Chấp nhận lạm phát có mục tiêu, có định hướng

Theo Đại biểu Nhân dân

Trao đổi về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy Ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đồng tiền cũng như việc giữ lạm phát ở mức ổn định như mục tiêu Quốc hội đề ra có ý nghĩa, vai trò quan trọng. Nhưng cần đánh giá xem tác động trở lại của việc thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ thắt chặt những năm qua đã đem lại những động thái gì?

Chấp nhận lạm phát có mục tiêu, có định hướng
CPI giảm một mặt phản ánh lạm phát được kiềm chế, nhưng cũng cho thấy sự suy giảm về sức mua của nền kinh tế. Nguồn: Internet
Theo Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, cái quan trọng nhất là chúng ta đừng nghiêng về một phía nào cả. Cũng như người “đi trên dây”, nếu nghiêng về tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm đúng mức đến lạm phát hoặc chỉ tập trung vào kiềm chế lạm phát mà không nghĩ đến tăng trưởng kinh tế đều không ổn. Vấn đề là phải giữ được cân bằng. Trong điều hành nền kinh tế, muốn tăng trưởng kinh tế thì phải chấp nhận một mức lạm phát nào đó. Nhưng là lạm phát có mục tiêu, có định hướng.

Chúng ta phải có lạm phát, nhưng là lạm phát có mục tiêu, có định hướng

Thưa Chủ nhiệm, hôm nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, những tháng đầu năm 2013. Chủ nhiệm nhìn nhận như thế nào về nội dung này?

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển: Bước vào năm 2013, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, có thể thấy 5 tháng đầu năm, so với cùng kỳ thì tình hình kinh tế có chiều hướng tăng, đạt được kết quả ban đầu, đúng hướng nhưng chưa đáp ứng như mong muốn, tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối thấp. Như vậy, nếu 5 tháng đầu năm chỉ đạt dưới 5% thì tăng trưởng những tháng cuối năm phải tăng trưởng ở mức rất cao, có thể 6% hoặc hơn 6% thì mới có thể đạt được tỷ lệ tăng trưởng bình quân 5,5%. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay thì chúng ta khó có thể kỳ vọng đạt được mục tiêu Quốc hội đã thông qua là 5,5%. Như đánh giá của một số chuyên gia cũng như của Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì khả năng tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ đạt ở mức khoảng 5,2%. Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra thì sẽ có hàng loạt hệ lụy đi theo.

Cụ thể là những hệ lụy nào, thưa Chủ nhiệm?

Thứ nhất, sản xuất rõ ràng gặp khó khăn trên một số lĩnh vực quan trọng. Ví dụ, sản xuất công nghiệp - là xương sống, đầu tàu của nền kinh tế - nhưng trong 5 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng chỉ đạt ở mức độ rất khiêm tốn là 5,2%. Nông nghiệp, là bệ đỡ cho toàn bộ nền kinh tế, cũng đang rất khó khăn về thị trường. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng thấp so với cùng kỳ một số năm gần đây.

Thứ hai, hiện nay các doanh nghiệp rất khó khăn. Chưa có con số thống kê chính xác về con số doanh nghiệp dừng hoạt động, nhưng ước tính của các chuyên gia kinh tế cũng phải đến hàng chục nghìn doanh nghiệp. Doanh nghiệp, những đầu tàu của nền kinh tế, gặp khó khăn thì toàn bộ nền kinh tế gặp khó khăn. Bởi, doanh nghiệp chính là nơi tạo ra công ăn việc làm, lợi nhuận và khoản thu cho ngân sách.

Thứ ba, nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động sẽ gặp khó khăn khi tăng trưởng kinh tế đạt 6%. Khả năng tăng trưởng kinh tế như dự báo năm nay chỉ đạt 5,2%, thì đương nhiên số lao động thất nghiệp, không có công ăn việc làm phải tăng. Sở dĩ chúng ta không cảm thấy rõ áp lực về tình trạng người lao động thất nghiệp vì ở nước ta nông nghiệp vẫn đang là cứu cánh. Những người lao động khi gặp khó khăn, thất nghiệp thì họ lại quay trở về nông thôn, sống nhờ đồng ruộng, hoặc tìm những cách mưu sinh khác.

Thứ tư là thị trường tài chính, có thể nói thị trường này đang gặp khó khăn lớn. Rõ nhất là hệ thống ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,38% và vốn huy động tăng trưởng 5,8%. Tỷ lệ này cho thấy đầu vào nhiều, đầu ra ít - chứng tỏ dòng tiền cho vay chưa được như mong muốn. Ngoài ra, thị trường chứng khoán cũng vậy, rất trầm lắng. Thị trường bất động sản chưa khởi sắc. Nếu có là sự khởi sắc cục bộ trong phân khúc nào đó thôi, ví dụ như phân khúc nhà giá rẻ, nhà diện tích nhỏ... Tương tự như vậy là những vấn đề về xuất nhập khẩu, thị trường vàng...

Tất cả những hiện trạng đó, qua cái nhìn tổng thể, thì rõ ràng nền kinh tế của chúng ta đang rất khó khăn. Từ những khó khăn như vậy thì đương nhiên thu ngân sách gặp khó khăn. So với nhiều quý của các năm trước thì tiến độ thu ngân sách hiện đạt rất thấp, số thu ngân sách giảm. Thậm chí, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhận định rằng, sẽ có thể hụt thu trong năm 2013 nếu tình hình tiếp tục khó khăn như hiện nay. Xuất phát từ những phân tích đó, vấn đề đặt ra là cần phải nhìn nhận lại để có những giải pháp đúng đắn.

Quan điểm của Chủ nhiệm về những giải pháp đúng đắn cần có trong tình hình hiện nay là gì?

Tôi cho rằng, thực ra việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đồng tiền cũng như việc giữ lạm phát ở mức ổn định như mục tiêu Quốc hội đề ra có ý nghĩa, vai trò quan trọng. Nhưng cần đánh giá xem tác động trở lại của việc thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ thắt chặt những năm qua đã đem lại những động thái gì? Trước hết, đó là việc chỉ số CPI những tháng giáp Tết vừa qua tăng lên nhưng tăng không đáng kể. Và những tháng gần đây, CPI của những thành phố lớn đầu tàu về kinh tế, thị trường tiêu thụ lớn của nước ta như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... có xu hướng giảm trong vài tháng trở lại đây. Trong trường hợp này, CPI giảm một mặt phản ánh rằng chúng ta đã kiềm chế tốt lạm phát, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự suy giảm về sức mua của nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, trong điều hành nền kinh tế, muốn tăng trưởng kinh tế thì phải chấp nhận một mức lạm phát nào đó. Và mức lạm phát này là lạm phát có mục tiêu. Vì vậy, Quốc hội đặt ra mục tiêu lạm phát dưới 1 con số trên cơ sở phân tích rằng, nền kinh tế của nước ta do lạm phát ở mức cao, có nhiều bong bóng (về tài chính, chứng khoán, bất động sản...) làm kinh tế vĩ mô bất ổn, vì vậy là phải đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, phải chặn lại tốc độ lạm phát, nhưng vấn đề là chặn từ từ - quan điểm của Ủy ban Tài chính – Ngân sách là vậy. Quốc hội đặt mục tiêu lạm phát dưới 1 con số, vào khoảng 8 – 9% là hợp lý. Nhưng năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,13% của năm 2011. Nền kinh tế đang lạm phát cao mà chặn lại xuống còn 6,81%, thì cũng là câu chuyện cần nghiên cứu và tính toán một cách thấu đáo.

Vậy thì câu chuyện đặt ra cần nghiên cứu và tính toán một cách thấu đáo ở đây là gì, thưa Chủ nhiệm?

Cái quan trọng nhất, theo tôi là chúng ta đừng nghiêng về một phía nào cả. Cũng như người đi trên dây, nếu anh nghiêng về tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm đúng mức đến lạm phát hoặc chỉ tập trung vào kiềm chế lạm phát mà không nghĩ đến tăng trưởng kinh tế đều không ổn. Cho nên vấn đề là phải giữ được cân bằng. Đây là câu chuyện cần được nhìn nhận nghiêm túc. Chúng ta phải có lạm phát, nhưng là lạm phát có mục tiêu, có định hướng. Từ quan điểm này chúng ta cũng nên cân nhắc lại tất cả những mục tiêu này. Và vấn đề là nên bắt đầu từ đâu?

Như đã phân tích ở trên, doanh nghiệp là nền tảng, là đầu tàu của nền kinh tế, doanh nghiệp gặp khó thì nền tảng khó mà vững chắc. Cho nên, vấn đề là phải tìm mọi biện pháp để giúp đỡ các doanh nghiệp. Đương nhiên, chúng ta không giúp đỡ doanh nghiệp theo kiểu bao cấp, anh nào cũng giúp, mà phải bằng 2 cơ chế. Thứ nhất là cơ chế của kinh tế thị trường. Chúng ta phải chấp nhận câu chuyện doanh nghiệp nào làm ăn thiếu hiệu quả, làm ăn chụp giật, trôi nổi, chỉ chạy theo lợi nhuận thuần túy... nên để cơ chế thị trường đào thải. Chúng ta tập trung cứu những doanh nghiệp làm ăn đúng đắn, có định hướng tốt, có khả năng phát triển. Cơ chế thứ hai là của Nhà nước. Thông qua các cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch... để hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn tốt, tái cơ cấu, cổ phần hóa, sáp nhập, giải thể... những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.

Nhưng cần lưu ý rằng, cơ chế của Nhà nước cũng phải luôn luôn tuân thủ cơ chế thị trường. Đơn cử như chủ trương cổ phần hóa. Hiện tại chúng ta đang triển khai nhưng còn chậm. Có giai đoạn chúng ta cổ phần hóa rất mạnh, nhưng có giai đoạn cổ phần hóa bị chậm vì lý do thị trường. Nhưng chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước chỉ giữ lại những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nền tảng, xương sống của nền kinh tế mà nếu không có nó thì sẽ gây khó khăn cho việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Vấn đề quan trọng nhất phải giải quyết hiện nay vẫn là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Với thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay, thì những doanh nghiệp nào thuộc diện nên cứu, thưa Chủ nhiệm? 

Có 3 thứ doanh nghiệp cần. Đầu tiên, như máu trong cơ thể, doanh nghiệp cần vốn. Hiện nay, câu chuyện về vốn của doanh nghiệp, chủ yếu dựa vào vốn tín dụng của ngân hàng. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng đang bị một điểm nghẽn là nợ xấu, được ví như cục máu đông. Vậy thì các ngân hàng phải có một cuộc giải phẫu cục máu đông này: có phân loại, có những khoản phải khoanh nợ, giãn nợ, thậm chí có những khoản phải chấp nhận gạt sang một bên để tiếp tục cho doanh nghiệp có khả năng phát triển vay vốn.

Theo tôi, ngân hàng cần đặt mục tiêu: cứu doanh nghiệp chính là cứu mình. Tình hình vừa qua cho thấy, có hiện trạng nhiều ngân hàng chỉ tập trung thu nợ mà không tính toán đầy đủ đến chuyện phải để vốn để doanh nghiệp sống. Doanh nghiệp có sống được thì ngân hàng mới có thể thu nợ. Cho nên ngân hàng phải đặt ra mục tiêu là cứu doanh nghiệp là cứu chính mình, nhưng đương nhiên không phải là cứu tất cả doanh nghiệp. Tôi đồng tình là ngân hàng không thể bỏ tiền một cách vung vãi như trước đây mà không chú ý đến thẩm định chặt chẽ các dự án trước khi cho vay. Đồng thời, chúng ta cũng cần phân tích rõ, nợ xấu hình thành từ đâu? Rõ ràng, nợ xấu có sự góp phần từ đầu tư cho bất động sản, từ nợ xây dựng cơ bản. Đây là một cái nút cần phải tháo gỡ. Vừa qua, chính sách của chúng ta đã và đang tập trung hỗ trợ cho bất động sản có thể bán được – cũng là cách để xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tạo vốn. Các chính sách về giảm thuế vừa qua chính là hình thức để tạo vốn cho doanh nghiệp. Với chính sách về giảm thuế, cũng có ý kiến cho rằng chúng ta đang tháo gỡ cho doanh nghiệp có lợi nhuận thì đây không phải những doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Nhưng doanh nghiệp có hoạt động được, có lợi nhuận để được giảm thuế thì đấy cũng là cách để doanh nghiệp dành lại một lượng vốn đầu tư trở lại mở rộng sản xuất. Ngoài vốn tín dụng thì giảm thuế là cách tạo vốn để doanh nghiệp tăng thêm vốn tự có. Về mặt chính sách, pháp luật, chúng ta cần quy định rõ lộ trình để người dân, doanh nghiệp tin tưởng đầu tư.

Thứ hai là thị trường. Thị trường là sự sống còn của doanh nghiệp. Hàng hóa doanh nghiệp làm ra để bán trên thị trường mà thị trường bị chậm, sức mua giảm thì đây là vấn đề cần phải giải quyết. Trong trường hợp này rõ ràng phải có bàn tay của Nhà nước để kích hoạt tất cả các thị trường thông qua các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Ví dụ thị trường bất động sản, thực ra người dân không phải không có nhu cầu và không phải không có tiền, nhưng người ta không đầu tư cho bất động sản mà chuyển sang mua vàng, giữ tiền mặt và đợi bất động sản giảm giá. Vậy thì, chúng ta phải có sự khuyến khích, huy động, kích thị trường này lên bằng các chính sách cho vay, chính sách hỗ trợ. Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mà Chính phủ vừa đưa ra cho bất động sản cũng là một cách kích cầu thị trường. Hay các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế... đều nhằm mục tiêu gián tiếp kích thị trường. Ngoài ra, còn có câu chuyện như tuyên truyền, vận động để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam; không chỉ chú ý đến thị trường nước ngoài mà cần quan tâm đến thị trường trong nước...

Thứ ba, là phần việc của các cơ quan nhà nước, cần bảo đảm một khuôn khổ pháp lý ổn định. Nhiều doanh nghiệp nói rằng, không cần Nhà nước hỗ trợ gì cả, nhưng Nhà nước phải minh bạch về cơ chế, chính sách, phải đảm bảo chính sách, hàng rào kỹ thuật ổn định. Nếu không ổn định thì doanh nghiệp cũng không thể nào tính toán hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Thưa Chủ nhiệm, liên quan đến những khó khăn của kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, có ý kiến cho rằng, muốn cân đối thu chi ngân sách thì cái gốc là phải phục hồi sản xuất kinh doanh. Hay như cách nói của Chủ nhiệm là phải tập trung cứu doanh nghiệp...?

Gốc của thu ngân sách bắt nguồn từ sản xuất kinh doanh. Sản xuất mà khó khăn thì thu sẽ gặp khó khăn. Ở đây chưa bàn đến câu chuyện cân đối thu chi ngân sách. Nhưng nếu không giải quyết tốt vấn đề phát triển của doanh nghiệp, tăng thu nhập của doanh nghiệp, của người dân thì rõ ràng ngân sách nhà nước sẽ không có nguồn để thu. Còn nếu cứ trông chờ vào các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên... thì có thể làm cho số thu ngân sách tăng cao nhưng thiếu vững chắc, không bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế. Cho nên, quan trọng nhất phải giải quyết hiện nay vẫn là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh được thì mới có nguồn bảo đảm  thu ngân sách nhà nước.

Mặt khác, trong điều kiện thu ngân sách hạn hẹp như vậy thì như tôi đã nhiều lần đề cập, là phải cơ cấu lại chi ngân sách. Nhiều ý kiến cho rằng, bội chi của chúng ta hiện nay là bội chi do cơ cấu, do chính sách. Phải đảm bảo nguyên tắc từ thu để quyết định chi, chứ không phải từ nhu cầu để quyết định chi. Với nợ công cũng vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ là vẫn nằm trong giới hạn cho phép (Quốc hội cho phép nợ công ở mức 65%). Nhưng vấn đề là cái lõi của nợ công như thế nào? Nói nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng Chính phủ cũng phải tính toán lại câu chuyện thu chi, nợ công, hiệu quả quản lý và sử dụng đồng vốn, khả năng trả nợ... Đúng là phải giải quyết những khó khăn trước mắt, ngắn hạn, nhưng đồng thời phải rất căn cơ, có tầm nhìn dài hạn. Thực tế, so với thời điểm 2008, 2009, thì dư địa để chúng ta xử lý khó khăn của năm nay và các năm sau đã hẹp hơn nhiều, vì thế việc điều hành cũng khó hơn trước nhiều.

Xin chân thành cám ơn Chủ nhiệm!