“Chấm điểm” cải cách thuế và hải quan

TS. ĐẬU ANH TUẤN - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Giám đốc Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI

(Tài chính) Đáp ứng yêu cầu phát triển mới, hiện đã có một sự thay đổi, chuyển đổi rất lớn về tư duy. Đó là, chuyển đổi từ tư duy nhà nước quản lý (đặc quyền, ban ơn, ban phát…) sang tư duy nhà nước cung cấp dịch vụ công (tư duy nhà nước phục vụ) đồng hành với sự phát triển. Trong đó, muốn cải thiện dịch vụ công, để đánh giá được chất lượng phục vụ thì điều quan trọng là phải biết người đang sử dụng dịch vụ công; người thụ hưởng chất lượng phục vụ, đánh giá như thế nào, cảm nhận và kỳ vọng ra sao?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

“Chấm điểm” cải cách – Chuyển biến từ Chính phủ

Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh mạnh mẽ hơn là yêu cầu quan trọng đặt ra đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, để đánh giá được nhu cầu cải cách hành chính, không thể chỉ dựa vào nhu cầu quản lý của Nhà nước hay các đánh giá nội tại của các cơ quan hành chính nhà nước mà cần rất nhiều thông tin từ cộng đồng kinh doanh bên ngoài, cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhất là những thông tin để có thể so sánh được thực trạng hiện tại.

Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam hiện đã tiếp cận theo phương thức này. Tại phiên họp của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh vào ngày cuối cùng năm 2013, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, những thông điệp và cam kết quan trọng đã được đưa ra. Trước hết, Việt Nam không chỉ và không nên so sánh với chính bản thân mình mà phải so sánh với các quốc gia khác; sử dụng những bộ chỉ số của thế giới đã được thừa nhận rộng rãi. Do vậy, xây dựng chỉ số cạnh tranh cho riêng Việt Nam phải tập trung đánh giá và tư vấn cách cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam dựa vào những thước đo đã được thừa nhận của Diễn đàn kinh tế thế giới và Ngân hàng Thế giới.

Trong hầu hết các thước đo quan trọng của thế giới đã công bố thì Việt Nam đều xếp hạng ở những nhóm sau, thậm chí ở nhóm cuối cùng. Do vậy, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu, tìm cho bằng được các giải pháp cụ thể để khắc phục. Điều quan trọng, tiếp cận này không phải vì chạy đua thành tích mà phải đi vào các yếu tố thực chất, cụ thể là vì nguồn lợi tài chính; vì hình ảnh quốc gia đối với nhà đầu tư.

Những thước đo trên không chỉ để biết, để tham khảo mà nó còn liên quan đến uy tín của môi trường đầu tư, dòng vốn đầu tư và hình ảnh quốc gia của Việt Nam. Ngày 18/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết quan trọng này căn cứ vào hệ thống Chỉ số Kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới, để đề ra các mục tiêu cụ thể mà Việt Nam sẽ phải đạt được trong 2 năm tới, trong đó có lĩnh vực thuế và hải quan.

- Về lĩnh vực thuế: “Cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian các DN phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế, đạt mức trung bình các nước ASEAN 6”.

- Về lĩnh vực hải quan: Chính phủ yêu cầu “đơn giản hoá quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất, nhập khẩu, thủ tục hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cho DN, phấn đấu thời gian thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bằng mức trung bình của các nước ASEAN - 6”

Đặc biệt, cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ đã khuyến khích Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội DN “tiến hành những khảo sát, nghiên cứu độc lập đánh giá định kỳ về chất lượng thủ tục hành chính, đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ. Nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng DN đối với các bộ, ngành và các địa phương”.

Vì sao “chấm điểm” cải cách hành thuế, hải quan?

Đáp ứng yêu cầu phát triển mới, hiện đã có một sự thay đổi, chuyển đổi rất lớn về tư duy. Đó là, chuyển đổi từ tư duy nhà nước quản lý (đặc quyền, ban ơn, ban phát…) sang tư duy nhà nước cung cấp dịch vụ công (tư duy nhà nước phục vụ) đồng hành với sự phát triển. Trong đó, muốn cải thiện dịch vụ công, để đánh giá được chất lượng phục vụ thì điều quan trọng là phải biết người đang sử dụng dịch vụ công; người thụ hưởng chất lượng phục vụ, đánh giá như thế nào, cảm nhận và kỳ vọng ra sao?

Một số lý do cụ thể, thể hiện nhu cầu thiết yếu vì sao phải đánh giá mức độ cải cách của ngành Thuế và Hải quan:

Thứ nhất, Thuế và Hải quan là những ngành, lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với DN, có phạm vi tác động rộng lớn đối với cộng đồng DN và nền kinh tế. Nếu như thủ tục giấy phép nào đó phiền hà thì chỉ tác động đến số lượng DN nhất định (có thể vài nghìn, vài chục nghìn DN…) và chỉ tác động trong một số thời điểm nhất định (như xin cấp phép và gia hạn giấy phép), nhưng thủ tục hành chính thuế thì lại tác động đến tất cả cộng đồng DN, ở tất cả các thời điểm khác nhau. Bất cứ một DN nào đang tồn tại, đang hoạt động đều phải đối mặt với thủ tục hành chính thuế.

Tương tự, với hải quan cũng có mức độ quan trọng như vậy, hàng chục nghìn DN xuất nhập khẩu, mỗi ngày đều phải trải qua nhóm thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu. Do vậy, phiền hà hay thuận lợi, tốn kém hay ít tốn kém, phức tạp hay đơn giản… những thủ hành chính thuế và hải quan phần nào tác động đến tất cả các DN. Qua đó, sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN, sản phẩm và cả nền kinh tế.

Thứ hai, do đặc thù đã tạo ra sự không tương xứng về vị trí đối thoại trong quan hệ giữa DN và các cơ quan thuế, hải quan. Từng cán bộ thuế và hải quan có thể có những quyết định, tác động mạnh mẽ đến hoạt động và thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của DN. Do vậy, các DN thường e ngại trong việc nêu ý kiến phản ánh về những tồn tại, khó khăn, vướng mắc hay phiền hà từ các cơ quan thuế và hải quan. Việc duy trì cơ chế trao đổi, đánh giá trực tiếp thường không hiệu quả như những ngành khác. Do đó, cần có cơ chế đánh giá, chấm điểm một cách độc lập và khách quan.

Thứ ba, rõ ràng những chuyển biến của ngành Thuế và Hải quan nói riêng và thủ tục hành chính của Việt Nam hiện nay đã tốt, thuận lợi và cải cách hơn rất nhiều so với trước. Tuy nhiên, đánh giá như vậy là chưa đủ, cần phải so sánh với các quốc gia khác. Trước hết, trong khu vực ASEAN, thủ tục thuế và hải quan của Việt Nam với các nước vẫn còn khoảng cách tương đối lớn. Như vậy, nâng cao tính cạnh tranh về sự thông thoáng, thuận lợi và chuyên nghiệp của hệ thống thuế và hải quan là một trong những giải pháp quan trọng. Để thực hiện được điều này, cần đưa hệ thống thuế và hải quan vào soi chiếu trong hệ thang đo chung của thế giới (như chỉ số Doing Business) và bản thân Việt Nam cũng cần xác lập hệ thống thang đo riêng, để theo dõi và giám sát quá trình này.

Thứ tư, cả ngành Thuế, Hải quan đều là một hệ thống cơ quan từ Trung ương đến địa phương (trên toàn quốc, ngành Thuế có 63 cục thuế cấp tỉnh; hải quan có 34 chi cục cấp tỉnh). Các cơ quan Trung ương của ngành (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) sẽ thu thập được nhiều thông tin, phục vụ hoạt động điều hành và giám sát, nếu có hệ thống chấm điểm việc thực hiện quy định và cải cách thủ tục một cách độc lập, khách quan, ngoài thông tin báo cáo của địa phương. Đây cũng là một kênh tạo sức ép, thúc đẩy sự thay đổi mà các cơ quan Trung ương có thể sử dụng.

Thứ năm, việc duy trì được hệ thống chấm điểm cải cách sẽ giúp cho ngành Thuế và Hải quan chủ động được thông tin đối với báo chí và các cơ quan bên ngoài. Thực tế, khi những tổ chức bên ngoài hay báo chí đăng tải các kết quả hay phản ánh từ phía DN, người dân về hiện trạng thủ tục hành chính, thì ngành Thuế và Hải quan thường không có thông tin để đối chiếu và kiểm chứng về những kết quả này, hay chủ động cung cấp ra cho người dân, DN và các cơ quan Nhà nước được tường minh.

“Chấm điểm” - không mấy dễ dàng!

Yêu cầu của việc “chấm điểm” cải cách hành chính thuế và hải quan trong bối cảnh hiện nay là rất lớn, tuy nhiên, để duy trì được một chương trình này không phải dễ dàng. Ngoài việc có một khoản kinh phí định kỳ để tiến hành các hoạt động xây dựng phương pháp, chọn mẫu, điều tra, xử lý dữ liệu, viết báo cáo… thì còn cần phải có những cách tiếp cận bài bản và khoa học. Từ kinh nghiệm thực tế trong thực hiện Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các nghiên cứu chỉ số có liên quan như Chỉ số công lý (JUPI) với UNDP, DN đánh giá ngành Hải quan (VCCI phối hợp với Tổng cục Hải quan…) có thể thấy rằng, một nghiên cứu “chấm điểm” muốn thành công cần đảm bảo các yếu tố sau:

Một là, cơ quan thực hiện việc đánh giá, chấm điểm cần phải độc lập khách quan: Đây là yêu cầu quan trọng nhưng đến nay nhiều cơ quan quản lý Nhà nước chưa đáp ứng được. Chẳng hạn, tại một số

địa phương, việc tiến hành đánh giá mức độ hài lòng của DN trong thực hiện thủ tục hành chính, được giao cho từng sở, ngành triển khai và kết quả người dân, DN hài lòng về cải cách thủ tục hành chính thu về sau khảo sát là 95-99%. Thế nhưng, cũng cùng bảng câu hỏi chuyển cho Cục Thống kê và Viện Kinh tế trực thuộc thực hiện, thì tỷ lệ này đã giảm xuống 1/2 (khoảng 40-45%). Những chỉ số trên thể hiện, việc DN, người dân vẫn thường e ngại khi phải trực tiếp đánh giá chất lượng với các cơ quan chính quyền địa phương; E ngại sự liên lụy, khi phản ánh đúng sự thật nhưng lại không đúng ý muốn của cơ quan bị đánh giá. Đánh giá phản ánh từ các DN thì các hiệp hội DN như VCCI có vị trí phù hợp vì đây là tổ chức đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của các DN, các DN không e ngại khi cung cấp thông tin.

Hai là, việc thực hiện đánh giá, chấm điểm, cần phải khoa học: Để đánh giá mức độ hài lòng của DN, người dân về dịch vụ công hay thủ tục hành chính thì việc tổ chức thực hiện phải rất bài bản và khoa học. Cơ quan đánh giá phải có đội ngũ chuyên gia, am hiểu các phương pháp điều tra xã hội học (như thiết kế câu hỏi, chọn mẫu, xử lý dữ liệu…) và có kinh nghiệm trong thực hiện các chương trình điều tra tại Việt Nam.

Ba là, việc đánh giá, chấm điểm cần được công bố công khai: Những kết quả từ các chương trình đánh giá, chấm điểm chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được công bố và được DN, người dân tiếp nhận và báo chí giám sát. Nếu không tiến hành công bố thì những kết quả này không thực sự có nghĩa và không tạo ra mức chuẩn để so sánh cũng như tạo ra áp lực cho sự thay đổi.

Khảo sát thí điểm về mức độ hài lòng đối với ngành Hải quan

Nhằm hỗ trợ quá trình triển khai kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011-2015, Tổng cục Hải quan phối hợp cùng VCCI và Dự án hỗ trợ thi hành pháp luật về hội nhập kinh tế (USAID STAR PLUS) tiến hành cuộc khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của DN với hoạt động hải quan. Cuộc khảo sát này đã được thực hiện trong hai năm năm 2012 và 2013.

Đây là chương trình khảo sát đầu tiên về mức độ hài lòng đối với ngành Hải quan theo mục tiêu sau: Hoàn thiện dịch vụ hải quan nhằm giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan; Có cái nhìn khách quan, thực tế về hoạt động hải quan; Xây dựng và củng cố hợp tác giữa hải quan và DN và nghiên cứu cơ sở cho việc thực hiện Kế hoạch Cải cách hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2011-2015 và Chiến lược phát triển hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2020.

Sang năm tiếp theo, khảo sát đã hướng đến các mục tiêu tham vọng hơn: Có dữ liệu đánh giá của DN về chất lượng hoạt động của từng Cục Hải quan, xếp hạng được các đơn vị theo đánh giá của DN. Qua đó, Tổng cục Hải quan, từng Cục Hải quan có sự nhìn nhận thực tế hơn về hoạt động của đơn vị mình và các đơn vị trong ngành, xác định các biện pháp phù hợp trong quá trình chỉ đạo điều hành của Tổng cục, trong quá trình tổ chức thực hiện của Hải quan địa phương để đạt được các mục tiêu trong cải cách hiện đại hóa.

Đối tượng khảo sát là những DN thường xuyên làm thủ tục hải quan để đảm bảo những thông tin mà họ cung cấp qua trả lời phiếu khảo sát là những trải nghiệm thực sự và trực tiếp của họ trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Cuộc khảo sát năm 2012 được tiến hành với hơn 5.500 DN và sang năm 2013 đã được mở rộng đến gần 10.000 DN có hoạt động xuất, nhập khẩu trong thời gian gần nhất. Tỷ lệ phản hồi bình quân hơn 25%, chẳng hạn điều tra 2013, VCCI nhận được gần 2.700 phiếu phản hồi của DN.

Để đảm bảo tính khách quan cho cuộc khảo sát, toàn bộ thông tin riêng về DN được bảo mật, trách nhiệm thực hiện cuộc khảo sát được phân công như sau. VCCI đảm nhiệm việc thu thập phiếu khảo sát, nhập liệu, xử lý dữ liệu và viết báo cáo đánh giá kết quả cuộc khảo sát. Tổng cục Hải quan đảm nhiệm chủ trì (có sự hỗ trợ của VCCI) thực hiện các công việc: Lập kế hoạch toàn bộ cuộc khảo sát; Xác định đối tượng khảo sát; Xây dựng Phiếu khảo sát, hỗ trợ cho nhóm VCCI sử dụng đúng các thuật ngữ nghiệp vụ hải quan khi viết báo cáo.

Mặc dù mới được sử dụng trong các hội nghị ngành, các kết quả điều tra nghiên cứu này chưa được công bố rộng rãi nhưng chúng tôi cho rằng đây là bước chuyển quan trọng của ngành Hải quan, bước đầu đánh giá mức độ phản hồi từ thực tiễn và “chấm điểm”

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 8 - 2014