Chính sách và cuộc sống: Nhất quán trong hội nhập

Theo Hà Phương/daibieunhandan.vn

Hôm nay Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC Vietnam 2017) khai mạc tại Đà Nẵng, thành phố bên bờ sông Hàn thơ mộng và đầy quyến rũ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vòng tay nước chủ nhà giang rộng đón chào lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, doanh nhân, bạn bè quốc tế để cùng bàn luận về đường đi, nước bước cho những định chế, khung khổ, hòa cùng nhịp đập toàn cầu hóa  khi sức nóng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang ào tới.

Cuộc gặp ở Đà Nẵng của các nhà lãnh đạo, học giả, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp lớn của 21 nền kinh tế vành đai Thái Bình Dương như một minh chứng khẳng định toàn cầu hóa đang mở ra nhiều cơ hội và không ít thách thức.

Thách thức lớn đặt ra cho mỗi quốc gia khi thị trường lao động thay đổi. Làm thế nào để người lao động không bị bật khỏi ngoài sân chơi toàn cầu hóa là chuyện không đơn giản.

Thách thức chung của toàn cầu hóa đòi hỏi Việt Nam phải nâng tầm, thay đổi cả chiến lược và tầm nhìn trong bài toán thị trường lao động. Muốn theo kịp bạn bè, Việt Nam phải biết tận dụng, khai thác tốt những lợi thế của toàn cầu hóa, nhanh chóng đào tạo tay nghề cho người lao động một cách chuyên nghiệp và bài bản. 

APEC 2017 sẽ là động lực mới thúc đẩy khởi nghiệp trong nền kinh tế số. Đó chính là dòng chảy chủ đạo tại châu Á - Thái Bình Dương. Đây chính là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, là thị trường mua sắm qua mạng lớn nhất, và có số người sử dụng internet, sử dụng điện thoại thông minh nhiều nhất.

Tăng trưởng kinh tế của APEC có tỷ trọng đóng góp cao hơn  mức trung bình toàn cầu là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. APEC phát triển mạnh hơn khi các quốc gia xây dựng được nền tảng thương mại và công nghệ số. 

Việt Nam - với hơn 90% là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ - phải biết khai thác lợi ích của công nghệ số để tham gia trực tiếp vào thương mại toàn cầu, thương mại xuyên biên giới. Chi phí thấp trên nền thương mại điện tử sẽ tạo ra thế cạnh tranh trong các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất chế biến và cả văn hóa, du lịch.

Điều căn cốt chính là sự sáng tạo của các doanh nghiệp, là hành lang pháp lý, đổi mới trong thủ tục hành chính, những chính sách tạo đòn bẩy cho những ý tưởng khởi nghiệp của người dân. Không quên việc phải tỉnh táo, cảnh giác với những rủi ro về an ninh mạng, công nghệ thông tin.

Hội nhập kinh tế toàn cầu là không thể khác! Luồng gió mới về kinh tế toàn cầu hóa đang tạo ra sức mới, động lực mới trong khởi nghiệp quốc gia. Đảng, Quốc hội, Chính phủ với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ chiến lược kinh tế đi vào chiều sâu, coi trọng tăng trưởng bền vững sẽ càng bắt nhịp nhanh với nền kinh tế số hóa.

Biết gắn chặt với mối liên kết toàn cầu hóa, luôn lắng nghe, học hỏi cách làm của bạn bè, cùng hợp tác, tạo hành lang thông thoáng và thuận lợi nhất vẫy gọi các nước đến đầu tư là thông điệp của một Việt Nam năng động, phát triển, luôn rộng vòng tay thân thiện đón nhận nền kinh tế toàn cầu với một chiến lược và quan điểm nhất quán.