Cắt giảm chi tiêu công: Không dễ!

ThS. Tạ Đức Thanh

(Tài chính) Nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) hiện nay đang bị giảm sút, trong khi chi tiêu công lại tăng đều theo các năm khiến thâm hụt ngân sách của Việt Nam ngày càng lớn. Tuy nhiên, việc cắt giảm chi tiêu công lại không hề dễ dàng.

Nhiều khoản thu đang ngày càng giảm sút

Quyết toán NSNN hàng năm của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu thuế và phí của nước ta chủ yếu đến từ ba nguồn chính, là: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp thuế xuất - nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu. Trong đó, tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp đang có xu hướng giảm dần từ 36% giai đoạn 2006-2008 xuống còn 28% giai đoạn 2009-2011. Trong khi đó, tỷ trọng thu

từ thuế giá trị gia tăng và thuế xuất nhập khẩu lại đang tăng nhanh. Sự gia tăng tỷ trọng các khoản thu từ thuế xuất - nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu đang từ 10,0% năm 2006 lên 18,4%  năm 2009 và 14,5% năm 2010.

Đáng chú ý, kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2007, tỷ lệ thu thuế xuất- nhập khẩu lại có xu hướng cao hơn giai đoạn chuẩn bị trước đó. Cụ thể, tỷ lệ thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu so với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng giảm dần trong những năm Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, lần lượt vào khoảng 2,3% vào năm 2004, 2,2% vào năm 2005 và 1,9% vào năm 2006. Tuy nhiên, tỷ lệ này lại có xu hướng tăng dần sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, với 2,1% vào năm 2007, 2,6% (năm 2008) và 3,6% (năm 2009).

Ngoài ra, tỷ lệ thu thuế VAT đối với hàng nhập khẩu/giá trị hàng nhập khẩu cũng có xu hướng tương tự, giảm trong những năm chuẩn bị và tăng dần trong những năm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, với các tỷ lệ là: 2,6%; 2,5%; và 2,3% lần lượt vào năm 2004, 2005 và 2006 và; 2,4%; 2,4%; và 3,6% lần lượt vào các năm 2008, 2009 và 2010.

Hiện tượng này có thể được lý giải bởi các nguyên nhân sau:

(i) Khả năng chống thất thu thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu được cải thiện;

 (ii) Tỷ trọng các mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao có xu hướng tăng trong cơ cấu hàng xuất nhập khẩu, trong khi đó, mức độ cắt giảm thuế ở các mặt hàng có lộ trình cắt giảm còn khiêm tốn.

Đặc biệt, khi thị trường bất động sản đóng băng, nguồn thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất đang có xu hướng giảm dần về quy mô tuyệt đối, cũng như tỷ trọng trong tổng thu và viện trợ, từ 9,3% năm 2007 xuống còn khoảng 6,6% trong năm 2011.

Tương tự như vậy, thu từ việc khai thác dầu thô và các tài nguyên khác cũng có bản chất giống các khoản thu từ việc bán tài sản quốc gia và không bền vững do nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn. Cụ thể, thu từ dầu thô đã có tỷ trọng liên tục giảm những năm qua trong tổng thu NSNN. Khoản thu này từ chiếm tới 28,8% tổng thu ngân sách trong năm 2006 đã giảm xuống chỉ còn 11,6% năm 2011. Ngoài ra, thu từ viện trợ không hoàn lại cũng nên được loại trừ khi tính toán thâm hụt ngân sách hàng năm do bản chất ngắn hạn không ổn định của chúng.

Trong khi chi tiêu ngân sách cao kéo dài

Theo nghĩa khái quát nhất, chi tiêu công là tất cả các khoản chi của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp nhà nước và của toàn dân khi cùng trang trải chi phí do Chính phủ quản lý. Nhưng, việc ước tính những chi phí đó rất khó khăn, nên người ta thường đề cập tới chi tiêu công theo nghĩa hẹp, gồm những chi phí trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ, mà Chính phủ chi ra từ ngân sách.

Trong nhiều năm qua, chi tiêu công được coi là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Chi tiêu của Chính phủ tăng dần trong các năm và đạt đỉnh cao là năm 2007, với mức tăng là 29,65% so với năm trước đó. Những năm sau, tốc độ tăng chi có giảm thấp hơn, song quy mô chi vẫn lớn. Tốc độ tăng chi 12 năm (2001-2012) là 19,08%, cao hơn so với tốc độ tăng GDP là 17,29%.

Tuy nhiên, chi tiêu của Chính phủ một khi đã vượt quá ngưỡng nào đó sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế do nó gây ra sự phân bổ nguồn lực một cách không hiệu quả, tham nhũng thất thoát và chèn ép khu vực tư nhân. Dựa trên những phân tích thực nghiệm, các nhà kinh tế thống nhất với nhau rằng quy mô chi tiêu công tối ưu đối với các nền kinh tế đang phát triển nằm trong khoảng từ 15-20% GDP (Ủy ban Kinh tế, 2013).

Trong khi đó, quy mô chi tiêu ngân sách, gồm chi đầu tư và chi thường xuyên, của Việt Nam đang nằm ở phía trên rất xa ngưỡng tối ưu này, chiếm tới hơn 30% GDP trong những năm gần đây. Điều đáng nói là chi tiêu chính phủ tăng nhanh và đứng ở mức cao trong khi hiệu quả của nó lại rất thấp đang là một yếu tố chính, trực tiếp hoặc gián tiếp, gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam (Phạm Thế Anh, 2008).

Đáng chú ý là trong tổng chi tiêu ngân sách, thì chi thường xuyên chiếm tỷ trọng rất lớn, còn chi đầu tư phát triển lại chiếm tỷ trọng nhỏ hơn rất nhiều. Trong khi chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm nhẹ về tỷ trọng trong tổng chi ngân sách, từ 30,2% năm 2003 xuống còn 25,5% trong năm 2010 và khoảng 22,0% trong năm 2011 nhờ những nỗ lực cắt giảm chi tiêu công nhằm bình ổn nền kinh tế, thì tỷ trọng chi thường xuyên, mặc dù thấp hơn so với các nước trong khu vực, lại có xu hướng tăng nhanh, từ mức 51,9% năm 2003 lên 64,9% năm 2010 và 67,2% năm 2011, năm 2012 con số này là 72,1%. Bình quân 12 năm (2001-2012) chi cho hoạt động của bộ máy công quyền của Việt Nam là 55,37% tổng chi NSNN. Điều này phần nào cho thấy sự cồng kềnh và chi tiêu tốn kém của bộ máy công quyền.

Cắt giảm chi tiêu công: Thế nào?

Trong bối cảnh nguồn thu không bền vững và ngày càng giảm trong khi chi tiêu công vẫn liên tục tăng trong những năm gần đây, việc xem xét chương trình cắt giảm chi tiêu công là đúng. Tuy nhiên, để thực hiện việc cắt giảm, thì lại không hề dễ! Bởi, điều đó đụng đến lợi ích của những người hưởng lợi từ ngân sách và những dự án còn đang đầu tư dở dang.

Việt Nam đã chịu thâm hụt ngân sách cao tích tụ hàng chục năm, nên giải quyết nó phải là chương trình dài hơi, chứ không chỉ riêng cho năm nay. Chương trình cắt giảm chi tiêu công phải là một lộ trình trung hạn và cần được xác lập thành một nguyên tắc điều hành mới, cụ thể là:

- Thay đổi tư duy chi NSNN: Nguồn lực quốc gia là có hạn, và vì thế, khi Nhà nước chi tiêu nhiều, đương nhiên khối tư nhân và xã hội sẽ chi tiêu ít đi. Thông thường, khu vực tư nhân và xã hội sử dụng nguồn lực ấy nhiều hơn sẽ có hiệu quả tối ưu hơn. Vì thế, Nhà nước cần thực hiện nguyên lý giảm chi trên nền tảng đó. Hơn nữa, việc cắt giảm chi tiêu đòi hỏi một nhận thức chung, cùng nhau giải quyết vấn đề chung chứ không khu biệt đó là vấn đề của một ngành, một địa phương nào cả.

- Phải rà soát ngay các hoạt động có thể tiết kiệm được trong nhóm chi tiêu thường xuyên. Phải tiết kiệm, tránh lãnh phí xa hoa trong chi tiêu mua sắm. Việc cắt giảm phần chi tiêu thường xuyên của bộ máy hưởng NSNN lại càng không ảnh hưởng đến tăng trưởng. Do đó, việc để tới 72,1% tổng chi ngân sách cho chi thường xuyên là cần phải xem xét lại. Có thể xem xét lại việc sắp xếp lại lao động trong các đơn vị hành chính công quyền, tinh giản biên chế. Đồng thời, có chính sách cải cách lương phù hợp chứ không tăng lương tối thiểu đại trà tạo gánh nặng cho NSNN như trong thời gian qua.

- Cần quy định rõ quy trình và tiêu chí cắt giảm: Đây là yếu tố quyết định sự thành công của chủ trương cắt giảm chi tiêu công. Việc xây dựng các tiêu chí hướng dẫn cắt giảm chi cần rõ ràng và cụ thể, nhất là tiêu chí về hiệu quả của dự án đầu tư; đặc biệt, sớm xây dựng và thông qua Luật Đầu tư công.

Cắt giảm chi tiêu công không phải là một biện pháp cơ học, đưa ra một con số cào bằng giữa mọi nhu cầu. Bởi, tiết kiệm hiểu đến cùng là sử dụng hợp lý và hiệu quả nhất những nguồn lực để phục vụ sản xuất, đời sống. Vì thế, quan trọng nhất là nguồn lực phải được phân bổ vào nơi đạt hiệu quả cao nhất và có tác động lan tỏa nhiều nhất đối với kinh tế - xã hội.

Hơn nữa, khi miếng bánh ngân sách chỉ có hạn, thì cần tính toán, sử dụng cho “ra tấm, ra món” để đồng vốn Nhà nước được sử dụng hiệu quả và hợp lý nhất. Và, phải bảo đảm phân bổ kinh phí công khai, đúng người, đúng việc để tạo lợi ích cao nhất trong mỗi khoản chi phí công. Vì thế, nên có đánh giá và tham khảo ý kiến chuyên gia về tác động của việc cắt giảm chi. Nên phân biệt rõ, cắt giảm chi để tăng hiệu quả đầu tư, thì cắt. Nhưng cắt hạng mục để làm giảm tăng trưởng thì phải cân nhắc. Không thể tập trung cắt giảm chi rồi để ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay.

Tại một số địa phương, đã có tình trạng bỏ những dự án liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân khi xem xét cắt giảm vốn đầu tư công. Điều này khiến lượng vốn ngân sách chỉ tập trung cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chưa quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội.

Hơn nữa, việc đánh giá hiệu quả lại giao cho chính chủ đầu tư, là: các bộ, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước thực hiện, chứ không có sự tham gia của các tổ chức độc lập và sự giám sát xã hội là không phù hợp. Cách làm này ít có được sự khách quan, cả do các quan hệ lợi ích cục bộ, nhóm và nhiệm kỳ, cả do “tính tự ái” của cơ quan có thẩm quyền không muốn “bác” các quyết định đầu tư đã ký của mình./.