Chủ động xử lý doanh nghiệp FDI “vắng chủ”

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Phần lớn các doanh nghiệp FDI “vắng chủ” gần đây hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, có chủ đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc và thường đăng ký thực hiện các dự án quy mô nhỏ (dưới 500.000 USD).

 Chủ động xử lý doanh nghiệp FDI “vắng chủ”
Việc xử lý tình trạng doanh nghiệp FDI “vắng chủ” đã gặp một số khó khăn về căn cứ pháp lý. Nguồn: internet
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư - KH&ĐT) cho biết Bộ đang chủ động rà soát và có phương án xử lý hiện tượng các doanh nghiệp FDI “vắng chủ” xảy ra gần đây.

PV: Xin ông cho biết thông tin cụ thể về hiện tượng một số doanh nghiệp FDI tạm dừng hoạt động hoặc “vắng chủ”?

Ông Đỗ Nhất Hoàng: Thời gian qua, khó khăn kinh tế thế giới và trong nước đã tác động đến cả doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và công ty mẹ ở nước ngoài, dẫn tới có một số doanh nghiệp FDI phải tạm dừng hoạt động hoặc không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, chủ đầu tư bỏ về nước hoặc không thể liên lạc được. Hiện tượng đó chúng tôi tạm gọi là doanh nghiệp FDI “vắng chủ”.

Trước đây, khi xảy ra hiện tượng này, Bộ KH&ĐT chủ động cùng các địa phương xử lý theo từng trường hợp cụ thể. Còn với tình hình mới, Bộ KH&ĐT cũng đã rà soát và cập nhật thông tin về con số hơn 500 doanh nghiệp FDI “vắng chủ” trên cả nước.

Phần lớn các doanh nghiệp FDI “vắng chủ” gần đây hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, đa số có chủ đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc và thường đăng ký thực hiện các dự án có quy mô nhỏ (dưới 500.000 USD).

Bộ KH&ĐT đã tổ chức họp với các bộ, ngành, địa phương và Tòa án nhân dân tối cao để tìm phương án giải quyết cho hiện tượng này.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ. Bên cạnh đó còn có cả trường hợp kinh doanh không lành mạnh, nhằm trục lợi vì khi huy động được vốn, chủ đầu tư nước ngoài liền bỏ về nước.

Theo ông, trong quá trình rà soát, xử lý tình trạng doanh nghiệp FDI “vắng chủ”, Bộ KH&ĐT và các cơ quan chức năng gặp khó khăn gì?

Ông Đỗ Nhất Hoàng: Việc xử lý tình trạng doanh nghiệp FDI “vắng chủ” đã gặp một số khó khăn về căn cứ pháp lý. Thứ nhất, pháp luật hiện hành không có quy định về thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp FDI vắng chủ. Khó khăn thứ hai nằm ở việc giải thể, thanh lý doanh nghiệp vì chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn nên không có đại diện theo pháp luật để thanh toán các khoản nợ  và nghĩa vụ nên không đủ điều kiện để giải thể.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng không có cơ sở để thanh lý dự án, giải thể doanh nghiệp do Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã bỏ cơ chế cơ quan Nhà nước đứng ra thực hiện thanh lý khi doanh nghiệp không tự thanh lý.

Khó khăn thứ ba nằm trong việc thực hiện thủ tục phá sản. Tòa án không thể thành lập được Tổ quản lý, thanh lý tài sản do phải có đại diện hợp pháp của doanh nghiệp nhưng chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn, không liên hệ được. Cũng do vậy, Toà án sẽ không thụ lý hồ sơ vì doanh nghiệp không cung cấp được báo cáo tài chính đã được kiểm toán hợp lệ. Các chủ nợ, người lao động cũng không nộp được đơn khởi kiện tại tòa án với lý do không xác định được địa chỉ của bị đơn.

Chúng tôi cũng gặp khó khăn trong giải quyết chế độ cho người lao động khi nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội hoặc không chịu trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Tình trạng FDI “vắng chủ”sẽ tác động đến môi trường đầu tư như thế nào? Bộ KH&ĐT và các cơ quan chức năng có biện pháp gì để xử lý hiện tượng này, thưa ông?

Ông Đỗ Nhất Hoàng: Tình trạng doanh nghiệp FDI “vắng chủ” đã gây tác động tiêu cực ở những mức độ khác nhau về kinh tế, xã hội và môi trường đầu tư. Tuy nhiên, tình trạng “vắng chủ” không chỉ xuất hiện trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, số lao động bị thất nghiệp trong các doanh nghiệp FDI “vắng chủ” không nhiều, vì phần lớn các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hoặc mới đăng ký hoạt động chưa lâu, chưa tuyển dụng nhiều lao động (trừ một số doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai).

Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp “vắng chủ” nói chung, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1490/TTg-KGVX ngày 24/9/2012 về việc hỗ trợ người lao động  không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp bị mất việc làm trong doanh nghiệp có chủ bỏ trốn (kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài). Ngày 30/1/2013, Bộ  LĐTBXH đã có văn bản số 327/LĐTBXH-VL gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn về việc này.

Trong khi đó, Bộ KH&ĐT cũng đã chủ động rà soát và xử lý tình trạng “vắng chủ” tại nhiều địa phương. Ngày 23/8, Bộ KH&ĐT làm việc với các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp của TP. Hà Nội. Trong tháng 8 và tháng 9/2013, Bộ thành lập các đoàn công tác để rà soát, kiểm tra tại 3 khu vực Bắc, Trung và Nam. Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại các địa phương và tìm ra những bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành, Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý đối với các trường hợp này.

Theo tôi, để giải quyết căn bản, phải có quy định cụ thể để giải quyết các trường hợp doanh nghiệp FDI “vắng chủ” trong Luật Đầu tư sửa đổi (dự kiến ban hành năm 2014).