Cạnh tranh không lành mạnh của các ngân hàng Việt Nam: Nhận dạng và Đề xuất

TS. Nguyễn Đại Lai

Trong hoạt động ngân hàng ở nước ta, cạnh tranh không lành mạnh đã và đang diễn ra rất phức tạp, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng và quyền lợi của người tiêu dùng. Thực tế trên đòi hỏi cần phải nhận diện những hành vi này và có những giải pháp khắc phục kịp thời trong thời gian tới.

Cạnh tranh không lành mạnh của các ngân hàng Việt Nam: Nhận dạng và Đề xuất
Trong hoạt động ngân hàng ở nước ta, cạnh tranh không lành mạnh đã và đang diễn ra rất phức tạp

Nhận dạng cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng

Cạnh tranh lành mạnh trong ngành ngân hàng Việt Nam luôn được khuyến khích, nhờ đó đã góp phần trực tiếp tạo nên sự phát triển dịch vụ khá ngoạn mục trên mọi phương diện sau hơn 25 năm đổi mới, cụ thể: gia tăng loại hình sản phẩm, tiện ích; gia tăng và ngày càng không phân biệt thành phần khách hàng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; gia tăng và ngày càng không phân biệt thành phần sở hữu ngân hàng... Song trong khuôn khổ bài này, tác giả chỉ đi vào nhận dạng những bất cập và đề xuất giải pháp khắc phục. Với tinh thần đó, chúng ta thấy ngân hàng Việt Nam đang tồn tại khá nhiều bất cập trong cạnh tranh nội Ngành - cả về “sân chơi” về “người chơi” và về việc tổ chức “cuộc chơi”.

Nói đến “sân chơi”cho hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng là nói đến môi trường pháp lý cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật. Hiện nay, hầu như pháp luật ngân hàng ở nước ta không đề cập đủ rõ những hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm thực hiện, mà chỉ liệt kê một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh điển hình trong lĩnh vực ngân hàng, dưới một cách gọi khác là “hành vi cạnh tranh bất hợp pháp” (Luật các TCTD 1997) và/hoặc “giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lý vi phạm này” (Luật các TCTD 2010). Hiện tượng này tuy không cản trở việc áp dụng trực tiếp các quy định của Luật Cạnh tranh chung về những hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm, nhưng lại không nói rõ tính đặc thù của ngân hàng cần phải quy chiếu về luật chuyên ngành, trong khi đó, luật chuyên ngành lại “giao Chính phủ” quy định.

Thiếu tính cụ thể làm cho Luật phải chờ văn bản quy định cụ thể của cấp thực thi pháp luật! Nếu cứ làm theo quy trình ngược này thì không ít nội dung sẽ biến Luật thành “Luật ống”. Sự mập mờ đó có thể tạo nguyên cớ cho một số TCTD tìm cách liên kết với nhau thông qua hình thức “độc quyền nhóm” (mà thực tế đã có một cách tự nhiên và kể cả có tổ chức) để gây thiệt hại cho các TCTD khác.

Hiện nay, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam áp dụng cho lĩnh vực ngân hàng chủ yếu được điều chỉnh bằng 2 luật, gồm: Luật Cạnh tranh chung số 27/2004/QH11; và Luật các TCTD số 47/2010/QH12. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề cạnh tranh mang tính độc quyền đang tồn tại ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh của ngành ngân hàng. Trong đó, nổi cộm nhất là pháp lý đang ủng hộ các ngân hàng có sở hữu nhà nước và/hoặc Nhà nước sở hữu chi phối. Theo đó, những ngân hàng này hầu như được mặc nhiên giữ vai trò chủ đạo, chủ lực nhờ được cấp vốn từ ngân sách nhà nước, được ưu ái nơi đầu tư, được chỉ định tín dụng, ủy thác đầu tư và không bị hạn chế giới hạn sở hữu. Thuật ngữ “Nhà nước” được cụ thể hóa bởi những cá nhân đầy quyền năng, không một đồng vốn trong tay. Thậm chí, không ít người còn rất hạn chế kiến thức về ngân hàng, nhưng lại có quyền sử dụng mọi phương tiện sản xuất sẵn có của một ngân hàng để “kinh doanh” trong lĩnh vực ngân hàng – Lĩnh vực dùng vốn xã hội gián tiếp đầu tư vào nền kinh tế qua đối tượng do mình chọn lựa…

Về “người chơi”, các TCTD đang cạnh tranh trong tình trạng mật độ các điểm dịch vụ ngân hàng dày đặc do việc cho mở quá nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) có quy mô, sở hữu, năng lực khác nhau, nhưng sản phẩm, thị trường cạnh tranh giống nhau. Thực trạng này đã dẫn đến chính sách khách hàng không hợp lí, làm chi phí hoạt động và lãi suất huy động tăng, “miếng bánh” huy động bị dàn mỏng.

Hiện nay, toàn Ngành có: 1 hệ thống Ngân hàng Nhà nước (NHNN), gồm Hội sở chính với 63 chi nhánh ở 63 tỉnh, thành phố; Hệ thống TCTD có: 5 NHTM nhà nước; 37 NHTM cổ phần; 17 công ty tài chính; 13 công ty cho thuê tài chính; 1 Quỹ Tín dụng nhân dân TW (có khoảng 30 chi nhánh) và 1044 Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở; 47 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 5 ngân hàng liên doanh; 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 50 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài. Hệ thống trên có tới trên 10.000 chi nhánh và điểm dịch vụ ngân hàng. Tính ra mật độ bình quân lên tới 14,3 đơn vị dịch vụ ngân hàng trên một quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh (10.000/698) và tới 2 cán bộ ngân hàng/1000 dân ở mọi độ tuổi. Đây được cho là quá cao so với một quốc gia GDP chưa tới 150 tỷ USD/năm và chưa có nền công nghiệp ngân hàng hiện đại như nước ta.

Từ môi trường và “mật độ” như vậy, các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh rất đa dạng đã xuất hiện khá phổ biến. Điển hình như các hình thức: Quảng cáo đưa ra không đúng hoặc gây hiểu lầm về nguồn lực tài chính của TCTD này so với TCTD đối thủ khác, đưa ra những báo cáo kiểm toán gây hiểu lầm để thu hút người gửi tiền từ đối thủ cạnh tranh; Cung cấp các thông tin về vấn đề khó khăn của TCTD khác, đóng giả khách hàng đến gièm pha hoặc gây rối đối thủ cạnh tranh; Khoán lương, thưởng và thù lao đặc biệt cho cá nhân không dựa vào doanh thu chung, mà căn bản chỉ dựa trên mức huy động vốn...

Ngoài ra, nhìn vào “thực lực” năng lực của TCTD, có thể thấy: Năng lực tiếp cận nguồn tái cấp vốn hay thị trường mở (OMO) tại NHNN của các TCTD còn rất chênh lệch và không bị điều chỉnh bởi quy định bắt buộc nào về đặt cọc công cụ nợ; Hoạt động kiểm soát nội bộ yếu, thiếu tính độc lập; Các TCTD ra sức áp dụng công nghệ hiện đại, nhưng không đồng bộ trong hệ thống, gây trở ngại lớn cho quản lý và sử dụng các nghiệp vụ ngân hàng hiện đại; Mô hình tập đoàn tài chính và/hoặc mô hình NHTM nhỏ và vừa làm vệ tinh xung quanh NHTM trung tâm đã khá thành công ở các nước, nhưng vẫn chưa có ở Việt Nam.

Tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” trên cả thị trường 1 và thị trường 2 giữa các NHTM vẫn khá phổ biến. Trong khi việc đầu tư chéo giữa các TCTD, hình thành các công ty “sân sau” của các tập đoàn kinh tế hay ỷ vào các quyền lực lớn, dùng công ty con để làm cầu, biến NHTM thành “ngân hàng nhà mình” và thao túng các NHTM khác là những hiện tượng không hiếm…, thì văn hóa hợp tác cạnh tranh hay đồng tài trợ trong ngành lại rất yếu, thậm chí nghi kỵ và gây mất lòng tin với nhau ngay trong thị trường 2… Tình trạng trên thể hiện những bất cập cả về “sức khỏe”, năng lực quản trị kinh doanh lẫn văn hóa cạnh tranh khá phổ biến giữa các TCTD ở nước ta hiện nay.

Về tổ chức “cuộc chơi”, bất cập lớn nhất trong vai trò tổ chức cuộc chơi chính là NHNN đang đóng vai trò “Bộ chủ quản” và đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước tại các TCTD nhà nước/coi như Nhà nước… hơn là vai trò làm ngân hàng trung ương. Chính vì vậy, việc “cầm còi” với tư cách là trọng tài trên sân chơi rất khó có thể tròn vai. Thực tế, trên thị truờng dịch vụ ngân hàng hiện nay, chỉ bằng những quan sát thông thường cũng nhìn thấy rõ hiện tượng “trọng tài” có vấn đề. Việc cạnh tranh ở cả hai đầu của nhiều hoạt động kinh doanh của các TCTD phải diễn ra trong điều kiện bị chặn bằng các mệnh lệnh hành chính. Điển hình như: “trần” huy động, đối tượng ưu tiên, tín dụng chỉ định, các loại lãi suất chính sách, hạn mức tín dụng theo nhóm… khiến nguồn vốn và “cầu” tín dụng trong xã hội chỉ chảy về những ngân hàng sở hữu nhà nước hoặc Nhà nước nắm tỷ trọng vốn lớn.

Thực trạng trên có thể xem như là tình trạng “Nhà nước vừa đá bóng, vừa thổi còi” trên sân dịch vụ ngân hàng. Vô hình chung đẩy nhiều ngân hàng phi sở hữu nhà nước vào tình thế “đói vốn”, kéo theo đói thanh khoản, tìm cách lách lệnh (chứ không phải lách luật) biến tướng dưới rất nhiều biểu hiện cực chẳng đã, như: khuyến mại, tìm vốn tiền đồng qua huy động vàng, ngoại tệ, huy động các “mối quan hệ”, qua các công ty sân sau để thấu đến các ông chủ quyền lực đích thực tạo vốn ảo…

Rút cuộc, đã không giảm được lãi suất cho vay ngay cả khi lạm phát đã dịu bớt vào dịp cuối năm 2012!. Hiện hữu nhất là việc “phân nhóm” để áp dụng công cụ hạn mức tín dụng, trong khi lại không có “bức tường lửa” nào để phân biệt các nghiệp vụ kinh doanh theo các chuẩn mực bắt buộc khác nhau, như: NHTM, ngân hàng đầu tư, ngân hàng phát triển. Kết cục có thể dẫn đến tình hình là lẽ ra có một số TCTD thua cuộc thực sự trong cạnh tranh thì nay họ có quyền “oán trách” trọng tài vì bị ép buộc bất bình đẳng. Cái “chết được định trước” mà không thừa nhận bị thua cuộc trong cạnh tranh gây ra có thể dẫn đến những cú sốc nhân tạo không đáng có… 

Đề xuất giải pháp

Với những nhận diện về thực trạng vấn đề cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng và quan điểm của cá nhân, tác giả xin đề xuất một số giải pháp mang tính gợi mở cho từng 3 nội dung nói trên như sau: 

Một là, về “người chơi”. Việt Nam đang tiến hành tái cấu trúc các TCTD trong chương trình “đột phá” đến 2015 của chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế, hướng đến căn bản là một nền kinh tế công nghiệp từ năm 2020. Đây cần được coi là cơ hội vàng để biến “yếu” thành “khỏe”, thậm chí để “cải tử hoàn sinh” đối với nhiều TCTD đang kinh doanh dày đặc trên lãnh thổ Việt Nam. Các giải pháp về cấu trúc lại “người chơi” là:

- Mọi TCTD không phân biệt thành phần sở hữu phải đạt chuẩn an toàn hoạt động theo quy định tại Chương 6 – Luật TCTD 2010 (từ Điều 130 đến 135) và tham khảo thêm các tiêu chí của Basel 2 và tương lai gần là Basel 3. Theo đó, khuyến khích các TCTD chưa đạt chuẩn cần tìm đối tác tự nguyện sáp nhập, thực hiện các thương vụ mua bán sở hữu (M&A) để đạt và vượt chuẩn. NHNN chỉ cần chuẩn bị phương án xấu nhất để cứu sự đe dọa an toàn hệ thống (cứu người gửi và cổ đông nhỏ…) chứ không phải để cứu TCTD trên cơ sở để các TCTD cạnh tranh sòng phẳng.

- Từng TCTD, tùy sở trường, năng lực, địa bàn và tiềm năng khách hàng cơ cấu lại danh mục kinh doanh trình NHNN, và chỉ được hoạt động trong danh mục sản phẩm được NHNN duyệt. Theo đó, khi chưa có chế tài về “bức tường lửa” thì loại sản phẩm đã được duyệt nào không phát sinh trong vòng một quí (90 ngày), thì NHNN có quyền xóa bỏ khỏi giấy phép kinh doanh của TCTD đó. Thậm chí nếu cần, NHNN có quyền yêu cầu được kiểm tra cơ cấu doanh thu, năng lực phát triển của từng dòng sản phẩm trong danh mục sử dụng vốn/hay từng chi nhánh. Xem xét có cho phép nữa hay không đối với dòng sản phẩm/chi nhánh nào đó không có sức cạnh tranh và/hoặc cạnh tranh không lành mạnh của TCTD... Đảm bảo rằng mọi sản phẩm/chi nhánh đang kinh doanh trên thị trường của mọi TCTD là có sức cạnh tranh và cạnh tranh lành mạnh.

- Khuyến khích và/hoặc yêu cầu các NHTM khi đã có hơn 2 công ty con, cần chuyển từ mô hình kinh doanh đa năng sang mô hình tập đoàn tài chính. Đảm bảo rằng, NHTM mẹ cũng chỉ là một pháp nhân, phải phục tùng quy chế kinh doanh chung của tập đoàn. Quan hệ kinh tế với các công ty con là quan hệ pháp nhân với pháp nhân và phù hợp với các quy định về cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời đảm bảo rằng, chính các công ty con cũng là những pháp nhân độc lập, chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh chung và các quy định cụ thể về cạnh tranh trong thị trường tài chính (TTTC), mà không có ngoại lệ. Không để TCTD biến công ty con thành “công ty sân sau” và/hoặc không để cho công ty của cổ đông thao túng chính TCTD góp vốn, hay làm công cụ thâu tóm TCTD khác…

Hai là, về “sân chơi”. Môi trường cạnh tranh của các TCTD cần được cấu trúc lại theo các giải pháp sau:

- Cần sớm tách quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn Nhà nước tại NHTM khỏi NHNN, mà chuyển về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và/hoặc Kho bạc Nhà nước. Để đảm bảo rằng mọi hoạt động nghiệp vụ hay hoạt động quản lý nhà nước về ngân hàng là hoàn toàn khách quan với mọi thành phần sở hữu, mọi loại cổ đông và cũng là tiền đề để sớm cơ cấu lại mô hình tổ chức - chức năng nhiệm vụ của NHNN thành ngân hàng trung ương hiện đại (Theo Thông báo số 191-TB/TW, ngày 01/9/2005 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quyết định số: 112/2006/QĐ-TTg, ngày 24/5/2006 về việc phê duyệt đề án phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến 2020).

- NHNN xem xét nhu cầu của nền kinh tế, năng lực thực của một số NHTM lớn và/hoặc tập đoàn tài chính để cho phép hình thành một số Ngân hàng con chuyên biệt, độc lập chuyên doanh một số dòng sản phẩm lớn, đặc thù, như: ngân hàng đầu tư, ngân hàng phát triển, ngân hàng xây dựng và ngân hàng xuất – nhập khẩu. Cùng với đó, sửa luật, thiết lập “bức tường lửa” để điều chỉnh thích hợp từng loại ngân hàng kinh doanh. Từng bước chuyển hóa để xoá mọi ngân hàng mang tên chuyên doanh một cách giả hiệu, nhưng mang nặng tính ngành nghề cục bộ thực sự, như các dạng: ngân hàng dầu khí, ngân hàng hàng hải, ngân hàng nhà, ngân hàng nông - công - thương… Đảm bảo rằng, hầu hết các ngân hàng phải là các công ty đại chúng (đầu vào và đầu ra đều căn bản nhờ công chúng, cổ đông/vì công chúng, cổ đông). Mọi NHTM cổ phần phải bắt buộc lên sàn để thị trường định giá công khai, minh bạch, cập nhật về sức khỏe và năng lực cạnh tranh lành mạnh, có sự giám sát của đại chúng.

- Pháp luật về ngân hàng cần ghi rõ những loại quan hệ nào giữa NHNN với TCTD và/hoặc giữa các TCTD với nhau hay giữa TCTD với nền kinh tế phải dùng mệnh lệnh hành chính, quan hệ nào nhất thiết không và không được dùng mệnh lệnh hành chính. Đảm bảo rằng việc quản lý và chủ động “dẫn dắt” cuộc chơi của NHNN đối với các hoạt động dịch vụ của ngân hàng là hoàn toàn thượng tôn quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh bình đẳng, nguyên lý bình thông nhau và có tính tới những đặc thù mang tính khách quan của từng loại ngân hàng theo cơ chế “bức tường lửa”. Theo đó, ví dụ, những loại quan hệ sau đây là không nên sử dụng biện pháp hành chính: lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2; nghiệp vụ thị trường mở (OMO), tái cấp vốn, tái chiết khấu, đấu thầu trái phiếu kho bạc, tỷ giá… Ngược lại, những loại quan hệ sau đây nhất thiết phải thiết quân luật và dùng biện pháp hành chính: Các yêu cầu đủ chuẩn an toàn từng thời kỳ đối với từng loại TCTD; việc huy động và cấp tín dụng ngoại tệ, vàng (nên sớm nghiêm cấm loại dịch vụ này); Các biện pháp chống ngoại tệ hóa phương tiện thanh toán; Dự trữ bắt buộc, tỷ trọng thời hạn dư nợ/tổng dư nợ, loại đầu tư cho từng loại ngân hàng chuyên biệt theo cơ chế “bức tường lửa”, tỷ lệ đặt cọc so với vốn điều lệ để được tham gia tái cấp vốn, tái chiết khẩu trên thị trường 2 hay OMO…

Ba là, về tổ chức “cuộc chơi”. Đây là nội dung rất quan trọng, căn bản thuộc về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng. Các giải pháp chính là:

- Mọi quy định của pháp luật phải được đảm bảo đã được quán triệt rõ, đặc biệt đến các thành viên tham gia thị trường dịch vụ ngân hàng. Hiệp hội Ngân hàng phải được cấu trúc lại là cơ quan phi chính phủ đứng ra làm diễn đàn trao đổi thông tin, phản biện, phát hiện, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật không phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế; Phát hiện và bảo vệ việc cạnh tranh bình đẳng của mọi hội viên có thành phần sở hữu khác nhau; Phổ biến pháp luật và được hình thành một số thiết chế hưởng lợi chung như: hình thành quỹ ứng cứu, làm đầu mối tổ chức mua bán nợ tốt, tổ chức đồng tài trợ, hòa giải các bất đồng lợi ích giữa các thành viên…

- Thanh tra Ngân hàng thực hiện cơ chế giám sát từ xa và thanh tra hội sở chính các TCTD khi có vấn đề và trên cơ sở rủi ro; đóng vai trò là cơ quan soạn thảo, trình Thống đốc NHNN ban hành danh mục quy định chuẩn về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cho từng loại TCTD, các hình thức xử phạt tương ứng với mỗi loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó, phù hợp với từng thời kỳ và thông lệ quốc tế tương ứng.

- Nhà nước cần cơ cấu lại mô hình tổ chức, chức năng của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia theo hướng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực thanh tra – giám sát toàn bộ TTTC Việt Nam thay vì chỉ là cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Ủy ban này được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bộ tiêu chí chuẩn an toàn và phòng chống rủi ro trong TTTC; được cung cấp đầy đủ thông tin định kỳ và bất thường theo danh mục đảm bảo an toàn từ các thị trường bộ phận trong TTTC, gồm: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và Kho bạc Nhà nước; Được bổ nhiệm/chuẩn y người đứng đầu cơ quan thanh tra giám sát chuyên ngành trên các thị trường bộ phận của TTTC quốc gia… Đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm trước Nhà nước về tình trạng an toàn và cạnh tranh không lành mạnh trong TTTC Việt Nam. Để đảm bảo rằng các bên tham gia hoạt động kinh doanh trên TTTC phải tuyệt đối tuân thủ các điều kiện độc lập (không sân sau), an toàn, công khai, minh bạch và khách quan; thượng tôn các quy luật thị trường và những tiêu chí hoạt động an toàn, cạnh tranh lành mạnh.