Chống “đô la hóa” nền kinh tế: Thực trạng và một số kiến nghị

ThS. Bùi Thị Quỳnh Trang - Đại học Thương mại

Đánh giá đúng mức độ “đô la hóa” và tác động của “đô la hóa” đối với nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần kiểm soát tình trạng “đô la hóa”, ổn định và phát triển nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu hiện tượng “đô la hóa” nền kinh tế và đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tác động của hiện tượng này đối với nền kinh tế, bài viết đưa ra một số đề xuất cho công tác chống “đô la hóa” nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thành công từ chống “đô la hóa”

Hiện tượng “đô la hóa” nền kinh tế bắt đầu từ khi Việt Nam sử dụng rộng rãi đồng ngoại tệ trong giao dịch, buôn bán từ năm 1988 và các ngân hàng được phép nhận tiền gửi bằng ngoại tệ. Đến năm 1992, tình trạng “đô la hóa” đã tăng mạnh với hơn 41% lượng tiền gửi vào các ngân hàng là bằng ngoại tệ. Đến giai đoạn 1993-1996, khi lạm phát ở mức trên dưới 10%, tỷ giá biến động ít, việc nắm giữ VND có lợi hơn nên mức độ “đô la hóa” giảm mạnh. Đồng thời, Chính phủ cũng bắt đầu hạn chế việc thanh toán bằng ngoại tệ, xoá bỏ các điểm bán hàng thu ngoại tệ, tăng cường các bàn đổi ngoại tệ. Từ 1998 đến 2000, sau một thời gian giữ ổn định ở mức tương đối thấp khoảng trên 20%, tỷ lệ “đô la hóa” lại có dấu hiệu tăng lên do tác động của khủng hoảng và kỳ vọng của thị trường vào sự phá giá của VND. Từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ “đô la hóa” này dao động từ 20% đến 32% - tức ở mức trung bình theo quy chuẩn của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế với những kết quả khả quan và đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Trong đó, đáng chú ý là ngày 04/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 98/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, khắc phục tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế với hàng loạt giải pháp được giao cho các bộ, ngành liên quan. Do vậy, tình trạng các giao dịch bất động sản thường sử dụng USD để thanh toán; Buôn bán, giao dịch USD trái phép tại thị trường ngoại hối tự do… đã từng bước được hạn chế.

Với vai trò chủ chốt và đầu mối, trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2015 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm chống “đô la hóa” trong nền kinh tế bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, ngày 02/10/2015, NHNN ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ trong nước giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép hoạt động ngoại hối với nhau và giữa TCTD được phép hoạt động ngoại hối với khách hàng, trong đó khuyến khích các ngân hàng thương mại sử dụng công cụ phái sinh kỳ hạn trong giao dịch với khách hàng; Ngày 17/12/2015, NHNN ban hành Quyết định 2589/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thay thế Quyết định 1938/QĐ-NHNN ban hành ngày 25/9/2015. Theo đó, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) cũng như cá nhân đều là 0%/năm. Trước đó, quy định mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) tại Quyết định 1938/QĐ-NHNN là 0%/năm và mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm. Ngày 08/12/2015, NHNN ban hành Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, trong đó quy định kể từ sau ngày 31/3/2016, một trong bốn nhóm đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ thuộc diện bị cấm cho vay ngoại tệ. Đó là với trường hợp DN chỉ muốn vay ngoại tệ sau đó bán đi lấy tiền đồng để hưởng mức chênh lệch lãi suất cao, bởi thực chất bản thân họ chỉ có nhu cầu tiền VND chứ không phải ngoại tệ. Có thể khẳng định, đây là những giải pháp mạnh nhằm tiếp tục thực hiện, chủ trương chống “đô la hóa” của Chính phủ, khuyến khích DN và người dân chuyển sang nắm giữ VND để hưởng lợi tức cao hơn thay vì đầu cơ tích trữ USD.

Ngay từ đầu năm 2016, NHNN tiếp tục thực hiện bước đi tiếp theo khi ban hành cơ chế tỷ giá trung tâm được niêm yết hàng ngày, không chỉ ngăn chặn hoạt động đầu cơ “lướt sóng” mà còn giúp ổn định thị trường ngoại hối và tăng cường giải pháp chống “đô la hóa” nền kinh tế. Thực tế cho thấy, sau thời gian áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh xuống mặt bằng mới thấp xa so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015. Tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối quốc gia.

Giới chuyên gia tài chính khẳng định, việc thay đổi cách thức điều hành tỷ giá là bước đi quan trọng tiếp theo trong lộ trình chống “đô la hóa”. Về lâu dài, điều này sẽ giúp tăng vị thế của VND và tăng tính ổn định của thị trường ngoại hối. Thêm vào đó, gần đây giá vàng trong nước và quốc tế gần như ngang nhau, thậm chí giá vàng trong nước còn thấp hơn vàng quốc tế thì nhu cầu thu gom ngoại tệ nhập lậu vàng sẽ không còn. Quan trọng hơn cả, khi kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, niềm tin vào giá trị tiền đồng được củng cố, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, duy trì chênh lệch lãi suất VND so với USD ở mức có lợi cho người gửi tiền đồng thì hiện tượng găm giữ ngoại tệ từng bước giảm dần là tất yếu, qua đó khẳng định kết quả thành công trong nỗ lực chống lại tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế.

Một số kiến nghị, đề xuất

Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải xử lý các nguồn vốn ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào nước ta với khối lượng lớn và ồ ạt. Đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn mức độ “đô la hóa” ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc tiếp tục triển khai hàng loạt giải pháp mà NHNN đã đưa ra, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Một là, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, từ đó niềm tin vào tiền VND tăng lên. Ổn định vĩ mô được coi là điều kiện tiên quyết, nền tảng cho việc chống “đô la hóa”. Chính phủ cần đảm bảo điều hành chủ động và linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phù hợp với mục tiêu giảm “đô la hóa” trong nền kinh tế... Theo đó, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt giữa các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư, thương mại nhằm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền, tăng cường niềm tin và lợi ích của người dân khi nắm giữ VND trong khi tạo lợi ích kinh tế thấp và sự bất tiện khi sử dụng ngoại tệ như USD; Tiếp tục phát triển thị trường các công cụ phái sinh giúp phòng ngừa rủi ro tỷ giá…

Hai là, chú trọng đến các biện pháp quản lý và kiểm soát sự biến động của luồng vốn ngắn hạn mà không ảnh hưởng đến luồng vốn dài hạn. Nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định về quản lý ngoại hối. Các biện pháp quản lý ngoại hối phải được sử dụng một cách có lựa chọn và thận trọng hỗ trợ các chính sách kinh tế vĩ mô truyền thống, góp phần ổn định nền kinh tế. Đặc biệt, để hoàn thiện hệ thống quản lý ngoại hối, Việt Nam cần tăng cường giám sát chặt chẽ các giao dịch ngoại hối. Chú trọng công tác thống kê, điều tra các giao dịch ngoại hối trong và ngoài ngành Ngân hàng. Để phục vụ công tác kiểm soát ngoại hối, cần yêu cầu đăng ký giao dịch ngoại hối ngay từ ban đầu nhưng phải đảm bảo tính hiệu quả và kiểm tra giám sát.

Ba là, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chủ trương và các quy định hiện hành về chống “đô la hóa” nền kinh tế. Theo đó, NHNN cần yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin và giám sát, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành lãi suất huy động của các TCTD thuộc chức năng quản lý trên địa bàn; Xử lý nghiêm theo quy định đối với những trường hợp vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân, tổ chức liên quan; tích cực phối hợp với cơ quan công an trong công tác phòng chống buôn lậu và phát hiện xử lý kinh doanh và thu đổi ngoại tệ trái phép...

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Quyết định số 98/2007/QĐ -TTg phê duyệt Đề án nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, khắc phục tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế;

2. Đỗ Huyền, Chống nguy cơ “đô la hóa” nền kinh tế: Những bước tiến mới của NHNN, Thống tấn xã Việt Nam tháng 4/2016;

3. ThS. Trần Văn Hùng, ThS. Lê Thị Mai Hương, Chống “đô la hóa”: Bài học kinh nghiệm nào cho Việt Nam? Tạp chí Tài chính tháng 5/2014;

4. Chí Kiên, Kiên định mục tiêu chống “đô la hóa”, Thời báo Ngân hàng tháng 5/2016.