Chính sách thuế, phí đối với giáo dục đại học

Giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng, giáo dục và đào tạo nói chung là lĩnh vực được xếp vào diện “đầu tư cho tương lai”, luôn được ngân sách nhà nước (NSNN) quan tâm chăm lo trên cả 2 khía cạnh: Một là, cơ bản không thu thuế hoặc chỉ động viên ở mức “tượng trưng”; Hai là, bảo đảm ưu tiên chi ở mức cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu theo dự toán được duyệt. Chính sách, pháp luật về thuế được thiết kế thuận lợi, ưu đãi cao đối với cả đầu vào và sản phẩm, dịch vụ đầu ra của GDĐH, cụ thể như sau:

Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu là: Tài liệu, sách, báo, tạp chí khoa học, giáo trình, sách giáo khoa và các nguồn tin điện tử về khoa học và công nghệ dùng cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập; Công nghệ trong nước chưa tạo ra được, trang thiết bị, máy móc (kể cả phụ tùng, linh kiện vật tư để sản xuất, chế tạo ra chúng) thuộc loại trong nước chưa sản xuất được, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được (trừ xe ô tô du lịch dưới 24 chỗ ngồi) dành cho các dự án đầu tư phát triển GDĐH; Miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nguồn viện trợ không hoàn lại, việc trợ nhân đạo, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho GDĐH.

Không thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với đầu vào của GDĐH là sách, báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu kỹ thuật; Không thu thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động dạy học, dạy nghề của các cơ sở đào tạo (bao gồm cả tiền học, tiền ở ký túc xá, suất ăn tập thể thu của sinh viên). Các loại giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập, trang thiết bị dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học, dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ thông tin, phổ biến ứng dụng tri thức khoa học và công nghệ theo các hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ… được áp dụng mức thuế suất thấp là 5%.

Miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng trường đại học, cao đẳng. Hàng năm, các cơ sở GDĐH sử dụng đất làm trụ sở, giảng đường cho công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu, ký túc xá cho sinh viên được miễn tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp, miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (trước đây là thuế nhà đất).

Không thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với nguồn thu sự nghiệp, các khoản tài trợ nhận được của các cơ sở GDĐH có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (NSNN) chi trả, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân dành cho cơ sở GDĐH. Nguồn thu học phí các cơ sở GDĐH công lập (theo khung mức thu do Nhà nước quy định) cũng không thu thuế TNDN và các đơn vị được chủ động sử dụng theo cơ chế của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo quy định của Pháp lệnh phí, lệ phí và các Nghị định 57/2001, Nghị định số 24/2006/NĐ-CP thì đối với các cơ sở GDĐH ngoài công lập, nguồn thu phí trở thành doanh thu của cơ sở và thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN đối với Nhà nước nếu hoạt động có lãi (thuế suất 10% hoặc 25% tuỳ theo từng cơ sở).

Ưu đãi thuế ở mức cao nhất dành cho các cơ sở GDĐH mới thành lập theo diện xã hội hoá như: Miễn tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất; Miễn tiền thuê đất trong trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư dự án; Miễn tiền thuế sử dụng đất hàng năm; Áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế TNDN (thuế suất 10% suốt dự án, miễn thuế TNDN trong 4 năm, giảm thuế 50% trong 5 năm hoặc 9 năm tiếp theo, tùy thuộc địa bàn thực hiện dự án). Đối với các cơ sở GDĐH đang hoạt động, DN thuộc các thành phần kinh tế nếu có hoạt động trong lĩnh vực GDĐH thì được chuyển sang áp dụng mức thuế 10% (thay vì mức chung 25%) khi hoạt động này đáp ứng được các tiêu chí về xã hội hóa theo quy định.

Những tồn tại, bất cập

Điểm nổi bật trong hệ thống chính sách, pháp luật về thuế, phí và lệ phí ở nước ta trong thời gian vừa qua là quan điểm nhất quán bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các cơ sở GDĐH thuộc các thành phần kinh tế, khuyến khích các cơ sở ngoài công lập bỏ vốn đầu tư vào GDĐH theo quy hoạch và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong việc triển khai, thực hiện đã cho thấy còn một khoảng cách khá xa so với kỳ vọng, mục tiêu khi ban hành chính sách.

Một là, trong khuôn khổ pháp luật về phí và lệ phí, việc thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã và đang tạo nên sự bất bình đẳng giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập. Các cơ sở GDĐH công lập được hỗ trợ từ NSNN cả về đầu tư, cơ sở vật chất; nguồn thu từ người học lại không phải trả thuế TNDN mà được sử dụng để đầu tư trở lại cho cơ sở hoặc nâng cao đời sống cán bộ, giáo viên. Trong khi đó, các cơ sở GDĐH ngoài công lập phải tự lo cả về vốn đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên... nhưng họ lại phải nộp thuế TNDN nếu như có chênh lệch thu lớn hơn chi, kể cả trường hợp số chênh lệch đó chưa chia cho các chủ đầu tư góp vốn thành lập cơ sở.

Hai là, chế độ phân bổ nguồn lực NSNN chủ yếu dựa vào các yếu tố "đầu vào" và việc không áp thuế TNDN đối với thu nhập nhận được từ nguồn NSNN, thu học phí tại các cơ sở GDĐH công lập đã không khuyến khích tính năng động, sáng tạo của các cơ sở GDĐH công lập trong việc huy động thêm các nguồn lực xã hội; vẫn còn tình trạng trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước. Thêm vào đó, chế độ học phí đối với các trường đại học công lập chậm được đổi mới, chưa có sự phân tầng mức thu giữa các khối trường theo uy tín, chất lượng đào tạo và nhu cầu của xã hội. Do đó, hệ quả đã và đang xảy ra là: Một mặt, làm hạn chế quyền tự chủ của các trường trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính cho việc đảm bảo chất lượng đào tạo và tái đầu tư phát triển; Mặt khác, việc khống chế trần học phí tạo ra xu hướng trường công lập muốn tăng số lượng, quy mô đào tạo, mở rộng các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo nhưng lại không tương xứng với năng lực đào tạo của nhà trường (về giáo viên, thư viện, cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm…). Từ đó, cạnh tranh không bình đẳng diễn ra giữa các trường trong nhóm, trong khối, giữa trường đại học công lập và ngoài công lập.

Ba là, cùng với chế độ giờ giảng của giáo viên, cơ chế tài chính áp dụng cho các cơ sở GDĐH công lập một mặt khuyến khích đội ngũ giáo viên, cán bộ giảng dạy năng động hơn, chịu khó hơn trong việc trợ giúp cho các cơ sở ngoài công lập hoặc tham gia hoạt động đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là đội ngũ giáo viên giỏi trong các cơ sở công lập đang ưu tiên dành thời gian, công sức nhiều hơn cho hoạt động ngoài nhà trường. Vấn đề đặt ra là chất lượng đầu ra của đội ngũ sinh viên tốt nghiệp đại học đại học có tốt hơn khi tình hình nêu trên tiếp tục diễn ra và có xu hướng ngày càng gia tăng? Vấn đề này không liên quan trực tiếp đến thuế trong ngắn hạn nhưng về dài hạn nó sẽ có tác động đáng kể bởi chất lượng nguồn nhân lực tốt nghiệp đại học có liên quan đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN và nguồn thu thuế của NSNN.

Bốn là, chính sách khuyến khích xã hội hóa theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ đã dành cho các cơ sở GDĐH ngoài công lập được hưởng mức ưu đãi rất cao về thuế, về đất đai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất ít cơ sở có thể tiếp cận được các ưu đãi cao này vì những điều kiện ràng buộc. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ: Cơ sở GDĐH ngoài công lập chỉ được hưởng các ưu đãi này khi và chỉ khi họ đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về cơ sở xã hội hóa được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008. Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các tiêu chí quy mô đào tạo, số lượng sinh viên, tỷ lệ tối đa về học sinh, sinh viên trên mỗi một giảng viên phải đảm nhiệm thì các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập có thể phấn đấu đầu tư để đạt được sau một vài năm. Tuy nhiên, với tiêu chí về diện tích đất bình quân tối thiểu phải đạt được là 55 m2/sinh viên thì khó có cơ sở GDĐH đạt tiêu chuẩn xã hội hóa. Bên cạnh đó, điều kiện đặt ra khi thẩm định cho phép thành lập mới một cơ sở GDĐH là phải đảm bảo tuyển sinh ổn định ít nhất 3 năm và hàng năm tuyển sinh tối thiểu 500 sinh viên (đối với trường đại học); 250 sinh viên đối với trường cao đẳng… cũng chưa phù hợp với thực tế và cần được xem xét lại.

Một số đề xuất, khuyến nghị

Trên cơ sở phân tích những quy định của chính sách, pháp luật hiện hành về thuế, phí đối với GDĐH và những bất cập trong thực tiễn, xin đề xuất một số giải pháp chính sách dưới đây:

Thứ nhất, tiếp tục kế thừa các quy định đã và đang phát huy tác dụng tốt như ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu đối với dịch vụ đào tạo GDĐH cũng như đầu vào của GDĐH; miễn tiền thuê đất, miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế sử dụng đất hàng năm đối với các cơ sở GDĐH để các cơ sở này có điều kiện hạ mức giá học phí, đồng thời có nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với các cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài thì không thực hiện bao cấp tràn lan về đất đai mà cần thực hiện chế độ liên doanh, góp vốn của bên Việt Nam bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Thứ hai, cần sử dụng nguồn thu NSNN từ thuế để tài trợ cho phát triển GDĐH theo hướng tăng chi từ NSNN đầu tư có trọng điểm nhằm hình thành những cơ sở GDĐH chất lượng cao, cơ sở nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành công nghệ cao và ngành kinh tế - xã hội then chốt đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Thực hiện chế độ Nhà nước đặt hàng đối với các trường đại học về thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, về đào tạo các chuyên ngành Nhà nước có nhu cầu cao nhưng xã hội chưa có khả năng đáp ứng theo nguyên tắc không phân biệt công lập hay ngoài công lập (nhưng các cơ sở được đặt hàng phải có tiềm lực mạnh, đạt được kết quả công nghệ cụ thể ứng dụng vào thực tiễn). Áp dụng thống nhất chính sách thuế và ưu đãi thuế giữa cơ sở GDĐH công lập và ngoài công lập trên cả phương diện đầu vào và đầu ra hoạt động và thu nhập nhận được.

Thứ ba, áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với các nhà đầu tư, các DN đầu tư vào GDĐH theo quy định của Luật thuế TNDN số 13/2008/QH12 trên tinh thần đổi mới như các quy định tại khoản 3, Điều 12 và khoản 7, Điều 4 của Luật Giáo dục đại học. Theo đó, những nội dung đề xuất cụ thể mang tính kỹ thuật như sau:

Các cơ sở GDĐH được toàn quyền tự chủ tài chính trong khuôn khổ của cơ chế học phí mới, được quyền tự chủ trong chi tiêu đầu tư và xác định thu nhập chịu thuế TNDN của cơ sở theo quy định của pháp luật về thuế TNDN. Toàn bộ chi phí liên quan đến hoạt động đào tạo, nghiên cứu, kể cả chi mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, giáo cụ, phương tiện cho giảng dạy, học tập, chi tuyên truyền quảng bá, chi tài trợ cho sinh viên tài năng, chi cho hoạt động văn hoá, xã hội… đều được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập mà không bị giới hạn.

Cần có quan điểm nhìn nhận các cơ sở GDĐH là “Tổ chức hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận” và đây chính là xuất phát điểm để thiết kế các chính sách thuế áp dụng đối với lĩnh vực này. Theo đó, sẽ không thu thuế TNDN đối với phần thu nhập mà cơ sở GDĐH đang giữ lại hàng năm hoặc sử dụng để tái đầu tư phát triển (tích lũy thành tài sản chung không chia cho cá nhân); chỉ thu thuế TNDN nhưng với mức thuế suất thấp nhất (10%) đối với phần thu nhập mà cơ sở GDĐH có thực hiện chia lãi cho các cổ đông/thành viên góp vốn.

Áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế TNDN đối với GDĐH, kể cả các cơ sở GDĐH thuộc các DN, cơ sở tư thục: Thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động; Đối với các cơ sở thành lập mới thì được miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo (trường hợp thành lập và hoạt động tại các đô thị lớn thì thời gian giảm 50% thuế có thể ngắn hơn). Cần nhấn mạnh thêm là chỉ thu thuế TNDN 10% khi và chỉ khi DN, cơ sở GDĐH thực hiện chia lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Khuyến khích DN thuộc các thành phần kinh tế tài trợ cho cơ sở GDĐH thực hiện các hoạt động nghiên cứu, triển khai, hợp tác đào tạo và ứng dụng thông qua việc cho phép DN được tính vào chi phí được trừ khoản thực chi tài trợ, kể cả các khoản tài trợ kết hợp với quảng bá thương hiệu, hình ảnh của DN bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành có liên quan. Không áp thuế đối với khoản thu nhập mà cơ sở GDĐH nhận được từ các nhà tài trợ để bảo đảm cho hoạt động của cơ sở hoặc tích luỹ dành cho đầu tư phát triển cơ sở GDĐH.

Thứ tư, cần mạnh dạn áp dụng ngay các quan điểm tư tưởng mới của Luật GDĐH và các đề xuất chính sách ưu đãi thuế TNDN như đã phân tích ở điểm trên khi xem xét, xử lý các vấn đề tồn tại, bất cập của các quy định hiện hành đang diễn ra tại các cơ sở GDĐH, nhất là các cơ sở ngoài công lập. Theo đó, khi các tiêu chí quy định tại Quyết định số 1466/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/10/2008 chưa được sửa đổi thì cần trình với Thủ tướng cho áp dụng “đặc cách” việc miễn/giảm thuế TNDN theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP đối với các trường ngoài công lập tuy không đạt tiêu chí về diện tích đất bình quân tối thiểu (55 m2/sinh viên), nhưng đạt được các tiêu chí về quy mô đào tạo, số lượng sinh viên, tỷ lệ tối đa về học sinh, sinh viên trên mà mỗi một giảng viên phải đảm nhiệm. Nếu đề xuất này được chấp nhận thì có thể giải quyết được cơ bản những tồn tại dai dẳng về tài chính đang diễn ra tại phần lớn các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.

Tài liệu tham khảo:

1.      Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012;

2.      Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2012 và các Nghị định liên quan;

3.      Luật Thuế thu nhập DN 14/2008/QH12 ngày 03/6/2012 và các Nghị định liên quan.

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 12-2012

Chính sách thuế góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục đại học

ThS. Nguyễn Văn Phụng

(Tài chính) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách để phát triển giáo dục đại học. Bài viết đề cập đến cơ chế chính sách, pháp luật thuế hiện hành đối với giáo dục đại học, đồng thời chỉ ra một số tồn tại, bất cập của cơ chế và nêu một số đề xuất, khuyến nghị.

Xem thêm

Video nổi bật