Chiến lược dài hơi để Việt Nam hội nhập AEC

Theo La Hoàn/ncseif.gov.vn

Để nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nội lực bên trong cũng như việc đổi mới thể chế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đổi mới chính sách thuế và hải quan

Kể từ khi chính thức ký thỏa thuận tham gia CEPT/AFTA, Việt Nam đã nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết đã ký kế với các nước ASEAN, trong đó có các cam kết về cắt giảm thuế và cải cách thủ tục hải quan.

Về cắt giảm thuế quan, đến hết năm 2014, Việt Nam đã thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% cho gần 6.900 dòng thuế có xuất xứ ASEAN, chiếm khoảng 72% trong tổng số 9.558 dòng thuế nhập khẩu.

Từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.

Như vậy, chỉ còn khoảng 7% dòng thuế, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN chưa cắt giảm ngay về 0% trong năm 2015 mà thực hiện dần đến năm 2018 (gồm các mặt hàng nhạy cảm cần có lộ trình bảo hộ dài hơn, chủ yếu như: Sắt thép, giấy, vải may mặc, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng, đồ nội thất...) và 3% số dòng thuế của biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan (bao gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm được phép duy trì thuế suất ở mức 5%: Gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thị chế biến, đường).

Thông tư 165/2014/TT-BTC cũng quy định cụ thể lộ trình cắt giảm thuế đối với 7% số mặt hàng nhạy cảm trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018. Qua đó, đã đảm bảo rằng, đến năm 2018, ngoại trừ danh mục 3% dòng thuế trong danh mục loại trừ, toàn bộ số dòng thuế còn lại được thực hiện cắt giảm đúng cam kết ATIGA.

Về cải cách thủ tục hải quan: Những năm gần đây Việt Nam đã thực hiện thành công cơ chế hải quan một cửa quốc gia gắn với quá trình cải cách và hiện đại hóa hải quan.

Theo đó, Việt Nam đã ban hành hàng loạt văn bản pháp luật nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan và thí điểm thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Từ ngày 1/4/2014, Việt Nam đã chính thức áp dụng trên diện rộng phương thức thông quan điện tử với sự vận hành của hệ thống VNACCS/VCIS.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động hợp tác hải quan với các nước. Theo đó, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thuộc ASEAN thử nghiệm áp dụng Cơ chế hải quan một cửa ASEAN (ASEAN Single Window - ASW). Mục tiêu của ASW là đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa trong bối cảnh hội nhập ASEAN bằng cách đơn giản hóa, minh bạch hóa thủ tục hải quan trên cơ sở trao đổi thông tin đáng tin cậy và an toàn qua phương tiện điện tử.

Như vậy, thay vì phải qua 2 lần làm thủ tục của hải quan 2 nước thì ASW cho phép điều này chỉ diễn ra một lần nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát của hải quan 2 nước. Đến năm 2014, Việt Nam và 6 nước khác tham gia thử nghiệm đã kết nối thành công cổng ASW về trao đổi dữ liệu điện tử giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D và tờ khai hải quan điện tử.

Có thể thấy, việc sửa đổi hệ thống thuế và hải quan thông qua cam kết cắt giảm thuế quan, thủ tục hải quan… chính là bước đi nền tảng để tiếp tục thực hiện các thỏa thuận khác về kinh tế nhằm hình thành AEC.

Trong thời gian sắp tới, lĩnh vực thuế và hải quan tiếp tục được cam kết nâng cao hơn nữa nhằm tạo điều kiện đảm bảo tự do hóa thương mại hàng hóa, tự do di chuyển vốn đầu tư và lao động trong khối ASEAN.

Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, các doanh nghiệp trong nước cần chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng... để cạnh tranh với DN các nước.

Có một thực tế là Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi hội nhập không chỉ về hàng hóa mà còn sẽ còn là những cuộc cạnh tranh về dịch vụ, đầu tư, sự di chuyển của nguồn lao động có ký năng trong khối các nước ASEAN.

Phải nhận định rằng, các DN của các nước ASEAN, đặc biệt là các nước ASEAN+ có bề dày, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý kinh doanh tốt hơn, công nghệ cao hơn và đăc biệt họ có sự chuẩn bị tốt hơn cho hội nhập.

Việt Nam ít kinh nghiệm, sự sẵn sàng cho hội nhập chưa cao, các DN, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải cố gắng vượt qua khó khăn thách thức do bất ổn kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, đối mặt với cạnh tranh là sự di chuyển lao động chất lượng. Lao động có kỹ năng tự do di chuyển có thể dẫn đến chảy máu chất xám.

Theo thống kê có 20% lao động Việt Nam có kỹ năng chuyên môn, như vậy có nghĩa khi lao động được tự do di chuyển, lao động có kỹ năng của Việt Nam có khả năng đi ra bên ngoài vì được trả lương cao, hoặc hướng tới các DN đầu tư nước ngoài ngay tại Việt Nam, hoặc lao động có kỹ năng của nước ngoài sẽ thâm nhập vào các vị trí của Việt Nam.

Để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực là rất quan trọng. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, để có nhân lực chất lượng cao, trước hết cần có sự kết hợp giữa nhà trường, DN, Hiệp hội, để nắm bắt được nhu cầu, qua đó đào tạo chuẩn xác lao động có kỹ năng cao với ngành nghề đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đặc biệt cần hướng tới đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế.

Các DN, đặc biệt các DN Việt Nam cần có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường tốt giúp họ phát huy năng lực, qua đó tránh chảy máu chất xám.