Chủ động đón nhận “kinh tế chia sẻ”

Theo Vy Hương/daibieunhandan.vn

“Kinh tế chia sẻ” không còn là khái niệm mới mẻ với thế giới và ngay cả với Việt Nam. Tại phiên họp thường kỳ đầu tiên của năm 2018, Chính phủ đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về sự cần thiết xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ. Nếu không có gì thay đổi, Đề án này sẽ được trình Chính phủ vào tháng 6 tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không chỉ là Uber, Grab

Ở Việt Nam, khái niệm “kinh tế chia sẻ” xuất hiện và trở nên phổ biến hơn từ khi Công ty Uber và Grab bắt đầu cung ứng dịch vụ taxi công nghệ. Tuy nhiên, “kinh tế chia sẻ” được hiểu rộng hơn, theo nghĩa là một mô hình kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau. Ví dụ, một người lắp đặt tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà nhưng không sử dụng hết năng lượng và bán phần thừa để hòa vào lưới điện.

Nền móng cho sự xuất hiện của mô hình “kinh tế chia sẻ” là sự phát triển nhanh chóng của internet. Nếu như cách đây 10 năm, khái niệm “kinh tế chia sẻ” rất mờ nhạt thì bây giờ nó đã trở thành trào lưu. Muốn đi đâu, chỉ cần mở ứng dụng Uber trên điện thoại thông minh.

Muốn cho thuê hay muốn thuê chỗ ở trên khắp thế giới, hãy tìm đến Airbnb -  một công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ). Muốn nghe nhạc, thay vì phải mua đĩa hay tải các bản nhạc số, chỉ cần đăng ký vào dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Spotify hay Pandora. Ở lĩnh vực thời trang, RenttheRunway sẽ giúp chia sẻ áo quần tùy theo phong cách và thiết kế ưa thích, cứ mặc rồi trả lại.

Cần bảo trì sửa chữa nhà cửa, mua một món quà… thì lên mạng vào trang Taskrabbit.com, hay Neighborhood.net, đưa ra yêu cầu và sẽ có người rành công việc ấy đáp ứng, dĩ nhiên với một khoản phí... Hàng nghìn thương hiệu của nền kinh tế chia sẻ đã phát triển và lan ra toàn cầu với tốc độ chóng mặt chưa từng có, cả về quy mô kinh doanh lẫn vốn và giá trị thương hiệu. Theo đánh giá của PwC, đến năm 2025, “kinh tế chia sẻ” toàn cầu ước tính sẽ có doanh thu khoảng 335 tỷ USD.

Tuy nhiên, song song với sự lớn mạnh ngoạn mục của “kinh tế chia sẻ”, là cuộc tranh cãi chưa có hồi kết. Như chuyện tranh cãi về quy định pháp lý của hoạt động đi nhờ xe Uber, hay thuê nhà Airbnb mà báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Nhiều nơi đã cấm Uber vì hoạt động vi phạm “quy định” nhưng một số nơi sau đó lại bãi bỏ lệnh cấm.

Trong khi đó Uber vẫn phát triển và giá trị công ty vẫn không ngừng tăng chóng mặt. Điều này cho thấy, việc chưa có đầy đủ quy định hay luật lệ trong việc quản lý và phương thức kinh doanh dường như không có gì cản trở được bước phát triển mạnh mẽ của kinh tế chia sẻ.

Tiềm năng cho Việt Nam

Tuy “kinh tế chia sẻ” chưa thực sự phát triển ở Việt Nam nhưng lại được đánh giá là có tiềm năng lớn. Một khảo sát của Công ty Nielsen cho thấy, cứ bốn người Việt được hỏi thì có ba người cho biết thích ý tưởng về mô hình này. 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ. Chỉ có 18% từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình.

Trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý tưởng xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ, Vụ Kinh tế - Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) đã có một báo cáo liên quan tới vấn đề này. Qua nghiên cứu bước đầu, báo cáo đưa ra nhận định: “Kinh tế chia sẻ” đang là xu hướng mới song hành cùng cuộc cách mạng về công nghệ thông tin trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số (digital lconomy), là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp tại nhiều quốc gia và được ví như “con gà đẻ trứng vàng” mới cho nhiều nền kinh tế.  Trên thực tế, mô hình này vẫn còn nhiều không gian rộng lớn để phát triển và lấp đầy những khoảng trống của các thị trường kinh doanh truyền thống hiện tại.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo, “kinh tế chia sẻ” là mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu lớn (big data), nó quá mới mẻ để có cách quản lý thích hợp, thay cho những biện pháp kiểm toán truyền thống. Các công ty theo mô hình này đang đưa ra những tuyên bố mà cơ quan chức năng sẽ mất rất nhiều thời gian để kiểm chứng dựa trên các cuộc điều tra độc lập. Bên cạnh đó, việc quản lý thuế đối với mô hình “kinh tế chia sẻ” cũng gặp rất nhiều khó khăn, để việc quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này có hiệu quả đòi hỏi các cơ quan thuế phải có những chính sách linh hoạt và điều chỉnh kịp thời.

Các chuyên gia cho rằng, “kinh tế chia sẻ” là thách thức hay vận hội tùy thuộc vào tư duy quản lý nhà nước. Diện mạo mới này sẽ mở ra cơ hội cho nền kinh tế phát triển nếu quản lý nhà nước theo kịp nó, luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2018, Chính phủ đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về sự cần thiết xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, làm việc với các bộ, ngành liên quan… hoàn thiện Đề án, lấy ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, trình Chính phủ trong tháng 6/2018.

Đây là sự chuẩn bị cần thiết để có chính sách quản lý phù hợp, khai thác những yếu tố tích cực và ngăn chặn những yếu tố tiêu cực của “kinh tế chia sẻ”, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh để mô hình này phát triển. Động thái này còn thể hiện tinh thần chủ động đón đầu các xu hướng mới của nền kinh tế trong cuộc cách mạng 4.0 của Chính phủ và các bộ, ngành.