Chênh lệch số liệu trước, sau kiểm toán: Cần xem xét cụ thể nguyên nhân

Theo Tạp chí Chứng khoán 6/2016

Báo cáo tài chính (BCTC) là cái nhìn đa chiều về tài chính, kế toán của doanh nghiệp. Bản báo cáo này không chỉ có ý nghĩa với các nhà phân tích tài chính, mà còn đóng vai trò rất quan trọng đối với nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: HNX
Ảnh minh họa. Nguồn: HNX

Nhà đầu tư có thể căn cứ vào BCTC để đánh giá tình hình “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp và đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Nhưng hiện nay, đã xuất hiện tình trạng “tô vẽ” cho đẹp hơn, khiến cho BCTC sai lệch với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để BCTC phản ánh đúng tình hình hoạt động của doanh nghiệp? Vai trò của công ty kiểm toán đối với chất lượng BCTC nằm ở đâu?

Để trả lời cho những câu hỏi này, phóng viên đã trao đổi với ông Khúc Đình Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Tư vấn Tài chính Quốc tế (IFC) và ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC xoay quanh vấn đề trên.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng BCTC của các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây?

Ông Khúc Đình Dũng: Trong những năm gần đây, chất lượng BCTC đã tăng lên đáng kể. Đặt biệt, kể từ năm 2015 khi Thông tư 200/2014/TT-BTC (Thông tư 200) của Bộ Tài chính được ban hành ngày 22/12/2014 về việc hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp có hiệu lực, các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đúng bản chất hơn, các thông tin trình bày trên BCTC đầy đủ hơn, chất lượng hơn, giúp cho người sử dụng BCTC đưa ra được các quyết định phù hợp hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Để đánh giá chất lượng BCTC của các doanh nghiệp Việt Nam đòi hỏi phải nghiên cứu công phu và toàn diện mới có thể có được cái nhìn đầy đủ, sát thực.

Tuy nhiên, thông qua các BCTC đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, có thể nói rằng BCTC của doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước minh bạch hơn. Đặc biệt, sự ra đời của Thông tư 200 đã làm cho BCTC năm 2015 của các doanh nghiệp Việt Nam có một bước chuyển biến mới, rõ ràng, khách quan hơn trước.

Số liệu thống kê mới đây nhất cho thấy vẫn có tình trạng BCTC của các doanh nghiệp trước và sau kiểm toán có sự chênh lệch lớn như lãi thành lỗ hoặc ngược lại. Hiện tượng trên nói lên điều gì và có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường và nhà đầu tư, thưa ông?

Ông Khúc Đình Dũng: Việc chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Chúng ta phải xem nguyên nhân của các chênh lệch đó là gì qua các bản giải trình của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY).

Chênh lệch có thể do sai sót, nhầm lẫn trong việc ghi chép và trình bày các khoản mục trên BCTC. Hay chênh lệch cũng có thể xuất phát từ quan điểm khác nhau giữa DNNY với các kiểm toán viên, đặc biệt là liên quan đến các ước tính kế toán như các khoản dự phòng, khấu hao và phân bổ…

Một nguyên nhân nữa là do sai sót, nhầm lẫn từ phía các công ty con, công ty liên doanh liên kết của DNNY làm cho BCTC của công ty mẹ cũng bị sai theo, khi thực hiện kiểm toán các công ty con, công ty liên doanh liên kết này thì mới phát hiện ra sai sót.

Các sai lệch về số liệu trước và sau kiểm toán rõ ràng là có ảnh hưởng đến thị trường và đến quyết định của nhà đầu tư, đặc biệt là các sai lệch làm thay đổi hoàn toàn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại, từ lỗ thành lãi. Nếu tần suất xảy ra các sai lệch mà nhiều thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhà đầu tư về số liệu BCTC của doanh nghiệp và đến cả thị trường.

Các nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư dựa theo BCTC trước kiểm toán nhưng sau đó số liệu BCTC sau kiểm toán lại sai lệch rất lớn thì có thể nhà đầu tư sẽ thiệt hại rất lớn về khía cạnh tài chính khi giá của cổ phiếu sẽ thay đổi do ảnh hưởng của các sai lệch này.

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Việc chênh lệch tăng hay giảm chưa đủ để nói lên điều gì mà cần phải xem xét cụ thể nguyên nhân cũng như khoảng cách chênh lệch giữa BCTC trước và sau kiểm toán. Nếu khoảng cách chênh lệch quá xa thì mới là vấn đề mà nhà đầu tư cần lưu tâm.

Dấu hiệu doanh nghiệp báo lỗ sau kiểm toán lại báo lãi có thể dẫn đến các nghi ngờ về chuyển giá, “né” thuế, giảm giá trị doanh nghiệp để thâu tóm doanh nghiệp… Ngược lại, doanh nghiệp báo lãi nhưng sau kiểm toán thì lại lỗ có thể khiến người đọc nghi ngờ về việc “làm đẹp” BCTC cho các mục đã dự liệu như: vay vốn tín dụng, chào bán chứng khoán… Dù là dấu hiệu theo chiều hướng nào thì ít nhiều cũng có tác động không tốt đến thị trường và nhà đầu tư.

Vậy, các công ty kiểm toán cần làm gì để nâng cao năng lực kiểm toán và hạn chế tình trạng “làm đẹp” hoặc gian lận trong các BCTC của doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Khúc Đình Dũng: Theo tôi, yếu tố con người là quan trọng nhất trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm toán. Do đó, muốn nâng cao năng lực kiểm toán, cần tăng cường công tác đào tạo cập nhật về chuyên môn cho các kiểm toán viên và sự tuân thủ đối với Quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán của công ty kiểm toán.

Mặt khác, công ty kiểm toán cần tăng cường trao đổi với các cấp lãnh đạo của các đơn vị được kiểm toán về những sai sót kế toán mà đơn vị gặp phải, đồng thời đề nghị tăng cường hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị để có thể ngăn ngừa các sai sót, gian lận có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn và trau dồi đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu quan trọng, thường xuyên đối với doanh nghiệp kiểm toán. Các công ty kiểm toán đều ý thức được điều này, tuy nhiên mức độ chú trọng đầu tư cho con người ở từng công ty còn khác nhau.

Vì vậy, vẫn có sự chênh lệch nhất định về chất lượng chuyên môn giữa các doanh nghiệp kiểm toán. Điều này có thể thấy rõ qua những lần kiểm tra chuyên môn của Bộ Tài chính, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA). Để khắc phục tình trạng nêu trên thì giải pháp bền vững vẫn là các công ty kiểm toán phải đầu tư xứng đáng cho nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo các chứng chỉ quốc tế về chuyên môn tài chính, kế toán, kiểm toán... cho kiểm toán viên.

Có như vậy, ngành kiểm toán độc lập mới có được một đội ngũ kiểm toán viên đông về số lượng, mạnh về chuyên môn, sáng về đạo đức nghề nghiệp, đủ tầm đứng vững và vươn ra cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ông có kiến nghị gì với cơ quan quản lý nhằm nâng cao chất lượng BCTC của doanh nghiệp, góp phần tăng tính minh bạch cho TTCK trong thời tới?

Ông Khúc Đình Dũng: Để nâng cao chất lượng BCTC của doanh nghiệp, góp phần tăng tính minh bạch cho TTCK trong thời gian tới, tôi có một số kiến nghị như sau:

Một là, tổ chức thường xuyên hơn nữa các cuộc hội thảo hoặc tọa đàm về các sai sót thường gặp trong việc lập BCTC của các DNNY và đại chúng. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ có thể tránh được những sai sót trong việc lập BCTC.

Hai là, ban hành quy định bắt buộc các DNNY phải thành lập và vận hành Bộ phận kiểm toán nội bộ. Qua việc kiểm tra và giám sát, Kiểm toán nội bộ sẽ góp phần làm tăng độ tin cậy của các thông tin trình bày trên BCTC.

Ba là, ban hành lộ trình áp dụng Chuẩn mực lập và trình bày BCTC quốc tế (IFRSs) đối với các DNNY. Việc áp dụng IFRSs sẽ nâng cao chất lượng BCTC và tăng tính so sánh giữa BCTC của các doanh nghiệp Việt Nam với các BCTC của các doanh nghiệp nước ngoài, từ đó có thể thu hút được các nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Hiện nay Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng BCTC cũng là một bước đi góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước.

Tôi mong rằng các Bộ, ngành đều đồng lòng, nhất quán theo chủ trương của Chính phủ, hạn chế các rào cản kinh doanh, giảm tối đa các thủ tục hành chính, không hình sự hóa các giao dịch dân sự… để doanh nghiệp được thông thoáng hơn. Được như vậy doanh nghiệp sẽ từng bước gỡ bỏ tư duy “đối phó”, mạnh dạn công bố các thông tin tài chính đầy đủ hơn, chi tiết hơn, sát thực hơn.