Chờ gì ở làn sóng M&A thứ hai?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Theo dự báo, giai đoạn 2016-2017 sẽ là thời điểm bùng nổ mạnh các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) giữa các tập đoàn trong nước với nước ngoài và tổng giá trị có thể lên tới 20 tỷ USDtrong giai đoạn 2014 – 2018. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt những thách thức gì trước làn sóng M&A thứ 2 này?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các số liệu đưa ra tại Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập Việt Nam 2015 (M&A Vietnam Forum 2015) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 6/8 cho thấy hoạt động M&A tại Việt Nam đang tiếp tục diễn ra sôi động và vươn lên xếp vị trí thứ 20 trong bảng xếp hạng hoạt động mua bán, sáp nhập.

Riêng năm 2014, Việt Nam có 313 thương vụ M&A với tổng giá trị ước đạt 4,2 tỷ USD. Còn 7 tháng đầu năm 2015, giá trị M&A ước đạt khoảng 2 tỷ USD. Thống kê của Viện Sáp nhập, Mua lại và Liên kết (IMAA) cho thấy, từ đầu năm đến nay, đã có 219 thương vụ M&A được công bố với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thách thức không nhỏ

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết những động lực thúc đẩy hoạt động M&A bùng nổ gần đây do Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng nhằm đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế, như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi)... Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, trong đó cho phép nới room đối với nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.

Mặc dù vậy, bên cạnh những tín hiệu lạc quan cùng các chuyển động chính sách thì vẫn còn tồn tại không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào làn sóng M&A trong thời gian tới.

Ông Đặng Xuân Minh – Tổng Giám đốc Công ty AVM Việt Nam, cho rằng muốn M&A tốt thì cần chú ý đến yếu tố cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp: Đông Nam Á luôn là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Việt Nam phải cạnh tranh với các quốc gia ASEAN trong việc thu hút dòng đầu tư này.

Vấn đề thứ hai, theo ông Đặng Xuân Minh, đó là chất lượng, quy mô của doanh nghiệp, Việt Nam còn nhỏ so với các quốc gia trong khu vực và khó có thể trở thành mục tiêu của các thương vụ M&A quy mô lớn.

Thiếu vốn cũng là một trở ngại cho các thương vụ M&A tại Việt Nam. Quan sát trên thị trường, có nhiều doanh nghiệp muốn tìm đối tác để chuyển nhượng nhưng không thực hiện được. Ở chiều hướng ngược lại, nhiều DN Việt Nam muốn thực hiện chiến lược M&A nhưng không thu hút và thu xếp được nguồn vốn.

Thực tế cho thấy các DN của Việt Nam có quy mô nhỏ so với thế giới nói chung cũng như so với các nước phát triển hơn trong ASEAN nói riêng. Trên sàn chứng khoán, những DN có doanh thu 1 - 3 tỷ USD/năm như Vinamilk, PV Gas, FPT… vẫn ở mức trung bình so với các DN trong khu vực Đông Nam Á với doanh thu 5 - 10 tỷ USD, thậm chí vài chục tỷ USD/năm.

 Chờ gì ở làn sóng M&A thứ hai?  - Ảnh 1

Giá trị và số lượng thương vụ M&A những năm gần đây

Không những vậy, trong số 432 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong 2 năm 2014 - 2015 theo Chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, có nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều chất lượng khác nhau, có doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có doanh nghiệp lỗ nên tất cả không thể là mục tiêu cho các nhà đầu tư lớn khi tiến hành M&A.

Đến nay, mới có 176 doanh nghiệp được cổ phần hóa, song các cuộc IPO của các doanh nghiệp lớn trong các ngành như giao thông vận tải, viễn thông, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm…không phải đều được các nhà đầu tư đánh giá tất cả là tốt để có thể tiến hành đầu tư chiến lược hoặc mua lại toàn bộ.

Hơn nữa, do chất lượng DN, quy mô DN của Việt Nam còn nhỏ so với các quốc gia trong khu vực và khó có thể trở thành mục tiêu của các thương vụ M&A quy mô lớn. So với các nước khác trong ASEAN (Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia), quy mô của thị trường M&A Việt Nam rất nhỏ. Singapore tiếp tục vượt trội trong năm 2014 với 880 thương vụ, trị giá hơn 82 tỷ USD.

Đánh giá của các chuyên gia M&A cho thấy các thương vụ mua lại giữa doanh nghiệp Việt và nước ngoài vẫn còn ở mức tương đối thấp và chỉ 10 thương vụ mỗi năm.

Thực trạng này theo GS Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Sáp nhập, Mua lại và Liên kết (IMAA) phát biểu tại diễn đàn M&A Vietnam Forum 2015 là "khó được cải thiện mặc dù sự thật là các công ty Việt Nam cũng có tương đồng về tài chính và quản lý với các công ty khác trên thế giới để mở rộng kinh doanh trên toàn cầu".

Muốn M&A, doanh nghiệp phải nâng tầm

Theo đại diện của Công ty Bắc Việt Luật, mặc dù đã có những bước tiến khá dài, nhưng hoạt động M&A của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều hạn chế. Thực tế có nhiều công ty muốn mua và cũng có không ít công ty muốn bán nhưng phần nhiều trong số họ không có những hiểu biết cơ bản về nghiệp vụ M&A, cũng như không biết được "hậu" của thương vụ M&A sẽ như thế nào, cũng như họ không thể tự mình tìm kiếm một đối tác phù hợp.

Một chuyên gia về M&A đã chỉ ra rằng sự thiếu hiểu biết cơ bản về M&A khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay lúng túng khi muốn tham gia vào thị trường. Các doanh nghiệp cũng không có nhiều kinh nghiệm trong việc thẩm định giá trị và hồ sơ pháp lý. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng thiếu thông tin về thị trường cũng như về các đối tác để có thể tự mình đưa ra các quyết định.

Nói tóm lại, để sớm có những cơ hội đầu tư chiến lược, thu hút những nhà đầu tư ngoại tầm cỡ trong làn sóng M&A thứ hai, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng tầm, chủ động phát triển mạnh mẽ hơn để cùng với các cơ quan chức năng cải cách thể chế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa nhanh hơn nữa.

Bên cạnh đó, một loạt câu hỏi lớn đang đặt ra trước những thách thức của làn sóng M&A thứ hai của Việt Nam. Đó là hoạt động M&A sẽ như thế nào trong thời gian tới trên nền tảng thực thi các chính sách mới. Đâu là những rào cản gì cần phải tiếp tục được gỡ bỏ nhằm thúc đẩy hoạt động mua bán doanh nghiệp cũng như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần…

Chưa hết, cần làm thế nào để thu hút vốn, sử dụng tối ưu nguồn lực cho các thương vụ M&A mới. Liệu có một dòng vốn mới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, EU đầu tư vào Việt Nam thông qua các hoạt động M&A. Những câu hỏi dài vẫn còn bỏ ngỏ ở phía trước!

Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):

Có ba vấn đề tác động đến tăng trưởng M&A. Với những thay đổi của Luật doanh nghiệp mới thì mức độ bảo vệ các nhà đầu tư đã tăng lên được 2 điểm và tác động của nó đến niềm tin đối với nhà đầu tư rất lớn. Tác động thứ 2 đối với M&A, đó chính là những thay đổi của Luật doanh nghiệp không còn hạn chế việc CTCP không được sáp nhập vào Công ty TNHH. Đồng thời, theo Luật đầu tư mới, hoạt động M&A dễ dàng hơn so với Luật đầu tư mới.