Chủ động đề xuất đổi mới cơ chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững đòi hỏi phải phát huy cao độ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước, trong đó tài sản nhà nước (TSNN) là nguồn lực to lớn và đầy tiềm năng.

Chủ động đề xuất đổi mới cơ chế quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sự chuyển dịch cơ chế quản lý sang kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đòi hỏi cần có sự đổi mới trong cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập, Cục Quản lý công sản (QLCS), Bộ Tài chính đã tập trung phân tích, đánh giá đề xuất nhiều giải pháp đổi mới công tác quản lý TSNN tại ĐVSN với mục tiêu: trao quyền tự chủ cho các ĐVSN công lập để phát triển các hoạt động sự nghiệp, thực hiện xã hội hoá, giảm sức ép chi từ ngân sách nhà nước, trên cơ sở thực hiện thông qua các phương thức: đi thuê và cho thuê tài sản; cho phép sử dụng TSNN để sản xuất kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết... theo đó, cơ chế tài chính đối với một số lĩnh vực, một số đối tượng đã có những thay đổi quan trọng như chính sách tài chính khuyến khích xã hội hoá, khuyến khích huy động nguồn lực.

Trên cơ sở các mục tiêu đặt ra, Cục QLCS đã đề xuất các nhóm giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, phân định rõ cơ chế quản lý TSNN của cơ quan nhà nước với ĐVSN công lập, đảm bảo sự tách biệt giữa mô hình quản lý nhà nước với các đơn vị công lập cung cấp dịch vụ công.

Thứ hai, đề xuất nghiên cứu, ban hành và hoàn thiện quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng TSNN theo hướng có sự phân biệt giữa ĐVSN công lập và cơ quan quản lý nhà nước: Quy định “mở” hơn về việc sử dụng nguồn thu sự nghiệp để đầu tư, mua sắm tài sản; Phân cấp mạnh hơn cho các ĐVSN trong việc quyết định đầu tư, mua sắm, xử lý TSNN.

Thứ ba, đổi mới cơ chế quản lý khấu hao tài sản cố định tại ĐVSN công lập,  về lâu dài, đối với ĐVSN công lập cần thống nhất một cơ chế khấu hao tài sản cố định. Khấu hao tài sản cố định sẽ được xác định đầy đủ như đối với doanh nghiệp vào giá thành các sản phẩm, trong đó có cả dịch vụ công.

Trước mắt, trong giai đoạn này cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động của ĐVSN công lập chưa đổi mới được đồng bộ với cơ chế quản lý TSNN, chưa thể tính khấu hao tài sản vào giá thành dịch vụ công thì Bộ Tài chính cần có hướng dẫn việc hạch toán khấu hao và hao mòn áp dụng chung tại một ĐVSN. Theo đó, một số phương án hướng dẫn việc xác định khấu hao đối với tài sử dụng vào cho thuê, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết đã được đề xuất.

Thứ tư, đổi mới cơ chế quản lý đất đai tại ĐVSN công lập.

Hiện nay, hầu hết các ĐVSN công lập hiện tại đang được Nhà nước “bao cấp” về đất đai, sử dụng đất nhưng không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất); Dẫn đến còn trình trạng sử dụng đất chưa thực sự hiệu quả và còn lãng phí.

Đồng thời, Nhà nước cũng đã quy định, khi các ĐVSN công lập sử dụng tài sản trên đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết thì phải nộp tiền thuê đất. Tuy nhiên, quy định này vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện, bổ sung để thực sự đi vào cuộc sống theo hướng cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế quản lý đất đai đối với ĐVSN công lập từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường; Các ĐVSN phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất đai và các chi phí sử dụng đất (tiền thuê đất) đồng thời ĐVSN được xác định vào giá thành các sản phẩm, bao gồm cả dịch vụ công do Nhà nước đặt hàng.

Thứ năm,
nhóm giải phải về tăng cường công tác quản lý, gồm: (i) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các sai phạm trong việc sử dụng TSNN tại các ĐVSN; (ii) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xử lý, sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và di dời các trường học, bệnh viện...

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, Cục QLCS còn để xuất 02 nhóm giải pháp để đảm bảo đề xuất về đổi mới quản lý TSNN tại ĐVSN áp dụng có hiệu quả, đó là: (i) Giải pháp về đổi mới tổ chức, hoạt động, nâng cao quyền tự chủ; (ii) Giải pháp về đổi mới chính sách và phương thức quản lý tài chính.