Chất lượng tín dụng vẫn phải đặt lên hàng đầu

Theo Đầu tư Chứng khoán

“Ngoài con số tăng trưởng, chất lượng tín dụng vẫn phải luôn được đặt lên hàng đầu để tránh lặp lại tình trạng nợ xấu như hiện nay”, ông Sumit Dutta, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhấn mạnh.

Theo ông, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013 liệu có khả thi?

Chất lượng tín dụng vẫn phải đặt lên hàng đầu - Ảnh 1
Ông Sumit Dutta,
Tổng Giám đốc Ngân hàng
HSBC Việt Nam
Với các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013 là tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục kiềm chế lạm phát, đạt tăng trưởng bền vững tạo đà cho những năm sau thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% là vừa phải. Tôi hoan nghênh Chính phủ đã tiếp tục các biện pháp kiểm soát và kỷ luật.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải giải quyết những khó khăn hiện tại như vấn đề nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, kích cầu tiêu dùng và sản xuất.

Tôi nghĩ, điều quan trọng là Chính phủ phải đề ra một kế hoạch chi tiết để đối phó với vấn đề nợ xấu. Nếu không, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì thái độ dè dặt trong chi tiêu và đầu tư.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, NHNN cần có những biện pháp gì? Các ngân hàng thương mại nên làm gì? Có cần sự hỗ trợ từ các ngành khác?

Việc đầu tiên là phải có các biện pháp kích cầu trong và ngoài nước. Với nhu cầu ngoài nước, tín hiệu khả quan là các nền kinh tế đầu tàu của thế giới đồng thời cũng là đối tác thương mại chính của Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, Trung Quốc đã có các chỉ số tăng trưởng mạnh mẽ; Nhật Bản đang xúc tiến cho việc phục hồi các hoạt động kinh tế trong nửa sau năm 2013, đầu tư mạnh mẽ vào các thành phố đang cần tái thiết sau động đất và sóng thần; Mỹ đang lấy lại đà tăng trưởng của tiêu dùng khi các chỉ số tiêu thụ nhà và xe đang hết sức lạc quan, các chỉ số về lao động cũng đang tăng lên.

Tuy nhiên, trong nước, nhu cầu vẫn còn khá yếu dù có mức phục hồi chậm. Vấn đề quan trọng là Chính phủ cần có một chính sách xuyên suốt và nhất quán để phát triển các ngành công nghiệp có thể đóng góp vào đẩy mạnh tiêu dùng. Ví dụ, ô tô vốn là ngành có hàm lượng chất xám cao và tạo ra công ăn việc làm cho một loạt các ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện tại, riêng với ngành ô tô, chúng ta có Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô tới năm 2020 và tầm nhìn tới 2030. Nhưng bên cạnh đó lại có hàng loạt đề xuất nhằm hạn chế xe cá nhân thông qua các loại phí. Ở đây cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ban, ngành vì lợi ích cuối cùng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để tái lập niềm tin của người tiêu dùng và kích thích hành vi tiêu dùng thì một hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cần được thiết lập. Người tiêu dùng cần phải thấy tin tưởng rằng, những quyết định chi tiêu của mình là đúng đắn và sẽ được bảo vệ khi cần.

Chúng ta lại thấy vai trò hỗ trợ của những bộ, ban, ngành khác ở đây, vì rõ ràng, nhiệm vụ của NHNN là tạo lập kênh dẫn vốn hiệu quả cho thị trường, cung cấp vốn cho những ngành kinh tế xương sống, từ đó phát triển các ngành kinh tế đó và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói chung. Vấn đề còn lại về kích cầu và đảm bảo các yếu tố cần thiết cho kích cầu cần phải có sự chung tay của toàn thể các bộ.

Tiếp theo, vấn đề cốt lõi vẫn là nợ xấu đang lơ lửng trong hệ thống tài chính sẽ tiếp tục làm giảm nhu cầu tín dụng. Chính vì vậy, nếu tiếp tục bơm tín dụng vào các lĩnh vực đang gặp khó khăn, mà không có những cải cách cụ thể để tăng tính minh bạch của khu vực tài chính và khối doanh nghiệp nhà nước sẽ làm tăng rủi ro mang tính hệ thống, chưa giải quyết những thách thức cơ bản của nền kinh tế.

Điều cuối cùng là chúng ta phải hành động. Kế hoạch dù cho tốt đến mấy cũng sẽ chưa đủ để tái lập niềm tin thị trường và giải quyết được các vấn đề.

Điều quan trọng nhất quyết định đến tăng trưởng tín dụng là gì, thưa ông?

Thứ nhất, ngoài con số tăng trưởng tín dụng thì chất lượng tín dụng vẫn là điều phải luôn được đặt lên hàng đầu. Mức tăng trưởng cao cũng đòi hỏi phải thẩm định kỹ càng và hợp lý, nhất là dựa trên sức khỏe tài chính lành mạnh của khách hàng.

Thứ hai, các kênh hay lĩnh vực mà tín dụng được đưa vào. Nếu thay vì đi vào đời sống người dân, phục vụ cho sản xuất - kinh doanh và các ngành trọng điểm của nền kinh tế, tín dụng lại được đẩy vào những kênh không hiệu quả như bất động sản trước đây, phục vụ sở hữu chéo, cho vay công ty gia đình hay cho vay nội bộ tập đoàn thì không tạo ra giá trị nào thêm cho tăng trưởng kinh tế nói chung, mà còn góp phần vào tạo lập nguy cơ nợ xấu.

Các ngân hàng cần nâng cao quản trị doanh nghiệp, tự trang bị khả năng quản trị rủi ro tín dụng của mình với sự giám sát chặt chẽ của NHNN, để tránh việc các ngân hàng có những động thái cạnh tranh không lành mạnh nhằm bảo đảm nguồn vốn cung ứng cho tín dụng. Đây là công cuộc nhằm tránh cho đất nước đi lại con đường dẫn tới mức nợ xấu cao như hiện nay trong vòng 5 - 10 năm tới.