Chỉ định mua cổ phần của nhà băng gặp nguy

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 48/2013/QĐ-TTg về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng (TCTD) bị kiểm soát đặc biệt.

Chỉ định mua cổ phần của nhà băng gặp nguy
Cần hết sức thận trọng trong việc thoái vốn khi TCTD nằm trong diện kiểm soát đặc biệt. Nguồn: internet

Cụ thể, TCTD bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất khả năng thanh toán bắt nguồn từ việc quản trị, điều hành yếu kém sẽ bị chỉ định TCTD khác góp vốn, mua cổ phần hoặc NHNN trực tiếp góp vốn, mua cổ phần.

TCTD được phép góp vốn, mua cổ phần phải có tình trạng tài chính lành mạnh và có đủ nguồn vốn để thực hiện góp vốn, mua cổ phần; đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng; có hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ đáp ứng các quy định của NHNN; có khả năng quản trị, điều hành và thực hiện cơ cấu lại TCTD bị kiểm soát đặc biệt.

NHNN quyết định số vốn mà TCTD được tham gia góp vốn, mua cổ phần, các hình thức góp vốn, mua cổ phần và thời gian thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần.

Khi hoạt động của TCTD được tham gia góp vốn, mua cổ phần đã trở lại bình thường; hoặc được nhà đầu tư khác mua lại; hoặc hoặc sáp nhập, hợp nhất với TCTD khác thì TCTD tham gia góp vốn, mua cổ phần bắt buộc phải thoái vốn.

Tình trạng sở hữu lẫn nhau do đầu tư chéo giữa các TCTD với nhau và giữa TCTD với doanh nghiệp, định chế tài chính phi ngân hàng tại Việt Nam hiện nay được các chuyên gia kinh tế nhận định là rất phức tạp nên đã vô hiệu hóa không ít các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Vì vậy, việc cho phép TCTD được đầu tư mua cổ phần đối với TCTD bị kiểm soát đặc biệt và sau khi TCTD bị kiểm soát đặc biệt hoạt động trở lại bình thường thì phải thoái vốn đã đầu tư theo chỉ định sẽ khiến sở hữu chéo ngày càng trở nên phức tạp hơn.

“Trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Chính phủ cũng hướng đến giảm sở hữu chéo, nhưng trong những trường hợp đặc biệt như xử lý đối với TCTD rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt thì việc sở hữu chéo được đặt ra là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay”, TS. Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam) bình luận.

Trong hệ thống ngân hàng hiện nay, ngoại trừ Agribank, tất cả các ngân mại còn lại đều có sự tham gia góp vốn của doanh nghiệp, định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, cá nhân trong và ngoài nước.

Việc cơ cấu lại TCTD nằm trong tình trạng kiểm soát đặc biệt bằng biện pháp cho phép TCTD khác vốn, mua cổ phần sẽ tạo điều kiện để TCTD yếu kém tiếp nhận được nguồn vốn mới, tăng quy mô, khắc phục được tình trạng thua lỗ.

“Vấn đề đặt ra là các nhà đầu tư cũ vẫn còn, khi buộc phải bán cổ phần cho TCTD khác thì TCTD bị kiểm soát đặc biệt lại thêm cổ đông mới nên cơ cấu sở hữu chéo lại càng trở nên rối rắm, phức tạp hơn. Trong giai đoạn hiện nay thì tạm chấp nhận, nhưng trong lâu dài việc thoái vốn phải được NHNN giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng gia tăng sở hữu chéo, ảnh hưởng tới sự lành mạnh của hệ thông ngân hàng”, ông Thành phát biểu.

Việc thoái vốn sau khi TCTD đã hoạt động trở lại bình thường, theo ông Thành, nếu bán được cổ phần cho nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong quản trị ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho TCTD phát triển sau thời gian “đột quỵ”.

“Vấn đề đặt ra là phải kiểm soát chặt chẽ nhà đầu tư muốn mua lại cổ phần của TCTD buộc phải thoái vốn, nếu họ mua bằng “tiền tươi thóc thật” thì không có vấn đề gì. Ngược lại, nếu họ đầu tư bằng tiền đi vay, tiền phát hành trái phiếu hoặc tiền huy động bằng các hình thức khác thì không những không đạt được mục tiêu tái cơ cấu, mà còn gia tăng tình trạng sở hữu chéo phức tạp hơn”, ông Thành nói.

Trên thị trường, hiện có hàng chục tập đoàn kinh tế tư nhân đang sở hữu với tỷ lệ khá lớn vốn của ngân hàng cổ phần như Tân Tạo tại Ngân hàng Nam Việt và Phương Tây, Masan tại Techcombank, Tập đoàn BRG đầu tư vào Sea Bank, FPT và Doji đầu tư vào Tienphong Bank, T&T đầu tư vào SHB, Vạn Thịnh Phát có cổ phần tại SCB còn Himlam Group đầu tư vào Ngân hàng Liên Việt, Geleximco có cổ phần tại ABB…

Trong khi đó, mặc dù rất cố gắng thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng theo yêu cầu của Nghị định 09/2009/NĐ-CP, song do thị trường tài chính suy giảm nên đến thời điểm này vẫn còn khá nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang là “đối tác chiến lược” của các ngân hàng thương mại như PVN tại Ocean Bank, Vinacomin tại SHB, EVN tại ABB, Tập đoàn Cao su tại SHB, Vinatex tại Ngân hàng Nam Việt, ACB và Eximbank, Tập đoàn Bảo Việt vẫn còn vốn góp tại Ngân hàng Bảo Việt, Viettel tại MB, PV Gas tại Sea Bank…

Việc đầu tư chéo hiện nay, theo TS. Đinh Tuấn Minh (Ngân hàng Quân đội) đã và đang gián tiếp gây ra nợ xấu do nhiều nhà băng thiếu thận trọng trong hoạt động tín dụng đối với cổ đông là doanh nghiệp; làm phân tán nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước… Nghiêm trọng hơn, tình trạng đầu tư chéo đã xuất hiện một số dấu hiệu liên kết, lũng đoạn hệ thống tài chính - ngân hàng để trục lợi.

Chính vì vậy, theo ông Minh, cần phải hết sức thận trọng trong việc thoái vốn khi TCTD nằm trong diện kiểm soát đặc biệt trở lại hoạt động bình thường. Trong đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải thực hiện nghiêm túc quy định về đầu tư vốn vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản theo đúng quy định tại Nghị định 09/2009/NĐ-CP.