Chưa rõ ràng khái niệm sở hữu chéo

Theo chinhphu.vn

(Taichinh) - Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp chưa thể hiện rõ ràng vấn đề sở hữu chéo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại hội thảo về dự thảo Nghị định nói trên ngày 13/5, ông Vũ Phương Đông, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Điều 3 của dự thảo đã cụ thể một số nội dung về hạn chế sở hữu chéo giữa các công ty được quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2014.

Tuy nhiên, quy định tại Khoản 1 Điều 3 dự thảo: “Công ty con theo quy định tại khoản 2 Điều 189 Luật Doanh nghiệp là công ty đối với công ty mẹ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp” là chung chung, tối nghĩa, không cụ thể vấn đề.

Khoản 3 Điều 3 quy định về khái niệm sở hữu chéo: “Sở hữu chéo là việc đồng thời hai hoặc nhiều doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau”. Ông Đông kiến nghị, dự thảo cần quy định cụ thể sở hữu chéo trực tiếp của hai doanh nghiệp, sở hữu chéo gián tiếp của nhiều doanh nghiệp.

Sở hữu chéo trực tiếp là hình thức công ty A sở hữu cổ phần, phần vốn góp của công ty B và ngược lại. Còn sở hữu chéo gián tiếp của nhiều doanh nghiệp là hình thức công ty A sở hữu cổ phần, phần vốn góp của công ty B, công ty B sở hữu cổ phần, phần vốn góp của công ty C, công ty C lại sở hữu cổ phần, phần vốn góp của công ty A.

Ngoài ra, Luật sư này cũng lưu ý quy định tại Khoản 4 Điều 3 của dự thảo: “Công ty mẹ mà nhà nước có sở hữu từ 65% vốn điều lệ trở lên và các công ty con của công ty này không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp”. Luật sư cho rằng quy định này chưa chặt chẽ và có phần mâu thuẫn với Khoản 1 Điều 17 Nghị định 69/2014/NĐ-CP. Điều 17 Nghị định 69 cấm hoàn toàn hoạt động đầu tư góp vốn vào nhau giữa các công ty trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Đồng ý kiến, Luật sư Bùi Thanh Lam, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Quy định như tại Dự thảo (khoản 3 Điều 3) mới chỉ dừng lại việc chống sở hữu chéo vốn chủ sở hữu (phần vốn góp/cổ phần) của nhau, thực tế thì không đơn giản như vậy. Bởi trên thực tế có nhiều hình thức mà xét về bản chất dòng tiền là sở hữu chéo, nhưng hình thức giao dịch lại không phải là sở hữu chéo.

“Quy định như trong dự thảo mới chỉ tính đến sở hữu trực tiếp, thế còn sở hữu gián tiếp có tính không? Có cần quy định khống chế/hạn chế không? Đây là những vấn đề thực chất của sở hữu chéo và cần phải có quy định để hạn chế nó” – Luật sư Bùi Thanh Lam nói.

Chẳng hạn, Công ty A (mẹ) góp vốn hoặc mua cổ phần trên 50% vào Công ty A’ (công ty con), Công ty A’ thông qua việc đầu tư vào các Quỹ đầu tư để Quỹ mua cổ phần hoặc góp vốn của Công ty A. Trường hợp này có bị tính là sở hữu chéo không?

Luật sư Bùi Thanh Lam cũng chỉ ra, tại Khoản 2, Điều 189 Luật Doanh nghiệp quy định công ty con “không” được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ, các công ty con của cùng một công ty mẹ “không” được góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau. Tuy nhiên, tại điểm c, khoản 1, Điều 212 lại cho phép các công ty (không có vốn nhà nước) đã thực hiện thì được phép duy trì sở hữu chéo đã thực hiện trước ngày 1/7/2015 nhưng không làm tăng tỷ lệ sở hữu chéo.

Thế nhưng, “không” tăng tỷ lệ sở hữu chéo ở đây là về tỷ lệ số lượng giao dịch hay tăng về tỷ lệ giá trị tiền/vốn của các giao dịch góp vốn, mua cổ phần đã thực hiện? Nếu cấm tăng về giá trị tiền của các giao dịch là không khả thi vì nó biến thiên theo giá cả thị trường.