Chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Chiến lược quốc tế hoá NDT được thực hiện bắt đầu từ đầu những năm 1990 gồm 3 bước (trong vòng 30 năm) là: láng giềng hóa, khu vực hóa và quốc tế hóa. Cụ thể, 10 năm đầu tiên, Trung Quốc sẽ đưa đồng NDT thành tiền tệ thanh toán thương mại với các nước láng giềng; 10 năm tiếp theo, đồng NDT sẽ được sử dụng trong các hoạt động đầu tư mang tính khu vực và 10 năm cuối, NDT sẽ trở thành tiền tệ dự trữ quốc tế tương tự như đồng USD từ trước tới nay.

Để thực hiện bước 1, Trung Quốc đã ký kết hàng loạt hiệp định thanh toán song phương với các nước láng giềng như Lào, Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Nepal... Theo những hiệp định này, đối tác hai bên chỉ sử dụng đồng bản tệ để thanh toán trong các hợp đồng xuất nhập khẩu. Đồng tiền thứ ba chỉ sử dụng để thanh toán bù trừ theo định kỳ.

Từ năm 2004, Chính phủ Trung Quốc cho phép tỉnh Vân Nam thí điểm thực hiện hoàn thuế, thanh toán bằng NDT trong buôn bán tiểu ngạch với Việt Nam, Lào và Myanmar. Năm 2008, Trung Quốc thí điểm thanh toán bằng NDT tại Quảng Đông, Ma Cao, Hồng Kông, Quảng Tây, Vân Nam và khu vực ASEAN nhằm gia tăng việc chấp nhận NDT ở cấp khu vực. Từ tháng 7/2009, Trung Quốc tăng cường thực hiện việc hoàn thuế và thanh toán giao dịch thương mại với các nước láng giềng bằng đồng NDT và đến giữa năm 2010, thanh toán thương mại quốc tế bằng NDT đã tăng 14 lần (đạt trên 50 tỷ NDT). Giao dịch thương mại quốc tế của Trung Quốc với các nước châu Á chiếm hơn 50% tổng giao dịch thương mại của Trung Quốc và chiếm 78,6% số lượng giao dịch bằng đồng NDT.

Đối với bước thứ 2, Trung Quốc đã ký kết Hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương với các nước như: Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Malaysia, Ireland… Hoạt động này thực chất là ngoại tệ hóa đồng bản tệ hay nói cách khác là “bán” NDT cho các nước để các nước có thể sử dụng thanh toán với nhau và/hoặc với Trung Quốc trong các quan hệ kinh tế mà không phải sử dụng tới đồng tiền thứ ba. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật và Eurozone đang gặp khó khăn, các đồng tiền như USD, Yên và Euro chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nước đã xem xét lựa chọn NDT làm đồng tiền thanh toán và dự trữ. Tại châu Á, các nước Malaysia, Philippines, Thái Lan đã đưa NDT vào hệ thống dự trữ quốc gia. Hàn Quốc cũng đang xem xét đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của mình trong đó có tính đến đồng NDT. Ở châu Âu, Anh chấp nhận thanh toán với Trung Quốc bằng đồng NDT và đang xem xét đưa thêm NDT vào rổ dự trữ ngoại tệ. Tại châu Phi, Nigieria đã tuyên bố xem xét tăng tỷ lệ dự trữ đồng NDT thêm 5% -10%.

Trong những nỗ lực ở bước 3 nhằm quốc tế hóa đồng NDT, Chính phủ Trung Quốc tập trung xây dựng Thượng Hải và Hồng Kông thành những trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế có chức năng phát hành trái phiếu chính phủ bằng NDT. Trung Quốc đã thu được 9 tỷ NDT trong đợt phát hành đầu tiên vào năm 2009, đã vận động thành công một số tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành trái phiếu huy động bằng NDT. Tháng 10/2010, ADB đã phát hành trái phiếu bằng NDT trị giá 1,2 tỷ USD để huy động vốn cho các dự án tại Trung Quốc, WB cũng phát hành khoảng 500 triệu USD trái phiếu bằng NDT.

Tại hội nghị G20 năm 2009, Trung Quốc cũng đề nghị Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tạo ra đồng tiền kế toán mới phi quốc tịch dựa trên một rổ tiền tệ trong đó có đồng NDT. Tháng 9/2009, Trung Quốc đã bỏ ra 52 tỷ USD để mua 32 tỷ USD trái phiếu lần đầu phát hành của IMF ghi bằng đồng tiền quy ước SDR.

Tại châu Á, Trung Quốc tham gia tích cực vào Quỹ tiền tệ châu Á được thành lập trên cơ sở sáng kiến Chiềng Mai (Thái Lan). Cùng với Nhật Bản, Trung Quốc đã đóng góp 38,4 tỷ USD, chiếm 32% tổng số tiền đóng góp ban đầu của Quỹ.

Một số rào cản

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã chủ động xây dựng và triển khai tiến trình quốc tế hóa đồng NDT từ hai thập kỷ qua, tuy nhiên, các kết quả đạt được cũng còn có nhiều hạn chế. Căn cứ vào những tiêu chí đối với đồng tiền quốc tế thì đồng NDT còn phải đi một chặng đường dài trước khi có thể cạnh tranh hoặc thay thế đồng USD trên thị trường tiền tệ quốc tế.

Có thể nhận thấy một số vấn đề đã gây trở ngại cho tiến trình quốc tế hóa đồng NDT là:

Tiềm lực nền kinh tế Trung Quốc: Đồng tiền hoàn toàn tự do chuyển đổi phải là đồng tiền của các nền kinh tế mạnh, phát triển ổn định, tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, kinh tế Trung quốc chưa thể đáp ứng tiêu chí này. Dân số Trung Quốc đứng đầu trên thế giới nhưng GDP của Trung Quốc vào thời điểm lịch sử năm 2010 (đứng thứ hai thế giới) cũng chỉ đạt mức 5.800 tỷ USD, không lớn hơn nhiều so với Nhật Bản (5.500 tỷ USD) và kém Mỹ (15.000 tỷ USD) rất nhiều. Như vậy, dù kinh tế Trung Quốc đã duy trì tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm qua nhưng tỷ lệ GDP trên đầu người của Trung Quốc vẫn chưa cao.

Hàng hóa và công nghệ: Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc mới chỉ phát triển mạnh từ vài thập kỷ gần đây và mới chỉ đạt ở mức là “công xưởng chế biến của thế giới”. Hàng hóa của Trung Quốc chủ yếu vẫn là các hàng hóa có giá trị và giá trị gia tăng thấp. Những thương hiệu của Trung Quốc chưa được đánh giá cao, chưa thể cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng lâu đời trên thế giới. Ngược lại, những vụ bê bối về chất lượng của hàng hóa Trung Quốc gần đây đã làm giảm uy tín đối với hàng hóa Trung Quốc và gây tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trên toàn thế giới.

                         Bảng 1: Đồng NDT thực hiện chức năng đồng tiền quốc tế

Chức năng

Khu vực tư nhân

Khu vực Chính phủ

Chức năng định giá

1. Sử dụng ghi hóa đơn thương mại: Còn hạn chế dù Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các công ty Trung Quốc thực hiện

2. Mệnh giá các sản phẩm tài chính: Còn hạn chế

1. Được các quốc gia khác sử dụng để neo tỷ giá: Chưa có

2. Được sử dụng trong rổ tiền tệ của NHTW các nước khác: Có nhưng chưa nhiều

3. Có trong thành phần SDR: Đã đề xuất với IMF

4. Mệnh giá các trái phiếu Chính phủ: Còn hạn chế

Chức năng thanh toán

1. Sử dụng thanh toán trong các giao dịch thương mại: Còn ít, chủ yếu là các hợp đồng song phương giữa Trung Quốc và các đối tác

2. Sử dụng thanh toán trong các giao dịch tài chính: Rất ít, khoảng 0,3% tổng số giao dịch hàng ngày

1. Sử dụng trong các giao dịch tài chính cấp chính phủ: Rất ít

2. Hợp đồng hoán đổi giữa các NHTW: Đang gia tăng dù vẫn còn ít

3. Can thiệp tiền tệ: Không có

Chức năng cất giữ giá trị

1. Tiền gửi ở nước ngoài: Rất ít

2. Phát hành chứng khoán ở nước ngoài: Còn ít

1. Được các nước khác sử dụng làm dự trữ ngoại hối: Còn ít, chiếm khoảng 3%.

Mức độ ảnh hưởng của hợp tác tiền tệ: Những quốc gia đã ký kết hiệp định tiền tệ với Trung Quốc phần lớn là các nước nhỏ, chung đường biên giới hoặc không phải là các nước đồng minh thân cận của Mỹ và EU. Vì vậy, ảnh hưởng của Trung Quốc với thị trường tiền tệ thế giới vẫn chưa đáng kể. Ngoài ra, những khác biệt trong hệ thống chính trị của Trung Quốc cũng có thể làm ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế của nhiều nước với Trung Quốc.

Các quy định kiểm soát thị trường tiền tệ: Một trong những rào cản đối với việc quốc tế hóa đồng NDT là quy định kiểm soát tiền tệ của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc. Những quy định kiểm soát vốn ngặt nghèo không tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có thể tái đầu tư số lượng NDT mà họ đã tích lũy. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn áp dụng các quy định chưa cho phép tự do hóa tài khoản vốn; các đối tác thương mại chủ chốt của Trung Quốc, trong đó có Mỹ, thường xuyên chỉ trích rằng đồng NDT bị định giá thấp hơn so với thực tế…

Như vậy, để có thể thực hiện quá trình quốc tế hóa đồng NDT, Trung Quốc sẽ cần phải khắc phục những vấn đề nói trên. Tuy vậy, căn cứ trên quy mô và mức độ phức tạp của các vấn đề thì rõ ràng đồng NDT cũng sẽ chưa thể đảm nhận các chức năng của đồng tiền quốc tế trong tương lai gần.

Những tác động và đối phó của Việt Nam

Việt Nam nằm trong chiến lược láng giềng hóa đồng NDT của Trung Quốc, bởi vậy, dù muốn hay không chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng của tiến trình này. Có thể xem xét một số tác động của tiến trình này tới hai lĩnh vực cụ thể là thương mại và tài chính, ngân hàng.

Đối với lĩnh vực thương mại quốc tế: Tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc rất cao, xuất phát từ nhu cầu nhập máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất. Tiến trình quốc tế hóa đồng NDT có thể sẽ làm cho nền kinh tế của chúng ta thêm phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, việc thanh toán các hợp đồng thương mại sử dụng tỷ giá trực tiếp giữa VND và NDT sẽ giảm được chi phí chênh lệch nếu sử dụng tỷ giá neo theo một đồng tiền thứ ba.

Trong trường hợp đồng NDT được điều chỉnh tăng giá dẫn tới hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc trở nên kém cạnh tranh về mặt giá cả, chúng ta có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng, chiếm lĩnh thêm thị phần của thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc này không đơn giản vì các nước trong khu vực cũng sẽ hướng tới tận dụng cơ hội này. Do vậy, chúng ta phải có các biện pháp nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình để tăng tính cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Việc quốc tế hóa đồng NDT dẫn tới NDT tăng giá có thể tăng cơ hội thu hút luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng chúng ta cũng cần quản lý chặt chẽ nguồn vốn chảy vào này để không gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế như gia tăng lạm phát, rối loạn thị trường.

Đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng: Khi đồng NDT được chấp nhận nhiều trên thị trường quốc tế sẽ làm gia tăng hoạt động định giá và thanh toán quốc tế sử dụng đồng NDT. Đây sẽ là cơ hội tốt để hệ thống ngân hàng của chúng ta có thể phát triển các dịch vụ tài chính ngân hàng sử dụng cho đồng NDT. Tuy nhiên, để có thể làm tốt điều này hệ thống ngân hàng Việt Nam cần có định hướng và nhanh chóng xây dựng các dịch vụ dành riêng cho đồng NDT (như hợp đồng quyền chọn, phòng ngừa rủi ro…) để hỗ trợ cho hoạt động thương mại gia tăng giữa hai nước và giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Trung Quốc.

Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa làm tốt việc này. Thanh toán xuất nhập khẩu Việt – Trung vẫn chưa thực hiện nhiều thông qua ngân hàng mà vẫn sử dụng nhiều phương thức khác như hàng đổi hàng, thanh toán trực tiếp bằng các ngoại tệ khác nhau, thanh toán bằng ngoại tệ theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước, thanh toán qua tư nhân… Mặc dù doanh số thanh toán bằng NDT và VND qua hệ thống ngân hàng có tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp thì các ngân hàng của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của họ thể hiện qua việc công nghệ thanh toán còn lạc hậu, hình thức thanh toán chưa phong phú đa dạng, nguồn tiền NDT nhiều khi còn bị động… Đây cũng là vấn đề mà hệ thống ngân hàng phải giải quyết.

Tóm lại, đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc là sự lớn mạnh của đồng NDT. Chính phủ Trung Quốc đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT và qua đó tăng cường ảnh hưởng của mình trên thị trường tài chính tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại trong bản thân nền kinh tế Trung Quốc đã cản trở đồng NDT trở thành đồng tiền có khả năng chuyển đổi hoàn toàn trong tương lai gần. Việc quốc tế hóa đồng NDT sẽ đem lại nhiều tác động tới nền kinh tế Việt Nam, bởi vậy, chúng ta cần cân nhắc những biện pháp cụ thể để tận dụng những ưu thế, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực mà tiến trình này mang lại.

Chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và những tác động đến Việt Nam

TS. TRẦN THỊ VÂN ANH - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội

(Tài chính) Mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là biến đồng nhân dân tệ (NDT) trở thành một đồng tiền dự trữ của thế giới. Bài viết phân tích nỗ lực của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và những ảnh hưởng của nó với thị trường tài chính quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng.

Xem thêm

Video nổi bật