Chưa quản lý được quỹ tài chính ngoài ngân sách
Mặc dù Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân vẫn giữ nguyên quy định rằng, Quốc hội có nhiệm vụ quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, song theo PGS., TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội (khoá XI), cần quy định rõ hơn vấn đề này.
PGS., TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội (khoá XI)
Quốc hội là cơ quan đại diện cho quyền lực của dân, cần quyết định và được biết các quỹ tài chính nhà nước được hình thành, sử dụng ra sao và phải có trách nhiệm giám sát tất cả các quỹ ngoài ngân sách. Điều này cần phải được hiến định. Hiến pháp không chỉ chế định về ngân sách nhà nước, mà cần chế định toàn bộ tài chính nhà nước, trong đó có các quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Quỹ tài chính ngoài ngân sách được thành lập ngày một nhiều, liệu Quốc hội có đủ nhân lực, thời gian giám sát, quản lý được hết?
Dù không thuộc ngân sách nhà nước, nhưng các quỹ này đều thuộc phạm vi của tài chính nhà nước, bộ phận cấu thành của tài chính quốc gia. Đã là tài chính nhà nước, thì dù nhiều hay ít, Quốc hội phải quyết định và thực hiện giám sát. Còn hiện nay, các đại biểu Quốc hội không biết có bao nhiêu quỹ, vốn của mỗi quỹ là bao nhiêu, các quỹ này hoạt động ra sao, kết quả mang lại như thế nào…, vì các cơ quan quản lý quỹ rất ít khi, nếu không nói là hầu như chưa báo cáo công khai trước Quốc hội.
Bản thân tôi, trong thời gian làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội khoá XI, cũng chưa được nghe báo cáo đầy đủ, chi tiết về các quỹ tài chính nhà nước. Chỉ mới đây, khi tham gia một cuộc họp thẩm tra báo cáo, tôi mới được biết, có những bộ, ngành đang chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng rất nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách. Trong đó, có không ít quỹ có quy mô rất lớn, hoạt động hàng chục năm, nhưng hiệu quả không cao, tình trạng sử dụng sai mục đích cũng không hiếm.
Để quản lý, giám sát chặt chẽ các quỹ tài chính ngoài ngân sách, theo ông, có cần phải xây dựng Luật Quản lý tài chính ngoài ngân sách?
Tỷ lệ động viên từ thu nhập quốc dân vào ngân sách nhà nước ngày càng giảm, vốn và nguồn kinh phí của các quỹ tài chính ngoài ngân sách ngày càng lớn cả về quy mô và tỷ trọng. Nếu Quốc hội không quyết định, không giám sát quỹ tài chính ngoài ngân sách, thì không thể quyết định và giám sát được toàn bộ tài chính nhà nước. Vì vậy, trước hết, cần phải chế định trong Hiến pháp về tài chính quốc gia, tài chính nhà nước, quy định rõ Quốc hội phải chịu trách nhiệm quyết định thành lập, giám sát, phân bổ và sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Năm 2013, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước; Luật Đầu tư công, mua sắm công; Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi. Đây là những luật rất quan trọng trong chế tài các hoạt động quản lý tài chính nhà nước, tài sản quốc gia, nhưng chưa đủ và chưa chế tài việc quản lý, giám sát chặt chẽ các quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Tôi cho rằng, cần ban hành Luật Tài chính nhà nước, trong đó chế tài toàn bộ các hoạt động của tài chính nhà nước, bao gồm cả ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước và các hoạt động tín dụng nhà nước (vay, cho vay và trả nợ của Chính phủ).