Cấp thẻ bảo hiểm điện tử cho người dân: Nhiều lợi ích

PV.

Nhằm đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra về chính sách BHXH, BHYT trong giai đoạn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh và thực hiện Nghị quyết về Chính phủ điện tử, ngành BHXH đã triển khai, vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT, đồng thời đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH hướng tới lộ trình cấp thẻ bảo hiểm điện tử cho người dân.

Người dân làm thủ tục BHXH.
Người dân làm thủ tục BHXH.

Phục vụ tốt cho quản lý, mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng

Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, trong đó yêu cầu BHXH Việt Nam nghiên cứu cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân cho thuận tiện.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực triển khai áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt, ngành BHXH đã và đang đạt được những kết quả quan trọng trong việc nghiên cứu thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử, tiến tới tích hợp các thông tin BHXH, BHTN vào một thẻ điện tử chung.

Tỉnh Lạng Sơn là địa phương thực hiện thí điểm dự án thẻ điện tử của Trung tâm CNTT BHXH Việt Nam với số vốn do Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ.

Thẻ bảo hiểm điện tử là dạng thẻ chip, kích cỡ giống hệt với một một chiếc thẻ ATM hay Master card, được gắn thêm một chip điện tử với chức năng lưu giữ toàn bộ thông tin cá nhân của mỗi chủ thẻ như ảnh, vân tay, hồ sơ bệnh án...

Trên bề mặt thẻ lưu giữ những thông tin như: số thẻ, họ và tên chủ thẻ, năm sinh, nơi cư trú, nơi đăng ký khám chữa bệnh, giới tính... giống hệt như một chiếc thẻ BHYT thông thường bằng giấy. Việc sản xuất thẻ do tập đoàn Marubenni (Nhật Bản) đảm nhận. Giá trị của mỗi chiếc thẻ BHYT điện tử là 1 USD.

Theo lãnh đạo Trung tâm CNTT của BHXH Việt Nam, việc lưu giữ đồng thời cả ảnh và vân tay của mỗi người là rất cần thiết để không bị nhầm lẫn trong quá trình sử dụng thẻ BHYT. Thẻ bảo hiểm điện tử sẽ được sử dụng vĩnh viễn nên gương mặt mỗi người có thể thay đổi theo thời gian. Khi đó, người ta sẽ phải dùng đến đặc điểm nhận dạng sinh học là vân tay.

Các chuyên gia CNTT cho rằng, việc làm giả thẻ cũng như xâm nhập vào hệ thống phần mềm quản lý là rất khó xảy ra; trên mỗi chiếc thẻ có mật mã riêng của chủ thẻ và nếu có làm giả được thẻ thì cũng không có mật mã để vào hệ thống. Mức độ an toàn của chiếc thẻ là rất cao.

Dữ liệu chi tiết của thẻ bảo hiểm điện tử đối với người tham gia BHXH, BHYT sẽ được lưu giữ tại Trung tâm dữ liệu tập trung của ngành BHXH, các dữ liệu này sẽ được truy xuất khi người tham gia thực hiện các giao dịch như khám, chữa bệnh BHYT, giải quyết các chế độ BHXH...

Thẻ bảo hiểm điện tử sẽ phục vụ tốt cho công tác quản lý, khai thác, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, đồng thời rút ngắn thời gian đáp ứng yêu cầu, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng như mang lại nhiều ứng dụng tiện ích cho người sử dụng.

Đẩy mạnh tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin

Việc cấp thẻ bảo hiểm điện tử là cần thiết và là bước tiến tất yếu. Một trong những mấu chốt để có thể triển khai ứng dụng thẻ bảo hiểm điện tử là việc đẩy mạnh tin học hóa, ứng dụng CNTT trong quản lý, xử lý nghiệp vụ BHXH, BHYT.

Năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngành BHXH đã tăng cường đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về xếp hạng các bộ, ngành ứng dụng CNTT và chỉ số sẵn sàng trong ứng dụng CNTT cho thấy, BHXH Việt Nam đứng thứ 2/20 bộ, ngành. Tuy nhiên, “không dừng ở đó, chúng tôi vẫn nỗ lực đổi mới nhằm tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ, đồng bộ thành một quy trình thống nhất trên cơ sở ứng dụng CNTT, đưa tất cả quy trình nghiệp vụ của ngành thành quy trình điện tử ” - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết.

Theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, năm 2018, BHXH Việt Nam sẽ tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ, đồng bộ thành một quy trình thống nhất trên cơ sở ứng dụng CNTT, đưa tất cả quy trình nghiệp vụ của Ngành thành quy trình điện tử.

Để tiếp tục đẩy mạnh tin học hóa, ứng dụng CNTT trong quản lý, xử lý nghiệp vụ BHXH, BHYT, tiến tới thống nhất tích hợp quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong cả nước, ngành BHXH đang nỗ lực tập trung nhân lực, nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đơn vị, người lao động, người dân rà soát dữ liệu thông tin cá nhân, quá trình tham gia BHXH, BHYT để đồng bộ mã số BHXH thống nhất.

Theo các chuyên gia, để triển khai ứng dụng thẻ bảo hiểm điện tử thành công cần có nhiều giải pháp và sự đầu tư mạnh hơn nữa về hạ tầng CNTT, trang thiết bị, đòi hỏi đáp ứng nhu cầu liên thông dữ liệu thẻ BHYT giữa các ngành.

Song song với đó, cơ sở hạ tầng của các cơ sở KCB, đơn vị liên quan phải có đủ trang thiết bị ứng dụng CNTT đồng bộ để khi người dân có thẻ, việc sử dụng thẻ bảo hiểm điện tử được áp dụng ở mọi lúc, mọi nơi, từ cơ sở y tế tuyến xã đến tuyến Trung ương; Đầu tư xây dựng phần mềm tra cứu, lắp đặt các hệ thống kiểm tra thông tin tại nơi công cộng để người dân có thể kiểm tra thông tin đóng, hưởng BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN, BHYT.

Người có thẻ tự quản lý được việc đi KCB của bản thân, tránh tình trạng thẻ BHYT giả hoặc bị người khác lấy trộm mã thẻ của mình để đi KCB nhằm trục lợi. Để tạo thuận lợi cho người dân, đối với việc cấp lại thẻ bảo hiểm điện tử, cơ quan BHXH có thể phân quyền cấp lại tại bất kỳ cơ quan BHXH nào trong toàn quốc.