Cẩn trọng với “vòng luẩn quẩn” cho vay

Theo Đầu tư Chứng khoán

Hiếm khi các ngân hàng lại đưa ra khái niệm “tiền ế”, nhưng đó là thực tế hiện nay. Một chính sách tiếp cận khách hàng, đảm bảo sự an toàn là vấn đề được các CEO ngân hàng mất nhiều thời gian suy nghĩ nhất. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank về chủ đề này.

Khi nhận được số liệu tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2013 gần như bằng không, ông có suy nghĩ như thế nào?

Cẩn trọng với “vòng luẩn quẩn” cho vay - Ảnh 1
Ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank
Dư nợ trong của hệ thống ngân hàng năm 2012 tăng ở mức rất thấp và trong 2 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng dư nợ của nhiều ngân hàng đều bị âm. Tình hình cho vay chỉ mới chuyển động trong tháng 3, thể hiện ở việc một số ngân hàng đã có mức tăng khoảng 0,3 - 0,5%. Điều đó nói lên rằng các ngân hàng đang đứng trước một bài toán khó, rất nan giải. Cụ thể, một mặt phải tiếp tục huy động vốn vào, mặt khác phải giải quyết vốn ra cho nền kinh tế cũng đang gặp khó khăn.

Thực tế, từ tháng 7/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chủ trương hạ lãi suất xuống còn 15%/năm và trong thời gian gần một năm qua, lãi suất đã được điều chỉnh giảm nhiều lần. Tuy nhiều ý kiến vẫn cho rằng lãi suất hiện vẫn rất cao nhưng thực tế, tính bình quân lãi suất cho vay ra của hệ thống ngân hàng hiện cũng chỉ còn ở mức 11 - 12%/năm vì rất nhiều ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho nhiều doanh nghiệp cũng như cá nhân người vay tiền. Hiện có khá nhiều chương trình cho vay ưu đãi, nhiều gói sản phẩm cho vay chỉ với lãi suất 8 - 10%/năm, tức là không hề cao, nhưng vẫn chưa đưa vốn ra được. Theo tôi, đầu ra cho nguồn vốn mới là vấn đề chứ không hoàn toàn do lãi suất cao hay thấp.

Ông có thể cho biết tình hình tín dụng hiện nay của Eximbank?

Năm 2012 tín dụng của chúng tôi chỉ tăng được 0,3%. Trong 2 tháng đầu năm, có lúc tín dụng của chúng tôi giảm đến 4 - 5% so với cuối năm ngoái, và cũng giống tình hình chung của cả hệ thống, đến cuối quý I/2013 dư nợ của Eximbank mới bù đắp được những suy giảm trong 2 tháng đầu năm. Tổng thể, tín dụng của Ngân hàng hầu như không tăng được bao nhiêu trong quý I vừa rồi.

Phải nói thẳng thắn rằng, để tăng được dư nợ dù là con số rất nhỏ nhưng cũng là một sự cố gắng hết sức của Eximbank. Trong 3 tháng đầu năm, Ngân hàng đã phải đưa ra rất nhiều chương trình tín dụng với lãi suất thậm chí chỉ từ 7 - 8%/năm. Trên thực tế, Eximbank vừa giải ngân được 8.000 tỷ đồng với lãi suất bình quân 8%/năm. Đây là mức lãi suất rất thấp bởi chi phí huy động vốn của các ngân hàng tại Việt Nam thực tế cao hơn 8%/năm nhiều do trong thời gian qua lãi suất huy động vẫn còn rất cao.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng nếu không giải ngân với lãi suất rất thấp và lựa chọn những khách hàng có khả năng hoàn trả thì ngân hàng lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn là nợ xấu lại tăng cao, phải trích lập dự phòng rủi ro đưa vào chi phí làm lợi nhuận của ngân hàng giảm mạnh và đây là điều không chỉ Eximbank mà tất cả các ngân hàng phải cân nhắc.

Có phải vì không cho vay được mà các ngân hàng đầu tư rất mạnh vào trái phiếu Chính phủ?

Mua trái phiếu Chính phủ cũng là một công cụ tốt, vấn đề là lãi suất bao nhiêu? Nếu lãi suất thấp quá, chắc chắn các ngân hàng phải xem xét để lựa chọn gửi vốn trên thị trường liên ngân hàng hay là cho vay ra và chấp nhận có rủi ro. Tôi vẫn suy nghĩ rằng nếu không cho vay ra được, lại phải cho vay nhau trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất 3 - 4%/năm thì mua trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hiện nay là một lựa chọn. Bởi sau này các ngân hàng nắm giữ trái phiếu có thể tiếp cận thị trường mở, có thể vay tái cấp vốn của NHNN để lấy vốn về kinh doanh.

Một vấn đề khác, hiện ngân hàng nói khó cho vay, nhưng rất nhiều doanh nghiệp lại cho rằng ngân hàng đang “làm khó”. Dường như đang có cái nhìn khác nhau về chuẩn mực cho vay?

Các chuẩn mực, nguyên tắc tín dụng là yếu tố quan trọng quyết định rủi ro của ngân hàng. Đừng vì những khó khăn tạm thời về đầu ra cho tín dụng, trong ngắn hạn, mà hạ tiêu chuẩn cho vay. Kinh nghiệm cho thấy, điều đó có nghĩa là nợ xấu sẽ ập đến và ngân hàng sẽ đối mặt với những vấn đề rất nguy hiểm.

Chúng tôi không đi theo con đường hạ thấp các chuẩn mực tín dụng mà đi sâu vào giúp cho doanh nghiệp, người vay tiền trong các ngành nghề cụ thể có thủ tục thuận tiện hơn khi vay vốn, với những phương án kinh doanh khả thi hơn. Còn thế chấp hay tín chấp, có tài sản đảm bảo hay không, không phải vấn đề quá quan trọng với tín dụng ngân hàng. Suy cho cùng, các ngân hàng phải tìm kiếm những dự án khả thi có khả năng sinh lời, có khả năng hoàn trả và chúng tôi đang kiên trì làm tín dụng theo cách như vậy thế.

Chúng ta đều biết, đối với nền kinh tế Việt Nam , người vay tiền không phải lúc nào, với ai, ở đâu cũng có tài sản đảm bảo đầy đủ. Chúng tôi cũng hiểu được điều này. Do vậy, công tác tín dụng theo tôi nghĩ phải tuân thủ nghiêm ngặt những chuẩn mực tín dụng.

Nhưng có một thực tế rằng, nguồn thu của các ngân hàng đang quá phụ thuộc vào tín dụng, dẫn đến tỷ lệ cho vay/huy động quá cao, dẫn đến những rủi ro. Nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng tỷ trọng nguồn thu từ dịch vụ để thay đổi tình hình, nhưng chưa được. Đây cũng là câu chuyện của Eximbank?

Tỷ lệ cho vay trên huy động vốn của chúng tôi khoảng 90%. Đương nhiên tỷ lệ này cao hơn mong muốn chuẩn của NHNN là dưới 80%. Tuy nhiên đặc thù về kết cấu tài sản nợ, kết cấu về nguồn vốn huy động của mỗi ngân hàng khác nhau có những thay đổi khác nhau. Ví dụ các ngân hàng có huy động vốn bằng vàng thì thời gian vừa qua NHNN yêu cầu phải tất toán huy động vàng cũng như những lượng vàng trước đây giữ hộ nay phải tất toán ra khỏi hạch toán nội bảng như vậy làm cho dòng vốn huy động giảm xuống. Thực tế, nếu tính toán đầy đủ các nguồn, kể cả VND, ngoại tệ cũng như vàng, thì tỷ lệ của chúng tôi chỉ xấp xỉ 80%.