Chỉ tạo sự đồng thuận thôi, chưa đủ…

(Báo Đầu tư)

Khi lòng tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng của nền kinh tế phần nào giảm sút, thì trách nhiệm của các nhà báo là phải củng cố niềm tin đó.

Nhân một cuộc phỏng vấn mới đây với nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, người 2 năm liền đoạt Giải B Báo chí quốc gia, cũng là một “lều báo” - theo cách nói vui của ông, hỏi rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, cần nhất là củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, giới truyền thông nên làm gì, thì ông bảo: trách nhiệm của nhà báo quan trọng lắm, phải cân nhắc khi đưa tin, đừng để vì vài cái tin giật gân câu khách, hòng bán thêm vài tờ báo, mà khiến lòng dân hoảng loạn, niềm tin sứt mẻ thêm nữa.

“Báo chí phải góp phần củng cố lòng tin của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp. Không được nói dối dân, nhưng phải làm sao truyền tải cho người dân hiểu và tin vào các biện pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói.

Lại nhớ đến lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay. Ông nhấn mạnh rằng, báo chí không phải chỉ là đưa tin, mà quan trọng hơn, phải góp phần xây dựng lòng tin, tạo bầu không khí trong lành, sự phấn khởi trong xã hội, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cùng vượt qua khó khăn để quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Tất cả những phát biểu nói trên, ngẫm đi ngẫm lại thấy đúng cả. Chỉ tạo sự đồng thuận thôi, thì có lẽ là chưa đủ.

Còn nhớ, vào thời điểm năm 2008, khi những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình cảnh đầu năm chống lạm phát, cuối năm chống suy giảm, Chính phủ khi ban hành các biện pháp điều hành kinh tế - xã hội đã luôn đặt trọng vai trò của giới truyền thông. Báo chí phải góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội. Ấy là điều đã luôn được nhắc tới. Và các cơ quan báo chí đã làm rất tốt điều đó, trong gần 5 năm qua. Chỉ lấy ví dụ việc các tờ báo, đặc biệt là báo chí kinh tế, trong đó có Báo Đầu tư, phản ánh một cách trung thực, chính xác các thông điệp, các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ…, qua đó góp phần cùng cả nước chung tay ổn định kinh tế vĩ mô, cũng đã đủ để thấy vai trò to lớn của các cơ quan truyền thông.

Ôn lại chuyện cũ, có lẽ phải nhắc đến chuyện dịp 21/6 năm nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dành một khoảng thời gian khá dài để lắng nghe các nhà báo “hiến kế”, nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác và trao đổi thông tin với Văn phòng Chính phủ. Mà thực ra, cũng chẳng riêng gì hôm ấy, tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8 mới đây, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã lại một lần nữa chân tình “hỏi ý kiến” các phóng viên, phải làm sao để các cuộc họp báo hiệu quả hơn. Một tháng chỉ họp một lần, thời gian có hạn, trong khi thông điệp điều hành của Chính phủ rất nhiều, mối quan tâm của các nhà báo cũng lắm, nên hai chữ “hiệu quả” càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Sự chân tình và thiện chí của Bộ trưởng Vũ Đức Đam khiến cánh phóng viên cảm động. Thực ra, “nguyên liệu” cho các bài báo không thể và không chỉ trông chờ ở các cuộc họp báo của Chính phủ, nhưng đó là những thông tin chính thống nhất, xác thực nhất và nhanh nhất về tình hình kinh tế - xã hội, các quyết sách lớn, các biện pháp điều hành của Chính phủ. Bởi thế, cuộc họp báo Chính phủ tháng nào cũng đông nghẹt phóng viên.

Là cơ quan báo chí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ về các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, nên có thể nói, phóng viên Báo Đầu tư được tiếp cận rất sớm các đề xuất, kiến nghị liên quan tới các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Nhưng gì thì gì, quyết định là ở Chính phủ, nên nhiều khi, sau khi cung cấp tài liệu, các nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhắn nhủ: “phải đợi Chính phủ”.

Chính phủ quyết, Báo Đầu tư sẽ lập tức đưa thông tin lên báo, khi thì trên báo điện tử, lúc trên báo giấy, nhưng đều đảm bảo cao nhất tính xác thực của thông tin, cũng như những bình luận của các chuyên gia liên quan tới các biện pháp điều hành mới. Có thể là cắt giảm đầu tư công, tiên liệu các diễn biến của lạm phát, tăng trưởng, hay khả năng điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội… Các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, quản lý thị trường vàng, hay tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước… cũng là những vấn đề luôn “nóng hổi” trên Báo Đầu tư, cũng như các tờ báo kinh tế khác.

Cứ như vậy, hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, giới truyền thông đã góp phần rất lớn trong việc đưa thông tin chính thống tới người dân cả nước về các biện pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Không chỉ là một vài lần, mà là rất, rất nhiều lần, thông điệp “tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát” của Chính phủ được Báo Đầu tư và các cơ quan truyền thông truyền tải. Và không chỉ là truyền tải thông tin một chiều, các kiến nghị của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp cũng đã được gửi tới Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, thông qua những bài báo “hôi hổi nóng” về đời sống kinh tế, để từ đó, “dội ngược” vào các biện pháp điều hành vĩ mô. Giới truyền thông, quả thực đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhưng đúng là, chỉ tạo sự đồng thuận thôi thì chưa đủ… Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, khi lòng tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng của nền kinh tế phần nào giảm sút, thì trách nhiệm của các nhà báo là phải củng cố niềm tin đó. Không được nói dối dân, nhưng cũng không để những thông tin giật gân, câu khách tạo ra những hiệu ứng đôminô tiêu cực, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.