Chính sách điều hành ngày càng mang tính thị trường

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) TS. Cao Sỹ Kiêm, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, nhận xét việc điều hành các chính sách ngày càng mang tính thị trường góp phần tạo sự ổn định, bền vững trong các lĩnh vực tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư…

 Chính sách điều hành ngày càng mang tính thị trường
Ảnh minh họa. Nguồn: financeplus.vn
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, theo TS. Cao Sỹ Kiêm, là khá toàn diện và phản ánh đúng thực tế tình hình.

Tình hình khó khăn nhưng kinh tế đất nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực như: Chỉ số ICOR giảm; cán cân thương mại và thanh toán tốt hơn; xuất khẩu tăng ổn định; chính sách tiền tệ, tín dụng ngày càng hiệu quả; điều hành giá cả dù gặp nhiều sức ép nhưng cũng dần theo xu hướng thị trường. Dù thu ngân sách còn khó khăn, sức ép bội chi lớn nhưng Nhà nước vẫn cố gắng giảm, giãn, miễn thuế… tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh hơn.

“Mục tiêu cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đạt được với những giải pháp tức thời, đúng đắn nhưng trong dài hạn thì còn nhiều thách thức”, TS. Cao Sỹ Kiêm nhìn nhận.

Theo ông Kiêm, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận về những vấn đề hiện tại: Đó là áp lực về ngân sách, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tăng trưởng thấp, "sức khoẻ" doanh nghiệp còn yếu, vốn đầu tư toàn xã hội, tín dụng thấp…

Kết quả sắp xếp doanh nghiệp, phân bổ vốn đã tốt hơn nhưng nếu so với yêu cầu thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì chuyển biến vẫn chưa rõ nét.

Thể chế, hệ thống pháp lý, chất lượng nguồn lực chuyển biến chưa đáp ứng được yêu cầu. Hàng loạt các quy định trong Luật, Nghị định đang chờ được cụ thể hoá để đi vào cuộc sống, tốc độ cải cách còn chậm.

TS. Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh, cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra trong Báo cáo của Chính phủ. Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát triển thì mức tăng trưởng tín dụng cần phải đạt ở mức 15-16%, bội chi ngân sách có thể nới lên 5,3%. Nhưng “tăng vốn đầu tư từ ngân sách phải đi đôi với tiết kiệm chi tiêu quản lý chặt chẽ, gắn liền với tái cơ cấu quyết liệt”, ông Kiêm nói.