Chấm dứt hoàn toàn các chính sách "ăn đong"

Theo thanhnien.com.vn

(Tài chính) Thẳng thắn và kiên định ngay cả khi quan điểm đi ngược với "số đông" trong những vấn đề nóng bỏng, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh nhiều lần trong cuộc trao đổi về những giải pháp, góc nhìn, quan điểm của ông về nền kinh tế là cho lộ trình 3 năm (2013 - 2015). Và đặc biệt, đã đến lúc chấm dứt hoàn hoàn các chính sách "ăn đong".

Chấm dứt hoàn toàn các chính sách "ăn đong"
Nút thắt lớn nhất của nền kinh tế hiện nay vẫn là nợ xấu và bất động sản. Nguồn: internet
Không thể bao cấp mãi giá điện, dịch vụ y tế

PV: Quan điểm của ông thế nào về việc "nhà điện" lại tiếp tục tăng giá ngày 1.8 vừa rồi?

TS. Trần Du Lịch:
Tôi cho rằng, giá điện là mặt hàng cần thị trường hóa đầu tiên trong nhóm các mặt hàng mà Nhà nước đang định giá. Dứt khoát không bao cấp giá điện kinh doanh, bởi như vậy sẽ không khuyến khích doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng mà vô hình trung khuyến khích các ngành tổn hao điện như xi măng, sắt, thép...

Chúng ta hoàn toàn có thể trợ giá điện mà Nhà nước không phải bù. Ví dụ, những hộ dùng ổn định dưới 100 kWh/tháng thì được ổn định giá. Còn muốn xài sang hơn thì phải trả theo giá thị trường. Đây là vấn đề ưu tiên để đi vào cơ chế thị trường. Tất nhiên, phải buộc ngành điện giảm thất thoát điện năng và nâng cao hiệu quả quản lý, chứ không phải cứ nâng giá rồi cứ ì ra là không được.

Nhưng trong lúc "sức khỏe" của DN đã quá yếu như hiện nay, việc tăng giá sản phẩm - dịch vụ đầu vào chẳng khác nào đẩy họ đến đường cùng?


Điều chỉnh giá các loại hàng hóa công, dịch vụ y tế, điện, vận tải... là việc không thể tránh được. Vấn đề là điều chỉnh ở thời điểm nào để không ảnh hưởng đến CPI. Theo quan điểm của tôi, đằng nào ngành y tế trong nhiều năm nữa vẫn cần sự bao cấp rất lớn của Nhà nước nên chưa cần thiết phải điều chỉnh giá ngay. Y tế và các sản phẩm, dịch vụ khác sẽ điều chỉnh theo lộ trình 3 năm. Mục tiêu là để hết 3 năm này, cơ bản Nhà nước không can thiệp quá nhiều vào các loại giá mà vận hành cơ chế thị trường phù hợp với hội nhập. Chúng ta phải cho thị trường tín hiệu rằng, đó là định hướng chính sách, để DN có thể tính toán việc đầu tư, làm ăn.

Giảm ngay lãi suất trung hạn

Có rất nhiều mâu thuẫn giữa chỉ số vĩ mô lạc quan và thực trạng trì trệ của nền kinh tế, cá nhân ông đánh giá sức khỏe của nền kinh tế hiện nay như thế nào?

Ở Việt Nam, chính sách tiền tệ vẫn tác động nhanh nhất. Trong chính sách tiền tệ, vấn đề kéo giảm lãi suất trung hạn là cực kỳ quan trọng. Vì kéo giảm lãi suất trung hạn mới khuyến khích DN làm ăn lâu dài.

Câu hỏi đầu tiên tôi thường nhận được khi gặp gỡ các DN thời gian qua là "bao giờ kinh tế phục hồi, bao giờ chúng tôi có thể nghĩ đến chuyện làm ăn lâu dài?". Đó là một thực tế đáng lo bởi nó cho thấy sự mất phương hướng của thị trường, của cộng đồng DN. Chúng ta đã để tình trạng đầu cơ thái quá giai đoạn 2006 - 2008 làm méo mó nền kinh tế. Đưa nền kinh tế đến chỗ không còn cách nào khác là phải dùng biện pháp tình thế để ổn định vĩ mô. Trong đó, lạm phát trở thành một nỗi ám ảnh đối với các chính sách kinh tế trong suốt nhiều năm. Vì phải chống lạm phát nên các chính sách đều xoay quanh dùng công cụ tiền tệ và tài khóa... việc này làm hao mòn lòng tin trên thị trường.

Vậy ông có tin vào "sự phục hồi" đâu đó đã được khơi dậy trong hiện trạng mất phương hướng như ông vừa nói?

Tôi cho rằng hoàn toàn có thể. Ngay từ cuối năm ngoái tôi dự báo rằng với sự giảm mạnh của tổng cầu cùng việc thực hiện một chính sách tiền tệ chặt chẽ, lạm phát đã được kiềm chế. Nói nôm na là đã cắt sốt. Nhưng ai cũng biết rằng, nguyên nhân gây sốt vẫn tiềm ẩn. Để cắt hẳn sốt và phục hồi kinh tế, tôi đề nghị từ 2013 - 2015 chúng ta có thể hoàn toàn chấm dứt các chính sách "ăn đong", chuyển qua các chính sách trung hạn để định hướng cho thị trường. Trục chính là lạm phát. Chúng ta phải chuyển từ ứng phó lạm phát bị động sang chủ động hay ứng phó lạm phát mục tiêu. Mức lạm phát mục tiêu theo tính toán của tôi trong 3 năm tới xoay quanh 7%. Tất cả chính sách sẽ xây dựng dựa trên mức lạm phát mục tiêu này.

Cụ thể với chính sách tiền tệ - tài khóa, nên xử lý thế nào trong chương trình trung hạn của ông?  


Ở Việt Nam, chính sách tiền tệ vẫn tác động nhanh nhất. Trong chính sách tiền tệ, vấn đề kéo giảm lãi suất trung hạn là cực kỳ quan trọng. Vì kéo giảm lãi suất trung hạn mới khuyến khích DN làm ăn lâu dài. Giao cho Ngân hàng Nhà nước tính toán trong 3 năm các chỉ số như tổng cung tiền, mức độ tăng dư nợ tín dụng, lãi suất và tỷ giá với trục chính là CPI 7%.

Về chính sách tài khóa, tác động công chi với nền kinh tế là rất lớn. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi lần siết công chi là sức mua giảm ngay. Vấn đề bội chi ngân sách hằng năm cũng tính trên suốt 3 năm. Như năm nay, kinh tế không hấp thụ được tín dụng, có thể tăng công chi nhất thời, khi kinh tế đã hấp thụ được vốn thì công chi giảm đi. Làm sao để tổng đầu tư xã hội có thể di chuyển xoay quanh 30%. Nên tận dụng sự thoái vốn Nhà nước ở một số lĩnh vực không cần thiết để bù đắp vào việc tăng công chi. Như đầu tư vào bệnh viện, làm nguồn đối ứng cho các dự án hạ tầng làm theo dạng PPP để thu hút vốn xã hội. Hãy coi đây như là "vốn mồi".

Rồi vấn đề miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN, nói chung là các chính sách thuế nhằm tăng tổng cầu phải tính đến 2015 chứ không nên tính hết 2013.

Cứu bất động sản phải có “bàn tay” nhà nước

Trên tổng thể thì như vậy, nhưng nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là nợ xấu và bất động sản. Đã có quá nhiều giải pháp, ý kiến nhưng vẫn chưa thể xử lý được 2 vấn đề nan giải này, ông có kế sách gì không?

Để giải quyết nợ xấu, nỗ lực hiện nay là cần nhưng có vấn đề nằm ngoài khả năng của Ngân hàng Nhà nước. Giải quyết nợ xấu phụ thuộc vào khả năng phục hồi thị trường, của DN. Do khó khăn, một số DN trong thời gian vừa qua đã bị mất khách hàng. Tái lập cái này tương đối chậm, nhưng nếu tất cả chính sách tạo lập niềm tin được xây dựng như nói trên thì DN sẽ phục hồi dần dần, sẽ có khả năng trả nợ.

Thứ hai là khả năng phục hồi của thị trường bất động sản vì nợ xấu gắn liền với đóng băng bất động sản. Theo đánh giá của tôi, thị trường bất động sản Việt Nam chưa nan giải đến độ không có cách giải quyết. Thực tế, vẫn còn một phân khúc thị trường có nhu cầu, có thanh khoản nhưng không có hàng. Đó là loại căn hộ dưới 1 tỉ ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội; 500 - 600 triệu ở các tỉnh. Dư thừa là ở phân khúc cao cấp và các khu phân lô bán nền tràn lan. Do việc xây dựng những khu này không đồng bộ với kết cấu hạ tầng đi theo, nên không có người ở. Nói thật, các loại vốn chìm này rất khó phục hồi.

Ngoài gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, Nhà nước nên chọn ra một vài khu để làm kết cấu hạ tầng thì sẽ có thanh khoản ngay. Chẳng hạn, nếu có đường tàu điện ngầm nối khu đô thị mới Bình Dương với TP. Hồ Chí Minh thì khu này chắc chắn sẽ sầm uất trong vòng vài năm. "Ấm" bộ phận này thì lan tỏa đến các bộ phận khác. Tôi khẳng định, để phục hồi thị trường bất động sản phải có vai trò của Nhà nước chứ không để thị trường tự làm như một số người đề nghị.

Điều gì khó khăn nhất khi thực hiện các giải pháp trung hạn, thưa ông?

Cái khó nhất là chúng ta đưa ra biện pháp không đặt trong tư duy tổng thể, tài khóa làm riêng, ngân hàng làm riêng phần ngân hàng. Thật sự một chương trình tổng thể như vậy cũng không tốn công sức gì nhiều. Chúng ta đặt cái tổng thể và ngồi tính với nhau trên quan điểm là nhìn tổng cầu của nền kinh tế, sau đó tính về mặt định lượng của từng đơn vị.

Và trong giai đoạn 3 năm này, kinh tế chấp nhận mức tăng trưởng 5,5 - 6% nhưng giai đoạn sau chắc chắn tăng trưởng 7 - 8% mà vĩ mô ổn định. Như vậy mới có nền tảng để xây dựng kế hoạch 5 năm sau. Tôi cho rằng đây là cơ hội, cần mạnh dạn.