Chống lãng phí phải quyết liệt như chống tham nhũng

Thành Chung

Đa số các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng ngày 18/6 đều khẳng định mức độ quan trọng của việc phòng, chống lãng phí, không thua kém gì nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Chống lãng phí: Chưa quyết tâm, chưa đúng mức

Khẳng định tầm quan trọng của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Huỳnh Thế Kỳ, Giám đốc Công an Ninh Thuận, nói: “Hiện trạng lãng phí ở nước ta hiện nay thực ra không kém gì tham nhũng, nhưng dường như quyết tâm chính trị xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm tăng cường trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu, cũng như của cán bộ công chức và những chế tài thì chưa được quan tâm đúng mức”.

Cũng về vấn đề này, Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị Phạm Đức Châu cho rằng: Dự án Luật giải thích tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản lao động, thời gian, các nguồn tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định, thì có nghĩa là Nhà nước chỉ khuyến khích tiết kiệm. Nói cách khách, nếu như không tiết kiệm nhưng chưa lãng phí thì Nhà nước cũng không can thiệp. Trong khi các quy định trong Dự thảo có liên quan đến khái niệm thực hành tiết kiệm thực chất là các biện pháp phòng lãng phí.

Thêm vào đó, “nếu quy định mang tính quá thắt chặt để có những tiết kiệm theo kiểu hà tiện thì chất lượng kém, thời gian sử dụng ngắn, sớm lạc hậu lại càng lãng phí”. Do vậy, để tập trung quyết tâm cao cho việc hệ trọng là phòng, chống lãng phí và có sứ mệnh như Luật Phòng, chống tham nhũng, đại biểu đề nghị luật này lấy tên gọi là Luật Phòng, chống lãng phí.

Góp ý phạm vi điều chỉnh của Luật, các đại biểu Quốc hội đề nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh của dự luật. Theo đó, cần tập trung quy định các hành vi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong việc sử dụng quản lý ngân sách Nhà nước, tài sản, tài nguyên của đất nước, trong sử dụng lao động, thời gian lao động, trong tất cả các khâu từ khâu quy hoạch, kế hoạch cho tới việc ban hành các quyết định về chủ trương, về chính sách, chế độ, định mức, tiêu chí cho đến khâu tổ chức thực hiện.

Đề xuất chế tài đối với người có thẩm quyền

Trên cơ sở xác định phạm vi, để đánh giá thế nào là lãng phí hay không lãng phí, các đại biểu Quốc hội dành nhiều quan tâm đến định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm căn cứ THTK, CLP mà Dự thảo Luật quy định. Bởi thực tế, việc xây dựng định mức, tiêu chuẩn, chế độ chưa được chú trọng, một số định mức không bảo đảm tính khả thi, không phù hợp với thực tiễn, hoặc bất hợp lý vẫn được áp dụng, chậm được sửa đổi, bổ sung, song không cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Do vậy, Dự thảo đã quy định rõ trách nhiệm này thuộc về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan ở Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước trong việc xây dựng, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho biết, hiện nay các cơ quan của Chính phủ đã rất nỗ lực ban hành các định mức, tiêu chuẩn. Vấn đề là một số tiêu chuẩn, định mức ấy không thể thực hiện được mà nó chỉ có ý nghĩa khi làm hồ sơ thanh quyết toán để được chấp nhận. Do đó cần phải thay đổi căn bản cách thức theo hướng công khai minh bạch và dân chủ, tự chủ thì mới khắc phục được.

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị Dự án Luật cần bổ sung quy định chế tài đối với người có thẩm quyền, có hành vi không tuân thủ, không ban hành, chậm ban hành hoặc cố tình ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ không đảm bảo tính khoa học, không phù hợp với thực tiễn hoặc bất hợp lý nhưng vẫn được áp dụng trong một thời gian dài làm khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện.