Cảnh giác với bẫy "tự do hóa thương mại"

Theo ncseif.gov.vn

(Tài chính) Hội nhập kinh tế quốc tế khiến Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc về giá, suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính... từ bên ngoài, rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô có thể tăng. Việt Nam có nguy cơ rơi vào "bẫy tự do hóa thương mại" đặc biệt là với Trung Quốc. Điều này đã được khẳng định bởi các chuyên gia kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tại buổi Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 vừa diễn ra vào ngày 29/5, tại Hà Nội.

Cảnh giác với bẫy "tự do hóa thương mại"
Việt Nam có nguy cơ rơi vào "bẫy tự do hóa thương mại" đặc biệt là với Trung Quốc. Nguồn: internet
Mô hình thương mại Việt - Trung mang đặc điểm rõ nét của quan hệ thương mại giữa hai nước có sự chênh lệch về trình độ phát triển, và Việt Nam nằm ở bậc thang thấp hơn. Lợi thế của hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn nằm tập trung vào các ngành có hàm lượng kỹ thuật thấp và các hàng hóa nông sản.

Tập trung mua nguyên liệu thô

Theo TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Quốc gia (VEPR), nếu quy mô thương mại hai chiều giữa hai nước được chia thành 3 phần thì Trung Quốc nhận được hai phần ba, còn Việt Nam một phần ba.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của VEPR cũng cho thấy, một nửa hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là hàng thô, sơ chế, trong khi nhập khẩu lại là hàng tinh chế (chiếm 85%). Đồng thời, các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cũng đang sử dụng phần lớn công nghệ, nguyên liệu của Trung Quốc để phục vụ sản xuất, lên tới 80%.

Một số quốc gia giàu tài nguyên hoặc có trình độ công nghiệp hóa thấp hơn Trung Quốc bị hấp dẫn bởi việc xuất khẩu tài nguyên, hàng hóa thô, sơ chế. Trong khi đó, Trung Quốc lại xuất khẩu thành phẩm có khả năng cạnh tranh rất tốt sang quốc gia xuất khẩu tài nguyên.

Hậu quả là sản xuất công nghiệp của quốc gia xuất khẩu tài nguyên bị thu hẹp, thậm chí không thể phát triển được do bị gắn chặt vào việc xuất khẩu tài nguyên và các hàng hóa có hàm lượng kĩ thuật thấp.

Về lâu dài, nền kinh tế sẽ mất khả năng cải thiện năng suất do sản xuất công nghiệp bị thui chột và thiếu đổi mới, sáng tạo”, TS. Phạm Sỹ Thành cảnh báo về cái bẫy của hiệu ứng giải công nghiệp hóa sớm, hay còn gọi là bẫy tự do hóa thương mại trong mối quan hệ Việt - Trung.

Xuất khẩu nông sản bấp bênh

Trong buôn bán tiểu ngạch, xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc thời gian vừa qua, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều phiên khốn đốn.

Gần đây nhất là sự việc xảy ra vào cuối tháng 3/2014, hàng nghìn xe tải chở dưa hấu, thanh long bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) do phía Trung Quốc không chấp nhận thông qua. Dưa hấu bị ùn ứ, hư hỏng tại ngay cửa khẩu, giá dưa bị đẩy xuống chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, tại nhiều tỉnh thành phía nam nơi trồng nhiều dưa hấu phải đổ bỏ cho trâu bò ăn.

Bên cạnh đó là hàng loạt những mặt hàng nông sản khác như xoài, ớt, cau... cũng được Trung Quốc từng thu mua với giá cao khiến nông dân ồ ạt trồng song đến mùa thu hoạch, phía thương lái Trung Quốc ngừng thu mua, khiến hàng tồn đọng lớn, giá bán giảm sâu không đủ để trả công thu hoạch, người nông dân chịu trăm bề thiệt hại.

Ngoài ra, một chiêu trò mà thương lái Trung Quốc đã tiến hành tại Việt Nam nhiều năm là việc ồ ạt thu mua những nông sản lạ không rõ mục đích với giá cao. Họ gom từ đỉa, lá dừa khô, rễ cây đến lá khoai lang... với giá cao bất thường, khiến người dân đổ xô đi bán nhưng một thời gian sau lại mất tích. Tình trạng này khiến Bộ Công Thương phải chính thức lên tiếng cảnh báo về các trường hợp lợi dụng thu mua để triệt cây, gây bất lợi cho thị trường.

Còn các chuyên gia phân tích, đằng sau những chiêu trò này, Trung Quốc đang âm mưu phá hoại nền kinh tế Việt Nam.

Cú sốc trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là cơ hội để Việt Nam nhìn nhận lại mình. Việt Nam cần phải chuyển hướng, thứ nhất là phải tăng cường khả năng sản xuất để tự cung ứng nguyên, vật liệu cho bản thân mình, thứ hai là tìm các đối tác có thương hiệu, chất lượng tốt hơn như các thành viên ở trong ASEAN hoặc các nước như Hàn Quốc, hiện nay đang có khả năng đầu vào khá tốt.