Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh hội nhập

ThS. Phùng Thanh Loan - Học viện Tài chính

Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu có thể giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nông, lâm, thủy sản gia tăng được lợi nhuận, tận dụng được các cơ hội đến từ hội nhập kinh tế quốc tế, nâng tầm giá trị của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này nhằm phát triển năng lực tài chính cho doanh nghiệp thực hiện ứng dụng công nghệ cao và giúp họ gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tình hình hoạt động của ngành nông, lâm, thủy sản

Với khoảng 70% dân số sống ở nông thôn, 70% lực lượng lao động làm việc trong ngành nông, lâm, thủy sản (NLTS) nhưng Ngành này chỉ chiếm 17% cơ cấu nền kinh tế, chỉ có chưa đến 1% doanh nghiệp (DN) hiện đang hoạt động trong Ngành. So sánh với lợi thế và tiềm năng của ngành NLTS Việt Nam thì số lượng các DN hoạt động trong Ngành này là quá nhỏ bé.

Theo Tổng cục Thống kê, số DN ngành NLTS cũng có sự sụt giảm từ 3.740 DN năm 2014 còn 3.640 DN trong năm 2015, chiếm dưới 1% tổng số DN. Trong 8 tháng đầu năm 2016, số lượng DN đăng ký thành lập mới ngành NLTS tăng 1,7% với số vốn đăng ký tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, 96,6% DN ngành NLTS là DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Theo phân ngành, DN hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp đến là thủy sản và thấp nhất là lâm nghiệp. Đặc biệt, trong đó có khoảng 50% DN ngành NLTS có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động). Đây chủ yếu là những DN mới được thành lập từ các cơ sở kinh doanh hoặc hộ kinh doanh lớn. Những DN này thường không có cơ cấu tổ chức rõ ràng, mô hình quản lý theo kiểu sơ khai và đặc biệt không có kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn.

Trong giai đoạn 2010 – 2014, tốc độ tăng trưởng DN NLTS đạt mức bình quân là 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng của DN nói chung là 10,9%/năm. Tỷ trọng DN NLTS có xu hướng giảm so với DN cả nước, từ mức 1,61% năm 2007 xuống còn 0,96% năm 2014. Về hiệu quả kinh doanh, các chỉ số phản ánh hiệu suất sinh lời của DN như hiệu suất sinh lời trên tài sản (ROA), hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), hiệu suất sinh lời trên doanh thu (ROS) của DN NLTS cao hơn so với DN trong lĩnh vực khác.

ROA của DN NLTS năm 2010 đạt 15,1% và năm 2014 đạt 11,5% so với mức 3,4% của các DN nói chung trong cả 2 năm 2010, 2014. ROE của DN NLTS đạt 19,2% năm 2010, 14,5% năm 2014 so với tỷ lệ chỉ 6,2% năm 2010 và 6,6% năm 2014 của các DN nói chung. ROS của DN NLTS thường đạt trên 10,6% so với các DN nói chung chỉ đạt trên 4,5%.

Cùng với hiệu suất sinh lời tốt hơn, mức độ an toàn của việc sử dụng vốn cao hơn là nguyên nhân giúp tỷ lệ DN NLTS thua lỗ (35,1% năm 2014) thấp hơn so với các DN khác (44,8% năm 2014). Tuy nhiên, cũng lưu ý tỷ lệ các DN NLTS kinh doanh thua lỗ đã tăng nhanh từ 23,2% năm 2010 lên 35,1% năm 2014. Điều này cho thấy các DN NLTS vẫn đang gặp nhiều khó khăn. 

Trong  các DN NLTS, DN thủy sản nói chung có hiệu quả cao hơn so với DN nông nghiệp và lâm nghiệp. Theo kết quả điều tra năm 2014, tỷ lệ DN thủy sản thua lỗ là 22% thấp hơn DN nông nghiệp (48%), DN lâm nghiệp (37,5%). Các chỉ số ROA, ROE, ROS của DN thủy sản đạt tương ứng 19%, 20%, 10,1% cao hơn khá nhiều so với DN nông nghiệp và DN lâm nghiệp. Bên cạnh đó, chỉ số về hiệu quả sử dụng lao động và hiệu quả sử dụng vốn của DN thủy sản cũng cao hơn DN nông và lâm nghiệp.

Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành NLTS đã giảm từ 55,1% năm 2005 xuống 49,5% năm 2010 và còn 44,3% năm 2015. Tổng số lao động thường xuyên làm việc trong các DN NLTS đến thời điểm 31/12/2014 là 267.053 người (chiếm 2,26% tổng số lao động trong DN cả nước). Trong đó có 33,56% lao động trong các DNNVV và 66,44% lao động trong các DN lớn. Bình quân mỗi DN NLTS đang sử dụng 69,5 lao động, cao gấp 2,4 lần số lao động bình quân trong DN cả nước nói chung. Số lao động bình quân trong DNNVV là 24,2 lao động và trong DN lớn là 1.334 lao động.

Năng suất lao động, hiệu suất sử dụng lao động của DN NLTS mặc dù tăng lên trong thời gian qua nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các DN khác. Doanh thu bình quân người lao động của DN NLTS chỉ bằng khoảng 1/5 so với DN lĩnh vực khác. Hiệu suất sử dụng lao động của DN NLTS chỉ đạt 3 lần so với 16,1 lần của DN năm 2010 và 4,4 lần so với 15,7 lần năm 2014.

Kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm 2016 đạt gần 2,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 đạt 15,05 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính (gạo, cà phê, tiêu, chè, thủy sản, cao su, hạ điều, gỗ và sản phẩm gỗ, sắn và các sản phẩm từ sắn) ước đạt 7,32 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,07 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,33 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản

Trong thời gian qua, một loạt chủ trương chính sách đã được Chính phủ ban hành nhằm trợ giúp các DNNVV nói chung, DN ngành NLTS nói riêng vượt qua giai đoạn khó khăn. Cụ thể:

Chính sách tài chính hỗ trợ DNNVV

Chính sách thuế: Theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN, số 32/2013/QH13, DNNVV sẽ được hưởng mức thuế suất 20% thấp hơn so với mức thuế suất phổ thông là 22%.

Chính sách lãi suất: NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất, đối với các lĩnh vực ưu tiên trong đó có DNNVV, lãi suất thấp hơn từ 1-2% so với các lĩnh vực khác.

Chính sách bảo lãnh tín dụng: Hiện cả nước đã thành lập 25 Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV do UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Ngoài ra, Ngân hàng phát triển Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV.

Thành lập Quỹ Phát triển DNNVV: Đây được coi là một tổ chức tài chính đầu tiên của Nhà nước dành riêng cho DNNVV. Mục tiêu hoạt động của Quỹ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của DNNVV, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động và tạo động lực phát triển kinh tế.

Chính sách tài chính hỗ trợ DNNVV liên kết chuỗi giá trị

Tiêu biểu có thể kể đến chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Nghị định 210/2013/NĐ – CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ.

Các chính sách ưu đãi về đất đai bao gồm: Miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; Hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân; Miễn, giảm tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Các chính sách hỗ trợ đầu tư bao gồm: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc gia cầm; hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc; hỗ trợ trồng cây dược liệu, hỗ trợ đầu tư nuôi trồng hải sản trên biển; hỗ trợ đầu tư cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, sấy phụ phẩm, thủy sản, chế biến cà phê; hỗ trợ đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ đầu tư chế biến gỗ rừng trồng đặc thù cho các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.

Hỗ trợ liên kết nông dân – DN theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg: Miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất khi được nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất; hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trong dự án cánh đồng lớn; hỗ trợ tối đa 50% kinh phí tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng.

Chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp như Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/03/2014. Hỗ trợ một phần lãi suất và hạn mức vay cao hơn trước cho DN thực hiện liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu.

Doanh thu bình quân người lao động của doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản chỉ bằng khoảng 1/5 so với doanh nghiệp lĩnh vực khác. Hiệu suất sử dụng lao động của doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 3 lần so với 16,1 lần của doanh nghiệp năm 2010 và 4,4 lần so với 15,7 lần năm 2014.




Hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch: Quyết định 57/2010/QĐ-TTg ngày 17/09/2010, Quyết định số 68/2013/QĐ-TT ngày 14/11/2013; miễn tiền thuê đất xây dựng kho thóc chứa; hỗ trợ tín dụng cho thu mua tạm trữ; hỗ trợ tiếp cận tín dụng dài hạn, lãi suất ưu đãi cho đầu tư máy móc, thiết bị.

Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết 55/2010/QH-12; Chính sách hỗ trợ việc áp dụng VIETGAP trong NLTS theo Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV ngành NLTS gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng nhiều chính sách vẫn chưa đi vào cuộc sống bởi vẫn tồn tại một số khó khăn vướng mắc chủ yếu  sau:

Thứ nhất, mặc dù các chính sách tài chính hỗ trợ DNNVV ngành NLTS đã tương đối là đầy đủ nhưng do thủ tục hành chính còn khá phiền hà, làm gia tăng chi phí của các DNNVV nông lâm thủy sản. Theo Báo cáo Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016 của Ngân hàng Thế giới dựa trên điều tra 40 nước cho thấy, môi trường kinh doanh nông nghiệp Việt Nam ở dưới mức trung bình chung của các nước.

Thứ hai, các địa phương không bố trí đủ kinh phí để xây dựng hạ tầng cơ sở cho các dự án nông nghiệp, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khi thực hiện đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng các DN phải tự lo liệu vấn đề này. Với quy mô hoạt động nhỏ, vốn ít đây thực sự là một khó khăn cho các DNNVV ngành NLTS.

Thứ ba, nhiều DNNVV ngành NLTS vẫn khó khăn khi tiếp cận tín dụng do hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại tại nông thôn còn nhỏ, các ngân hàng thương mại vẫn lo ngại rủi ro cao khi cho vay đầu tư vào nông nghiệp. Chi phí giao dịch đối với các DNNVV đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ là khá cao so với quy mô vốn của họ.

Thứ tư, các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đặc biệt lại là dự án của DNNVV rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vỗn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), hoặc nguồn vốn ưu đãi của các nhà tài trợ. Theo quy định thì các dự án này là đối tượng được vay vốn ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác nhưng điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn vay ODA và nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài là rất chặt chẽ, DN phải trải qua nhiều khâu thẩm định, thời gian dài làm tăng chi phí. Mặt khác, các dự án đầu tư vào ngành nông nghiệp có tính rủi ro cao do chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố thời tiết, môi trường, khí hậu… do đó càng cản trở DNNVV ngành NLTS tiếp cận vốn ưu đãi từ nước ngoài.

Một số đề xuất, kiến nghị    

Để có thể giúp DNNVV ngành NLTS gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Nông nghiệp Việt Nam, bài viết đề xuất một số kiến nghị sau:

Một là, để DNNVV ngành NLTS gia nhập hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi các DNNVV phải có sự đầu tư lớn vào công nghệ để sản xuất hàng nông sản có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Việc khuyến khích và thu hút các DNNVV đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao phải gắn liền với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hạ tầng về giao thông. Năng lực của phần lớn các địa phương còn yếu, 50/63 tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách và nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương, do đó để giải quyết bài toán về hạ tầng cơ sở cần sự giúp đỡ rất lớn từ ngân sách trung ương.

Hai là, phát huy hết vai trò của Quỹ Bảo lãnh DNNVV do UBND các tỉnh, thành phố quản lý, giúp các DNNVV ngành NLTS tiếp cận với nguồn vốn tín dụng đặc biệt nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài để tăng cường năng lực tài chính giúp DNNVV ngành NLTS đầu tư mở rộng vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao.


Ba là, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính để DNNVV ngành NLTS dễ dàng tiếp cận hưởng các ưu đãi giảm chi phí tăng trong sản xuất kinh doanh.

Bốn là, mở rộng chương trình thí điểm cho vay đối với mô hình hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu tiến đến áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Năm là, trong điều kiện hội nhập kinh tế tế, các điều kiện khắt khe trong các hiệp định thương mại tự do, Nhà nước cần thông tin kịp thời và đầy đủ về các quy định trong các hiệp định thương mại và những thay đổi trong chính sách tài chính hỗ trợ đến DNNVV ngành NLTS.

Tài liệu tham khảo:

1. VCCI, Tài liệu hội thảo: Giải pháp tài chính để tăng cường sự tham gia của DN vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh hội nhập mới, 2016;

2. Ban Kinh tế Trung ương, VCCI, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài liệu Diễn đàn: Phát triển DN nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thông mới, 2016;

3. Tổng cục thống kê, Hiệu quả của các DN trong nước giai đoạn 2005 – 2014, 2016; Tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2016.