Chính sách thuế tài nguyên: Nâng cao hiệu quả quản lý

PV.

Việc điều chỉnh chính sách thuế tài nguyên trong thời gian qua vừa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, qua đó bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia; ổn định nguồn thu cho ngân sách, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những hạn chế cần điều chỉnh

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, về cơ bản các quy định về mức thuế suất thuế tài nguyên đã đạt được mục tiêu đề ra. Đó là: Khắc phục những tồn tại, hạn chế về mức thuế suất thuế tài nguyên trong quá trình thực hiện Biểu thuế trước đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với tài nguyên nói chung và bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia nói riêng; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan Thuế.

Bên cạnh đó, điều chỉnh thuế suất cũng góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số thu thuế tài nguyên bình quân giai đoạn 2011-2014 khoảng 39,1 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 4,9% tổng thu NSNN. Trong đó, thu từ dầu thô khoảng chiếm 79% tổng số thu thuế tài nguyên và 21% thu từ tài nguyên khác.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đó, Bộ Tài chính cũng nhận thấy những tồn tại cần được khắc phục ngay đó là mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành vẫn chưa thực sự phù hợp để bảo vệ tài nguyên, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và yêu cầu ngày càng cao đối với công tác quản lý Nhà nước. Hơn thế nữa, thuế suất hiện hành chưa đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật về nguồn thu NSNN. Do đó, việc nghiên cứu, điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên cho phù hợp vào thời điểm này là cần thiết.

Ông Phạm Đình Thi- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đánh giá: Thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu Nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân. Trong định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ Chính trị thông qua đã đưa ra giải pháp quan trọng là điều chỉnh kịp thời, hợp lý các loại thuế liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản, tăng thu ngân sách Nhà nước; đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.

Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đã khẳng định tài nguyên cần phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh về tài nguyên. Tại Nghị quyết này, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá: Trong thời gian qua, tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, mục tiêu quản lý tài nguyên trong giai đoạn này là quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên quốc gia; ngăn chặn xu hướng suy giảm tài nguyên nước ngọt...

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương cũng yêu cầu hạn chế tối đa XK khoáng sản và đưa ra các giải pháp bảo vệ, quản lý tài nguyên như đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính theo hướng người hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Điểm mới của luật thuế tài nguyên

Theo Tổng cục Thuế, một trong những điểm mới chính là việc Bộ Tài chính bổ sung đối tượng không chịu thuế Tài nguyên như: Nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước biển để làm mát máy; yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác.

Đồng thời, quy định cụ thể cách xác định sản lượng tính thuế tài nguyên đối với tài nguyên không xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế của tài nguyên khai thác do chứa nhiều chất, tạp chất khác nhau và được bán ra sau khi sàng tuyển, phân loại như sau:

Tỷ lệ từng chất có trong tài nguyên được xác định theo mẫu tài nguyên khai thác đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm định và phê duyệt.

Trường hợp, tỷ lệ của từng chất có trong tài nguyên khai thác thực tế khác với tỷ lệ từng chất có trong mẫu tài nguyên (quặng) thì sản lượng tính thuế được xác định căn cứ kết quả kiểm định về tỷ lệ từng chất có trong tài nguyên khai thác thực tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng tài nguyên khai thác được xác định bằng cách quy đổi từ sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ để bán ra theo định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm.

Định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm do người nộp thuế kê khai căn cứ dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chuân công nghệ thiết kế để sản xuât sản phẩm đang ứng dụng. Trong đó, trường hợp sản phẩm bán ra là sản phẩm tài nguyên thì căn cứ định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm tài nguyên sản xuất bán ra.

Ngoài ra, Bộ Tài chính có quy định mới về cơ chế phối hợp giữa cơ quan Thuế, cơ quan Tài nguyên và Môi trường trong việc đối chiếu sản lượng tài nguyên đã khai thác và sản lượng tài nguyên đã khai nộp thuế trong năm của từng mỏ tại địa phương để tăng cường quản lý sản lượng tài nguyên khai thác tính thuế, tránh thất thu thuế.

Theo đó, cơ quan Thuế đối chiếu sản lượng sản phẩm tài nguyên thực tế xuất khẩu trên tờ khai hải quan để quy đổi ra sản lượng sản phẩm tài nguyên sản xuất và thực hiện đối chiếu với sản lượng tài nguyên trên tờ khai quyết toán thuế tài nguyên của doanh nghiệp, nếu phát sinh chênh lệch sản lượng tài nguyên tính thuế mà doanh nghiệp đã kê khai, thì xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Hài hòa giữa chính sách quản lý và phát triển bền vững

Trong điều kiện các nguồn lực để phát triển kinh tế còn chưa đủ mạnh, tài nguyên là nguồn lực đóng vai trò quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế đất nước. Trong thời gian qua, sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác, chế biến tài nguyên đã cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào đáng kể cho các ngành sản xuất khác, góp phần ổn định dần sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Theo thống kê hàng năm, ngành công nghiệp khai khoáng đã đóng góp từ 10% - 12% GDP.

Chính sách thuế tài nguyên nói chung và việc quy định mức thuế suất thuế tài nguyên nói riêng là một trong những công cụ cho thấy được tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển kinh tế nói riêng và phát triển bền vững nói chung.

Theo Bộ Tài chính, với mức thuế suất mới sẽ góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương (xây dựng điện, đường, trường, trạm,...), đầu tư bảo vệ, phục hồi môi trường và nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân nơi khai thác, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt tại các địa phương ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo quy định của Luật Khoáng sản, hàng năm, căn cứ vào nguồn thu từ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, Nhà nước dành một khoản từ ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến; tạo điều kiện ổn định sản xuất và đời sống cho bộ phận nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến phải thay đổi nơi cư trú, nơi sản xuất. Việc tăng thuế suất thuế tài nguyên như tại Nghị quyết thì dự kiến tăng thu ngân sách khoảng 2.279 tỷ đồng, sẽ là nguồn thu của ngân sách địa phương, sẽ góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân nơi có khoáng sản, từ đó đảm bảo quyền lợi của người dân nơi có khoảng sản được khai thác.

Hiện nay, hoạt động khoáng sản có nhiều thành phần kinh tế với nhiều loại hình doanh nghiệp tham gia. Trong những năm gần đây, số doanh nghiệp khai thác khoáng sản gia tăng nhanh về số lượng, từ 427 doanh nghiệp năm 2000 đến nay có khoảng 2.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, công nghệ sử dụng trong khai thác, chế biến khoáng sản còn khá lạc hậu so với thế giới. Do công nghệ lạc hậu, không ứng dụng được công nghệ chế biến sâu nên dẫn đến tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô và tinh quặng tràn lan diễn ra tại một số địa phương.

Việc tăng thuế suất thuế tài nguyên sẽ hạn chế các cơ sở khai thác nhỏ, lẻ, doanh nghiệp khai thác kém hiệu quả, dẫn đến một số lao động có thể mất việc làm. Tuy nhiên, việc tăng thuế suất thuế tài nguyên sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ khai thác hiện đại, đầu tư nhà máy và công nghệ chế biến sâu khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó, sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm mới, ổn định cho người lao động, khuyến khích đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề để phù hợp với công việc, theo đó sẽ nâng cao đời sống của người lao động.

Hơn nữa, việc tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho người lao động sẽ góp phần giải quyết thêm cho hàng loạt lao động dịch vụ kèm theo (thực tế hiện nay, một người lao động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản sẽ tạo thêm từ 2 đến 4 lao động dịch vụ kèm theo). Như vậy, mặc dù một số lao động trong các cơ sở khai thác nhỏ, lẻ, doanh nghiệp khai thác kém hiệu quả bị mất việc làm nhưng sẽ có hàng loạt công ăn việc làm được tạo ra do việc đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khác.