Chủ trương, chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

ThS. TRẦN THỊ LƯU TÂM, ThS. PHẠM THỊ LIÊN NGỌC

Đảng ta đã khẳng định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng chủ yếu trong thành phần kinh tế tư nhân. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, Nhà nước đã thể chế hóa, ban hành các luật liên quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã từng bước đi vào cuộc sống. Việc thực thi chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành giúp cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nỗ lực vượt khó khăn để phát triển bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Tại các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc các thời kỳ, chủ trương của Đảng là thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân vững chắc, phù hợp với trình độ sản xuất. Thực hiện chủ trương này, Nhà nước đã thể chế hóa, ban hành các luật liên quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất, kinh doanh như Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật DN (sửa đổi) có hiệu lực từ 01/7/2015 quy định lĩnh vực, đại bàn khuyến khích đầu tư thu hút các dự án đầu tư có chất lượng và hiệu quả; các quy định về điều kiện và thủ tục đầu tư, kinh doanh có tính minh bạch, khả thi và đồng bộ; tạo mặt bằng pháp lý bình cho nhà đầu tư trong và nước ngoài…

Bên cạnh đó, Luật Thuế GTGT năm 2013 (có hiệu lực từ 1/1/2014) có một số nội dung quan trọng được sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện cho DNNVV kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT; quy định cụ thể cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng…

Luật Thuế TNDN năm 2013 (có hiệu lực từ 1/1/2014) quy định bổ sung mức thuế suất phổ thông là 22%, riêng DN có doanh thu bình quân năm dưới 20 tỷ đồng thì áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 1/7/2013; bổ sung chính sách ưu đãi thuế đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, công nghệ cao… để khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư phát triển khoa học công nghệ.

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho DN khoa học và công nghệ, trong đó có các chính sách ưu đãi liên quan đến quyền sở hữu nhà nước, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN, miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật, ưu tiên sử dụng thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước…

Một số văn bản quy phạm pháp luật khác được sửa đổi, bổ sung để cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh như Luật Phá sản (sửa đổi), Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Đầu tư công…

Ngày 18/3/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-Chính phủ về “Những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”; trong đó tập trung vào các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cụ thể về thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, khởi sự kinh doanh, bảo về nhà đầu tư…

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 77/2014-QH13 ngày 10/11/2014 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong đó đề cập đến việc xây dựng các chính sách hỗ trợ và tạo ra những điều kiện cần thiết để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh các DN, nhất là đối với khu vực kinh tế tư nhân trong năm 2015. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ mặt bằng lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát; có biện pháp hỗ trợ, đơn giản hóa thủ tục cho vay và tăng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), DN sản xuất hàng xuất khẩu, DN công nghiệp hỗ trợ. Trong năm 2014, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

Năm 2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015-2016, các bộ ngành, địa phương và hiệp hội ngành nghề tích cực thực hiện.

Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Từ năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 về trợ giúp phát triển DNNVV, quy định chính sách hỗ trợ DNNVV ở từ Trung ương tới địa phương; Ngày 23/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển DNNVV 05 năm (giai đoạn 2006 – 2010) đề ra các giải pháp nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV trên cơ sở huy động các nguồn lực trong và ngoài nước.

Ngày 30/6/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV (thay thế Nghị định 90/2001/NĐ-CP), quy định 8 nhóm hỗ trợ phát triển DNNVV. Thực hiện Nghị định số 56/2008/NĐ-CP ngày 30/6/2009, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai những chương trình hỗ trợ DNNVV.

Tại Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 7/9/2012 đề ra các giải pháp, chương trình hỗ trợ DNNVV trọng tâm gồm: (i) Hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của DN; (ii) Hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sự dụng vốn; (iii) Hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới; (iv) Phát triên nguồn nhân lực cho các DNNVV, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị; (v) Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai; (vi) Cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV và xúc tiến mở rộng thị trường; (vii) Xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển; (viii) Quản lý thực hiện Kế hoạch phát triển; trong đó tập trung vào những giải pháp về thành lập Quỹ hỗ trợ, tổ chức thực hiện các Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; thí điểm xây dựng vườn ươm DN; thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ toàn diện cho DNNVV trong một số lĩnh vực; thúc đẩy các liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV. Những chính sách hỗ trợ DNNVV cụ thể gồm:

Hỗ trợ tài chính

DNNVV được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng bằng việc thực hiện bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương và Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam. DNNVV có thể sử dụng các kênh huy động vốn khác, như phát hành trái phiếu, mua bán cổ phiếu, cổ phiếu quỹ… Việc thành lập Quỹ Phát triển DNNVV nhằm tập trung hỗ trợ cho những DN có phương án sản xuất kinh doanh khả thi thuộc các lĩnh vực khuyến khích, ưu tiên của Nhà nước. Bên cạnh đó, DN được hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ qua 2 hình thức cho vay ưu đãi không lãi suất và lãi suất thấp bằng lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Hỗ trợ mặt bằng sản xuất, đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật

Nhà nước đã có nhiều biện pháp tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận đất sạch phục vụ cho sản xuất, kinh doanh thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất; có cơ chế tạo thêm quỹ đất, quy định cụ thể về việc thu hồi đất nếu DN không thực hiện sử dụng đất theo quy hoạch hoặc để đất nhàn rỗi, chậm thực hiện kế hoạch đầu tư. Bên cạnh đó là các biện pháp trợ giúp DNNVV gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi, thực hiện giao dịch mua bán công nghệ trực tuyến; Hỗ trợ DNNVV đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ (Thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, khuyến khích DN đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, khuyến khích thương mại hóa và phát triển thị trường tài sản trí tuệ. Phát triển DN công nghệ cao; khuyến khích DNNVV hình thành Quỹ Phát triển khoa học công nghệ tại DN; hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa).

Hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường, tham gia mua sắm, cung ứng dịch vụ công

Các bộ, ngành đã thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như xuất khẩu, xúc tiền thương mại thị trường trong nước và miền núi, biên giới, tập trung cho các chương trình lớn, có trọng tâm trọng điểm và có hiệu quả..

Luật Đấu thầu năm 2013 quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu đối với DN nhỏ khi tham gia đấu thầu trong nước để cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, xây lắp. Đây là quy định mới so với trước đây, tạo cơ hội cho DNNVV tham gia cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho mua sắm công của Chính phủ.

Hỗ trợ thông tin, giúp phát triển nguồn nhân lực, xây dựng vườn ươm doanh nghiệp

Nhiều chương trình tư vấn kiến thức về kinh doanh, công nghệ và quản lý sản xuất; tư vấn phát triển sản phẩm, phát triển thị trường; xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ DN đã được thực hiện. Nhiều chương trình đào tạo khởi sự, quản trị DN, cơ chế hợp tác giữa nhà trường và DN trong đào tạo nguồn nhân lực; đào tạo nghề, tuyên truyền nghề và phát triển nghề cho lao động nông thôn đã giúp nâng cao năng lực quản trị và tạo điều kiện cho DNNVV thuận lợi trong tuyển dụng lao động, tiếp cận nguồn lao động chất lượng cao… Bên cạnh đó, 8 vườn ươm DN khoa học công nghệ cũng đã được xây dựng và đưa vào hoạt động tại các địa phương. Các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.

Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành còn triển khai một số cải cách, chính sách hỗ trợ cho DNNVV như cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; hỗ trợ về thuế như gian hạn nộp thuế TNDN, GTGT, hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường, giảm tiền thuê đất, áp dụng sớm các mức thuế suất giảm; hỗ trợ pháp lý cho DN; khuyến khích phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, hình thành mạng liên kết sản xuất, chuỗi giá trị cho DN; khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ DNNVV thực hiện hệ thống kiểm toán môi trường và quản lý sinh thái; hỗ trợ DN kiểm soát rủi ro môi trường, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí…

Đánh giá tác động của các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV đã đạt được một số kết quả như: (1) DNNVV tiếp cận tài chính, tín dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; (2) Công tác đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho các DNNVV đã được đưa vào kế hoạch hàng năm của các bộ, ngành và địa phương; (3) DNNVV được trang bị các kiến thức có hệ thống, giúp DN tự tin trong kinh doanh và xây dựng chiến lược kinh doanh với tầm nhìn dài hạn và bền vững; (4) Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã thu hút được sự tham gia tích cực của các địa phương, tổ chức hiệp hội DN ngành nghề, hỗ trợ cho hàng nghìn DNNVV; (5) Những chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ đã giúp DN kết nối cung – cầu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh…

Kết quả cụ thể: DNNVV chiếm khoảng 97,85% số lượng DN, trong đó DN siêu nhỏ chiếm trên 70%; DN nhỏ chiếm trên 25%; DN vừa chiếm 2%. Bình quân 1 DNNVV Việt Nam có 15 lao động, vốn đăng ký 6,1 tỷ đồng; Theo địa bàn: Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 35-40% (trong đó TP. Hồ Chí Minh chiếm trên 30%), đồng bằng sông Hồng khoảng 30-33% (trong đó Hà Nội chiếm 20%); Theo phân bổ ngành nghề: DNNVV có mặt hầu khắp các lĩnh vực, ngành, hàng của nền kinh tế: bán buôn, bán lẻ khoảng 45%; chế biến, chế tạo khoảng 17%; một số lĩnh vực vốn là lãnh địa “độc quyền” khu vực DN nhà nước như điện, cung cấp nước, gas, khí đốt, khai khoáng hoặc đòi hỏi vốn lớn và hạn chế số lượng như tài chính, ngân hàng bảo hiểm khoảng 1%, thông tin, truyền thông khoảng 2%; các hoạt động dịch vụ công như giáo dục, y tế và các ngành khác cũng có khoảng 5% DNNVV đang hoạt động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, DNNVV là lực lượng đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể: Đóng góp vào GDP và xuất khẩu: năm 2013 khu vực DNNVV đóng góp 43,2% GDP và 31% xuất khẩu; với xu hướng cổ phần hóa các DNNN ngày càng diễn ra mạnh mẽ, khu vực DNNVV sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước; Đóng góp vào các khoản thu ngân sách nhà nước: Mặc dù giai đoạn khó khăn 2010-2013 đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của DNNVV nhưng khu vực này vẫn đóng góp khá tích cực vào ngân sách nhà nước. Năm 2010, DNNVV đạt 181,06 nghìn tỷ đồng, chiếm 41%; năm 2011, đạt 181,21 nghìn tỷ đồng, chiếm 34%; năm 2012, đạt 205,26 nghìn tỷ đồng, chiếm 34% và năm 2013, đạt 184,65 nghìn tỷ đồng chiếm 29%.

Đóng góp trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực DN: Trong giai đoạn 2010-2012, vốn đầu tư toàn xã hội của DNNVV có nhiều biến động. Năm 2010, vốn đầu tư toàn xã hội của DNNVVN là 236.119 tỷ đồng, chiếm 32% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của DNNVV là 236.119 tỷ đông, chiếm 32% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực DN. Tuy nhiên, năm 2012, chỉ tiêu này lại giảm xuống, duy trì ở mức 235.463 tỷ đồng, chiếm 29%. Năm 2013, chiếm 38%. Trong cơ cấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội của các DNNVV, DN nhỏ chiếm tỷ lệ cao nhất, từ 62-68% qua các năm 2010-2012.

Các chủ trương, chính sách hỗ trợ DNNVV của Đảng, Nhà nước từng bước đi vào cuộc sống; việc thực thi chính sách hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương đối với phát triển DNNVV có hiệu quả, giúp cho cộng đồng DNNVV nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển bền vững. DNNVV thúc đẩy tăng trưởng GDP và tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định xã hội, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những tồn tại và giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tuy đứng đầu về số lượng nhưng DNNVV còn quá thấp, chưa tận dụng được tác động của các DN đầu tư nước ngoài, trình độ quản lý yếu kém. Kỹ năng của người lao động DNNVV không đáp ứng được yêu cầu… Các chuyên gia đánh giá, một số chính sách còn thiếu quy định hỗ trợ cụ thể áp dụng cho DNNVV; một số ưu đãi thuế cho DNNVV còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, quy mô hỗ trợ DNNVV còn hạn hẹp, như chính sách về vườn ươm DN, bảo lãnh tín dụng, chính sách tư vấn về quản trị kinh doanh và nâng cao hiệu quả sản xuất do nguồn lực còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào tài trợ quốc tế. Chất lượng và nội dung hỗ trợ chưa cao, công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa bám sát nhu cầu thực tế của DNNVV. Thời gian xây dựng, ban hành một số chính sách còn kéo dài, chưa đi vào cuộc sống, làm giảm hiệu quả thực thi chính sách.

Thực tế triển khai các chính sách, chương trình còn ở mức độ thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của DNNVV; hệ thống triển khai các chương trình chưa kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Một số chính sách hỗ trợ được triển khai trong thời gian dài song hiệu lực, hiệu quả thực thi còn thấp như: tỷ lệ DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng và vốn ngân hàng thấp, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV kém hiệu quả....

Nguyên nhân của những hạn chế này là do vẫn còn tồn tại những nhận thức về thành phần kinh tế tư nhân chưa đúng, chưa chú trọng phát triển DNNVV. Tư duy chậm đổi mới, vẫn coi DN là đối tượng quản lý mà chưa coi là đối tượng cần được khuyến khích, hỗ trợ phát triển. Công tác thể chế hóa còn nhiều bất cập, việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số bộ ngành, địa phương còn hạn chế; chưa tham khảo ý kiến cộng đồng DN khi ban hành chính sách nên thiếu tính khách quan, thực tiễn và khả thi thấp, nhiều chính sách không đi vào được cuộc sống. Hệ thống thị trường hàng hóa, dịch vụ và các yếu tố đầu vào của sản xuất chưa đồng bộ, chưa thông suốt, chưa hoàn thiện. Vai trò của các hiệp hội ngành hàng vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó là sự yếu kém từ nội tại các DNNVV như quy mô còn nhỏ, cơ cấu ngành chưa hợp lý, năng lực, trình độ quản lý còn yếu, kỹ năng người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu…

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, trong thời gian tới cần chú trọng các giải pháp sau: Thực hiện đánh giá lại toàn diện hoạt động của khu vực DNNVV; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ; Hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Phát triển đồng bộ thị trường hàng hóa, dịch vụ và thị trường các yếu tố đầu vào của sản xuất để tạo điều kiện cho DNNVV hoạt động có hiệu quả, có các nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh.

Chính quyền các địa phương cần triển khai thực hiện chính sách phù hợp, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV; Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho DNNVV… Các Hiệp hội DNNVV, Hiệp hội ngành nghề cần nâng cao uy tín năng lực và tầm ảnh hưởng của các tổ chức Hiệp hội; Phát huy vai trò là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước và DNNVV, tham vấn DNNVV; Thực hiện tốt vai trò là kênh quan trọng phản biện chính sách về DNNVV.

Các tổ chức tài chính, tín dụng, các tổ chức khoa học – công nghệ, giáo dục và đào tạo cần tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV, tư vấn hướng dẫn, giúp đỡ; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Về phần mình, các DNNVV cần tự hoàn thiện, nâng cao năng lực quản trị DN theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống kế toán theo hướng minh bạch, rõ ràng; đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, đào tạo nâng cao tay nghề của công nhân…

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tóm tắt chủ trương, chính sách đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả đối với DNNVV trong điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương;

2. Kỷ yếu Hội thảo: “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển DN”, Ban Kinh tế Trung ương;

3. Trang điện tử của VCCI; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.