Chính sách tài khóa 2013: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế bền vững

TS. Vũ Nhữ Thăng

Năm 2012 qua đi với nhiều khó khăn thách thức. Nhưng với sự chủ động trong chỉ đạo điều hành, đặc biệt là những điều chỉnh trong chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2012 cũng như thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 11/2011/QH13 ngày 9.11.2011 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.

Chính sách tài khóa 2013: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế bền vững
Ảnh minh họa. Nguồn: FinancePlus.vn

Việc điều chỉnh chính sách tài khóa năm 2012 theo hướng thực hiện các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế đối với một số sắc thuế, khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã hỗ trợ và trực tiếp giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trước mắt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về vốn sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Do đó, trong những tháng cuối năm 2012 số lượng các doanh nghiệp dừng hoạt động đã giảm dần, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động gia tăng, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng giảm. Ngoài ra, việc điều chỉnh chi tiêu công nhằm thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ thị trường thông qua việc: cho phép mua sắm đối với các khoản kinh phí năm 2011 đã bố trí nhưng chưa sử dụng được chuyển nguồn sang 2012; tăng mức hỗ trợ, trợ cấp khó khăn cho các đối tượng chính sách và thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu, tăng phụ cấp công vụ,… đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Những điều chỉnh trong chính sách tài khóa 2013

Về chính sách thu NSNN, một là, chính sách thu NSNN tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tiếp theo những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp năm 2012, điểm nổi bật trong chính sách thu NSNN 2013 là tiếp tục hướng vào việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể là gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thời hạn nộp tiền sử dụng đất; giảm tỷ lệ thu đối với một số khoản thu NSNN và hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường đã nộp.

Hai là, hoàn thiện hệ thống chính sách thu NSNN. Nhằm tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân kinh doanh, Chính phủ đã xây dựng và đang hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT… Ngoài ra còn thực hiện sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các thông tư hướng dẫn chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, biểu diễn nghệ thuật và điện ảnh, chăn nuôi… nhằm bảo đảm các chính sách thu NSNN phù hợp hơn với tình hình thực tế cũng như thực hiện các mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020.

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đồng thời cũng thể hiện rõ sự chia sẻ với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn thông qua việc bổ sung quy định về hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT của hộ cá nhân kinh doanh có thu nhập thấp căn cứ theo mức lương tối thiểu. Bổ sung một số nhóm đối tượng vào diện không chịu thuế như sản phẩm bảo hiểm về con người, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm an ngư, dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng, bán nợ, kinh doanh ngoại tệ...

Về chính sách chi NSNN, một là, tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách quản lý chi tiêu tài chính – ngân sách. Hiện nay, dự án Luật NSNN sửa đổi được giao cho Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trên cơ sở sửa đổi các nội dung liên quan đến tài chính – ngân sách trong Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Ngoài ra còn tập trung vào việc rà soát, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách tài chính chi tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia, đổi mới cơ chế tài chính đối với các lĩnh vực sự nghiệp công theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị gắn với cơ chế đặt hàng và giao nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh việc rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý chi tiêu NSNN, các chế độ, định mức chi tiêu ngân sách không phù hợp cũng được sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hai là, tăng cường công tác quản lý chi NSNN. Điểm nổi bật trong thực hiện chính sách chi NSNN 2013 là rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư của Nhà nước, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả có khả năng hoàn thành trong năm 2013. Hạn chế tối đa khởi công mới dự án sử dụng vốn NSNN. Kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả. Đặc biệt là không ứng trước vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình, dự án, trừ các dự án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh và các dự án trọng điểm cấp bách.

Ba là, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Về cân đối ngân sách và quản lý nợ công, QH đã thông qua Nghị quyết số 32/2012/QH13 về dự toán NSNN năm 2013, trong đó tổng thu cân đối NSNN là 816.000 tỷ đồng, tổng chi cân đối NSNN là 978.000 tỷ đồng, bội chi NSNN là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP.

Trong quản lý nợ công, hệ thống văn bản pháp lý về quản lý nợ công đã và đang được hoàn thiện. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định nhằm quản lý chặt chẽ nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia. Tăng cường công tác giám sát, quản lý rủi ro và cơ cấu lại nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia. Thực hiện trích lập dự phòng rủi ro và chủ động bố trí nguồn trả nợ các khoản vay đến hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay.

Tình hình thu NSNN khó khăn trong năm 2012 tiếp tục kéo sang những tháng đầu năm 2013. Trong 3 tháng đầu năm 2013, tổng thu cân đối NSNN ước đạt 167.710 tỷ đồng, đạt 20,6% dự toán năm và bằng 97,3% so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt là cả thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm 2012, tương ứng là 99,8% và 89,3%.

Chi NSNN trong 3 tháng đầu năm 2013 ước đạt 218.385 tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán năm, tăng 6% so với cùng kỳ 2012. Xét về số tuyệt đối, quy mô chi NSNN trong quý I giai đoạn 2010 -2013 có xu hướng tăng lên nhưng nếu so với GDP quý I hàng năm và so với GDP cả năm thì quy mô chi NSNN có xu hướng giảm. Tốc độ tăng chi cũng có xu hướng giảm từ 16% năm 2010 xuống 6% năm 2013.

Trong ba khoản chi lớn (chi đầu tư, chi thường xuyên và chi trả nợ) thì chi đầu tư phát triển trong 3 tháng đầu năm 2013 giảm 0,3% so với cùng kỳ 2012, trong khi chi trả nợ, viện trợ và chi thường xuyên tăng lần lượt là 9,6% và 9% so với cùng kỳ 2012.

Bội chi NSNN quý I giai đoạn 2010-2013 có xu hướng tăng lên. Đặc biệt là mức bội chi quý I.2013 tăng gần gấp đôi so với quý I.2012 cho thấy nguồn thu đạt thấp trong khi nhu cầu chi tăng lên.

Như vậy, qua tình hình thực hiện chính sách tài khóa quý I.2013 có thể thấy một số vấn đề cần quan tâm trong điều hành chính sách tài khóa 2013.

Thứ nhất, việc điều chỉnh chính sách tài khóa năm 2013 trong bối cảnh kinh tế và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhìn chung phù hợp với thực tế. Việc áp dụng các biện pháp giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và một số khoản thu NSNN theo Nghị quyết 02 đã tác động làm giảm thu NSNN năm 2013 khoảng 5.300 tỷ đồng. Qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời thể hiện sự cố gắng nỗ lực của ngành tài chính trong việc thực hiện các cân đối NSNN trong bối cảnh nguồn thu suy giảm, áp lực về chi ngân sách gia tăng.

Thứ hai, qua theo dõi tốc độ chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) cho thấy trong những tháng tới cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB, đặc biệt trong bối cảnh vốn đầu tư từ NSNN quý I.2013 có quy mô thấp hơn quý I.2012. Hơn nữa, mức tổng đầu tư xã hội quý I.2013 tương đương 29,6% GDP, trong đó vốn khu vực nhà nước chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Thứ ba, về thời điểm thu NSNN cần theo dõi sát trong quý IV, đặc biệt là tháng 10 khi các khoản giãn thuế TNDN quý I và quý II.2013, và giãn thuế GTGT tháng 3 và khoản phải nộp tháng 9.2013 để bảo đảm thu đúng, thu đủ các khoản thuế được giãn trong năm 2013.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như các cá nhân thu nộp vào NSNN; tăng cường công tác thu NSNN, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, chống chuyển giá. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra thuế, nhất là các lĩnh vực, khoản thu có khả năng thất thu cao; xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu thuế, tăng cường chế tài, thực thi pháp luật về thuế.

Và thách thức trong trung hạn

Thách thức lớn nhất trong trung hạn là chính sách tài khóa đứng trước 3 áp lực: từng bước giảm dần tỷ lệ động viên vào NSNN so với GDP, nhu cầu tăng chi đáp ứng các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, và bảo đảm cân đối NSNN.

Xét mức độ động viên ngân sách cho thấy, quy mô thu NSNN so với GDP bình quân giai đoạn 2001 - 2010 là 26,6% GDP, trong đó thu ngân sách từ thuế, phí đạt 24,2% GDP. Trong 3 năm gần đây, mức độ động viên ngân sách có giảm từ 28,5% GDP năm 2011 xuống 24,2% GDP năm 2013. Tính bình quân 3 năm 2011 - 2013, tỷ lệ động viên ngân sách bình quân đạt 25,9% GDP, thấp hơn so với tỷ lệ huy động bình quân của 10 năm trước đó. Đây cũng là xu hướng phù hợp với Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của QH, Chiến lược tài chính đến năm 2020 và Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đều yêu cầu phải giảm dần tỷ lệ động viên vào NSNN so với GDP.

Xét về cơ cấu thu ngân sách, thu nội địa chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu NSNN và có xu hướng tăng. Thu NSNN từ các sắc thuế gắn trực tiếp với sản xuất, kinh doanh trong nước như thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT trong tổng thu NSNN ngày càng tăng. Nhờ đó, thu nội địa (không kể dầu thô) trong tổng thu NSNN đã tăng từ 50,7% năm 2001 lên 62,6% năm 2012 và 66,8% năm 2013.

Tuy nhiên, tốc độ tăng thu ngân sách trong những năm gần đây cũng thể hiện xu hướng giảm mạnh từ 29,4% năm 2010 xuống 9,8% năm 2013. Trong những năm qua, việc thực hiện các biện pháp miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản thu NSNN đã tác động làm giảm thu NSNN, bên cạnh đó việc thực hiện thuế TNCN sửa đổi và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN, thuế GTGT cũng sẽ làm giảm thu NSNN trong một số năm đầu thực hiện. Tuy nhiên, xét về dài hạn việc giảm mức động viên sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy tái đầu tư. Khi doanh nghiệp phát triển sẽ tạo ra nhiều hàng hóa, của cải vật chất cho xã hội, tạo thêm nhiều lợi nhuận, nhờ đó nguồn thu NSNN cũng sẽ ổn định và tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Như vậy, xét trong mối quan hệ giữa thu và chi NSNN thì trong khi quy mô thu NSNN khó có thể duy trì ở mức như thời gian qua, áp lực tăng chi NSNN để thực hiện các chính sách an sinh xã hội đang có xu hướng mở rộng. Việc mở rộng chi thường xuyên cũng là vấn đề cần phải xem xét vì các khoản chi này thường khó cắt giảm hơn so với chi đầu tư phát triển. Ngoài ra, tình trạng chi bổ sung dự toán để thực hiện các chính sách mới, đặc biệt là các đề án được cấp có thẩm quyền quyết định đang có xu hướng gia tăng đã ảnh hưởng tới công tác lập dự toán ngân sách đầu năm cũng như quản lý, điều hành NSNN.

Thách thức lớn thứ hai là giải quyết tốt mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương trong quá trình phân cấp NSNN và quan hệ giữa các cơ quan trung ương trong quá trình phân công thực hiện nhiệm vụ về NSNN. Cùng với sự mở rộng về quy mô thu ngân sách chung, quy mô các khoản thu mà ngân sách địa phương (NSĐP) được hưởng 100% và các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương (NSTW) và NSĐP có xu hướng tăng. Tuy trong những năm gần đây, tốc độ tăng của các khoản thu mà NSĐP được hưởng 100% có xu hướng chậm hơn so với tốc độ tăng các khoản thu ngân sách chung nhưng xét theo tỷ lệ tương đối, tỷ trọng thu NSĐP trong tổng thu NSNN đã có xu hướng tăng đáng kể kể từ sau khi có Luật NSNN năm 2002.

Tuy nhiên, sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc huy động nguồn thu còn hạn chế vì các sắc thuế được phân chia 100% cho NSĐP có hiệu suất thu thuế thấp và chính quyền địa phương bị hạn chế về khả năng tăng nguồn thu cho mình ngoài các chính sách thu do Trung ương quy định. Do đó, phần lớn ngân sách cho chính quyền địa phương là nguồn thu phân chia và số bổ sung từ NSTW, trong đó có nhiều tỉnh đang phải dựa đáng kể vào bổ sung từ NSTW. Trong khi đó, nhu cầu tăng chi của các cấp chính quyền địa phương không ngừng được mở rộng, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Theo cơ chế hiện hành, các tỉnh có số thu ngân sách tăng được tăng chi trong thời kỳ ổn định ngân sách (hiện nay là 5 năm, trước đây là 3 năm).

Cách làm này có lợi đối với những tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, có tiềm năng tăng thu lớn trong những giai đoạn nền kinh tế phát triển tốt, trong khi đó những tỉnh có số thu thấp lại ít được hỗ trợ thêm từ nguồn tăng thu ngân sách chung do nguồn tăng thu ngân sách chỉ được tập trung một phần về NSTW (theo tỷ lệ phân chia). Theo đó, trong thời gian tới cần phải cải cách căn bản phương thức quản lý NSNN theo hướng hoàn thiện cơ chế phân cấp NSNN giữa Trung ương và địa phương, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong việc sử dụng nguồn lực công cùng với việc đẩy mạnh cơ chế giám sát. Nghiên cứu và xây dựng thực hiện có lộ trình việc chuyển đổi phương thức quản lý ngân sách từ kiểm soát đầu vào sang quản lý gắn với kết quả cũng như triển khai xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện khuôn khổ tài chính và khuôn khổ chi tiêu trung hạn, bảo đảm việc phân bổ ngân sách gắn với các mục tiêu, ưu tiên chiến lược trong từng thời kỳ.

Thứ ba, kỷ luật tài khóa cần được củng cố, tức là cần thiết phải hình thành các quy tắc tài khóa theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đồng thời cũng phải phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế trong từng giai đoạn như thông qua việc ban hành các quy định có tính pháp quy cao cùng với chế tài mạnh về giới hạn mức độ động viên ngân sách, giới hạn về bội chi ngân sách, giới hạn về nợ công… nhằm củng cố kỷ luật tài khóa.

Bên cạnh đó, một số vấn đề về quản lý NSNN cũng cần được khắc phục để tăng tính kỷ luật tài khóa như chuyển nguồn, nợ quỹ hoàn thuế, thu hồi tạm ứng, đưa trái phiếu Chính phủ vào trong cân đối… Tức là, cần tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình tài chính trong quy trình ngân sách trên cơ sở đa dạng hóa nội dung và hình thức công khai, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản pháp quy cũng như các báo cáo ngân sách, xác định và quy định rõ trách nhiệm giải trình ngân sách đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN. Đây cũng là biện pháp góp phần thực hiện chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng kinh phí NSNN, giảm áp lực tăng chi thường xuyên.