Cắt giảm thuế quan theo FTA ASEAN+1: Doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng?

Linh Sơn (HQ Online)

Chỉ còn 3 năm nữa việc cắt giảm các dòng thuế quan về 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Asean - Trung Quốc (Asean+1) sẽ chính thức có hiệu lực hoàn toàn. Tuy nhiên, ngay cả khi các dòng thuế chưa được cắt giảm, nhiều DN Việt Nam đã bị thua ngay chính sân nhà do phải cạnh tranh gay gắt với hàng giá rẻ, hàng chất lượng cao từ các nước ASEAN.

Cắt giảm thuế quan theo FTA ASEAN+1: Doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng?
Hàng Trung Quốc áp đảo trong nhiều gian hàng giày dép.

Thua đủ đường

Ông Vũ Tuấn Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sovina, là doanh nghiệp xuất khẩu có tiếng tại nhiều thị trường lớn cho biết, hiện nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng của các nước trong khu vực, bởi đa phần hàng hóa của các nước này đều có mức giá rẻ hơn từ 5 tới 10% so với hàng Việt Nam.

Theo ông Giang, chi phí sản xuất ra sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam thường cao hơn các nước trong khu vực. Các chi phí tập trung vào lãi suất vay cao, nguyên nhiên liệu đầu vào như điện, nước, xăng dầu và thậm chí là cả các chi phí không chính thức... đã làm cho hàng hóa Việt Nam bị “đội giá” lên thêm từ 5 - 10% so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, việc cắt giảm thuế quan cũng không mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi giá hàng hóa kém cạnh tranh trên thị trường.

Để có thể cạnh tranh với hàng hóa của các nước trong khu vực, Sovina đã phải chọn “ngách” đi, trong đó tập trung chủ yếu vào việc cung cấp các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, bánh kẹo, nước giải khát... Đặc biệt, doanh nghiệp này còn chú trọng đến việc lựa chọn đúng thị trường, cung cấp hàng hóa có chất lượng, theo yêu cầu của khách hàng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. 

Tuy nhiên, hàng hóa của Việt Nam không những phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường nước ngoài mà còn chịu sức ép cạnh tranh ngay trên chính sân nhà. Từ những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như quần áo, giày dép, túi xách, hàng điện tử... đến những mặt hàng công nghiệp như sắt, thép, vật liệu xây dựng... hiện cũng đang bị “chèn ép” ngay tại thị trường nội địa. Đơn cử như hàng dệt may, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thừa nhận rằng, mặc dù đến năm 2015 các hàng rào thuế quan mới được gỡ bỏ hoàn toàn nhưng hiện nay, phân khúc thị trường dệt may cấp thấp của Việt Nam đang bị hàng giá rẻ Trung Quốc thống lĩnh.

Cải thiện chất lượng, tiết giảm chi phí

Theo ông Trần Bá Cường - Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công Thương, việc tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) là xu hướng chung khi gia nhập sân chơi quốc tế. Mục đích tham gia là nhằm thỏa thuận với các nước cắt giảm thuế quan, hàng rào phi thuế quan để tạo điều kiện cho thị trường xuất khẩu. Do vậy, mặc dù việc tham gia các FTA sẽ tạo nên thuận lợi cho doanh nghiệp hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức khi hàng nước ngoài tràn vào Việt Nam, làm cho các doanh nghiệp chịu sức ép cạnh tranh gay gắt tại chính thị trường trong nước.

Theo ông Cường, khi tham gia các FTA, hàng Việt Nam được giảm thuế ở các thị trường nước ngoài thì Việt Nam cũng phải giảm thuế cho hàng hóa từ các nước khác. Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, mặc dù việc tham gia ký kết các FTA với ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… sẽ tạo nên nhiều lợi thế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng riêng với Trung Quốc, việc tham gia các hiệp định thương mại sẽ làm cho hàng hóa của nước này xâm nhập vào nước ta nhiều hơn.

“Bởi giá cả của hàng Trung Quốc vốn đã rẻ, giờ lại giảm thuế nữa sẽ tạo sức ép cạnh tranh lớn với hàng Việt Nam. Do đó, cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ hơn về các thách thức khi tham gia FTA với Trung Quốc để có biện pháp cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt”, ông Cường nói.

Những trọng tâm được ông Cường khuyến cáo là cần đi vào chất lượng, sản xuất tập trung các mặt hàng đặc chủng có lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc, tiết giảm chi phí để nâng cao sức cạnh tranh về giá cả, xúc tiến thương mại hoặc thậm chí là đầu tư sản xuất tại Trung Quốc để được hưởng ưu đãi thuế cả hai nước. Còn theo kinh nghiệm của ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi (Bộ Công Thương), việc cắt giảm thuế xuống 0% sẽ làm cho nhu cầu hàng hóa cao hơn. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nguồn lực để có thể nhận được những đơn hàng lớn từ các thị trường nước ngoài.