Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Dệt may Việt được lợi, sắt thép thận trọng

Theo Kiều Linh/vneconomy.vn

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/9 quyết định áp thuế quan bổ sung 10% lên các mặt hàng Trung Quốc có tổng kim ngạch nhập khẩu 200 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm. Ông Trump cũng cảnh báo "nếu Trung Quốc có hành động trả đũa nhằm vào ngành nông nghiệp hoặc các ngành công nghiệp khác của Mỹ, thì chúng tôi sẽ ngay lập tức áp thuế bổ sung lên thêm 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc".

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong bản phân tích của mình, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ mang đến cơ hội cho ngành hàng lắp ráp điện thoại di động, hàng điện tử và dệt may của Việt Nam. Trong khi đó, cần thận trọng hơn ở mặt hàng sắt thép và đỗ gỗ.

Ngành dệt may, điện thoại di động hưởng lợi 

Theo BVSC, năm 2017, trong top 10 các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ thì có đến 8 mặt hàng thuộc nhóm hàng điện thoại di động, đồ điện tử và thiết bị viễn thông. Tổng giá trị xuất khẩu của 8 nhóm hàng này là khoảng 256 tỷ USD, bằng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế lên các nhóm hàng này sẽ gây tác động ngược và người chịu thiệt hại chủ yếu vẫn là các công ty và người tiêu dùng Mỹ. 

Trong tương lai gần khoảng 5 năm nữa, sẽ khó có nước nào trong khu vực có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc trong việc gia công hàng điện tử do những lợi thế như cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ rất phát triển ở nước này. Một vài sự chuyển hướng đầu tư của các Tập đoàn lớn ra khỏi Trung Quốc có thể diễn ra nhưng quy mô sẽ không quá lớn nhưng cũng mang đến thuận lợi cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Riêng với mặt hàng điện thoại, Samsung đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 40 triệu sản phẩm tại Trung Quốc do giá nhân công cao kết hợp với rủi ro chiến tranh thương mại Mỹ -Trung leo thang. Tập đoàn này càng có lý do để đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư sang các nước khác.

Trong bối cảnh này, Việt Nam có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư của Samsung. Theo đó, thu hút vốn FDI, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng, các khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra. 

Tương tự, đối với mặt hàng hàng dệt may, giày dép, đồ dùng thể thao, đồ nội thất. Ở nhóm hàng này, việc tăng thuế sẽ khiến cho các công ty đa quốc gia của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cũng như các công ty nội địa Trung Quốc có động cơ mạnh hơn để chuyển hướng các đơn hàng cũng như hoạt động sản xuất các nhóm hàng này sang các nước khác nhằm tránh thuế.

Trong khi đó, Việt Nam là nước có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực may mặc và sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ở hai khía cạnh.

Thứ nhất, đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh so với USD, qua đó, Nhân dân tệ cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn.

Thứ hai, các ngành này của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn cũng như thu hút được vốn FDI, từ đó, xuất khẩu tăng, nhiều việc làm mới được tạo ra. 

Sắt thép và đồ gỗ thận trọng

Cũng theo báo cáo này, việc Mỹ áp thuế chắc chắn ảnh hưởng đến xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Trung Quốc. Các đơn hàng đồ gỗ nội thất có thể chuyển hướng từ nhà máy tại Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam. 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần siết chặt quản lý, tránh tình trạng đồ gỗ nội thất Trung Quốc mượn Việt Nam như một nước trung chuyển để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ. 

"Nếu để điều này xảy ra, cả ngành sẽ bị ảnh hưởng khi Mỹ áp thuế trừng phạt", Chứng khoán Bảo Việt cảnh báo.

Đặc biệt, đối với sản phẩm sắt thép các loại, việc Mỹ áp thuế mang đến lo ngại thép Trung Quốc tìm thị trường khác để tiêu thụ hoặc xuất khẩu nhờ vào thị trường Mỹ, trong đó Việt Nam có thể là một thị trường lý tưởng.

Trên thực tế, lượng thép Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ năm 2017 quy mô nhỏ, chỉ 740.000 tấn, nên nếu có tràn vào Việt Nam tiêu thụ thì cũng không đáng lo ngại. Ngoài ra, sản phẩm thép xây dựng và tôn mạ của Việt Nam hiện vẫn được bảo vệ tốt nhờ hàng rào thuế quan nên Trung Quốc khó có khả năng cạnh tranh ở những mặt hàng này. 

"Tuy vậy, các nhà quản lý thị trường cần kiểm soát kỹ nhằm ngăn chặn tình trạng này, tránh tạo lý do chính đáng để Mỹ áp thuế trừng phạt lên toàn bộ các doanh nghiệp thép của Việt Nam có hoạt động xuất khẩu sang Mỹ", báo cáo nêu.