Chính sách tài chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (*)

Bộ Tài chính

(Tài chính) Nhìn lại chặng đường 25 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam, khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn ĐTNN ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, góp phần tích cực trong tăng trưởng kinh tế, cải thiện cán cân thanh toán, tạo việc làm trực tiếp cho người lao động và hàng triệu việc làm gián tiếp khác, là yếu tố thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, nâng cao phương thức quản lý kinh doanh, tạo động lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng ngành... Trong bài viết này, Bộ Tài chính tập trung vào một số chính sách tài chính đã góp phần quan trọng trong việc thu hút ĐTNN ở nước ta thời gian qua.

Chính sách tài chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (*)
Các doanh nghiệp FDI tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn cho kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ảnh: Hải Linh
Những kết quả nổi bật

Về chính sách thuế và thu khác

Về thuế thu nhập DN (TNDN): Trong từng giai đoạn phát triển, Luật Thuế TNDN đã góp phần tạo môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả, khuyến khích và thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, phát huy tốt vai trò định hướng thu hút đầu tư, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở vững chắc cho nền kinh tế phát triển bền vững.

Sau 25 năm thực hiện, bên cạnh cải cách các chính sách ưu đãi thuế TNDN, việc Quốc hội Việt Nam nhiều lần điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN đã giúp môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng trở nên cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, mức thuế suất thuế TNDN từ 32% năm 1997 đã giảm xuống còn 28% năm 2003 và tiếp tục giảm còn 25% từ năm 2009.

- Giai đoạn từ năm 1987 đến năm 2004: Với mục tiêu đẩy mạnh thu hút vốn ĐTNN, chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu vực có vốn ĐTNN đã dành mức ưu đãi cao hơn hẳn cả thuế suất, thời gian miễn thuế, giảm thuế so với khu vực DN có vốn đầu tư trong nước. Cụ thể, đối với khu vực có vốn ĐTNN, tuỳ theo lĩnh vực, địa bàn đầu tư, DN được áp dụng thuế suất ưu đãi 10%, 15% và 20% và miễn, giảm thuế tương ứng, trong đó mức miễn thuế tối đa là 4 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo.

- Giai đoạn từ năm 2004 đến nay: Thời kỳ này các nhà ĐTNN được hưởng mức giá dịch vụ đầu vào bình đẳng như các nhà đầu tư trong nước. Việc Quốc hội ban hành Luật thuế TNDN số 09/2003/QH11 ngày 17/6/2003 là một trong những văn bản luật đầu tiên thiết lập chế độ đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt xoá bỏ sự phân biệt đối xử giữa ĐTNN và đầu tư trong nước, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý đáp ứng điều kiện gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), tạo bước tiến mới về cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo lập môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi và hấp dẫn hơn.

Theo đó, chính sách thuế TNDN quy định tại Luật thuế TNDN số 09/2003/QH11 và các văn bản hướng dẫn đã quy định áp dụng mức thuế suất thuế TNDN và mức ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thống nhất cho tất cả các loại hình DN. Đồng thời sau khi Luật thuế TNDN năm 2003 có hiệu lực thi hành thì các quy định về thuế TNDN bổ sung và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đã được bãi bỏ, điều này thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam trong việc khuyến khích đầu tư kinh doanh của các DN có vốn ĐTNN.

Tiếp đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X và Chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010, ngày 13/6/2008 Quốc hội ban hành Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 thay thế cho Luật Thuế TNDN số 09/2003/QH11.

Việc cải cách chính sách ưu đãi thuế tại Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 và các văn bản hướng dẫn thực hiện từ 01/01/2009 đến nay đã tạo sự chuyển biến tích cực trong phân bổ nguồn lực, thu hẹp diện ưu đãi theo ngành, lĩnh vực để khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm hoặc lĩnh vực xã hội hoá.

Với các cải cách thuế có tính bước ngoặt nêu trên, giai đoạn từ năm 2004 - 2011 nguồn vốn ĐTNN đã tăng nhanh chóng với 9.500 dự án đầu tư, vốn đăng ký đạt 175 tỷ USD (gấp 3,2 lần giai đoạn 1988-2003), vốn thực hiện đạt 61,8 tỷ USD (gấp 2,3 lần giai đoạn 1988-2003) và đặc biệt từ năm 2007 số vốn ĐTNN thực hiện hàng năm đều đạt xấp xỉ 10 tỷ USD.

Về thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ra đời đã tạo lập khuôn khổ pháp lý trong việc thực hiện đường lối chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, góp phần tạo nên một môi trường đầu tư chung và thuận lợi cho cả các DN trong và ngoài nước.

Trong 25 năm qua, sự phát triển mạnh của khu vực DN có vốn ĐTNN là một trong những thước đo đánh giá sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam. Ngoài việc góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, việc gia tăng xuất khẩu của khối các DN có vốn ĐTNN, đặc biệt là gia tăng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp của khu vực này là rất đáng kể.

Một trong các yếu tố góp phần vào việc gia tăng liên tục của khu vực công nghiệp và xuất khẩu của các DN có vốn ĐTNN là chính sách ưu đãi được quy định trong Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật ĐTNN, và các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể là:

- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công cho nước ngoài và khi xuất trả sản phẩm cho phía nước ngoài được miễn thuế xuất khẩu. Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài để gia công cho phía Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu và khi nhập khẩu trở lại được miễn thuế nhập khẩu trên phần trị giá của hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài để gia công theo hợp đồng.

- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa để tạo tài sản cố định đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, lĩnh vực khuyến khích đầu tư và các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; đối với dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA.

- Miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của các dự án đầu tư và lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn;

- Chính sách hoàn thuế nhập khẩu và không thu thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm xuất khẩu được xác định là sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu nhập khẩu....

Việc trở thành thành viên chính thức của WTO cũng như việc tham gia ký kết 7 Hiệp định thương mại tự do trong khu vực ASEAN (ATIGA; ASEAN - Trung quốc; ASEAN - Hàn Quốc; ASEAN- Ấn Độ; ASEAN - ÚC - Niu Dilan; ASEAN - Nhật Bản và Việt Nam - Nhật Bản) đã tạo ra nhiều cơ hội cho các DN trong nước và DN có vốn ĐTNN mở rộng thị phần ra bên ngoài, tham ra sâu hơn vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cắt giảm thuế quan hàng năm theo các cam kết trong WTO và trong khu vực ASEAN đối với các nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được đã tạo điều kiện giúp các DN có vốn ĐTNN nói riêng và DN nói chung giảm chi phí đầu vào trong sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước so với hàng nhập khẩu.

Với chính sách ưu đãi thuế xuất nhập khẩu nêu trên đã và đang củng cố lòng tin cho các DN trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và thu hút vốn ĐTNN và công nghệ sản xuất hiện đại vào Việt Nam.

Hiện nay, mặc dù không còn duy trì chính sách ưu đãi có phân biệt giữa các DN trong nước và các DN có vốn ĐTNN nhưng việc quan tâm, lắng nghe và giải quyết các vướng mắc của các DN có vốn ĐTNN nhanh chóng, hiệu quả thông qua các buổi tọa đàm, đối thoại trực tiếp với các Hiệp hội, DN ĐTNN tại Việt Nam hoặc trả lời trực tiếp bằng văn bản để giải quyết các vướng mắc về thuế trong quá trình điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã đóng góp một cách tích cực vào tăng trưởng kinh tế nói chung và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam cho các DN có vốn ĐTNN nói riêng.

Có thể nói, tạo nên một môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn luôn là một mục tiêu mà Chính phủ hướng tới với nỗ lực rất cao vì cải thiện môi trường đầu tư sẽ khuyến khích được các nguồn lực trong và ngoài nước tập trung cho đầu tư, phát triển kinh tế.

Vì vậy, trong thời gian tới, chính sách xuất khẩu, nhập khẩu sẽ tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để khắc phục những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện nhằm tạo nên một hành lang pháp lý minh bạch và thuận tiện hơn rõ ràng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa đối với hoạt động xuất nhập khẩu để không những khuyến khích các DN đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, cải thiện tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế

Về chính sách tài chính đất đai

Chính sách tài chính đất đai đã được hoàn thiện phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, về cơ bản đã đảm bảo công bằng giữa tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài, cụ thể:

- Về hình thức sử dụng đất: Luật đất đai 2003 có sự phân biệt về hình thức sử dụng đất giữa DN trong nước và DN nước ngoài. DN nước ngoài được lựa chọn hình thức thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê đất thu tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê. DN trong nước được lựa chọn hình thức giao đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm.

Tuy nhiên, nghĩa vụ tài chính về thu tiền thuê đất trong trường hợp trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê (đối với DN nước ngoài) cũng tương đương với nghĩa vụ tài chính trong trường hợp được giao đất có thu tiền sử dụng đất (đối với DN trong nước).

- Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất: Tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài được nhà nước cho thuê đất đều có quyền và nghĩa vụ như nhau trong quá trình sử dụng đất.

- Về thời hạn thuê đất: Điều 67 Luật đất đai quy định chung về thời hạn cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư là không quá 50 năm, trường hợp đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời hạn không quá 70 năm (không phân biệt là DN trong nước hay DN nước ngoài);

- Về ưu đãi đầu tư: Các dự án đầu tư được hưởng mức ưu đãi giống nhau nếu dự án đầu tư được thực hiện trên cùng địa bàn ưu đãi đầu tư hoặc có cùng lĩnh vực ưu đãi đầu tư, cụ thể như sau:

+ Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với toàn bộ dự án: (i) trong thời gian xây dựng theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (ii) Nếu dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

+ Kể từ ngày dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, được miễn: i) 3 năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư, tại cơ sở sản xuất kinh doanh mới của tổ chức kinh tế thực hiện di dời theo quy hoạch, di dời do ô nhiễm môi trường. ii) 7 năm đối với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; iii) 11 năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; iv) 15 năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Về cơ chế chính sách đối với lĩnh vực tài chính khác

Những năm đầu đổi mới để thu hút các nhà ĐTNN vào Việt Nam tham gia thực hiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, pháp luật về đầu tư, về thuế và tài chính khác có quy định chính sách ưu đãi riêng biệt đối với từng khu vực có vốn ĐTNN và khu vực có vốn đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nhanh và bền vững khi Việt Nam gia nhập WTO, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phát sinh ngày càng nhiều khó khăn và thách thức, ngành Tài chính đã nỗ lực triển khai thực hiện các cam kết quốc tế và cam kết tài chính nói riêng nhằm đảm bảo việc tuân thủ nghĩa vụ của nước thành viên, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, ban hành kịp thời các cơ chế chính sách tài chính phù hợp, đồng bộ để đảm bảo hiệu lực thực thi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đề xuất các giải pháp cấp thiết nhằm giảm thiểu rủi ro và bất cập trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, cùng với các chính sách thuế quan trọng như thuế TNDN, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nêu trên, tại các văn bản thuế, tài chính khác cũng đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa DN có vốn ĐTNN với DN trong nước.

Điều này đã và đang liên tục củng cố lòng tin cho các DN trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, các nhà đầu tư tiềm năng, là dấu hiệu tích cực đối với việc cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, nhằm đạt được mục tiêu thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước tập trung cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể:

Đối với dịch vụ bảo hiểm, từng bước thực hiện nghiêm túc các cam kết về:

- Cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, cho phép thực hiện: Không duy trì hạn chế phân biệt đối xử quốc gia đối với bảo hiểm cho DN có vốn ĐTNN, người nước ngoài làm việc ở Việt Nam; tái bảo hiểm; bảo hiểm vận tải quốc tế; môi giới bảo hiểm và môi giới tái bảo hiểm; dịch vụ đánh giá, tư vấn, định phí và giải quyết bồi thường.

- Không áp dụng hạn chế tiếp cận thị trường hoặc hạn chế phân biệt đối xử quốc gia đối với phương thức cung cấp tiêu dùng ở nước ngoài.

- Không áp dụng hạn chế phân biệt đối xử quốc gia và xóa bỏ hạn chế về phạm vi kinh doanh bảo hiểm bắt buộc đối với DN bảo hiểm có vốn ĐTNN khi cung cấp dịch vụ; Cho phép mở chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ phù hợp với quy định thận trọng theo phương thức hiện diện thương mại.

Đối với dịch vụ chứng khoán:

- Đối với phương thức cung cấp qua biên giới: không áp dụng hạn chế tiếp cận thị trường với dịch vụ cung cấp thông tin tài chính và tư vấn, trung gian và dịch vụ phụ trợ - bảo lưu quyền áp dụng với các dịch vụ khác; bảo lưu quyền áp dụng hạn chế phân biệt đối xử quốc gia.

- Đối với phương thức tiêu dùng ở nước ngoài không áp dụng hạn chế tiếp cận thị trường hoặc hạn chế phân biệt đối xử quốc gia.

- Đối với phương thức hiện diện thương mại: Cho phép mở liên doanh 49% vốn nước ngoài; Cho phép thành lập DN 100% vốn nước ngoài; Cho phép thành lập chi nhánh của DN chứng khoán nước ngoài cung cấp dịch vụ quản lý tài sản, thanh toán bù trừ, cung cấp thông tin, tư vấn và dịch vụ phụ trợ; Không áp dụng hạn chế phân biệt đối xử quốc gia;

Đối với dịch vụ kiểm toán, kế toán:

Nếu như thập kỷ 1991-2000 là thập kỷ hình thành thị trường dịch vụ Kế toán - Kiểm toán, thì thập kỷ 2001 - 2011 là thập kỷ thúc đẩy sự phát triển thị trường dịch vụ Kế toán - Kiểm toán của Việt Nam.

Trong giai đoạn 2001-2011, lần đầu tiên trong lịch sử kế toán nước ta, Luật Kế toán đã được Quốc hội khoá XI thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2004 đã khẳng định rõ vai trò, nhiệm vụ, nguyên tắc, nội dung kế toán trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập. Đến nay, khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán về cơ bản đã được xây dựng khá đầy đủ, toàn diện và tương đối hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế trong điều kiện nền kinh tế thị trường chuyển đổi của Việt Nam như ban hành hệ thống Chuẩn mực kế toán DN (VAS) trên cơ sở các chuẩn mực kế toán quốc tế và chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IAS và IFRS), ban hành mới các Chế độ kế toán cơ bản áp dụng cho các lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân: DN; Hành chính Sự nghiệp; DN Nhỏ và Vừa; Ngân sách và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước; Tài chính và Ngân sách xã;… và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Chuẩn mực kế toán; …Ngoài ra, cũng xây dựng các Chế độ kế toán đặc thù phù hợp với đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và điều kiện hoạt động của từng ngành, từng lĩnh vực cũng đã được xây dựng…

Mặt khác, kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, các văn bản về kế toán, kiểm toán cũng từng bước được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo mục tiêu thực hiện đúng với cam kết WTO là không áp dụng hạn chế tiếp cận thị trường hoặc hạn chế phân biệt đối xử quốc gia đối với dịch vụ kiểm toán kế toán trên cả 3 phương thức, gồm: qua biên giới, tiêu dùng ở nước ngoài và hiện diện thương mại.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, để đảm bảo chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư hiệu quả đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu đặt ra, việc xây dựng các chính sách ưu đãi cần được xem xét trong bối cảnh phát triển kinh tế tổng thể của cả nước. Việc ban hành chính sách mới, trong đó có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, các cam kết mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với các tổ chức quốc tế, theo đó mặc dù cần trao đổi và tìm kiếm giải pháp để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn ĐTNN, tuy nhiên việc xây dựng các chính sách ưu đãi cần đảm bảo đúng mục tiêu công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các DN có vốn đầu tư trong nước.

Thứ hai, do tính chất thiếu đồng bộ giữa các hệ thống văn bản pháp luật hiện nay nên nhiều khi quy định về chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư ngoài việc được quy định tại các văn bản chuyên ngành thì còn có nhiều hệ thống văn bản khác cũng quy định chính sách ưu đãi thuế, tài chính, đầu tư. Vì vậy, để khắc phục tính dàn trải, phức tạp của chính sách ưu đãi thuế đồng thời tăng tính minh bạch của chính sách thuế thì kiến nghị các cơ quan khi xây dựng chính sách: quy định về ưu đãi thuế nên được tập trung trong các văn bản qui phạm pháp luật về thuế, tránh tình trạng qui định ưu đãi thuế được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác như hiện hành (khoa học công nghệ; chuyển giao công nghệ; giáo dục; xã hội hoá;...).

Thứ ba, về định hướng xây dựng lĩnh vực ưu đãi đầu tư trong thời gian tới, trong thời gian gần đây, khi danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Luật đầu tư chưa được sửa đổi, bổ sung đang diễn ra xu hướng là: trong các chiến lược và chính sách phát triển ngành, lĩnh vực đầu tư đều quy định danh mục địa bàn, lĩnh vực ưu đãi riêng; chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản pháp luật. Trong quá trình tham gia phối hợp xây dựng chính sách ngành, lĩnh vực với một số Bộ, ngành, Bộ Tài chính nhận thấy một số văn bản quy định và hướng dẫn chính sách đối với các ngành/lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ… cũng đang được nghiên cứu theo hướng xây dựng một danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi riêng. Các quy định này đã và sẽ làm giảm đi vai trò định hướng của chính sách ưu đãi đầu tư chung, đồng thời chưa thể hiện được tính đồng bộ, nhất quán của các chính sách ưu đãi đối với các địa bàn có cùng điều kiện về phát triển kinh tế xã hội.

Vì vậy, để chính sách ưu đãi đầu tư (về thuế, về tài chính, tín dụng, đất đai ...) thực sự có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng của Nhà nước trong những năm tới, Bộ Tài chính đề nghị cần rà soát lại toàn bộ hệ thống ngành kinh tế quốc dân và địa bàn cần khuyến khích đầu tư trong cả nước, nghiên cứu để xây dựng một danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư áp dụng chung cho tất cả các ngành/lĩnh vực. Trên cơ sở danh mục này, các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về thuế, tài chính, đất đai, tín dụng ... sẽ quy định cụ thể mức ưu đãi, hình thức ưu đãi, quy trình thủ tục thực hiện ưu đãi mà không quy định thêm lĩnh vực, địa bàn ưu đãi.

(*) Bài viết này được lược trích từ kỷ yếu Hội nghị 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Tít bài do FinancePlus.vn đặt.