Chính sách và niềm tin

Theo Đầu tư Chứng khoán

Chính sách ổn định, nhất quán và dễ dự đoán là yếu tố quan trọng duy trì và giữ vững niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Chính sách và niềm tin
Các con số thống kê còn có nhiều sự sai khác. Nguồn: internet
1.Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một số đại biểu đã chỉ ra sự thiếu logic trong một số số liệu báo cáo trước Quốc hội như kết quả giảm nghèo, việc làm và thất nghiệp, tỷ lệ nợ xấu… Nghi vấn về số liệu không chỉ dẫn đến câu hỏi liệu “sức khỏe” nền kinh tế có được nhìn nhận chính xác hay không, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân cũng như cộng đồng DN. Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, điều ông quan tâm nhất trong những vấn đề kinh tế - xã hội năm 2013 là làm sao nâng cao niềm tin của cộng đồng DN vào các chính sách điều hành nền kinh tế.

2.
Trước sự thiếu logic của số liệu, cung cấp góc nhìn của khối doanh nhân, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (tỉnh Bình Dương) chia sẻ, đó là không khí lo lắng, dò xét và tâm thế ngồi im chờ thời; đó là sự thiếu tin tưởng, thậm chí ngờ vực về một số giải pháp vĩ mô; đó còn là sự lo ngại về thao túng của nhóm lợi ích.

Một khía cạnh khác của góc nhìn cử tri mà đại biểu Nguyễn Đức Kiên đưa ra là: 48% DN đánh giá rủi ro lớn nhất đối với hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh chính là chính sách vĩ mô của Nhà nước. Ví dụ gần đây nhất cho sự “khó đoán” của chính sách là Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tại sản, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 1/6/2013. Cách đây ít lâu, có hai luồng tin tức trái ngược: hoãn hay không hoãn thực hiện Thông tư 02. Cuối cùng, NHNN “chốt” hoãn đến 1/6/2014. Việc hoãn thi hành một văn bản quy phạm pháp luật chắc chắn có lý do của nó, nhưng kèm theo đó, không thể không nói đến sự tổn thương niềm tin thị trường.

Một ví dụ khác, ngày 7/1/2013, Chính phủ ra Nghị quyết 02 về xử lý một số vấn đề cấp bách cho nền kinh tế, trong đó có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội. Ngày 15/5, Bộ Xây dựng và NHNN ký ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị quyết. Như vậy, phải chờ đến hơn 4 tháng, một nghị quyết của Chính phủ mới có văn bản hướng dẫn thực thi. Sự chậm trễ này phần nào cũng khiến cộng đồng DN, người dân nản lòng.

3.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) đưa ra đề xuất về chính sách tiền tệ trong khuôn khổ lạm phát mục tiêu, nên áp dụng ngay từ năm 2013. Theo đó, cần xác định tỷ lệ lạm phát mục tiêu và chính sách tiền tệ cần hướng đến việc điều chỉnh lạm phát thực tế cho sát với lạm phát mục tiêu, độc lập với các mục tiêu chính sách khác.

Khoan bàn đến việc Việt Nam có phù hợp để thực hiện ngay lạm phát mục tiêu không, nhưng sự chủ động trong điều hành sẽ giúp cho chính sách vĩ mô trở nên dễ dự đoán hơn. Khi chính sách tiền tệ trở nên nhất quán và có thể dự đoán được, các chính sách khác nhằm đạt các mục tiêu như tăng trưởng, bội chi… cũng dễ “bắt mạch” hơn.

Chính sách ổn định, nhất quán và dễ dự đoán là yếu tố quan trọng duy trì và giữ vững niềm tin của cộng đồng DN. Chỉ khi có niềm tin, DN cũng như các thành phần kinh tế khác mới có thể tự tin mở rộng hoạt động, gia tăng đầu tư, kiểm soát được các rủi ro khách quan trong hoạt động của mỗi chủ thể.