Cạnh tranh lành mạnh để chống gian lận bảo hiểm phi nhân thọ

Theo NĐB

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nước ta tăng trưởng khá nóng, nhưng còn không ít hạn chế cả về quản lý nhà nước, cũng như năng lực và chất lượng dịch vụ bảo hiểm, đặc biệt là các hiện tượng gian lận đang có xu hướng gia tăng…

Cạnh tranh lành mạnh để chống gian lận bảo hiểm phi nhân thọ

Trong tổng số 29 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (DNBH), hầu hết bị lỗ vì nghiệp vụ bảo hiểm, phí bảo hiểm không đủ để bồi thường, phải lấy lãi từ đầu tư vốn chủ sở hữu để chi trả. Ngay cả những DNBH vừa mới tham gia thị trường cũng làm từ "A đến Z", ký kết những hợp đồng khổng lồ mà không cần phải chứng minh năng lực hay chuyên môn. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp mới cũng ngang ngửa với những DN lâu năm vì doanh thu có trước, chi phí có sau.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Phùng Đắc Lộc, cung cách cạnh tranh hiện nay dẫn đến tăng trưởng nóng, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, DNBH không có đủ nhân viên quản lý rủi ro, giám định và bồi thường, tạo kẽ hở cho các kiểu gian lận trục lợi tiền bảo hiểm. Cổ phiếu ngành bảo hiểm không hấp dẫn trên thị trường chứng khoán vì trả cổ tức quá thấp. Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đã chỉ ra một số chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh của các DNBH, trong đó nổi lên là việc các DNBH có cổ đông lớn là các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước gần như được độc quyền khai thác dịch vụ trong ngành dẫn đến tình trạng khép kín, cát cứ, chia cắt thị trường. Họ mở rộng chiếm lĩnh thị trường ngoài ngành bằng cách liên tục tăng chi phí khai thác như chi tiếp khách, đặc biệt là chi lại cho khách hàng mua bảo hiểm để giành dịch vụ của các DNBH khác, ngăn chặn các DNBH khác thâm nhập vào trong các ngành đó, cũng như liên tục mở rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm và hạ phí bảo hiểm đến mức phi kỹ thuật, dẫn đến hậu quả là nhiều dịch vụ không đáp ứng điều kiện chuyển tải ra nước ngoài đã được các doanh nghiệp trong nước nhận lại, ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính của cả thị trường bảo hiểm. Do đó, nhiều DNBH trong nước thu không đủ chi, bị lỗ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và có hiện tượng DNBH cố tình trì hoãn, cắt bớt hoặc khước từ vô lý việc giải quyết bồi thường cho khách hàng, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm. Hiện tượng chuyển các khoản nợ phí bảo hiểm thành khoản cho vay để giữ khách hàng ngày càng phổ biến. Việc làm này trái với bản chất của bảo hiểm, đó là doanh thu có trước, chi phí có sau.

Bên cạnh đó, để tăng doanh thu, chiếm khách hàng, một số DNBH biết khách hàng có rủi ro song vẫn ôm lấy, doanh nghiệp này thải ra thì doanh nghiệp khác lao vào. Nhân viên bảo hiểm bị áp lực khoán doanh thu, nên họ liều lĩnh vơ cả những rủi ro sờ sờ trước mắt, mặc kệ chuyện bồi thường cho công ty. Khi rủi ro xảy ra thì mức đền bù tăng lên. Các DNBH chấp nhận rủi ro nhưng thực tế họ không kiểm soát được rủi ro và tiết giảm được chi phí do hoàn toàn phụ thuộc vào rủi ro. Do khâu khai thác không tiếp cận đánh giá rủi ro được, nên xảy ra các hiện tượng trục lợi như tổn thất rồi mới mua bảo hiểm, hoặc kê khai sai giá trị, kê khai sai tình trạng cũ nát, hư hỏng, lịch sử tổn thất, áp phí thấp trong khi khả năng bồi thường lớn. Khi xảy ra rủi ro thì DNBH không có đủ người giám định tại hiện trường, tạo điều kiện cho kê khai sai để chiếm dụng tiền bảo hiểm. Kết quả là quỹ bồi thường tăng lên, hiệu quả kinh doanh giảm đi.

Để hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, Bộ Tài chính đã áp dụng các điều kiện, tiêu chí cấp phép mới tương đối khắt khe nhằm sàng lọc, lựa chọn các chủ đầu tư thực sự có uy tín, có năng lực tài chính và tiềm năng phát triển mạnh để góp vốn thành lập DNBH. Tuy nhiên, các biện pháp này dường như chưa đủ sức đem lại không khí kinh doanh lành mạnh cho thị trường. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng dự thảo Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bảo hiểm”, theo đó, các DNBH chuyên ngành sẽ phải công khai, minh bạch việc thẩm định rủi ro, chào phí bảo hiểm, xem xét giải quyết bồi thường, hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành.

Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cũng đề xuất, hoạt động đấu thầu bảo hiểm và quản lý cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cần được quy định tập trung trong Luật Kinh doanh bảo hiểm và giao cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm là đầu mối quản lý. Việc thanh tra thị trường chứng khoán, bảo hiểm và hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm cần được tăng cường cả về nhân sự và tần suất. Các DNBH sẽ được đánh giá, phân loại căn cứ vào các tiêu chí: mô hình tổ chức hoạt động; hoạt động tài chính, đầu tư; quản trị doanh nghiệp; công khai hoá thông tin. Tuy nhiên, Cục này chưa đưa ra được biện pháp nào để hạn chế việc can thiệp hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Ngoài các biện pháp này, theo Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Phùng Đắc Lộc, tầm quan trọng phải thành lập tổ chức tính phí độc lập làm tư vấn cho cơ quan nhà nước quản lý bảo hiểm và cần xây dựng một nghị định riêng về cạnh tranh bảo hiểm do đặc thù của ngành này. Bản thân các DNBH phải đầu tư nhiều hơn cho quản lý, đánh giá rủi ro, tăng cường chuyên môn giám định và bồi thường trong thời gian tới. Tiềm năng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của nước ta còn rất lớn, nếu có môi trường cạnh tranh lành mạnh thì nhất định thị trường này sẽ trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế.