Cắt, giảm thuế nhập khẩu: Cơ hội tiếp cận nguyên liệu giá rẻ!

Theo Hoàng Châu/baocongthuong.vn

Dù nhận định việc cắt, giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết sẽ tác động đến nguồn thu, tăng áp lực cạnh tranh tại thị trường trong nước, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ cho sản xuất.

Từ ngày 1/1/2018, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế suất thuế NK đối với 669 dòng thuế. Nguồn: Internet
Từ ngày 1/1/2018, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế suất thuế NK đối với 669 dòng thuế. Nguồn: Internet

Hàng nghìn mặt hàng cắt, giảm thuế

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo của 7 nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu nhằm thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định được Bộ Tài chính viện dẫn, gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) giai đoạn 2018-2023, Hiệp định Khung về hợp tác toàn diện ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) 2018-2022, Hiệp định Thành lập Khu vực tự do ASEAN – Úc – New Zealand (AANZFTA) 2018-2022…

Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra dự thảo về mức thuế ưu đãi cho hàng nghìn mặt hàng theo đúng lộ trình đã cam kết. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế suất thuế nhập khẩu đối với 669 dòng thuế đối với những mặt hàng, như: Ôtô, xe máy; phụ tùng, linh kiện ôtô xe máy; thực phẩm; hoa quả nhiệt đới; tủ lạnh; điều hòa; sữa và các sản phẩm từ sữa;…

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc điều chỉnh giảm thuế sẽ giúp giá nhiều mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam có cơ hội rẻ hơn. Tuy nhiên, nhìn về góc độ vĩ mô, nhà nước sẽ thất thu thuế, người lao động có thể mất việc làm khi sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.

Doanh nghiệp hưởng lợi

Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu sang các quốc gia, nhất là ASEAN, các nhóm hàng chủ lực như: Gạo, dầu thô, sắt thép, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xăng dầu các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…, và nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như: Xăng dầu; nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày; máy vi tính, sản phẩm điện tử - linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu…

Theo các chuyên gia, tự do hóa thương mại và khi thuế nhập khẩu về 0%, người dân, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi, các doanh nghiệp trong nước sẽ nhập khẩu được nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, đồng thời có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn của các nước có hiệp định thương mại với Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu các nhà sản xuất trong nước có cạnh tranh được với các mặt hàng nhập khẩu các quốc gia mà Việt Nam ký hiệp định thương mại hay không. Lấy ví dụ sản phẩm sữa từ ASEAN, mặc dù các nhà sản xuất trong nước đã có những đánh giá, phân tích cụ thể và cho rằng, các nước trong khu vực không có thế mạnh về sữa như Việt Nam bởi điều kiện khí hậu của Việt Nam lý tưởng hơn cho việc chăn nuôi bò sữa.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các quốc gia trong khu vực không có sữa để bán cho Việt Nam. Thay vào đó, họ hoàn toàn có thể nhập khẩu sữa nguyên liệu từ Australia hay New Zealand và đảm bảo tỷ lệ 40% theo quy tắc xuất xứ giữa các nước ASEAN để được hưởng thuế 0%.

Ngoài câu chuyện về thuế, còn chi phí sản xuất, kinh doanh, vấn đề quy mô sản xuất như thế nào sẽ đặt ra đối với nhiều lĩnh vực, ngành hàng của Việt Nam, đó là những vấn đề các doanh nghiệp trong nước cần quan tâm để có thể hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ.

Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan khiến tính chất tự do hóa kinh doanh sẽ đậm nét hơn, nhưng hàng rào kỹ thuật càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn, cao hơn đối với các doanh nghiệp và hàng xuất khẩu Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.

TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế:

Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để giảm chi phí sản xuất - kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ.