đây là những tín hiệu đáng mừng để hy vọng vào sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với các CTQLQ nội địa, việc huy động vốn nước ngoài đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn cho công tác quảng bá, xây dựng sản phẩm và mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm quỹ tại nước ngoài. Thị trường Việt Nam tuy còn nhỏ và sơ khai nhưng vẫn có điểm hấp dẫn riêng nên CTQLQ cần nhanh nhạy hơn trong việc tìm hiểu nhu cầu của nhà ĐTNN để quảng bá sản phẩm quỹ phù hợp. Đây cũng là kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra được sau một năm tích cực hoạt động và thu hút được một lượng vốn ĐTNN khá lớn thông qua những quỹ của VFM, đặc biệt là quỹ ETF VFMVN30.

Bà Lê Thị Lệ Hằng: Tôi cho rằng các cơ quan quản lý đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tạo điều kiện cho các CTQLQ nội địa huy động vốn nước ngoài. Phần còn lại là nỗ lực của bản thân CTQLQ trong việc tìm kiếm nhà ĐTNN và chứng tỏ được là mình có đủ năng lực để quản lý nguồn vốn của họ.

Đối với SSIAM, trên cơ sở các biên bản ghi nhớ (MoU) mà UBCKNN đã ký kết với phần lớn các cơ quan quản lý TTCK thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) như: Anh, Thụy Điển, Italia, Pháp…, chúng tôi đã tiếp cận được các nhà đầu tư ở các thị trường này. Cuối năm 2015, chúng tôi huy động thành công quỹ Andbanc Investments SIF- Vietnam Value and Income Portfolio từ các nhà đầu tư tổ chức châu Âu.

Hiện nay quy mô quỹ này đã đạt trên 50 triệu USD. Cuối năm 2016, chúng tôi tiếp tục huy động thành công quỹ SSIAM UCITS - Vietnam Value Income and Growth Fund, từ các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức cũng ở các thị trường trên, với mức vốn huy động ban đầu là 15 triệu USD. Triển vọng huy động thêm vốn cho 2 quỹ này trong thời gian tới của chúng tôi rất tích cực.

Qua thực tế tiếp cận với nhà ĐTNN trong 2 năm qua, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các CTQLQ nội địa có đủ năng lực để gọi vốn nước ngoài. Việc cần làm là các công ty phải xây dựng được đội ngũ đầu tư chuyên nghiệp, chứng tỏ được năng lực quản lý tài sản thông qua hiệu quả hoạt động của các quỹ/danh mục đang quản lý, quản trị rủi ro chặt chẽ, giảm thiểu xung đột lợi ích và tiếp cận được kênh phân phối hiệu quả.

Dự kiến chương trình hưu trí tự nguyện sẽ sớm được đưa vào hoạt động trong thời gian tới. Ông/bà có đề xuất gì để loại hình quỹ này khi chính thức đi vào hoạt động sẽ phát huy tốt tác dụng?

Ông Trần Thanh Tân: Việc đưa chương trình hưu trí tự nguyện vào hoạt động sẽ tạo điều kiện cho TTCK phát triển tốt hơn. Tôi cho rằng, bản thân các doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam cũng sẽ hào hứng đón nhận loại hình đầu tư này, nhất là khi thu nhập toàn xã hội đã tăng lên rất nhiều so với trước kia.

Tuy nhiên, vì đây là loại hình rất mới ở Việt Nam, cho phép khối ngoài quốc doanh cùng tham gia nên cần phải có những ưu đãi đặc biệt hơn về thuế thu nhập để đủ sức hấp dẫn và duy trì tính bền vững của chương trình hưu trí. Tôi cho rằng mức ưu đãi khi tính thuế được đề nghị hiện nay cho cả doanh nghiệp và người lao động chỉ có 1 triệu đồng là chưa đủ hấp dẫn để thu hút được nhiều doanh nghiệp và người lao động tham gia, nhất là thời gian đầu ra mắt chương trình hưu trí.

Bà Lê Thị Lệ Hằng: Chúng tôi rất vui mừng vì Chính phủ và các cơ quan quản lý đã quan tâm chỉ đạo và ban hành quy định pháp lý cho quỹ hưu trí tự nguyện. Là nhà đầu tư tổ chức lớn, quỹ hưu trí tự nguyện có vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn cầu ổn định cho TTCK, nhất là trong bối cảnh có tới 70 - 80% giao dịch trên thị trường hiện nay đến từ các nhà đầu tư cá nhân.

Để quỹ hưu trí tự nguyện có thể mang lại hiệu quả thực sự, theo chúng tôi có 3 yếu tố:

Một là, ưu đãi thuế. Đây là yếu tố mang tính quyết định nhất cho sự thành công của cả chương trình. Kinh nghiệm ở các thị trường quốc tế cho thấy, để một sản phẩm mới thành công thì ưu đãi từ Chính phủ là rất quan trọng, và ưu đãi phải ở mức thúc đẩy được sự tham gia của nhiều người. Hiện nay, ưu đãi thuế cho phần đóng góp vào quỹ hưu trí mới ở mức 1 triệu đồng/người/tháng chưa tạo được sức hấp dẫn cho quỹ. Trong kỳ họp Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016 vừa qua, Nhóm công tác thị trường vốn đã chính thức đề xuất ý kiến tăng mức ưu đãi thuế lên 3 triệu đồng/người/tháng, Bộ Tài chính cũng đã ghi nhận ý kiến này để xem xét. Chúng tôi rất hy vọng đề xuất này được thông qua.

Hai là, nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho quỹ hưu trí. Theo đó, Bộ Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần đẩy nhanh tiến độ ban hành thông tư hướng dẫn để quỹ hưu trí có thể triển khai.

Ba là, giải quyết vấn đề nhà cung cấp dịch vụ cho quỹ. Theo quy định, cần có đơn vị cung cấp dịch vụ quản trị tài khoản cá nhân cho quỹ hưu trí, nhưng hiện nay trên thị trường chưa có đơn vị nào cung cấp dịch vụ này. Ngoài ra, hiện tại cũng chỉ có 1 đến 2 ngân hàng cung cấp dịch vụ giám sát và quản trị quỹ, trong khi có rất nhiều quỹ đang hoạt động nên ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp cũng như đẩy chi phí dịch vụ lên cao.

Ông/bà nhận định như thế nào về triển vọng của ngành Quản lý quỹ Việt Nam trong thời gian tới và có kiến nghị, đề xuất gì với cơ quan quản lý để ngành Quản lý quỹ Việt Nam ngày càng phát triển?

Ông Trần Thanh Tân: Năm 2017 sẽ là một năm có nhiều biến đổi và thử thách cho nền tài chính thế giới nói chung và thị trường tài chính Việt Nam nói riêng liên quan đến chính sách chính trị của các đầu tàu kinh tế thế giới.

Do đó, việc cạnh tranh đối với ngành Quản lý quỹ cũng rất quyết liệt, thị phần quản lý quỹ sẽ chỉ tập trung vào nhóm nhỏ công ty và sản phẩm quỹ đầu tư sẽ hướng đến đại chúng người dân nhiều hơn nữa. Khi đó, những nhà đầu tư lớn trên thị trường sẽ là các quỹ đầu tư. Vì vậy, tôi mong rằng cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện nhiều hơn nữa trong việc đào tạo và phổ biến sản phẩm quỹ cho người dân, thực hiện những cải tiến về mặt chính sách để gia tăng sự phát triển của TTCK và tập trung nâng cao tính minh bạch để đảm bảo niềm tin cho ngành Quản lý quỹ phát triển.

Bà Lê Thị Lệ Hằng: Trước hết, phải nói rằng Việt Nam hiện tại là thị trường rất hấp dẫn để đầu tư. Việt Nam có nền chính trị ổn định và nền kinh tế theo xu hướng thị trường. Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và có quy mô dân số lớn thứ 15 với 50% dân số dưới 30 tuổi.

Riêng đối với nhà ĐTNN, Việt Nam còn mang đến cơ hội đa đạng hóa danh mục đầu tư do TTCK Việt Nam có độ tương quan rất thấp so với chỉ số MSCI Asia ex Japan Index, trái ngược với các quỹ đầu tư vào châu Á phổ biến khác. Do đó, đầu tư vào Việt Nam có thể tăng tỷ suất lợi nhuận cho danh mục đầu tư của họ.

Trong khu vực ASEAN, định giá của TTCK Việt Nam cũng tương đối thấp. Chỉ số giá cổ phiếu trên thu nhập (P/E), chỉ số giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách (P/B) toàn thị trường chỉ bằng khoảng ½ so với Indonesia, Philippines và Thái Lan. Lợi tức khá cao so với trung bình các thị trường châu Á, khoảng 4%. Những yếu tố trên khiến Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư giá trị.

Nguồn tiền nhàn rỗi trong nước còn rất dồi dào, nhưng chủ yếu vẫn ở kênh ngân hàng. Tổng số dư tiền gửi ngân hàng vào cuối tháng 10/2016 là 5,8 triệu tỷ đồng, gấp 1,3 lần tổng GDP. Trong khi đó, quy mô TTCK Việt Nam mới chỉ khoảng 43,2% GDP.

Như vậy có thể thấy cơ hội đầu tư là hiện hữu và nguồn tiền thì dồi dào. Vấn đề còn lại ở đây chính là sự kết nối giữa nguồn vốn đó và cơ hội đầu tư. Chúng tôi nhận thấy có 2 việc lớn cần làm:

Thứ nhất, cần phải nâng cao nhận thức của người dân trong nước. Rất nhiều người không sử dụng kênh đầu tư nào khác ngoài gửi tiền vào ngân hàng, trong khi lãi suất ngân hàng thấp và có những năm không đủ bù lạm phát. Một số người thậm chí còn nghi ngờ quỹ mở là bán hàng đa cấp khi tăng trưởng lợi nhuận của nhiều quỹ mở trong năm qua đạt đến 2 con số.

Chúng tôi cho rằng cần thực hiện nhiều hơn các khóa đào tạo về đầu tư, lợi ích của việc lựa chọn đúng kênh đầu tư phù hợp, bắt đầu từ các trường đại học và có thể sớm hơn ở các trường phổ thông. TTCK Việt Nam ngày càng lớn với rất nhiều cổ phiếu và sản phẩm đầu tư ngày càng đa dạng.

Với hạn chế về thời gian và khả năng tiếp cận doanh nghiệp, thông tin, nhà đầu tư cá nhân sẽ khó theo dõi biến động cổ phiếu cũng như có phản ứng kịp thời trước những biến động của thị trường. Khi đó, đầu tư vào các quỹ đầu tư được quản lý bởi các CTQLQ chuyên nghiệp sẽ là lựa chọn tốt hơn so với việc tự đầu tư.

Thứ hai, song song với việc nâng cao nhận thức đầu tư, việc phát triển kênh phân phối cũng không kém quan trọng để mọi người có thể tiếp cận các quỹ đầu tư một cách nhanh chóng và thuận tiện. Hiện nay, mới chỉ có một số ngân hàng tham gia phân phối quỹ mở trong khi đây phải là kênh phân phối chủ lực của ngành Quản lý quỹ.

Khi giải quyết được 2 vấn đề trên, chúng tôi tin rằng ngành Quản lý quỹ Việt Nam sẽ có tăng trưởng vượt bậc.

Xin trân trọng cảm ơn ông/bà!