Chất lượng kiểm toán do ai?

Theo Thời báo Ngân hàng

Phó tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn KPMG Trần Anh Quân cho rằng, vấn đề mấu chốt đối với chất lượng kiểm toán đó chính là tính độc lập của kiểm toán viên.

Chất lượng kiểm toán do ai?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Vai trò của Ban Kiểm soát đối với quá trình kiểm toán độc lập cần được nâng cao, trong đó nên giao trách nhiệm thông tin liên lạc và làm việc trực tiếp với kiểm toán viên độc lập cho Ban Kiểm soát. Tổ chức kiểm toán có trách nhiệm cung cấp cho Ban Kiểm soát các thông tin về hệ thống kiểm toán chất lượng nội bộ của kiểm toán viên...

Cổ đông thờ ơ, lỗ hổng kiểm toán thêm rộng

Phó tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn KPMG Trần Anh Quân cho rằng, vấn đề mấu chốt đối với chất lượng kiểm toán đó chính là tính độc lập của kiểm toán viên.

Dựa trên thực tiễn tại Việt Nam, một trong những nguy cơ ảnh hưởng đáng kể đến tính độc lập của kiểm toán viên xuất phát từ bản chất mối quan hệ giữa kiểm toán viên với khách hàng kiểm toán bao gồm việc lựa chọn và bổ nhiệm kiểm toán viên, sự tương tác trong công việc giữa kiểm toán viên với ban quản lý (Ban giám đốc của đơn vị được kiểm toán và việc giám sát kết quả trong kiểm toán của từng đơn vị được kiểm toán.

Các quy định hiện hành về việc lựa chọn và bổ nhiệm kiểm toán viên của các công ty đại chúng và công ty niêm yết chưa có hiệu lực cao. Quy định việc lựa chọn và bổ nhiệm kiểm toán viên phải được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt chỉ được thực hiện một cách hình thức. Trong hầu hết các trường hợp, việc này được giao phó (ủy quyền) hoàn toàn cho ban giám đốc.

Chưa kể sự thờ ơ của chính các nhà đầu tư trong các đại hội cổ đông khi tham gia lựa chọn đơn vị kiểm toán cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc lựa chọn kiểm toán phó mặc cho ban giám đốc.

Thông tư số 121/2012/TT-BTC đã đưa ra quy định tại Điều 21 “Ban kiểm soát có quyền lựa chọn và đề nghị Đại hội đồng cổ đông phê chuẩn tổ chức thực hiện kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của công ty đại chúng” được coi là một bước đi đúng hướng.

Tuy nhiên ngay trong mẫu điều lệ áp dụng cho các công ty đại chúng ban hành kèm theo Thông tư này lại có quy định:“Đại hội đồng cổ đông thường niên chủ động chọn một công ty kiểm toán độc lập hoặc thông qua danh sách các công ty kiểm toán độc lập và ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định lựa chọn một trong số các đơn vị này tiến hành các hoạt động kiểm toán công ty cho năm tài chính tiếp theo dựa trên những điều khoản và điều kiện thỏa thuận với Hội đồng quản trị”.

Điều này mâu thuẫn với quy định trao quyền lựa chọn kiểm toán viên cho Ban kiểm soát và có thể gây khó khăn khi triển khai trên thực tế. Vì vậy Ủy ban Chứng khoản cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về việc triển khai cũng như giám sát thực hiện.

Bên cạnh đó, vai trò của Ban Kiểm soát đối với quá trình kiểm toán độc lập cần được nâng cao, trong đó nên giao trách nhiệm thông tin liên lạc và làm việc trực tiếp với kiểm toán viên độc lập cho Ban Kiểm soát.

Tổ chức kiểm toán có trách nhiệm cung cấp cho Ban Kiểm soát các thông tin về hệ thống kiểm toán chất lượng nội bộ của kiểm toán viên. Kiểm toán viên có trách nhiệm cung cấp cho Ban Kiểm soát kế hoạch kiểm toán để Ban Kiểm soát xem xét, thảo luận và phê duyệt. Ban Kiểm soát lập báo cáo chi tiết về quá trình kiểm toán độc lập gửi Đại hội đồng cổ đông.

Thiếu tập trung, khó kiểm định chất lượng

Luật Kiểm toán độc lập ra đời năm 2011 có một chương riêng quy định về việc kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng bao gồm: các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức tài chính, công ty bảo hiểm, công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán độc lập đối với các đơn vị này hiện nay vẫn chưa được thực hiện một cách tập trung thống nhất nên chưa tận dụng tốt nhất các nguồn lực và đạt hiệu quả cao như mong muốn.

Trên thực tế Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) được giao nhiệm vụ trợ giúp Bộ Tài chính để thực hiện việc quản lý, giám sát các công ty kiểm toán, nhưng chưa có cơ chế rõ ràng về quyền hạn và chức năng của VACPA khi thực hiện nhiệm vụ này.

Trong khi đó, việc kiểm toán độc lập các TCTD trong đó có nhiều tổ chức niêm yết, đại chúng được đặt dưới sự quản lý giám sát của Ngân hàng Nhà nước dựa trên những quy định riêng có nhiều điểm khác biệt. Vì vậy sẽ rất hữu ích nếu việc quản lý giám sát việc kiểm toán các đơn vị có ích lợi công chúng được tập trung hóa và thực hiện theo một cơ chế thống nhất. “Điều này sẽ giúp tăng cường tính nhất quán trong hoạt động quản lý giám sát tập trung nguồn lực chuyên môn, giảm thiểu sự trùng lặp và nâng cao chất lượng quản lý, giám sát”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Ở một chiều ngược lại, định hướng áp dụng chung một hệ thống chuẩn mực kế toán và cơ chế tài chính giữa các thành phần kinh tế khác nhau nhất là giữa DNNN và các công ty niêm yết đại chúng đôi khi lại không phù hợp, không xử lý được những tình huống thực tế đặt ra.

Ví như việc hạch toán chênh lệch tỷ giá. Đối với các tập đoàn, tổng công ty có số dư vay ngoại tệ tại thời điểm định giá và thời điểm chuyển sang công ty cổ phần là rất lớn. Khi còn là DNNN, việc đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ để lấy nguồn trả nợ cho các năm sau.

Còn đối với DN thực hiện cổ phần hóa tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần Điều 7, Thông tư 179/2012/TT-BTC quy định “Trong giai đoạn giải thể, thanh lý DN, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ sẽ được hạch toán vào thu nhập thanh lý hoặc chi phí thanh lý DN”. Như vậy, nếu hạch toán chênh lệch tỷ giá mà làm cho DN lỗ thì phải trừ vào vốn Nhà nước.

Điều này làm cho Nhà nước mất vốn, ngược lại DN sau cổ phần, nếu có lãi thì được phân phối đồng nghĩa với việc lấy vốn của Nhà nước được trừ khi cổ phần hóa để phân phối. Đây là lý do, các cơ quan quản lý Nhà nước nên định hướng và từng bước áp dụng các chuẩn mực quốc tế về kế toán và lập và trình bày báo cáo tài chính cho các công ty đại chúng, niêm yết trong thời gian tới.