Chính sách kinh tế vĩ mô năm 2013 nên theo hướng nào?

GS.,TS. Nguyễn Quang Thái, Hội khoa học kinh tế Việt Nam

(Tài chính) Nền kinh tế nước ta đang trải qua thời kỳ khó khăn lớn nhất từ hơn 10 năm nay, thậm chí khó khăn kéo dài nhất từ khi đổi mới tới nay. Vậy nên nhận dạng tình hình thế nào trong bối cảnh chung của thế giới, khu vực và tìm giải pháp cho những năm trước mắt, cả về phía chính sách kinh tế của Chính phủ và về phía hành động cần có của doanh nghiệp trong thời kỳ trung hạn.

Nhận dạng kinh tế vĩ mô

Mặc dù có nhiều khó khăn thách thức, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn liên tục tăng tưởng khá, với mức bình quân khoảng 7%/năm. Ngay năm 2012 đầy khó khăn, tốc độ tăng tưởng kinh tế cũng đạt 5,2% cao hơn mức năm 1999 và năm 1989. Việt Nam sau khi đã tham gia nhóm nước thu nhập trung bình (thấp) MIG, đạt GDP bình quân đầu người hơn 1000USD, năm 2011 đạt 1169USD. Đó là những thành tựu được thừa nhận rộng rãi.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trên thế giới khởi đầu 2007/2008 đã tác động mạnh đến diễn biến kinh tế nước ta theo chiều hướng xấu. Mấy năm gần đây, khó khăn của kinh tế thế giới chưa có lối ra, chủ yếu do chưa tìm được kế sách khắc phục tình trạng trì trệ hiện nay và cả các vấn đề dài hạn hơn về quản trị toàn cầu. Vì thế các nền kinh tế lớn như Mỹ, Tây Âu, Nhật đều gặp khó khăn, mà ngay nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang lâm vào đợt sụt giảm tăng trưởng chưa từng có. Kinh tế Trung Quốc quý III/2012 chỉ tăng 7,4%, thấp nhất trong nhiều năm.

Thêm vào đó, nhưng yếu kém của nền kinh tế và sai sót trong hoạch định chính sách và điều hành nền kinh tế đã làm cho những khó khăn khách quan càng trở nên nặng nề thêm. Diễn biến kinh tế mấy năm nay có chiều hướng sụt giảm, kể cả lạm phát có chiều hướng diễn biến phức tạp, các cân đối kinh tế vĩ mô trở nên mong manh hơn.

Khó khăn của doanh nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn chung ở trong nước và trên thế giới, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ của khu vực tư nhân trong nước đang phải vật lộn với khó khăn chưa từng có. Số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa hay đình chỉ sản xuất kinh doanh đã chiểm 40% doanh nghiệp bị đóng cửa từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999 đến  nay. Hàng tồn kho tăng nhanh từ đầu năm 2012 và đến nay vẫn ở mức 20%, gây khó khăn cho việc định kế hoạch sản xuất trong tương lai. Bắt đầu từ năm 2012, tồn kho tháng 2/2012 đã tăng 14% so tháng 1/2012 và tăng 22,9% so với cùng kỳ, mở đầu của tình trạng tăng tồn kho trong ngành công nghiệp chế biến, dù tiêu thụ tháng 1 giảm mạnh. Đến 1/3/2012 tồn kho tăng lên 34,9% và sau đó, dù có giảm nhưng chậm, lần lượt từ tháng 4-8/2012 là 32,1%; 29,4%; 26%; 21% và 20,8%.

Tính đến hết ngày 30/4/2012, trong tổng số 647.627 doanh nghiệp đã được thành lập, cả nước còn 463.802 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm tỉ lệ 71,6%, có 81.929 doanh nghiệp đã giải thể, 16.075 doanh nghiệp đã đăng ký dừng hoạt động và 85.821 doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng không đăng ký. Mức 71,6% doanh nghiệp còn hoạt động trên tổng số đã thành lập từ khi đổi mới kinh tế cho đến nay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tỷ lệ chấp nhận được ở mức trung bình so với thế giới. Còn Theo số liệu tháng 7/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng các doanh nghiệp như sau: cả nước có trên 663,8 nghìn doanh nghiệp đã được thành lập, trong đó có trên 468,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm khoảng 70%. Điều đáng lo ngại là số doanh nghiệp mới đăng ký giảm cả về số lượng và vốn.

Chính sách kinh tế vĩ mô nên thế nào?

Trong điều kiện khó khăn chung, Quốc hội đã có quyết sách đúng và Chính phủ đã có những giải pháp phù hợp, nhấn mạnh mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội năm 2011. Sang năm 2012 đã điều chỉnh thành ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý, tạo dần nền tảng cho sự phát triển ổn định. Đó là quyết sách đúng, góp phần đưa lạm phát về mức thấp, cả năm 2012 đạt khoảng 8%, so với mức gần 20% của năm 2011.

Theo dự kiến kế hoạch 2013 cũng tiếp tục nhấn mạnh kiềm chế lạm phát có nguy cơ quay trở lại, đưa ra mục tiêu giảm thấp hơn, khi tăng trưởng có điều chỉnh nhẹ, tăng khoảng 5,5%. Rút kinh nghiệm về thiếu sót “ham tăng trưởng” bằng mọi giá, năm 2012 và 2013 đã chỉ giữ quy mô đầu tư ở mức hợp lý khoảng 30%GDP, để tập trung sức hơn có được nhưng công trình dự án có hiệu quả nhất, với tầm nhìn trung hạn. Đồng thời với việc cắt giảm đầu tư công, đã và đang tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, đã có chủ trương tái cơ cấu, chỉ tập trung vào các ngành nghề chính, để nâng cao hiệu quả hơn. Trong điều kiện các doanh nghiệp FDI phát triển với chất lượng khá, nhất là hướng về xuất khẩu (tăng đến gần 40% so với cùng kỳ), với các sản phẩm công nghệ cao. Nhờ tiết giảm tổng cầu của nền kinh tế, nên có điều kiện hướng dần vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Trong điều kiện từng bước tái cấu trúc nền kinh tế, đã cải thiện được tình trạng xuất nhập khẩu, giữ vững tỉ giá và giá trị của tiền đồng Việt Nam… Đó là những thành tựu quan trọng.

Đồng thời, cũng thấy nhiều thiếu sót trong điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là điều hành hẹ thống tài khóa còn lãng phí, tiêu dùng chưa điều tiết nhiều, trong khi hệ thống tiền tệ tín dụng hoạt động kém. Trong khi huy động vốn tăng trên 10% thì hoạt động tín dụng chỉ tăng thấp khoảng 2%, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Thêm vào đó, tình trạng lũng đoạn thị trường tiền tệ và thị trường vàng, tồn kho bất động sản, gây nên nợ xấu rất lớn trong nền kinh tế. Hơn thế, các DNNN cũng đóng góp phần quan trọng trong tồn kho và nợ xấu, gây khó khăn cho điều chỉnh chính sách. Cuối cùng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đang chịu đựng những sức ép quá sức.

Trên thực tế, nhìn vào tầm trung hạn, các chính sách chưa được thể hiện rõ ý đồ tiến hành mạnh mẽ tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Thực tế khi xây dựng kế hoạch 2012, các vị đại biểu Quốc hội phần lớn vẫn thấy mặt sáng và đòi hỏi tăng trưởng 6-6,5%, làm cho việc điều hành của Chính phủ càng thêm khó khăn. Việc tái cấu trúc DNNN và ngân hàng có bước đi thận trọng là cần thiết, nhưng có phần lúng túng.

Việc điều chỉnh đầu tư, nhất là đầu công đạt được kết quả nhất định, nhưng do hệ thống phân cấp đến mức chia cắt nên làm cho việc điều chỉnh thêm khó khăn. Phương pháp kế hoạch hóa cân đối ngân sách hằng năm cũng làm cho việc xây dựng và điều hành kế hoạch trở nên cứng nhắc. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp còn sơ sài, chưa đủ tầm mức, nhất là hỗ trợ về tín dụng, về hoãn, giảm thuế chưa nhiều, nên khó khăn còn lớn. Điều đó đang ảnh hưởng đến khả năng vượt khó của doanh nghiệp.

Cùng với khó khăn đình đốn của doanh nghiệp, hai vấn đề tồn kho và nợ xấu vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tình trạng xấu của hệ thống các ngân hàng càng làm cho khó khăn thêm nghiêm trọng.

Chính sách kinh tế và hành động của doanh nghiệp

Những khó khăn hiện nay đang tác động tiêu cực đến tình hình phát triển của doanh nghiệp, mặc dù việc tháo gỡ khó khăn là hành động sống còn của bản thân doanh nghiệp. Có thể nói, đứng trước khó khăn hiện nay, mỗi doanh nghiệp phải tự điều chỉnh chiến lược đầu tư kinh doanh của mình để hướng tới hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, do hầu hết doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô vừa và nhỏ nên sức vươn lên cũng rất hạn chế.

Các DNNN với cơ chế bao cấp của Nhà nước chưa được đổi mới đúng mức, còn trên 1300 doanh nghiệp với 100% vốn Nhà nước, vẫn đang là gánh nặng, nhưng chưa quyết tâm có cải cách mạnh mẽ.

Các doanh nghiệp FDI do liên kết được công ty mẹ và mạng lưới sản xuất tiêu thụ toàn cầu, nên đã có khả năng tiêu thụ sản phẩm khá.

Tuy nhiên, năm 2013 tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn khó khăn thì các doanh nghiệp cần tự vươn lên thế nào, và chính sách của Nhà nước cần tạo môi trường ổn định kinh tế vĩ mô ra sao, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển vượt khó vẫn là bài toán đòi hỏi sự nỗ lực của Nhà nước và doanh nghiệp hợp lực.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch 2013, cần lưu ý mấy vấn đề sau:

Về kế hoạch 2013: Nhà nước cần định kế hoạch cho vừa sức nền kinh tế, không quá câu nệ tốc độ tăng trưởng trước mắt, dù trong trung hạn cần tăng lên trên 6%, nhưng lúc này có tăng 4-5% vẫn phải chấp nhận để có thể tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế thành công. Đồng thời cần rất chú trọng tiếp tục mục tiêu ổn định kinh tế vĩ vô, phòng ngừa lạm phát quay lại để kiên trì tiếp tục giảm lạm phát mạnh hơn. Điều này sẽ có tác động tốt tới doanh nghiệp và đời sống của người dân. Cần thấy rằng kinh tế thế giới còn khó khăn trong thời gian nữa, nên không được chủ quan. Thậm chí cần có những ước định lại khả năng thực hiện kế hoạch 2012/2013 và cả kế hoạch 5 năm 2011-2015 để thấy sức ép với kế hoạch tiếp theo 2016-2020, tránh có những bất ngờ, chủ quan duy ý chí. Cũng cần tính tới các chỉ tiêu chất lượng, vì trong 5/15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là đụng vào các chỉ tiêu chất lượng then chốt của nền kinh tế (tăng trưởng, đầu tư, việc làm, giảm nghèo và trồng rừng), không đảm bảo phát triển bền vững dài hạn.

Về chính sách kinh tế: Kết hợp kế hoạch hằng năm với điều chỉnh chính sách tầm nhìn trung hạn, ít nhất tới năm 2015. Hoan nghênh kế hoạch đầu tư trung hạn của Chính Phủ đề xuất để có tầm nhìn 3-5 năm và theo cơ chế “trượt”, để cập nhật hóa tình hình. Chú trọng việc “gói” các đầu tư  dở dang để tránh lãng phí cũng như vốn để đảm bảo duy tu bảo dưỡng công trình khoảng 10% tổng vốn, nhất là hạ tầng kỹ thuật chung của nền kinh tế. Cũng cần tính đến các tác động của lộ trình hội nhập trong ASEAN và với Trung Quốc để chủ động ứng phó cho có hiệu quả.  Trong các chính sách này cần chú ý tạo điều kiện khi DNNN được sắp xếp lại thì chủ động tạo điều kiện cho khu vực tư nhân có thể tham gia đầu tư kinh doanh. Nhân dịp điều chỉnh chính sách liên quan đến Hiến pháp và luật đất đai, nên cóp tầm nhìn dài hạn để tránh xẩy ra các khiếu kiện và các bức xúc không đáng có, khi niềm tin của người dân đang bị giảm sút nghiêm trọng, kể cả cán bộ lão thành, người bình dân và trung lưu…

Về tái cấu trúc doanh nghiệp:  Các doanh nghiệp dù công hay tư cũng cần tự vạch ra một lộ trình để tái cấu trúc của bản thân doanh nghiệp, tìm đầu ra sản phẩm của mình, có khả năng ứng phó trong mọi tình huống. Vừa sắp xếp lại công việc quản trị doanh nghiệp, hướng tới ứng dụng khoa học công nghệ và tạo sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, chủ động tạo sự tham gia trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu và khu vực. Đặc biệt coi trọng việc tái cấu trúc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhấn mạnh sự liên kết các doanh nghiệp trong các ngành hàng, các doanh nghiệp trên cùng địa bàn, cùng nguồn nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, để đạt hiệu quả cao nhất.

(Theo Kỷ yếu hội thảo khoa học "Một số giải pháp nhằm phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện hiện nay. Tít bài do Tạp chí Tài chính đặt lại)