Chưa nên áp dụng biện pháp phá sản ngân hàng

PV.

(Tài chính) Qua phân tích và đánh giá cụ thể từng trường hợp cho thấy nếu áp dụng biện pháp phá sản ngân hàng trong bối cảnh hiện nay thì tổn thất cho Nhà nước và xã hội là rất lớn và có thể gây mất an toàn hệ thống.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 (Đề án 254), tái cấu trúc các tổ chức tín dụng hiện đang được Quốc hội và Chính phủ đánh giá đây là một trong những điểm sáng nhất trong bức tranh tái cấu trúc kinh tế Việt Nam.

Trong số 9 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) yếu kém được xác định từ năm 2012, đến nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại (1 ngân hàng đang trong quá trình đàm phán giai đoạn với một đối tác ngoại)… Điều đáng mừng là sau khi sáp nhập, hợp nhất hoặc phương án cơ cấu lại được NHNN chấp thuận, các ngân hàng đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, quản trị…, nhờ đó hoạt động ổn định và tình hình cải thiện hơn.

Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, đến nay đã hoàn thành cổ phần hóa 4 ngân hàng, trong đó 3 ngân hàng (gồm Vietcombank, BIDV và VietinBank) đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược. Riêng Agribank, hiện NHNN cũng đã phối hợp với các bộ liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý những sai phạm, yếu kém phát hiện qua thanh tra và tái cơ cấu của các công ty con. Hiện Agribank cũng đã tích cực triển khai tái cơ cấu tổ chức bộ máy, mạng lưới và nhân lực, xử lý nợ xấu, điều chỉnh lại hoạt động đầu tư…

Năm 2015, NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo Đề án 254, trong đó có định hướng tái cơ cấu các ngân hàng thương mại để trở thành các ngân hàng vươn ra tầm khu vực. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong năm 2015 là sẽ tiếp tục tái cơ cấu một số tổ chức tín dụng, trong đó sẽ xử lý từ 6 đến 7 ngân hàng thông qua hình thức sáp nhập. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, trong giai đoạn hiện nay, quan điểm xử lý, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã được Chính phủ phê duyệt là phù hợp, bảo đảm tránh gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát và giữ ổn định hệ thống.

Trong cuộc trả lời báo chí mới đây về chủ trương mua lại các ngân hàng thua lỗ của NHNN có hiệu quả chưa rõ ràng trong khi NHNN lại phải ôm vào một khoản nợ xấu lớn, rất khó xử lý và nguy cơ mất vốn cao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên khẳng định việc NHNN mua, tiếp quản ngân hàng thương mại yếu kém là cách làm phù hợp thông lệ quốc tế, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã áp dụng. 

Theo đó, một khi ngân hàng thương mại gặp khó khăn, thua lỗ, NHNN cần có biện pháp xử lý phù hợp như yêu cầu tự tái cấu trúc; thực hiện hợp nhất, sáp nhập, mua lại tự nguyện hoặc bắt buộc. NHNN sẽ trực tiếp hoặc chỉ định ngân hàng thương mại Nhà nước mua lại cổ phần, vốn góp của ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm sự an toàn, ổn định, trật tự của hệ thống ngân hàng thương mại, thị trường tài chính và quyền lợi của người gửi tiền theo quy định.

Người phát ngôn của Chính phủ khẳng định, việc can thiệp bắt buộc của NHNN thông qua mua, tiếp quản ngân hàng thương mại yếu kém để xử lý, cơ cấu lại chỉ được thực hiện khi ngân hàng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu, không sáp nhập, hợp nhất tự nguyện được hoặc trong trường hợp chỉ định ngân hàng thương mại nhà nước mua lại, nhận sáp nhập sẽ có tác động tiêu cực trực tiếp đến tình hình tài chính, hoạt động của ngân hàng thương mại nhà nước.

Việc NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của ngân hàng yếu kém và chuyển thành ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước (như áp dụng đối với Ngân hàng Xây dựng vừa qua) được thực hiện theo quy định của pháp luật (Điều 149 Luật các Tổ chức tín dụng, Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg hướng dẫn chi tiết về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt). Đây là biện pháp mạnh, khẳng định quyết tâm của Chính phủ, NHNN kiên quyết xử lý triệt để, tái cơ cấu những tổ chức này, đồng thời cảnh báo trách nhiệm của các cổ đông nói chung, nhất là các cổ đông lớn trong việc quản trị, điều hành, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng. 

Sau khi mua lại ngân hàng yếu kém, NHNN sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý những tồn tại, yếu kém và cơ cấu lại toàn diện, nhất là về quản trị, điều hành, chiến lược kinh doanh phù hợp hơn, lành mạnh hoá tài chính, xử lý nợ xấu để thu hồi vốn cho ngân hàng. Nợ xấu của các ngân hàng yếu kém (phần lớn có liên quan hoặc có tài sản bảo đảm là bất động sản) sẽ được thu hồi, xử lý triệt để bằng các biện pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp với sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan chức năng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang phát triển ổn định thuận lợi, cùng với đó các hoạt động kinh doanh mới của ngân hàng sẽ tạo lợi nhuận bù đắp các tổn thất còn lại (nếu có).     

Thực tế cho thấy, sự phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng có vai trò hết sức quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế. Do vậy, việc áp dụng biện pháp phá sản ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, qua phân tích và đánh giá cụ thể từng trường hợp cho thấy tổn thất cho Nhà nước và xã hội là rất lớn và có thể gây mất an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, trong nỗ lực tái cấu trúc ngân hàng, quan điểm nhất quán của Chính phủ là không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và mua lại, xử lý ngân hàng yếu kém nói riêng. Trong trường hợp phải bỏ tiền ra để mua cổ phần của ngân hàng yếu kém thì NHNN sử dụng nguồn vốn của NHNN theo quy định của pháp luật. Tất cả số tiền này sẽ được thu hồi sau thời gian tái cơ cấu lành mạnh tình hình tài chính bằng chính lợi nhuận của các ngân hàng này cũng như bán lại số cổ phần đã mua cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nguồn vốn để xử lý, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém chủ yếu là nguồn vốn huy động trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.