Cần xây dựng mô hình cảnh báo rủi ro với hoạt động ngân hàng

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Cùng với quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng mở cửa, hoạt động ngân hàng của nước ta đã từng bước đổi mới và phát triển phù hợp với định hướng tự do hóa tài chính, hướng tới hội nhập toàn diện với kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, những yếu kém và bất cập trong kỷ luật điều hành chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển và cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi phải xây dựng mô hình cảnh báo rủi ro với hoạt động ngân hàng theo phương thức cảnh báo sớm, để ngăn chặn nguy cơ với nền kinh tế.

Cần xây dựng mô hình cảnh báo rủi ro với hoạt động ngân hàng
Xây dựng mô hình cảnh báo rủi ro với hoạt động ngân hàng theo phương thức cảnh báo sớm, để ngăn chặn nguy cơ với nền kinh tế. Nguồn: internet

Trong tiến trình vận hành của nền kinh tế nước ta từ khi đổi mới, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô luôn là một trong những tiêu chí quan trọng vì đó là điều kiện tiên quyết để ổn định xã hội. Ổn định xã hội sẽ giúp nhà sản xuất, kinh doanh mạnh dạn đưa ra quyết định đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để ổn định kinh tế vĩ mô, thì nhiệm vụ xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ song hành hài hòa với chính sách tài khóa là hết sức quan trọng. Trong đó, chính sách tiền tệ là các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước để làm thay đổi cung tiền và tỷ lệ lãi suất, từ đó tác động đến tăng trưởng, lạm phát và giải quyết công ăn việc làm. Vì thế, chính sách tiền tệ luôn là yếu tố nhạy cảm, có tác động nhanh nhất đến đời sống kinh tế đất nước và là chìa khóa để ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong những năm gần đây, việc kinh tế thế giới khủng hoảng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước ta, nhiều doanh nghiệp phá sản, ngân hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng. Do đó, yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô càng cao hơn, chính sách tiền tệ càng cần đúng hướng, linh hoạt, chặt chẽ. Đặc biệt, đòi hỏi sự tuân thủ của các chủ thể tham gia hoạt động tín dụng, để các dòng tiền trong xã hội đi vào đúng nơi cần, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhưng có thể thấy, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực xác lập một kỷ luật điều hành mới thông qua việc triển khai mạnh mẽ việc giải phóng các kênh tín dụng, các chương trình tái cấu trúc, giải quyết nợ xấu, hoàn thiện cơ chế quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường... Các giải pháp nhằm tăng cường vai trò của thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường liên ngân hàng, cũng như điều hành lãi suất nhịp nhàng với điều kiện thị trường, có những bước đi thích hợp để từng bước giảm mặt bằng lãi suất đã hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Vì vậy, nền kinh tế dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ số lạm phát vẫn được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định. Giám đốc Học viện Ngân hàng Tô Ngọc Hưng nhận định, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo được Ngân hàng Nhà nước ban hành đã buộc các tổ chức phải tương tác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý, không thể tùy tiện xé rào như trước đây.  

Một nền kinh tế thị trường phát triển bền vững thì hệ thống ngân hàng luôn phải hoạt động an toàn, lành mạnh, với kỷ cương pháp luật được duy trì ở mức độ cao. Trong khi đó, một hệ thống ngân hàng được coi là an toàn nếu thực hiện hiệu quả các chức năng vốn có của mình, có khả năng hạn chế hoặc xử lý các rủi ro trước khi các rủi ro này đe dọa đến hệ thống. Mặt khác, thông thường, khi quá trình toàn cầu hóa và dòng chu chuyển vốn trên thị trường toàn cầu tăng lên, tự do hóa tài khoản vãng lai và tài khoản vốn không điều chỉnh kịp so với quá trình tự do hóa và cải cách ở các khu vực kinh tế khác, hoặc những sự yếu kém trong công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô không được khắc phục kịp thời, sẽ đặt nền kinh tế đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế và tiền tệ sâu sắc. Bởi vậy, đòi hỏi nước ta phải nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới để xây dựng công cụ cảnh báo rủi ro với hoạt động ngân hàng, cũng như các mô hình dự báo về nguy cơ khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tiền tệ. 

Trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ nước ta đang hội nhập vào khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, tác động lan truyền rủi ro khủng hoảng tiền tệ và ngân hàng từ các nước trong khu vực và trên thế giới tới Việt Nam là rất lớn. Tiến trình tái cơ cấu ngân hàng cũng tạo ra nhiều thay đổi, thậm chí biến động. Vì thế, bên cạnh việc tác động vào thị trường bằng các đòn bẩy kinh tế, thì cũng cần sử dụng các mệnh lệnh hành chính trong điều hành chính sách tiền tệ, cũng như xây dựng mô hình cảnh báo rủi ro khủng hoảng tiền tệ theo phương thức cảnh báo sớm.