Chi ngân sách nhà nước và một số khuyến nghị chính sách

TS. Phạm Thái Hà

Chi ngân sách nhà nước là một bộ phận quan trọng cấu thành cán cân ngân sách của mỗi quốc gia. Chi ngân sách nhà nước không chỉ nuôi dưỡng bộ máy hành chính nhà nước hoạt động mà còn có tác dụng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Một quốc gia sử dụng quỹ ngân sách nhà nước để chi tiêu hiệu quả sẽ là động lực để đất nước phát triển. Ngược lại, các quốc gia chi tiêu ngân sách không hợp lý, thiếu hiệu quả sẽ gây ra bội chi ngân sách và áp lực trả nợ cho thế hệ sau.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng chi ngân sách nhà nước

Chi tiêu ngân sách nhà nước (NSNN) luôn là vấn đề quan trọng trong nền kinh tế, do đó, trong những năm qua, các cơ quan quản lý NSNN từ địa phương tới Trung ương luôn cố gắng tiết kiệm chi tiêu nhằm giảm bớt bội chi NSNN. Kết thúc năm tài khoá 2015, chi NSNN ở mức 1.263 nghìn tỷ đồng, vượt 10,1% so với dự toán khiến bội chi NSNN tăng vọt lên 266 tỷ đồng (cao hơn mức 236 tỷ đồng của dự toán) đưa chỉ tiêu tỷ lệ bội chi NSNN cao hơn mức 5% được Quốc hội phê duyệt.

Theo hình 1, chi tiêu ngân sách thời gian qua có sự gia tăng mạnh mẽ qua các năm. Nếu như năm 2010, chi NSNN ở mức 649 nghìn tỷ đồng thì chỉ 6 tháng đầu năm 2016, chi ngân sách đã ở mức 509 nghìn tỷ đồng, bằng 78,42% mức chi cả năm 2016.

Chi ngân sách nhà nước và một số khuyến nghị chính sách - Ảnh 1

Trong giai đoạn 5 năm nghiên cứu, dự toán ngân sách dù được điều chỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước tuy nhiên dự toán vẫn không sát được thực tiễn khi con số thực tế so với dự toán đều tăng cao. Năm 2010 và 2015 chi thực tế vượt dự toán tới 11,51 và 10,1%. Các năm khác, mức chi đều trên 4%.

Xét về cơ cấu chi NSNN, khoản chi thường xuyên liên tục gia tăng và mở rộng trong cơ cấu chi NSNN. Trong khi áp lực trả nợ gia tăng làm chi trả nợ và viện trợ ngày càng lớn. Điều này làm cho quy mô chi ngân sách gia tăng mạnh mẽ nhưng tốc độ gia tăng của chi đầu tư phát triển không được bao nhiêu.

Thậm chí, so với năm 2013, chi đầu tư phát triển năm 2014 còn giảm 23,5% (năm 2013 là 271.680 nghìn tỷ đồng, năm 2014 là 208.040 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, chi thường xuyên tăng đều đặn trong 3 năm 2013; 2014 và 2015 là 704.165 nghìn tỷ đồng; 732.500 nghìn tỷ đồng và 790.168 nghìn tỷ đồng. Các khoản nợ chính phủ đến hạn cũng như việc chủ động cơ cấu nợ (thời gian và lãi suất) đã làm chi trả nợ và viện trợ tăng 7,14%; 25% trong 2 năm 2014 và 2015.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách là nguồn lực quan trọng nhằm tạo cơ sở vật chất để phát triển kinh tế. Đánh giá con số vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn NSNN năm 2015 có thể thấy: so với dự toán NSNN thì vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách trung ương tăng 105,6%, trong khi vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương chỉ chi ở mức 99,5% so với dự toán.

Chi ngân sách nhà nước và một số khuyến nghị chính sách - Ảnh 2

So với con số thực hiện năm 2014, vốn đầu tư từ ngân sách trung ương năm 2015 là 42.986 tỷ đồng, tăng 4,5%; vốn đầu tư từ ngân sách địa phương tăng 6,5%, đạt mức 177.420 tỷ đồng. Trong khối các cơ quan sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương thì Bộ Giao thông Vận tải sử dụng 7.299 tỷ đồng;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng thứ hai với con số 3.008 tỷ đồng; Bộ Xây dựng là 1.761 tỷ đồng… đây là các đơn vị sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương rất lớn. Tuy nhiên, xét về tốc độ gia tăng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương năm 2015 so với năm 2014 thì Bộ Y tế đứng đầu với 63,5%; Bộ Giáo dục và đào tạo 25,1%.

Chi ngân sách nhà nước và một số khuyến nghị chính sách - Ảnh 3

Một số khuyến nghị về chính sách

Thứ nhất, điều hành NSNN đảm bảo dự toán được giao cũng như bám sát thực tế, cân đối với nguồn thu hiện tại để có thể đảm bảo mức bội chi ngân sách ở mức Quốc hội giao.

Thứ hai, tiết kiệm chi thường xuyên thông qua tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu lực và năng suất lao động của khu vực công. Hiện nay, NSNN đang phải chi trả lương cho 2,8 triệu cán bộ. Nếu như tính cả người nghỉ hưu và các đối tượng hưởng lương từ ngân sách con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước, trong khi tỷ lệ dân số hưởng lương của các quốc gia phát triển chỉ ở mức 2-4%. Như vậy, chi thường xuyên khó có thể cải thiện nếu không giải quyết triệt để vấn đề con người và bộ máy hành chính.

Chi ngân sách nhà nước và một số khuyến nghị chính sách - Ảnh 4

Thứ ba, tiếp tục cấu trúc các khoản vay của Chính phủ theo hướng: kéo dài thời gian trả nợ (phát hành trái phiếu kỳ hạn dài); hoán đổi lãi suất cao thành lãi suất thấp (vay mới trả cũ với lãi suất thấp hơn). Quy mô nợ công không phải là vấn đề quá quan trọng, điều quan trọng với nợ công là chất lượng nợ công. Nợ công có thể bằng 100%, thậm chí 200% GDP như: Nhật Bản, Hoa Kỳ nếu những đồng nợ công ấy được đầu tư hiệu quả và mang lại thu nhập đủ chi trả gốc và lãi.

Chi ngân sách nhà nước và một số khuyến nghị chính sách - Ảnh 5

Thứ tư, hoàn thiện các quy chế, quy trình trong hợp tác công tư như BOT, BT… nhằm kêu gọi nguồn lực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng thay thế việc chi đầu tư phát triển của Chính phủ. Nhất quán thực hiện luật đầu tư công trong việc sử dụng vốn đầu tư từ NSNN cho đầu tư tại các bộ ban ngành và địa phương.

Có thể thấy, việc điều hành và cân đối ngân sách là một nhiệm vụ rất khó khăn đòi hỏi nỗ lực của cơ quan quản lý NSNN từ Trung ương tới địa phương nhằm đảm bảo những mục tiêu cân đối ngân sách trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính, Báo cáo thường niên năm 2015;

2. Bộ Tài chính, Tình hình thực hiện một số khoản chi NSNN năm 2015 so với dự toán 2015 và so với thực hiện 2014;

3. Tổng cục Thống kê, Diễn biến chi ngân sách nhà nước từ năm 2010 đến 2015.