Trong quá trình đổi mới, hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, thông tin về lĩnh vực kinh tế đã trở thành một bộ phận hữu cơ của quá trình phát triển kinh tế; tuyên truyền kinh tế là tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế đến đông đảo quần chúng nhân dân; chuyển tải sâu sắc, da dạng thông tin về kinh tế để hình thành dư luận xã hội rộng rãi, tạo ra thông tin hai chiều, sinh hoạt dân chủ trong đời sống kinh tế của đất nước.

Trong đội ngũ báo chí nước nhà, các tạp chí kinh tế được xác định là loại hình đi tiên phong trong lĩnh vực thông tin nghiên cứu, lý luận, tổng kết thực tiễn và truyền thụ nghiệp vụ chuyên môn về kinh tế. Hiện nay, hệ thống tạp chí khoa học của nước ta hiện nay khá phong phú. Theo số liệu thống kê của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), cả nước hiện có 419 cơ quan tạp chí in của Trung ương, 116 cơ quan tạp chí in của địa phương.

Trong số các tạp chí in, có khoảng 60 tạp chí khoa học về kinh tế - là các tạp chí được Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp tra cứu, xem xét, tính điểm bài báo khoa học khi xét chọn học hàm, học vị khoa học. Các tạp chí kinh tế này phần lớn trực thuộc các bộ, ngành Trung ương, các học viện, trường đại học, viện khoa học. Các tạp chí được các đơn vị chủ quản xác định là những cơ quan thông tin lý luận và nghiệp vụ của ngành, là diễn đàn khoa học tập trung trí tuệ của các nhà khoa học trao đổi, thảo luận về các vấn đề kinh tế chuyên ngành, phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách và chỉ đạo nghiệp vụ.

Những thành công và hạn chế

Chất lượng nội dung thông tin kinh tế trên các tạp chí kinh tế ở Việt Nam hiện nay được thể hiện qua những đánh giá chủ yếu như sau:

Thứ nhất, các tạp chí kinh tế đã bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về công tác kinh tế, tổ chức tuyên truyền có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.

Các tạp chí kinh tế đã bước đầu phát huy được lợi thế về tính chuyên ngành, chuyên sâu, tính chính thống làm tốt vai trò nghiên cứu, phát triển lý luận, cụ thể hóa các quan điểm kinh tế của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước trong hoạt động thực tiễn, tổng kết thực tiễn, phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của các chủ trương, chính sách kinh tế. Cùng với đó, các tạp chí kinh tế đã chú trọng tổng kết thực tiễn, phân tích hiệu quả kinh tế-xã hội của các chủ trương, chính sách kinh tế... Thông qua hoạt động thực tiễn, các tạp chí kinh tế đã chứng minh tính đúng đắn của các quan điểm, đường lối, chính sách về kinh tế của Đảng và Nhà nước ta, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn để đề xuất, kiến nghị, giúp cho cơ quan chức năng có thêm căn cứ để điều chỉnh, bổ sung chính sách kịp thời.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam làm xuất hiện nhiều vấn đề kinh tế và quản lý rất mới mẻ, phức tạp, cần được nghiên cứu, trao đổi và phản biện một cách khoa học. Từ những vấn đề lý luận chung và quan điểm tư tưởng của Đại hội Đảng XI (2011) và các Nghị quyết của Trung ương, các tạp chí kinh tế đi sâu phân tích làm rõ những cơ sở lý luận, thực tiễn, nhận thức rõ các quan điểm cơ bản, những điểm mới của các văn kiện, mục tiêu, giải pháp, định hướng trong Nghị quyết của Đảng. Có thể nói, các tạp chí kinh tế không những đã góp phần tích cực đưa nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống mà còn đưa cuộc sống vào nghị quyết, vào chính sách.

Thứ hai, các tạp chí kinh tế là diễn đàn khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận... của cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, các nhà lãnh đạo và quản lý trong lĩnh vực kinh tế.

Các tạp chí kinh tế đã ngày càng trở thành diễn đàn khoa học uy tín tập hợp đông đảo các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế của đất nước. Thông qua việc khai thác tiềm năng và thế mạnh về nghiên cứu khoa học của các lực lượng nghiên cứu khoa học, hoạt động của các tạp chí góp phần làm tăng thêm tính thực tiễn, tính đa chiều, tính phản biện trong nhìn nhận, đánh giá các vấn đề đặt ra trong khoa học về kinh tế cũng như trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách kinh tế của Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động của mình, để có nguồn bài phong phú, có chất lượng, các tạp chí đã xây dựng được quan hệ cộng tác, phối hợp, cộng tác tham gia nghiên cứu khoa học, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu để tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, từ đó gắn nghiên cứu khoa học với tổng kết thực tiễn và lựa chọn được nhiều chuyên đề có hàm lượng khoa học cao để đăng tải.

Theo số liệu thống kê của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), cả nước có 419 cơ quan tạp chí in của Trung ương, 116 cơ quan tạp chí in của địa phương. Trong số các tạp chí in, có khoảng 60 tạp chí khoa học về kinh tế - là các tạp chí được Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp tra cứu, xem xét, tính điểm bài báo khoa học khi xét chọn học hàm, học vị khoa học.

Với nhiều chuyên mục cố định, số lượng trang in mỗi kỳ xuất bản 60-70 trang, định kỳ xuất bản hàng tháng, các tạp chí kinh tế của Việt Nam đã đăng tải hàng chục các công trình khoa học — kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn cũng như những thành tựu về phương pháp giảng dạy, phương pháp nghiên cứu khoa học, phục vụ trực tiếp và thiết thực cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Các công trình khoa học được duy trì đều đặn và phát huy hiệu quả hằng cách khai thác tối đa chất xám trong xã hội.

Thứ ba, tạp chí là nơi trao đổi thông tin nhằm đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trao đổi nghiệp vụ.

Trong xu thế phát triển chung của đất nước, hoạt động đào tạo và công tác nghiên cứu khoa học không ngừng được đẩy mạnh, nguồn lực thông tin của các tạp chí kinh tế ngày càng tăng nhanh về số lượng và chuyên sâu, qua đó góp phần quan trọng phục vụ có hiệu quả mục tiêu đào tạo, nghiên cứu khoa học, là địa chỉ tin cậy và hiệu quả trao đổi thông tin nhằm đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trao đổi nghiệp vụ.

Với sự hợp tác chặt chẽ của các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, các tạp chí kinh tế thực sự trở thành tiếng nói khoa học, phản ánh kịp thời những thành tựu trong nghiên cứu lý luận và đào tạo khoa học về kinh tế của các bộ ngành, đơn vị chủ quản và của đất nước.

Bên cạnh những thành công bước đầu đạt được, chất lượng nội dung thông tin kinh tế trên các tạp chí kinh tế ở Việt Nam hiện nay cũng đang có những tồn tại và hạn chế chủ yếu như sau:

- Nội dung thông tin khoa học lý luận chưa sâu, việc kiến giải và tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn mới, phức tạp còn chưa kịp thời, chưa sắc bén... Không ít bài viết nghiên cứu khoa học chưa gắn chặt với thực tiễn, vẫn nặng về trình bày, phân tích khái niệm nguyên lý lý luận cơ bản. Còn các bài phản ảnh thực tiễn thường chỉ mới dừng ở trình bày thực trạng và những đề xuất, kiến nghị thường chung chung. Thực tiễn mang tính phổ biến đang đòi hỏi có lời giải đáp và tổng kết của lý luận chứ không đơn thuần chỉ là miêu tả thực tế.

- Số lượng bài được đăng nhiều nhưng chưa vận dụng được các nguyên lý lý luận và phương pháp phân tích khoa học để giải quyết vấn đề thực tiễn cụ thể trước hết là trên phương diện quan điểm, phương pháp luận và định hướng nhận thức, trong đó có liên hệ, sử dụng có chọn lọc những kinh nghiệm thực tiễn (cả thành công lẫn thất bại) đồng thời gợi mở cách thức tiếp cận vấn đề do sự vận động của đời sống hiện thực và phong trào cách mạng ở cơ sở cung cấp.

- Tính tổng kết và dự báo chưa cao: Chất lượng thông tin nghiên cứu dự báo, nhất là dự báo vĩ mô vẫn ở mức độ hạn chế. Một số bài viết còn nặng về mô tả số liệu mà thiếu đầu tư chiều sâu, hạn chế về nhận định, đề xuất giải pháp. Một số tạp chí là cơ quan thông tin lý luận - nghiệp vụ của các bộ ngành – nơi tập trung và sở hữu cơ sở dữ liệu rất phong phú nhưng chưa khai thác hiệu quả để tạo ra những bài viế khoa học hoặc những chủ đề, chuyên đề nghiên cứu có giá trị thông tin cao, độc đáo.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng thông tin kinh tế trên các tạp chí kinh tế ở Việt Nam

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin cũng như sự đa dạng hóa hoạt động báo chí, đã và đang diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt để tồn tại và phát triển của các loại hình thông tin truyền thông nói chung và tạp chí kinh tế nói riêng. Làm thế nào để giữ đúng chức năng, nhiệm vụ của tạp chí mà vẫn phát triển trong điều kiện hiện nay? Làm thế nào để tạp chí phát triển ngang tầm với tính chất và yêu cầu đặt ra? Những thách thức nêu trên đòi hỏi các tạp chí phải nỗ lực tìm phương thức mới, trong đó giải pháp mấu chốt nhất là phải đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin của các tạp chí – đó là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất để nâng cao chất lượng hoạt động của tạp chí.

Để ngày càng khẳng định và nâng cao vị thế của mình, các tạp chí kinh tế phải chú trọng phát huy được lợi thế về tính chuyên ngành, chuyên sâu, tính chính thống từ vị thế của các bộ, ngành là cơ quan chủ quản, tính thực tiễn từ những tổng kết, đánh giá, lợi thế về tiếp cận thông tin và khai thác được khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của các cộng tác viên.

Chúng tôi cho rằng, tính chất và đặc thù về nội dung thông tin của tạp chí kinh tế chính là những thông tin lý luận, phân tích chuyên sâu, dự báo, bình luận. Đây cũng là nội dung luôn được độc giả quan tâm và cũng chính là bản sắc của mỗi tạp chí, tạo ra sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của các tạp chí so với các loại hình báo chí khác. Các nhóm giải pháp bao gồm:

- Cần xác định rõ tôn chỉ, mục đích của nội dung các bài viết trong tổng thể tạp chí. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, định hướng cho các giải pháp khác, đồng thời là tiêu chí quan trọng để các bài viết khoa học cần đạt tới. Để ngày càng khẳng định và nâng cao vị thế của mình, các tạp chí cần chú trọng chuyển tải được những nội dung khoa học, cơ bản cả về lý luận và thực tiễn, đồng thời đảm bảo có tính thời sự, thiết thực và hấp dẫn độc giả. Đặc biệt, các tạp chí phải chú trọng phát huy được lợi thế về tính chuyên ngành, chuyên sâu, tính chính thống từ vị thế của các bộ, ngành là cơ quan chủ quản, tính thực tiễn từ những tổng kết, đánh giá, lợi thế về tiếp cận thông tin và khai thác được khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của các cộng tác viên, nhất là những người có kinh nghiệm hoạt động kinh tế, giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các ngành địa phương, các doanh nghiệp.

- Cần tăng cường hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí về nội dung thông tin của tạp chí. Các bài viết thể hiện đúng và trúng thực tiễn sinh động của kinh tế đất nước trên các lĩnh vực; Các bài viết phải thể hiện các tiêu chí của một bài khoa học, bên cạnh việc bảo đảm các chuẩn chung quy định sự hấp dẫn của một tác phẩm báo chí.

- Xây dựng quy trình biên tập khoa học và hiệu quả. Các ban biên tập đề ra và thực hiện quyết liệt kế hoạch biên tập trên cơ sở bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ của tạp chí; Cần chú ý tới việc lập kế hoạch công việc cụ thể cho từng số; Lựa chọn đề tài chuyên đề hiệu quả, bảo đảm các vấn đề “nóng” được xuất hiện có chiều sâu, toàn diện một cách tương xứng với tầm vấn đề. Cần thiết có các hình thức xâu chuỗi các bài viết cùng chủ đề, như tập trung theo số, quý, năm, có bài tổng thuật về toàn bộ các bài viết…; Chú trọng xây dựng kết cấu thông tin phù hợp cho các chuyên đề và hệ thống chuyên mục của tạp chí.

- Tăng cường các giải pháp để thu hút các bài viết có chất lượng tốt. Tòa soạn các tạp chí cần có giải pháp hiệu quả nhằm huy động, khuyến khích các nhà khoa học gửi bài đến tạp chí bằng cách trả tiền thù lao tương xứng cho bài được đăng; Mời và khuyến khích các nhà khoa học có uy tín quốc tế viết bài chủ đề cho mỗi số của tạp chí và trả nhuận bút xứng đáng; Tận dụng các hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam bằng cách chọn lọc bài viết có chất lượng cao để in thành tuyển tập...

- Nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng nghiệp vụ báo chí của biên tập viên. Đây là một quá trình đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ của các khâu khác, như tuyển chọn cán bộ, bố trí cán bộ, bồi dưỡng trình độ lý luận và trình độ nắm bắt thực tiễn cho cán bộ... Chỉ khi các tạp chí có đội ngũ cán bộ biên tập giỏi chuyên môn, say mê với công việc, sâu sát thực tiễn thì chắc chắn sẽ nâng cao được tính hấp dẫn của nội dung. Cần chuẩn hóa trình độ của biên tập viên của các tạp chí với tiêu chí vừa là nhà báo, vừa là người làm khoa học.

 Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thế Kỷ, Báo chí tài chính cần mang hơi thở của đời sống, http://www. tapchitaichinh.vn/Trao-doi-Binh-luan/Bao-chi-tai-chinh-can-mang-hoi-tho-cua-doi-song/26792.tctc);

2. Nguyễn Văn Dững (2012), Cơ sở lý luận báo chí, NXB Lao Động, Hà Nội;

3. Học viện Báo chí Tuyên truyền (2013), “Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Cơ hội, thách thức và triển vọng”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế, Hà Nội.

Chất lượng nội dung thông tin kinh tế trên các tạp chí kinh tế ở Việt Nam hiện nay

ThS. PHẠM THU PHONG

(Tài chính) Các tạp chí kinh tế được xác định là loại hình đi tiên phong trong lĩnh vực thông tin nghiên cứu, lý luận, tổng kết thực tiễn và truyền thụ nghiệp vụ chuyên môn. Để ngày càng nâng cao chất lượng thông tin kinh tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, các tạp chí kinh tế phải chú trọng phát huy lợi thế về tính chuyên ngành, chuyên sâu, tính chính thống từ vị thế của cơ quan chủ quản, tính thực tiễn từ những tổng kết, lợi thế về tiếp cận thông tin.

Xem thêm

Video nổi bật