Cạnh tranh thúc đẩy giảm lãi suất cho vay tiêu dùng

Theo daibieunhandan.vn

Tuy lãi suất cho vay tiêu dùng thường bị phản ứng là cao nhưng theo các chuyên gia, để điều chỉnh thì không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính mà nên hướng đến tăng cường tính cạnh tranh và minh bạch trên thị trường để giảm dần lãi suất cho vay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thống kê về lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tại các nước trên thế giới cho thấy, mức lãi suất đối với một số sản phẩm cho vay tiêu dùng có thể cao vài chục phần trăm/năm, thậm chí vài trăm phần trăm/năm, như một số khoản vay có dư nợ nhỏ, ngắn hạn (payday) được cung cấp ở thị trường Anh có mức lãi suất lên tới 500%/năm. Một trong những lý do khiến lãi suất vay tiêu dùng cao là bởi tính rủi ro lớn. Theo các chuyên gia kinh tế, để khắc phục, cần có các biện pháp tăng tính cạnh tranh trên thị trường, nâng cao khả năng quản lý rủi ro cho doanh nghiệp…

Theo số liệu thống kê, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tại Việt Nam hiện dao động trong khoảng từ 20 - 60%/năm trong khi lãi suất CVTD của các NHTM chỉ từ 8 - 14%/năm. Mức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam là khá cao nếu so sánh với mức 8 - 36%/năm của Mỹ, 15 -25%/năm của EU hay 10 - 40%/năm của Trung Quốc…

Giảm lãi suất để thu hút khách hàng

Cho vay tiêu dùng thường có mức lãi suất cao hơn các hoạt động cho vay thương mại truyền thống. Lý do là bởi đối tượng khách hàng của các khoản vay tiêu dùng là cá nhân, quy mô vay nhỏ, kỳ hạn vay ngắn (phù hợp với giá cả của hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và mức thu nhập của khách hàng vay). Phần lớn các khoản vay này được cung cấp dưới hình thức cho vay trả góp và không có tài sản bảo đảm.

Các khoản vay tiêu dùng thường được cung cấp bởi các công ty tài chính. Các công ty này không có chức năng huy động vốn từ dân cư như ngân hàng. Bên cạnh đó, đối tượng khách hàng của các khoản vay tiêu dùng thường là người dân khó hoặc không đủ điều kiện vay từ các ngân hàng thương mại (đối tượng khách hàng dưới chuẩn). Các đặc điểm này tác động đến chi phí hình thành khoản vay, từ đó, làm cho lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với lãi suất cho vay thương mại.

Chi phí cho một đơn vị dư nợ vay tiêu dùng có thể cao hơn chi phí cho một đơn vị cho vay thương mại 2 đến 5 lần. Rủi ro tín dụng của các khoản vay tiêu dùng cũng cao hơn cho vay thương mại nhiều lần, làm cho chi phí bù rủi ro vì thế cũng luôn cao hơn. Trong khi đó, doanh thu thu được từ khoản cho vay tiêu dùng thường nhỏ hơn và bấp bênh hơn so với doanh thu thu được từ khoản cho vay thương mại.

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng nếu kéo xuống thấp hơn thì chắc chắn sẽ thu hút được lượng khách hàng lớn hơn. Tuy nhiên, TS. Phong cũng nhấn mạnh: “Do rủi ro trong vay tín chấp lớn nên các tổ chức tài chính đang giữ mức lãi cao để bù vào phần rủi ro. Hơn nữa, các khoản vay thường là nhỏ và kỳ hạn ngắn, trong khi các tổ chức tài chính lại phải chi phí lớn để quản trị hệ thống. Đó là một cái vòng luẩn quẩn, và nó chỉ có thể giải quyết được khi khâu pháp lý và thị trường kinh tế thực sự tốt hơn”.

Lãi suất nên theo thỏa thuận

Một trong những giải pháp phát triển thị trường tài chính cho vay tiêu dùng được giới chuyên gia góp ý là nên áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Hoạt động này được quy định tại Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và được hướng dẫn tại Thông tư số 07/2010/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Cơ chế này trao quyền điều tiết lãi suất cho thị trường và cũng là cơ chế phổ biến tại các quốc gia phát triển.

Thực tế, mức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay khá cao so với nhiều nước. Tuy nhiên, theo phân tích của giới nghiên cứu, mức lãi suất cho vay tiêu dùng như đang áp dụng tại Việt Nam hiện nay là hoàn toàn có thể hiểu được, bởi giá của các sản phẩm tài chính tiêu dùng có sự khác nhau giữa các quốc gia và các thị trường.

Theo TS. Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế: “Sản phẩm tài chính tiêu dùng tại các thị trường phát triển thường có mức giá thấp hơn do các công ty tài chính của họ có nhiều dữ liệu hơn về khách hàng cũng như thống kê được tỷ lệ khách hàng có nguy cơ không trả nợ. Do đó, họ có thể xây dựng được mô hình định giá phù hợp. Tại các thị trường mới nổi, những dữ liệu trên không có sẵn, như vậy mức lợi nhuận biên cần cao hơn để bù đắp những chi phí rủi ro đã được tính toán không chính xác lúc ban đầu”.

Ông Đông cho rằng để thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, bảo đảm lợi ích cho cả công ty tài chính và khách hàng thì việc quản lý cho vay tiêu dùng phải hướng đến bảo đảm tính chủ động của tổ chức tín dụng trong việc áp dụng lãi suất cho vay để tăng tính cạnh tranh, nâng cao khả năng quản lý rủi ro và phân bổ vốn hiệu quả.