Chống chuyển giá: Khó xử lý vì... “tế nhị”

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Danh sách các doanh nghiệp (DN) thực hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế tiếp tục kéo dài. Điều đó cũng có nghĩa ngân sách nhà nước tiếp tục bị thất thu. Phải ngăn chặn ra sao? Cơ quan quản lý Nhà nước cần có công cụ gì để xử lý chuyển giá, trốn thuế? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Phóng viên: Thưa ông, vụ việc Keangnam Vina và Công ty Liên doanh Malaysia- Đài Loan- British Virgin Island với 20 năm chuyển giá trốn thuế không chỉ khiến dư luận bức xúc mà còn cho rằng chính sách, pháp luật của chúng ta có quá nhiều lỗ hổng để các DN FDI đã dễ dàng "vượt mặt”. Ông có thể bình luận về vấn đề này?
Chống chuyển giá: Khó xử lý vì... “tế nhị” - Ảnh 1
TS. Phan Hữu Thắng,
nguyên Cục trưởng
Cục Đầu tư nước ngoài

TS. Phan Hữu Thắng: Hoạt động chuyển giá là một trong các hành vi phổ biến trong đầu tư - kinh doanh quốc tế DN khi có cơ hội đều tìm cách chuyển giá trốn thuế để thu lời, và như vậy phải tìm mọi cách hợp thức hóa hành vi chuyển giá để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan thuế, hải quan nhằm trốn thuế một cách " hợp pháp”. Chuyển giá đã có từ lâu và không phải chỉ xảy ra đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

 Chuyển giá ở ta là bởi họ có các điều kiện, "công cụ” để thực hiện hành vi: Có khả năng cung cấp  các sản phẩm đầu vào cho các DN có vốn của họ tại Việt Nam, đặc biệt khi các sản phẩm đó hoặc một số các sản phẩm đó họ độc quyền sản xuất hoặc nắm bí quyết công nghệ sản xuất. Họ đã có hệ thống thương mại – phân phối khép kín trong tập đoàn, giữa công ty mẹ với các công ty thành viên và giữa các công ty thành viên với nhau. Họ có kinh nghiệm đầu tư - kinh doanh lâu năm trên trường quốc tế nên có thể tạo ra các kế hoạch kinh doanh không lành mạnh để thực hiện các hành vi chuyển giá, trốn thuế phù hợp với thông lệ kinh doanh quốc tế mà cơ quan thuế, hải quan không dễ bắt bẻ…

Do  việc chuyển giá trốn thuế có tính phổ biến, khó ngăn chặn như vậy, nên Tổ chức hợp tác và phát triển quốc tế (OECD) bao gồm hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có hướng dẫn về xử lý đối với chuyển giá trốn thuế từ nhiều năm qua. OECD đã khuyến nghị và nhiều nước đã áp dụng cơ chế: Thỏa thuận định giá trước (APA – Advance Pricing Agreement) để quản lý chuyển giá trốn thuế. APA được các công ty đa quốc gia sử dụng phổ biến vì họ có thể tính toán trước được mức giá giao dịch giữa các bên liên kết. 

Có thể nói vấn đề chuyển giá của DN FDI không mới nhưng không hiểu sao đến nay chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng này. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ DN vẫn dễ dàng thực hiện hành vi chuyển giá là bởi có sự tham nhũng của những người có trách nhiệm giám sát, ý kiến của ông về nhận định này?

Cơ quan chịu trách nhiệm đối với vấn đề chuyển giá là cơ quan thuế, vì kiểm tra chuyển giá nằm trong nội dung kiểm tra thuế chung. Còn về dấu hiệu tham nhũng, các phương tiện thông tin đại chúng gần đây đã đưa tin, phản ánh nhiều về hiện tượng này đã và đang xảy ra trong nhiều lĩnh vực, khu vực, không phải chỉ trong ngành Thuế. Và nếu đúng như vậy, cần phải ngăn chặn gấp gáp hơn ở mọi lĩnh vực chứ không chỉ đối với hiện tượng chuyển giá trốn thuế. Như vậy mới mong có một môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển.

Vậy theo ông, giải pháp trong thời gian tới để ngăn chặn hành vi chuyển giá, trốn thuế của các DN FDI là gì?

Nói chung, đối với các DN FDI đã có hành vi chuyển giá trốn thuế, hay nằm trong nghi vấn chuyển giá trốn thuế, giải pháp trong thời gian tới là hướng dẫn và khích lệ các DN này thực hiện cơ chế APA và những vấn đề đã được xác định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Để quản lý có hiệu quả vấn đề chuyển giá trốn thuế của các DN FDI  theo cơ chế APA, chúng ta cần hoàn thiện và có đủ các qui định pháp lý về chuyển giá, từ Luật cho đến Nghị định của Chính phủ, cũng như thông tư của Bộ Tài chính về thực hiện cơ chế APA.

Theo tôi, việc cần làm ngay ở thời điểm này để hạn chế vấn nạn này đó là, cơ quan quản lý cần đưa ra hướng dẫn rõ ràng về thủ tục thực hiện Thỏa thuận định giá trước (APA), sau khi đã kiểm tra kỹ tính thực tế và tính khả thi của thủ tục. Song song với đó là phải ban hành một qui trình cụ thể về kiểm tra chuyển giá đồng thời đưa ra một số hướng dẫn về xác định giá thị trường,về cách xử lý tài sản vô hình.

Song, cần phải lưu ý rằng, áp dụng cơ chế APA để ngăn chặn chuyển giá trốn thuế cũng không thể có hiệu quả nếu đội ngũ cán  bộ thuế, kiểm tra chuyển giá, vì một lý do "tế nhị” nào đó, sẽ bỏ qua một số nội dung, qui trình cần thực hiện theo cơ chế APA, mà không bị giám sát, kiểm tra.

Trân trọng cảm ơn ông!