Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công:

Chống lạm dụng tài sản công để thu lợi

Theo daibieunhandan.vn

Các cơ quan nhà nước sử dụng chung tài sản công để thực hiện nhiệm vụ công vẫn phải chi trả một khoản kinh phí. Điều này có dẫn đến lạm dụng tài sản công để thu lợi và làm thất thoát ngân sách nhà nước hay không? Tại Hội thảo hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa diễn ra, các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, dự thảo Luật phải khắc phục tình trạng này để bảo đảm tiết kiệm tối đa ngân sách nhà nước.

Hội thảo hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Hội thảo hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Sử dụng chung vẫn phải bù đắp chi phí?

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cho phép sử dụng, khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích cho thuê, khai thác, góp vốn, liên doanh, liên kết tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan dự trữ nhà nước. Đồng thời phân chia rõ các đối tượng trong việc khai thác, sử dụng tài sản công theo từng đối tượng quản lý, sử dụng, bao gồm cơ quan nhà nước (đơn vị hành chính công), đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Đối với mỗi đối tượng quản lý, sử dụng tài sản công khi thực hiện cho thuê, liên doanh, liên kết đều quy định các nguyên tắc, điều kiện cụ thể. Ví dụ, đối với cơ quan nhà nước, việc hình thành, quản lý, sử dụng và xử lý tài sản công phải tuân theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ, bảo đảm đúng công năng. Không được phép sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước vào khai thác liên doanh, liên kết, huy động vốn.

Chỉ cho phép cho cơ quan nhà nước sử dụng tài sản công là hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị – xã hội (không bao gồm các tổ chức hội khác, tổ chức kinh tế, cá nhân) sử dụng chung theo đúng mục đích và được thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí theo quy định của Chính phủ (quy định tại Khoản 3, Điều 34, dự thảo Luật). 

Chưa đồng tình với quan điểm sử dụng chung, song vẫn phải bù đắp chi phí, một số thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách đặt câu hỏi, tài sản công là tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước, phục vụ cơ quan nhà nước. Vì sao giữa các cơ quan nhà nước sử dụng chung tài sản lại phải trả chi phí? Lý giải cho quan điểm này, Phó Cục trưởng Cục quản lý Công sản, Bộ Tài chính, Nguyễn Tân Thịnh cho biết, chi phí bù đắp chính là chi phí thanh toán trực tiếp cho việc phục vụ chung, điện, nước, nhân công, không bao gồm chi phí khấu hao.

Được thu chi phí điện nước...

Tuy nhiên, giải trình của đại diện cơ quan soạn thảo vẫn khiến Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân băn khoăn. Ông Lê Thanh Vân nêu rõ, gắn liền với tài sản công là bộ máy phục vụ. Bộ máy phục vụ này được trả lương để làm nhiệm vụ phục vụ cho các cơ quan nhà nước. Vì sao chỉ phục vụ cho cơ quan chủ quản, còn cơ quan nhà nước khác lại đòi hỏi chi phí thực hiện? Nên chăng, chỉ chi phí phát sinh như điện, nước mới phải bù đắp. Cùng quan điểm này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Quang Chiểu cho rằng, điểm mấu chốt phải làm rõ là, thực tế có hay không việc tính giá thuê giữa cơ quan nhà nước này với cơ quan nhà nước khác?

Theo đại diện lãnh đạo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, không có câu chuyện tính giá thuê tài sản công giữa các cơ quan nhà nước. Lấy ví dụ thời điểm QH từng phải đi thuê trụ sở hội trường Bộ Quốc phòng trước khi có Nhà QH, để phục vụ ĐBQH trong thời gian họp QH, Bộ Quốc phòng phải sử dụng kinh phí tăng thêm. Kinh phí đó, ngân sách nhà nước không cung cấp cho Bộ Quốc phòng, không có trong dự toán của Bộ Quốc phòng, nên VPQH phải trả khoản chi phí bù đắp trong thời gian họp QH như điện, nước, hoa, nhân công… Ngược lại, nếu VPQH không bù đắp chi phí, Bộ Quốc phòng buộc phải dự toán chi phí này trong ngân sách nhà nước. Nghĩa là dù cơ quan nào chi trả cũng đều là ngân sách nhà nước.

Mặt khác, Thông tư số 245/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3.6.2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước cũng đã quy định về việc hạch toán các khoản thu, chi liên quan đến sử dụng chung tài sản nhà nước.

Cụ thể, Điều 37, các khoản thu quy định, cơ quan, tổ chức có tài sản nhà nước cho sử dụng chung quy định tại Điều 62 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP được thu các khoản chi phí điện nước, xăng dầu, nhân công phục vụ và các chi phí khác có liên quan đến việc sử dụng chung tài sản. Cơ quan, tổ chức có tài sản cho sử dụng chung và cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng chung thỏa thuận mức thu trên cơ sở định mức tiêu hao, thời gian sử dụng tài sản hợp lý nhưng không bao gồm khấu hao (hao mòn) tài sản cố định. Quy định này khá chặt chẽ và bao quát được các vấn đề các đại biểu quan tâm, đại diện Cục Quản lý công sản khẳng định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cho rằng, dự thảo Luật phải quy định rõ hơn về thu và quản lý nguồn thu giữa cơ quan nhà nước với cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân không thuộc cơ quan nhà nước; bổ sung ngay trong dự thảo Luật những quy định trong Thông tư 245 của Bộ Tài chính. Một số thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị, cơ quan quản lý tài sản công cần rà soát kỹ, chống lạm dụng tài sản công, cho thuê trội lên, hoặc tính trội kinh phí nhằm lấy chênh lệch bỏ bảo đảm tiết kiệm tối đa ngân sách nhà nước.