Chống chuyển giá phải “đánh chắc, thắng chắc”

Theo Báo Đầu tư

Để đối phó với tình trạng chuyển giá, ông Nguyễn Quang Tiến, Phó trưởng ban Cải cách (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết, ngành thuế không thanh tra, kiểm tra trên diện rộng, mà thu thập đầy đủ thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp và tập trung vào những đối tượng có nghi ngờ để “đánh chắc, thắng chắc”.

Chống chuyển giá phải “đánh chắc, thắng chắc” - Ảnh 1
Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó trưởng ban Cải cách (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính)
Một trong những lý do dẫn đến chuyển giá là thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trên thế giới. Nếu giảm thuế, tình trạng chuyển giá có thuyên giảm không, thưa ông?

Trước hết, có thể khẳng định, với thuế suất phổ thông 25% (sẽ giảm xuống 23% và 20% kể từ ngày 1/1/2014), thuế TNDN của Việt Nam không cao. Cụ thể, mức này bằng với Indonesia, Trung Quốc, Malaysia; chỉ cao hơn Thái Lan (23%), Singapore (17%); thấp hơn nhiều so với Philippines (30%), Ấn Độ (32%), Mỹ (35%), Australia (30%), Nhật Bản (25,5%)… Tuy nhiên, tình trạng chuyển giá vẫn diễn ra phổ biến và ngày càng phức tạp.

Trên thực tế, chênh lệch về thuế suất thuế TNDN giữa các quốc gia chỉ là một trong những “động lực” chuyển giá. Doanh nghiệp còn rất nhiều “động lực” khác để chuyển giá, nhằm tối đa hoá lợi nhuận.

Cụ thể, Luật Thuế TNDN hiện hành mặc dù đã thu hẹp ưu đãi, nhưng vẫn còn quá nhiều ưu đãi về thuế, như ưu đãi theo địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; ưu đãi cho lĩnh vực xã hội hoá; ưu đãi cho dự án sử dụng công nghệ cao; ưu đãi cho doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực mũi nhọn… Nếu chính sách ưu đãi vẫn tràn lan, thì doanh nghiệp có thể chuyển giá ngay ở trong nước, chứ không cần phải chuyển giá ra nước ngoài.

Đơn cử, với các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có thể thành lập công ty con để chuyển giá từ công ty mẹ đã hết thời gian ưu đãi sang công ty con, hoặc doanh nghiệp thành lập nhiều công ty con ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để chuyển lãi từ công ty mẹ phải nộp thuế sang công ty con không phải nộp thuế.

Ông nói rằng, chuyển giá diễn ra phổ biến và phức tạp, ông có thể cho ví dụ cụ thể?

Tôi vừa làm trưởng đoàn thanh tra chuyên sâu về giá chuyển nhượng và đã quyết định điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế của một doanh nghiệp lên gần 80 triệu USD, yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh sổ sách kế toán từ lỗ hơn 1.200 tỷ đồng sang phải nộp thuế 78 tỷ đồng; quyết định truy thu, phạt vi phạm hành chính thuế hơn 300 tỷ đồng. Trường hợp khác là một doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993, có doanh thu lên tới 22.000 tỷ đồng, sử dụng hàng chục ngàn lao động và liên tục mở rộng đầu tư, nhưng liên tục kê khai lỗ. Sau khi thanh tra, doanh nghiệp phải chấp nhận điều chỉnh kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh từ lỗ sang lãi.

Trong quá trình thanh tra, các doanh nghiệp nêu trên thuê cả công ty kiểm toán lớn giúp sức. Toàn bộ tài liệu, chứng từ, hồ sơ, sổ sách mà doanh nghiệp cung cấp cho đoàn thanh tra cũng được cung cấp cho công ty kiểm toán nghiên cứu để tìm cách đối phó, nhưng cuối cùng, cả doanh nghiệp và công ty kiểm toán đều phải chấp nhận kết luận của đoàn thanh tra.

Như vậy, để nâng cao hiệu quả chống chuyển giá, cần phải quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm toán, thưa ông?

Trách nhiệm của công ty kiểm toán là xác định đầy đủ tính hợp pháp, hợp lý của mọi giao dịch, hoạt động sản xuất - kinh doanh; giúp doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật được Nhà nước khuyến khích. Ngược lại, những công ty kiểm toán nào giúp doanh nghiệp trốn thuế cần phải bị xử lý. Cụ thể, báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được kiểm toán nếu sau này thanh tra thuế phát hiện ra báo cáo kiểm toán không chính xác, doanh nghiệp bị truy thu, truy hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, thì công ty kiểm toán cũng phải bị xử lý.

Chúng tôi đã đưa nhiều doanh nghiệp vào tầm ngắm để thanh tra trong thời gian tới. Trước mắt, chúng tôi tiến hành thu thập thông tin, cập nhật đầy đủ dữ liệu và tiến hành phân tích, đánh giá, nhận định về hoạt động của doanh nghiệp, sau đó mới tiến hành thanh tra trên nguyên tắc giảm thiểu thời gian thanh tra trực tiếp tại doanh nghiệp (mỗi doanh nghiệp chỉ thanh tra 5 - 7 ngày), nhưng phải làm sáng tỏ những doanh nghiệp có hoạt động gian lận thuế thông qua chuyển giá trên tinh thần “đánh chắc, thắng chắc”. Chống chuyển giá để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, nhưng phải bảo đảm mục tiêu khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông có thể tiết lộ về thanh tra chống chuyển giá trong thời gian tới?

Cơ quan thuế đang tập trung triển khai Chương trình Hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012 - 2015 (Quyết định 1250/QĐ-BTC) và Kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về “Tăng cường công tác quản lý chống chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, với nhiều đầu việc khác nhau. Trong đó, chúng tôi sẽ xây dựng Hệ thống Cơ sở dữ liệu tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp độc lập theo từng ngành, nghề kinh doanh có rủi ro cao và Danh mục Giá giao dịch trên thị trường của một số hàng hoá chủ yếu trên cơ sở tham khảo giá hàng hoá cùng loại tại các nước trong khu vực và trên thế giới; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các cơ chế xác định giá trị tài sản cố định và giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào…

Tôi chưa thể tiết lộ cụ thể sẽ thanh tra doanh nghiệp nào, nhưng chúng tôi sẽ đề xuất xem xét lại chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu của những doanh nghiệp bị lỗ liên tục. Chỉ có vậy mới ngăn chặn được những doanh nghiệp bị lỗ gấp 5 - 10 lần vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn đẩy mạnh xuất khẩu để được hoàn thuế giá trị gia tăng.