Chính sách thuế với Quỹ hoán đổi danh mục trên thị trường chứng khoán

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 4/2017

Quỹ Hoán đổi danh mục (ETF) giữ vai trò quan trọng đối với thị trường chứng khoán của nhiều quốc gia phát triển và là xu thế tất yếu đối với thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Bài viết phân tích làm rõ về ETF, các quy định về thuế đối với ETF ở Việt Nam; tham khảo kinh nghiệm về cách tính thuế đối với ETF trên thế giới; những bất cập trong tính thuế đối với ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó đề xuất biện pháp về thuế với ETF nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Vài nét về Quỹ Hoán đổi danh mục

Quỹ Hoán đổi danh mục (ETF) được hiểu là quỹ đầu tư nắm giữ các loại tài sản như cổ phiếu, hàng hóa, hoặc trái phiếu và được giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) gần với giá trị tài sản ròng (NAV) trong suốt phiên giao dịch.

Trên thế giới, ETF lần đầu tiên được giới thiệu tại Canada năm 1989 có tên TIP 35 mô phỏng chỉ số Toronto (TIP 35). Tuy nhiên, Mỹ mới thực sự là thị trường phát triển mạnh mẽ loại hình sản phẩm này với ETF đầu tiên mô phỏng chỉ số S&P 500. Nhờ những đặc tính hấp dẫn của mình, thị trường ETF đã được công chúng đầu tư trên thế giới hưởng ứng tích cực.

Đối với TTCK Việt Nam, sự ra đời của ETF là tất yếu. Thông tư 229/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thành lập và hoạt động của Quỹ Hoán đổi danh mục có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2013 là cơ sở pháp lý đầu tiên để các ETF được thành lập và hoạt động. Thông tư 229/2012/TT-BTC đã hướng dẫn đầy đủ các nội dung như thành lập, phát hành, mua lại, giao dịch, công bố thông tin và các nội dung khác có liên quan.

Về cơ bản, quy định đối với việc thành lập ETF cũng tương tự như quỹ mở, công ty quản lý quỹ chỉ được thực hiện chào bán để thành lập quỹ sau khi đã nộp hồ sơ đăng ký và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán. Sau khi thực hiện chào bán và phân phối các lô chứng chỉ ETF, công ty quản lý quỹ sẽ thực hiện nộp hồ sơ đăng ký thành lập quỹ cho UBCKNN…

Quy định thuế đối với ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo quy định, thuế đối với ETF trên TTCK Việt Nam được chia thành hai loại: Thuế trực thu và thuế gián thu. Thuế gián thu điều tiết thông qua giao dịch hàng hóa dịch vụ với thuế nằm trong giá cả của hàng hóa dịch vụ.

Các loại thuế trên TTCK Việt Nam hiện nay chủ yếu là thuế trực thu, tức là trực tiếp điều tiết vào thu nhập của các chủ thể trên thị trường. Về cơ bản, có thể chia các chính sách thuế đối với ETF trên TTCK Việt Nam như sau:

Về thuế giá trị gia tăng

Tại khoản 8d Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) bao gồm: “Chuyển nhượng vốn bao gồm việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào tổ chức kinh tế khác, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp (DN) cho DN khác để sản xuất kinh doanh và DN mua kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của DN bán theo quy định của pháp luật”. Căn cứ các quy định trên, trường hợp thành viên lập quỹ/nhà đầu tư (NĐT) chuyển nhượng chứng chứng chỉ ETF thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp

Việc tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các ETF trên TTCK Việt Nam được căn cứ dựa trên một số điều khoản sau:

- Tại Khoản 2a Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ về thuế TNDN quy định: “Thu nhập từ chuyển nhượng vốn bao gồm thu nhập từ việc chuyển nhượng chứng khoán... theo quy định của pháp luật”.

- Tại Khoản 3b Điều 6 Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định: “Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán trừ (-) giá mua của chứng khoán được chuyển nhượng, trừ (-) các chi phí liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng chứng khoán… Trường hợp DN có chuyển nhượng chứng khoán không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế TNDN”.

- Tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN quy định: “Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của DN là thu nhập có được từ việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác… Trường hợp DN có chuyển nhượng chứng khoán không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế TNDN”.

- Tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định: “DN có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán thì khoản thu nhập này được xác định là khoản thu nhập khác và kê khai vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNDN”.

- Tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam: “Thu nhập phát sinh tại Việt Nam của nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài là các khoản thu nhập nhận được dưới bất kỳ hình thức nào trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ...; Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; Các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ quy định trên, trường hợp thành viên lập quỹ/NĐT là DN trong nước/tổ chức nước ngoài thực hiện giao dịch liên quan đến chứng chỉ ETF thì việc xác định nghĩa vụ thuế TNDN triển khai như sau: Đối với giao dịch được xác định là góp vốn thì chưa phát sinh thu nhập nên không chịu thuế TNDN; đối với các giao dịch được xác định là chuyển nhượng vốn và có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế TNDN.

Về thuế thu nhập cá nhân

Việc tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tham gia ETF trên TTCK Việt Nam căn cứ dựa vào:

- Tại khoản 4b Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNCN quy định “Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán...”.

- Tại khoản 1c Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định “Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực. Riêng đối với trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn”.

- Tại khoản 3b Điều 20 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định “Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân không cư trú được xác định như đối với cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại điểm c, khoản 2, Điều 11 Thông tư này.”

- Tại khoản 10 Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định: “Khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản trong trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp, góp vốn bằng chứng khoán, góp vốn bằng bất động sản...

Khi chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể DN cá nhân khai và nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản khi góp vốn và thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản khi chuyển nhượng”.

Như vậy, căn cứ các quy định trên, trường hợp NĐT là cá nhân thực hiện chuyển nhượng chứng chỉ ETF trên Sở Giao dịch chứng khoán thì khoản thu nhập này là thu nhập chịu thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán và phải nộp thuế TNCN trên từng lần chuyển nhượng.

Trường hợp NĐT là cá nhân thực hiện góp vốn vào ETF thì NĐT chưa phải khai và nộp thuế từ chuyển nhượng chứng khoán khi góp vốn; Khi NĐT rút vốn ra khỏi ETF thì phải khai và nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán khi góp vốn vào ETF và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán khi rút vốn.

Một số bất cập về tính thuế đối với ETF trên thị trường Việt Nam

Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng những ưu đãi hay miễn thuế đối với ETF, chủ yếu là thuế đối với giao dịch phát hành/mua lại chứng chỉ quỹ vì đây là hoạt động hàng đổi hàng, không phát sinh dòng tiền, do đó hầu hết các nước đều miễn thuế đối với hoạt động này.

Nghĩa là, NĐT có thể bán lại chứng chỉ quỹ ETF cho công ty quản lý quỹ mà không phải chịu thuế, công ty quản lý quỹ cũng không cần phải bán chứng khoán cơ cấu để trả tiền cho NĐT, do đó cũng không phát sinh nghĩa vụ về thuế.

Tuy nhiên, ở TTCK Việt Nam vẫn tồn tại một số bất cập trong việc tính thuế và phần nào gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh và NĐT tham gia ETF. Cụ thể:

Thứ nhất, NĐT thua lỗ vẫn phải nộp thuế. Theo quy định hiện hành, cách tính thuế chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra hoặc 20% trên lợi nhuận.

Hiện nay, 99% NĐT chọn cách tính thuế 0,1% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra, bởi cách tính thuế 20% trên lợi nhuận gây nhiều khó khăn cho NĐT, chẳng hạn như khó khăn trong việc xác định giá mua; việc tự quyết toán với cơ quan thuế; chênh lệch tỷ giá, chi phí thuê tư vấn… Tuy nhiên, cách tính thuế 0,1% tổng giá trị chứng khoán bán ra vẫn không giải quyết được tình trạng NĐT thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế. Điều này làm hạn chế động lực đầu tư vào ETF và về lâu dài có thể gây trở ngại cho quá trình tái cấu trúc TTCK.

Thứ hai, quy định đánh thuế đối với NĐT qua quỹ cao hơn so với hình thức đầu tư trực tiếp. Theo quy định hiện hành, công ty quản lý quỹ phải nộp thuế TNDN với thuế suất 25%, từ ngày 01/01/2014 là 22%, từ ngày 01/01/2016 là 20% và tiếp tục khấu trừ 5% thuế TNCN trước khi chi trả lợi tức cho NĐT cá nhân đầu tư vào Quỹ Đầu tư chứng khoán.

Trong khi đó, Luật Thuế TNCN hiện hành cho phép NĐT được chọn một trong hai mức thuế suất là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng hoặc 20% trên lợi nhuận. Như vậy, cùng một hình thức đầu tư vào chứng khoán nhưng nếu NĐT trực tiếp đầu tư, thì mức thuế suất cao nhất là 20%; còn đầu tư thông qua quỹ, thì mức thuế suất hiện hành tổng cộng có thể lên tới 30%. Điều này đã làm cho các quỹ trong đó có ETF khó huy động vốn.

Thứ ba, thuế đánh trên lãi vốn đối với NĐT tổ chức và NĐT cá nhân khi tham gia ETF ở TTCK Việt Nam vẫn cao hơn so với TTCK ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ. Đây là một vấn đề mà NĐT nước ngoài hiện đang cân nhắc khi lựa chọn ETF trên TTCK Việt Nam.

Khuyến nghị về chính sách

Mặc dù ETF đang dần khẳng định vai trò trên TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút các NĐT tham gia ETF và tạo căn cứ để ETF phát triển thì cần có cơ chế khuyến khích, trong đó thuế là một công cụ quan trọng. Vì thế, trong thời gian tới chính sách thuế đối với ETF cần quan tâm đến:

Thứ nhất, đối với thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán: Do cách tính thuế 20% trên thu nhập từ chứng khoán khá phức tạp, cộng với thủ tục đăng ký, kê khai thuế khó khăn nên đa số NĐT thường lựa chọn phương thức nộp thuế 0,1% tổng giá trị chứng khoán bán ra.

Tuy nhiên, cách thu thuế này lại khiến rất nhiều NĐT dù lỗ vẫn phải nộp thuế. Để sớm tháo gỡ tình trạng bất cập này, cần sớm sửa đổi của Luật Thuế TNCN, cũng như Nghị định hướng dẫn Luật Thuế TNCN để NĐT thua lỗ khi tham gia ETF nói riêng cũng như TTCK nói chung không phải nộp thuế.

Thứ hai, cần đưa ra các văn bản và các chính sách riêng với ETF: Hiện chưa có quy định cụ thể về thuế điều chỉnh các hoạt động liên quan đến loại hình quỹ mới này. Do đó, trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần bổ sung quy định về vấn đề này nhằm tạo sức hấp dẫn cho ETF thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước.

Phát triển quỹ hoán đổi danh mục là xu hướng tất yếu đối với TTCK Việt Nam, vì thế việc xây dựng chính sách thuế đối với ETF cần được cân nhắc theo hướng tạo ra cơ chế ưu đãi về thuế hợp lý, nhằm khuyến khích ETF phát triển hiệu quả và lành mạnh hơn.