Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa bền vững

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Năm 2013 đã đang đi hết những ngày cuối cùng. Bức tranh sơ bộ về tình hình kinh tế - xã hội năm qua cũng đã được khắc họa rõ nét dưới các con số thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa bền vững
Mặc dù tăng trưởng đã được cải thiện nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao và chưa bền vững. Nguồn: internet

Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê ngày hôm nay, 23/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao và chưa bền vững. Đóng góp của yếu tố vốn và lao động trong tăng trưởng GDP còn lớn.

Kinh thế thế giới năm 2013 vẫn còn nhiều bất ổn và biến động phức tạp. Tăng trưởng kinh tế của các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, đặc biệt là một số nước thành viên đang chịu ảnh hưởng của nợ công vẫn còn rất mờ nhạt. Khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa hoàn toàn chấm dứt. Mặc dù có một vài dấu hiệu tích cực cho thấy các hoạt động kinh tế đang phục hồi trở lại sau suy thoái nhưng triển vọng kinh tế toàn cầu nhìn chung chưa vững chắc, nhất là đối với các nền kinh tế phát triển.

Những yếu tố không thuận lợi đó từ thị trường thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nước ta. Ở trong nước, các khó khăn, bất cập chưa được giải quyết gây áp lực lớn cho sản xuất, kinh doanh: Hàng tồn kho ở mức cao, sức mua yếu, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở mức đáng lo ngại, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể...

Mặc dù tăng trưởng đã được cải thiện nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao và chưa bền vững. Đóng góp của yếu tố vốn và lao động trong tăng trưởng GDP còn lớn. Năm 2013 đóng góp của các nhân tố này vào tăng trưởng GDP lần lượt là 55,79% và 17,12%.

Trong khi đó, đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nếu như tại Hàn Quốc, đóng góp của yếu tố TFP là 51,32%; Malaisia: 36,18%; Thái lan: 36,14%; Trung Quốc: 35,19%; Ấn Độ: 31,01%... thì ở Việt Nam, yếu tố này chỉ là 19,59%.

Bên cạnh đó, năng suất lao động Việt Nam cũng rất thấp (thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan gần 30 lần và Nhật Bản 135 lần)  và có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Nếu như thời kỳ 1991-2000, năng suất lao động xã hội của nước ta tăng bình quân hàng năm ở mức 5,21%, trong đó giai đoạn 1991-1995 tăng 5,7% và giai đoạn 1996-2000 tăng 4,72%; thì đến thời kỳ 2001-2010 đã giảm xuống còn 4,3%, trong đó giai đoạn 2001-2005 tăng 4,48%% và giai đoạn 2006-2010 tăng 4,13%.

Điểm qua bức tranh kinh tế năm 2013

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng cục Thống kê công bố, tình hình hoạt động của các ngành kinh tế như sau:

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có nhiều chuyển biến

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2013 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 801,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm 2012, bao gồm: Nông nghiệp đạt 602,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5%; lâm nghiệp đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6%; thuỷ sản đạt 176,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2%.

Sản lượng lúa cả năm 2013 ước tính đạt 44,1 triệu tấn, tăng 338,3 nghìn tấn so với năm trước, trong đó diện tích gieo trồng ước tính đạt 7,9 triệu ha, tăng 138,7 nghìn ha, năng suất đạt 55,8 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha. Nếu tính thêm 5,2 triệu tấn ngô thì tổng sản lượng lương thực có hạt năm nay ước tính đạt 49,3 triệu tấn, tăng 558,5 nghìn tấn so với năm trước.

Diện tích gieo trồng lúa đông xuân năm nay đạt 3140,7 nghìn ha, tăng 16,4 nghìn ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 20,2 triệu tấn, giảm 54,4 nghìn tấn do năng suất đạt 64,4 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha. Diện tích gieo trồng lúa hè thu đạt 2146,9 nghìn ha, tăng 15,1 nghìn ha so với vụ trước; sản lượng đạt 11,2 triệu tấn, giảm 81,6 nghìn tấn do năng suất chỉ đạt 52,2 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha. Diện tích gieo trồng lúa mùa đạt 1985,4 nghìn ha, tăng 7,6 nghìn ha so với vụ mùa năm 2012. Tuy nhiên, sản lượng lúa mùa ước tính đạt gần 9,4 triệu tấn, giảm 104,4 nghìn tấn do năng suất chỉ đạt 47,3 tạ/ha, giảm 0,7 tạ/ha.

Cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển. Diện tích cho sản phẩm và sản lượng một số cây chủ yếu như sau: Sản lượng chè tăng 1,3%; cà phê diện tích tăng 2,1%, sản tăng 2,3%; cao su diện tích tăng 7%, sản lượng tăng 8,2%; hồ tiêu diện tích tăng 6%, sản lượng tăng 5,3%.

Đàn trâu cả nước năm 2013 có 2,6 triệu con, giảm 2,6% so với năm 2012; đàn bò có 5,2 triệu con, giảm 0,7%, riêng nuôi bò sữa vẫn phát triển, tổng đàn bò sữa năm 2013 của cả nước đạt 186,3 nghìn con, tăng 11,6%; đàn lợn có 26,3 triệu con, giảm 0,9%; đàn gia cầm có 314,7 triệu con, tăng 2,04%, trong đó đàn gà 231,8 triệu con, tăng 3,6%. Sản lượng thịt hơi các loại năm 2013 ước tính đạt 4,3 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm trước, trong đó sản lượng thịt trâu giảm 3,5%; sản lượng thịt bò giảm 2,9%; sản lượng thịt lợn tăng 1,8%; sản lượng thịt gia cầm tăng 2,4%.

Sản lượng thuỷ sản năm 2013 ước tính đạt 5918,6 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 4400 nghìn tấn, tăng 1,3%; tôm đạt 704 nghìn tấn, tăng 11,7%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1037 nghìn ha, giảm 0,2% so với năm 2012, trong đó diện tích nuôi cá tra 10 nghìn ha, giảm 7,2%; diện tích nuôi tôm 637 nghìn ha, tăng 1,6%.

Công nghiệp có dấu hiệu phục hồi

Sản xuất công nghiệp năm 2013 có dấu hiệu phục hồi, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp đã có sự chuyển biến rõ nét qua các quý. Chỉ số tồn kho, chỉ số tiêu thụ diễn biến theo xu hướng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2013 ước tính tăng 5,9% so với năm trước, trong đó quí I tăng 5%; quí II tăng 5,5%; quí III tăng 5,4% và quí IV tăng 8%. 

Trong các ngành công nghiệp cấp I, IIP ngành khai khoáng giảm 0,2% so với năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo (Chiếm khoảng 71% giá trị tăng thêm toàn ngành) tăng 7,4%, cao hơn nhiều mức tăng 5,5% của năm 2012, trong đó quý I tăng 5,3%; quý II tăng 6,9%; quý III tăng 7,8% và quý IV tăng 10,1% ngành sản xuất, phân phối điện tăng 8,5%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,1%.

Trong mức tăng chung của toàn ngành năm nay, ngành chế biến, chế tạo đóng góp 5,3 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai thác làm giảm 0,1 điểm phần trăm.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao trong cả năm 2013 so với năm 2012 là: Dệt tăng 21,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 14,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,6%; sản xuất trang phục tăng 10,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,6%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 9,5%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 9%.

Trong khi đó, một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất thuốc lá tăng 6,7%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 6,7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng 0,5%; khai thác than cứng và than non giảm 1,8%; sản xuất kim loại giảm 2,6%; khai khoáng khác giảm 5,3%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mười một tháng năm nay tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước (Cùng kỳ năm 2011 tăng 1,5% và năm 2012 tăng 3,6%).

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/12/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm 2012 (Cùng kỳ năm 2011 là 23%; năm 2012 là 20,1%).

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 8,8%; dệt tăng 6,3%; sản xuất trang phục giảm 1,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 11,3%; sản xuất đồ uống giảm 21,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 37,8%.

Tuy nhiên, vẫn còn những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 127,5%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 96,4%; sản xuất kim loại tăng 45,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 32,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 27,6%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Mười Một là 71,1%; tỷ lệ tồn kho bình quân mười một tháng năm nay là 73,7%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho bình quân mười một tháng cao là: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 121,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 115,1%.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm 01/12/2013 tăng 0,8% so với tháng 11 năm 2013 và tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,3%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,6%. Theo ngành kinh tế cấp I, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 3%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,2%.

 Hoạt động dịch vụ khá sôi động

Cụ thể, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 ước tính tăng 12,6% so với năm 2012, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 5,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 của khu vực kinh tế nhà nước chiếm 9,9% và giảm 8,6% so với năm 2012; kinh tế ngoài nhà nước chiếm 86,7% và tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,4% và tăng 32,8%.

Xét theo ngành kinh doanh, kinh doanh thương nghiệp chiếm 76,7% tổng mức và tăng 12,2%; khách sạn nhà hàng chiếm 12,1% và tăng 15,2%; dịch vụ chiếm 10,3% và tăng 13,3%; du lịch chiếm 0,9% và tăng 3,5%.

Về vận tải hành khách, năm 2013 ước tính tăng 6,3% về lượt khách và tăng 5,4% về lượt khách.km so với năm 2012, trong đó vận tải hành khách đường bộ ước tính tăng 6,5% về lượt khách và tăng 4,4% về lượt khách.km so với năm trước; đường sông tăng 2% và tăng 4,1%; đường hàng không tăng 11,2% và tăng 11%; đường biển tăng 4,1% và tăng 3,6%; đường sắt giảm 0,6% và giảm 3,5%.

Vận tải hàng hóa năm 2013 ước tính tăng 5,4% về tấn và giảm 0,4% về tấn.km so với năm trước, trong đó vận tải trong nước tăng 5,7% và tăng 5,2%; vận tải ngoài nước giảm 4,4% và giảm 4,3%.

Khách quốc tế đến nước ta năm 2013 ước tính đạt 7572,4 nghìn lượt người, tăng 10,6% so với năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 4640,9 nghìn lượt người, tăng 12,2%; đến vì công việc 1266,9 nghìn lượt người, tăng 8,7%; thăm thân nhân đạt 1259,6 nghìn lượt người, tăng 9,4%. Khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không là 5980 nghìn lượt người, tăng 7,2% so với năm 2012; đến bằng đường biển 193,3 nghìn lượt người, giảm 32,3%; đến bằng đường bộ 1399,1 nghìn lượt người, tăng 41,9%.

Giá trị sản xuất xây dựng vẫn tăng

Giá trị sản xuất xây dựng năm 2013 theo giá so sánh 2010 ước tính tăng 6,2% so với năm 2012, trong đó khu vực Nhà nước đạt giảm 1,4%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 6,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 34,3%.

Giá trị sản xuất xây dựng năm 2013 theo giá hiện hành ước tính đạt 770,4 nghìn tỷ đồng, trong đó khu vực Nhà nước chiếm 12%; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 83,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 4,4%. Giá trị sản xuất xây dựng năm 2013 chia theo loại công trình như sau: Công trình nhà ở đạt 333,3 nghìn tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 128,2 nghìn tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 219,4 nghìn tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 89,5 nghìn tỷ đồng.

Thu ngân sách thấp hơn dự toán

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2013 ước tính đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, bằng 96,9% dự toán năm, trong đó thu nội địa 530 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2%; thu từ dầu thô 115 nghìn tỷ đồng, bằng 116,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 140,8 nghìn tỷ đồng, bằng 84,6%.

Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 ước tính đạt 986,2 nghìn tỷ đồng, bằng 100,8% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 201,6 nghìn tỷ đồng, bằng 115,1% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 196,3 nghìn tỷ đồng, bằng 115,4%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi thực hiện cải cách tiền lương) ước tính đạt 679,6 nghìn tỷ đồng, bằng 100,8%; chi trả nợ và viện trợ 105 nghìn tỷ đồng, bằng 100%. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm nay ở mức 5,3% GDP, vượt mức 4,8% đã dự toán.